logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn 8 hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ - Mẫu 1

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ hay nhất

Ngược dòng thời gian, bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Công việc giao thương mỗi ngày thêm phần thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần trở thành một thắng cảnh của đất Tây Đô. Sau những năm 1958, bến này chính thức được đặt tên là bến Ninh Kiều. Phải chăng cái tên Cần Thơ cũng xuất phát từ bến sông này? Bởi theo như lời dân gian truyền tụng, xưa kia tại Ninh Kiều vào những đêm trăng sáng, thuyền bè tấp nập qua lại trên sông, khách tài tử, giai nhân đất Tây Đô thường cùng nhau lĩnh xướng thơ ca. Do vậy, bến còn có tên gọi là Cầm Thi, và chính tên gọi Cầm Thi được gọi trại ra thành tên của đất Cần Thơ bây giờ. Thời gian đắp đổi khôn lường, dòng sông cứ mải miết trôi ra biển cả, còn bến Ninh Kiều đã trở thành niềm tự hào của người dân đất Cần Thơ. Bởi Ninh Kiều là hình ảnh sinh động, là sự khởi nguồn của những vần thơ, để rồi không chỉ những thương nhân muôn ngả tìm về, mà khách văn chương cũng bao lần bịn rịn, lưu luyến bến Hàng Dương.

"Đất Châu Thành anh ở
Xứ Cần Thơ em về
Bấy lâu sông cạn biển kề
Phân tay mai trúc, dầm dề cuộc châu".

Dòng sông, bến nước, con thuyền bao đời nay vẫn thủy chung, gắn bó với con người nơi đây trong mối nhân duyên. Những con sóng vẫn ngày đêm vỗ nhịp thời gian, đưa con thuyền mải miết ngược xuôi theo dòng đời hối hả. Đâu chỉ là thi ca, nhạc, họa mà từ bến sông này, trên dòng sông này, những chuyến ngược xuôi đi về còn đảm nhận chức năng cao cả hơn, góp phần chuyển tải thông điệp văn hóa, văn minh để tạo nên sợi dây kết nối, bền chặt giữa Cần Thơ với mọi miền đất nước. Để du khách thập phương hôm nay có dịp tìm về chiêm ngưỡng thiên cảnh và thưởng thức những vật phẩm của vùng đất trù mật và phồn thịnh đã nổi tiếng bấy lâu nay "Cần Thơ gạo trắng nước trong".

Chợ nổi Cái Răng, bao nhiêu trái cây và nông thổ sản của một vùng đều được mang tới chợ, tất cả cùng trên các con thuyền, rập rình sông nước. Các "cây bẹo" được treo đầy hàng hóa, các loại quả, củ như: xoài, dứa, chôm chôm, cam, bưởi… Cũng như Bắc Kỳ, chợ là một nhu cầu giao lưu không thể thiếu, nhưng do đặc trưng địa hình và tập tục sinh hoạt nơi cư trú nên ở sông rạch miền Tây (và Tây Nam Bộ nói chung) người ta tổ chức mua bán ngay ở trên sông. Thật chẳng quá lời nếu ta nói Ninh Kiều là một kho trái cây đầy ắp, bởi liền kề với bến sông lại là nơi tập trung những quả ngon, vật lạ của Nam Bộ.

Đặc sản từng vùng, miền cùng có mặt ở nơi đây, xoài tượng, xoài thanh la, xoài giòn của Cao Lãnh, vú sữa trắng, quýt đường của Cần Thơ, măng cụt, sầu riêng, hay bưởi Biên Hòa, mít tố nữ Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhãn Bạc Liêu, cam mật Xa Đéc… Mỗi loại có một hương vị riêng đặc biệt mà chỉ cần thưởng thức một lần nhưng ấn tượng về nó sẽ mãi không quên.

Ninh Kiều hướng ra nơi hợp lưu giữa 2 dòng Cần Thơ và sông Hậu. Còn Ninh Kiều hôm nay đã thành một công viên to đẹp, là danh thắng hấp dẫn khách thập phương. Về đây, thiên cảnh và nhân cảnh cùng hài hòa, man mác. Dòng sông, bến sông đã cùng con người bao đời nay tạo dựng Cần Thơ. Bên bến Ninh Kiều, thường là vào những đêm trăng sáng, người miền Tây vẫn tổ chức lĩnh xướng thi ca.

