logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang - Mẫu 1

Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Hà Giang, địa danh du lịch hấp dẫn thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam, là điểm đến mang sắc thái của miền sơn cước núi rừng trùng điệp như một bức tranh thủy mặc. Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi lạc mình giữa chốn thiên nhiên kỳ thú khi đến với Hà Giang.

Nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, Mã Pí Lèng là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Giang với chiều dài khoảng 20 km. 

Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng.

Những dãy núi đá tai mèo cao vút, hiểm trở, đâm toạc bầu trời với đủ hình thù kỳ dị, chỗ thì dựng đứng, chỗ lại xô nghiêng, chỗ xanh rì cỏ cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi.

Dốc Pải Lủng uốn lượn với nhiều cua tay áo trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Theo Đỗ Doãn Hoàng trong bài viết Kỳ tích Mã Pí Lèng, “trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống)”. Đường đèo uốn khúc quanh co, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc. 

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang hay nhất

Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao gần 2000 m. Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng xứng đáng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam (cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ). Bạn sẽ bắt gặp nhiều người Mông đi bộ trên đường đèo, họ đi chợ Đồng Văn và về Mèo Vạc. Đôi khi có một vài người uống rượu say, ngủ hồn nhiên trên đường quên trời đất.

Cuối đường đèo, tới ngã ba Săm Pun - Mèo Vạc, nếu may mắn bạn sẽ thấy vài quán cóc ven đường trong những ngày nắng đẹp. Chiếc bàn gỗ đơn sơ, trên bày vài chai rượu cùng những chiếc bát sứt men cũ, lưa thưa dăm ba chiếc ghế gỗ. Vài người đàn ông đang ngồi phả khói thuốc một cách sảng khoái, mấy người phụ nữ và con trẻ đi bộ ngang qua ngoái đầu nhìn lại. Cuộc sống của họ ở nơi thâm sơn quỷ cốc này thật đơn giản.

Đứng trên đỉnh đèo, du khách như vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vĩ. Chặng đường chinh phục đèo hiểm trở với nhiều cung bậc cảm xúc, cảnh vật biến hóa khôn lường luôn thôi thúc ước mơ được một lần đặt chân đến của nhiều người, những kẻ đến rồi thì thèm muốn trở lại thêm nhiều lần.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang - Mẫu 2       

Danh thắng Núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ- Hà Giang), tên nhân dân thường gọi là Núi Đôi hoặc Núi Cô Tiên; được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. 

Chu vi của hai ngọn núi gần 1.000 m2, 2 ngọn núi tròn đều với diện tích xấp xỉ 3,6 ha. Tên Núi đôi gắn với tên địa danh thung lũng Tam Sơn (tức ba ngọn núi), không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên làng, tên xã là núi đã có tên. Núi đôi được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. 

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang hay nhất (ảnh 2)

Núi đôi Quản Bạ được ví như bộ ngực căng tròn người con gái và đã lưu truyền mãi trong nhân gian từ đời này qua đời khác, Núi đôi và ba ngọn núi ở thị trấn Tam sơn được nhân dân gìn giữ, nhiều câu truyền thuyết gắn với những gì thiên nhiên ban tặng được gửi gắm vào câu chuyện những ước muốn của dân tộc thiểu số nơi vùng cao về việc cải tạo, chế ngự thiên nhiên phục vụ sản xuất, mà ở đây là mong ước có nguồn nước tưới tiêu phục vụ đời sống con người, để có cuộc sống no đủ, cũng trong truyền thuyết muốn tôn vinh sự chung thuỷ, tôn vinh tình yêu đôi lứa. 

Với những giá trị về danh thắng, truyền thuyết đó, Núi đôi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận xếp hạng cấp Quốc gia.

Năm 2009 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất thế giới. Nếu được công nhận thì đó là niềm tự hào của người dân vùng cao nói riêng và người dân Hà Giang nói chung, ngoài ý nghĩa đó nó còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Núi đôi là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. 

Với giá trị đó, Núi đôi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào cũng là điểm nhấn để Cao nguyên đá Đồng Văn thêm sinh động, hấp dẫn với khách du lịch. Do đó chính quyền và người dân địa phương cần tôn tạo và cùng bảo vệ.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang - Mẫu 3

Nép mình giữa cao nguyên đá Hà Giang, thung lũng Sủng Là mang nét đẹp nên thơ và bình yên. Một lần được đặt chân tới, khám phá một Sủng Là đẹp đến ngất ngây người, chẳng thua kém gì chốn thần tiên quả là một trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch về chốn “ốc đảo” này.

Thung lũng Sủng Là là xã đẹp nhất của Hà Giang, được ví như “ốc đảo” nằm yên bình giữa lòng cao nguyên đá. Sủng Là gây ấn tượng đặc sắc với du khách với những nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây. Ở Sủng Là có làng Lũng Cẩm, nơi sinh sống hơn 60 hộ gia đình của các dân tộc như người Hán, người Mông, người Lô Lô… Du khách tới đây được tận mắt chứng kiến những nét đẹp vẫn còn nguyên vẹn trong đời sống của các đồng bào như dệt lanh, đèo gùi đi lấy rau, địu con…

Để đến được Sủng Là, du khách xuất phát tại Hà Nội, đón xe khách lên Hà Giang. Sau khi đã tới nơi, bạn có thể thuê xe máy vi vu mọi góc ngách ở Sủng Là. Còn nếu bạn là người ưa phượt, thích mạo hiểm, muốn khám phá những cung đường đèo ngoạn mục, thì có thể leo lên “chiếc ngựa sắt” để ngao du quả là một ý tưởng không chê vào đâu được.

Vào mỗi mùa trong năm, thung lũng Sủng Là tựa như bức tranh thiên nhiên đa màu sắc. Trong đó, mùa xuân được xem là thời điểm đẹp nhất ở ốc đảo này, hoa nở muôn nơi mang tới một khung cảnh trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Cũng có lẽ vì điều này mà nhiều người mến tặng cho Sủng Là một tên gọi thật trìu mến, đó là “đoá hoa hồng” trên cao nguyên đá.

Nghe tới đây, mọi người có vẻ nghĩ đã quá cường điệu bởi Sủng Là chỉ toàn là đá nhọn hoắt, lởm chởm, chĩa ngược lên trời xanh. Nhưng sự thật, đằng sau sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc ấy, sự khắc nghiệt về địa hình đã làm cho người dân nơi đây phải “gồng” mình chống chọi lại. Người dân biến núi non thành hoa, lúa, ngô… phục vụ cuộc sống thường ngày, tới đây quả là khâm phục đức tính của người dân vùng cao, chịu khó vô cùng.

Đến với Sủng Là, bạn được lạc lối vào khung cảnh đầy sắc màu tựa như chốn cổ tích thần tiên. Những tấm khăn đầy màu sắc sặc sỡ được khoác trên người của đồng bào dân tộc Lô Lô, H’mông, Dao… Du khách còn cảm nhận sự dung dị, chân phương đầy chân tình của đồng bào đối đãi với những kẽ lữ hành đầy yêu thương.

Đến với Sủng Là vào dịp cuối tuần, bạn được hoà mình vào không gian chợ phiên. Trước khung cảnh đất trời mênh mang, bạn sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước quang cảnh những người Mông bản địa dắt ngựa thồ hàng trên những dải đá tai mèo. Hay thấp thoáng đâu đó nghe tiếng khèn của các chàng trai Mông say sưa gọi bạn tình. Những cô gái bản địa sặc sỡ trong trang phục đầy những hoạt tiết trang trí. Khung cảnh này làm cho kẽ lữ hành muốn hoà nhập ngay lập tức để trải nghiệm những điều thú vị đầy hấp dẫn.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang hay nhất (ảnh 3)

Mặc dù nằm cheo leo trên những triền núi cao, mây xanh phủ quanh núi, cảnh sắc ở Sủng Là làm cho người ta thật sự mơ mộng. Hãy đến một lần để cảm nhận hết vẻ đẹp bình yên, nên thơ đầy màu sắc nơi núi rừng Tây Bắc để ta thêm yêu những điều giản dị nhất của cuộc sống.

Cho dù đời sống người dân ở thung lũng Sủng Là vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng lúc nào họ cũng nở nụ cười trên môi. Một lần được đặt chân tới đây, con người ta sẽ cảm nhận sự thư giãn, cảnh vật thật thanh bình và yên ả. Trong chuyến hành trình của mình, sao bạn không thử trải nghiệm mảnh đất đầy điều thú vị này, đang sẵn sàng dang tay chào đón bạn bất cứ lúc nào.

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Giang do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/04/2022 - Cập nhật : 11/06/2022