Thành phố Cần Thơ hôm nay, nhiều nét mới đổi thay là một thành phố năng động, trẻ trung, căng đầy sức sống. Giờ đây, Cần Thơ đang có dịp thể hiện và tự khẳng định mình trước những thử thách đổi mới đi lên của đất nước. Cảng Cần Thơ là đầu mối giao lưu quan trọng bậc nhất miền Tây, kết nối Cần Thơ với mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Thời gian kéo theo nhiều sự đổi thay, Tây Đô, một danh xưng, niềm tự hào của người Cần Thơ nay được đặt trong một khu công nghiệp, phải chăng, điều đó đã thể hiện sự lớn mạnh, phát huy giá trị truyền thống, xây dựng quê hương của những con người sông nước Cần Thơ.

Nằm bên con sông thơ thâm trầm sâu lắng, Bến Ninh Kiều bao đời nay đã gắn liền với những con người miền sông nước Cần Thơ. Từng ngày chung ánh ban mai, chung cả những nỗi buồn vui hay vất vả lo toan trong cuộc sống đời thường. Những lời ca về con người, về một vùng sông nước miền Tây vẫn cất lên từ bến Ninh Kiều.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ - Mẫu 2

Người đi chợ nổi trên sông

Sớm mai đọng lại mảnh trăng hạ tuần

Thuyền ghe ngang dọc quây quần

Trăm quê bẹo dựng cột cần nhấp nhô.

Không chỉ là biểu tượng văn hóa đặc trưng vùng sông nước phương Nam, chợ nổi còn là một trong những điểm du lịch thú vị ở miền Tây mà bạn nên ghé thăm ít nhất một lần. Trong tất cả những chợ nổi lớn ở Tây Nam Bộ thì chợ nổi Cái Răng được xem là đặc sắc và sầm uất nhất. Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 180km, chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh sông Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ hay nhất (ảnh 2)

Thuở xưa đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ cũng chưa phát triển như bây giờ, nhu cầu trao đổi hàng hóa thì ngày một tăng cao. Không thuận tiện để họp chợ trên cạn, bà con địa phương bắt đầu tụ tập buôn bán trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng và chợ nổi Cái Răng cũng được hình thành từ đó.

Dù ngày nay mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rất hiện đại nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Cần Thơ.

Được biết, phiên chợ độc đáo này khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên cạn hiện tại. Tuy nhiên do trở ngại về giao thông đường thủy, về sau chợ được dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ khoảng 1km.

Hiện nay, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích khá rộng lớn. Nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh Xáng Xà No, chợ nổi Cái Răng rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán giữa các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long.

Giống như nhiều phiên chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Từ lúc 2 – 3 giờ sáng, chợ đã bắt đầu tấp nập ghe thuyền của các thương lái từ khắp nơi đến lấy hàng phân phối. Nếu có thể dậy sớm thì đây là thời gian khá lí tưởng để bạn thỏa thích tham quan và tìm hiểu. Tuy nhiên, lưu ý nếu đi chợ nổi vào lúc này thì trời còn khá tối không đủ ánh sáng để chúng ta có thể chụp được ảnh đẹp.

Trời về sáng tầm 5 – 6 giờ là thời điểm hoàn hảo để chúng ta đến với chợ nổi Cái Răng. Mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc các thương lái dần tản ra, nhường chỗ cho ghe đồ ăn, ghe bán trái cây miệt vườn và ghe chở khách du lịch. Tham quan chợ nổi Cái Răng vào lúc bình minh cũng là dịp để bạn ngắm nhìn những hoạt động của chợ được diễn ra một cách huyên náo và nhộn nhịp nhất.

Đến khoảng 8h sáng thì chợ vãn, chỉ còn lác đác vài chiếc ghe nhỏ bán cà phê, khung cảnh cũng không còn tấp nập, hồ hởi nữa. Lưu ý với những người không thể thức dậy thật sớm thì 7h sáng là thời điểm cuối cùng mà chúng ta có thể tham quan chợ. Tuy nhiên, thực tế tầm khoảng 7h30 thì hầu như các ghe thuyền cũng không còn hàng, các tiểu thương bắt đầu tản dần ra trả lại không gian yên tĩnh và thanh bình cho khúc sông.

Những mặt hàng chủ lực được bày bán ở chợ nổi Cái Răng là nông sản, trái cây, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng. Hằng trăm ghe thuyền lớn nhỏ, chiếc nào chiếc nấy chất đầy hàng hóa xuôi ngược trên dòng sông là hình ảnh đặc trưng mà bạn sẽ được nhìn thấy khi đến đây. Từ dưa hấu, thơm cho đến cam, xoài… tất cả đều là những loại trái cây miệt vườn tươi ngon được người dân tự tay chăm bón thu hoạch rồi đem ra chợ bán.

Ngoài ra tại đây còn có nhiều mặt hàng đặc sắc khác như xăng dầu, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tây, bánh kẹo… Có thể nói hầu như những mặt hàng nào ở phố chợ trên cạn có thì chợ nổi cũng sẽ có.

Ngày nay, chợ nổi Cái Răng không chỉ có các xuồng trái cây hay nông sản phẩm quen thuộc mà còn có thêm nhiều ghe thuyền bán nước uống, đồ ăn sáng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan vui chơi của khách du lịch.

Nét nổi bật nhất trong việc mua bán ở chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi ở miền Tây nói chung là cách thức quảng cáo chào hàng. Người bán dùng một cây sào dài chống ngay trước mũi ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những nông sản mà mình muốn bán chẳng hạn như bán cam thì người bán treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía...

Người miền Tây vốn nhân hậu thật thà thì dân thương hồ còn chân chất và đáng quý hơn. Người dân chợ nổi Cái Răng sống cùng với nhau phóng khoáng và thoải mái nghĩa tình. Họ thường nhường nhịn, chia sẻ và biết giúp đỡ lẫn nhau. Điển hình là các thuyền khách sẵn sàng để thuyền các tiểu thương cặp sát nạm thuyền của mình để chào hàng. Vì vậy mà chợ nổi Cái Răng lúc nào cũng bình yên, chẳng mấy khi có chuyện va chạm ghe hay tranh cãi ồn ào.

Nếu đã một lần đến với chợ nổi Cái Răng, bạn sẽ không thể quên cái không khí đông vui, tấp nập, ghe xuồng lướt qua lướt lại rộn ràng cả khúc sông rộng. Trải nghiệm ngồi trên chiếc thuyền lắc lư bồng bềnh chao đảo theo những con sóng rồi lắng nghe âm thanh huyên náo người mua kẻ bán sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy thật sự thích thú với văn hóa con người Nam Bộ.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ - Mẫu 3

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ hay nhất (ảnh 3)

Có dịp đi du Lịch Cần Thơ sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng, dạo bộ bến Ninh Kiều, thưởng thức trái cây, ẩm thực miệt vườn… du khách nhớ đến thăm những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn văn hóa miền Tây. Trong đó nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất xứ Tây Đô đã có trên 100 năm tuổi, được dùng làm bối cảnh của nhiều phim nổi tiếng.

Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ là điếm đến không thể thiếu với bất kì ai dù đặt tour Cần Thơ hay đi tự tức. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương. Căn nhà cổ này là một trong số ít những căn nhà cổ còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, có giá trị lớn trong việc hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long thời kì giao thoa giữa hai thế kỉ. Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ – một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy ngôi nhà theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng. Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong thủy rõ nét của người phương Đông, tạo nên một không gian hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. 

Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa. Khiến cho ngôi nhà vừa mang nét hoài cổ kính đáo vừa sống động, thơ mộng và tươi mới. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Có thể nói nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm ở miền Tây có phong cách kiến trúc ít trùng lẫn với ngôi nhà cổ nào. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Có thể nói nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm ở miền Tây có phong cách kiến trúc ít trùng lẫn với ngôi nhà cổ nào.

Khác biệt với nhiều những ngôi nhà khác, mặt tiền nhà cổ Bình Thủy không có cầu thang đi lên trực tiếp mà được thiết kế hai bên, chính giữa hai cầu thang là những cây hoa kiểng án ngữ thể hiện quan niệm phong thủy của người phương Đông. Đặc biệt, trước mặt tiền là hai cây đèn được đúc bằng đồng thời Pháp tại hai lối cầu thang lên xuống của hai bên ngôi nhà. Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.

Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.

Tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữa cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa của vùng đất ngày ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự tiếp thu, vận dụng tài tình, hợp lý đã làm cho công trình có một phong cách riêng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ 19-20 của tầng lớp dân giầu có ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Ngoài ra, du khách đến thăm còn có thể nhờ gia chủ giải thích thêm về lối kiến trúc cũng như những ẩn ý đặt trong từng cách bài trí của ngôi nhà. Bằng giá trị kiến trúc, lịch sử của mình, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là “di tích nghệ thuật cấp quốc gia”, ngày càng thu hút nhiều khách đến thăm. Nét độc đáo của nhà cổ Bình Thủy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm bối cảnh phim Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời... Nổi tiếng nhất là phim “Người tình” với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March của đạo diễn gạo cội người Pháp Jean Jacques Annaud. Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J. Annaud thú nhận: “Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây.

Nếu có dịp du lịch miền Tây về Cần Thơ, đừng quên ghé thăm nhà cổ Bình Thủy – ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô.

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Cần Thơ do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/04/2022 - Cập nhật : 11/06/2022