logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định

Tuyển chọn những mẫu mở bài hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định. Các bài mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định - Mẫu số 1

Đất nước Việt Nam vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và nổi tiếng. Một trong số đó chúng ta không thể không nhắc đến chính là khu di tích Hầm Hô thuộc địa phận tỉnh Bình Định.

Hầm Hô là khu di tích danh lam thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hầm Hô có địa thế hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, Nghĩa Bình Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng. Đây cũng là địa bàn những năm chống Mỹ cứu nước. Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần 3km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng. Với chiều rộng trên dưới 30 mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng.

Hầm Hô là tiếng gọi dân dã có từ rất lâu đời bắt nguồn từ trên đoạn sông này vào ban đêm thường có những âm thanh lạ lùng nổi lên rất rõ tựa như tiếng người cùng nhau hô hoán, sau đó một thời gian rất ngắn, trời có mưa giông thường xảy ra trên đoạn sông Kút. Từ những tiếng hô hoán như vậy nên đoạn sông này được gọi là Hầm Hô, xuất phát từ cụm "hô phong hoán vũ" mà việc cầu mưa là một vấn đề rất linh thiêng từ thuở xa xưa.

Mùa xuân là thời điểm đẹp nhất trong năm nếu muốn đến vãn cảnh Hầm Hô. Du khách mua vé thuyền 5.000đ/người/lượt để đi tới Bờ Ðập. Sau đó, ngược dòng sông, qua thắng cảnh lộng lẫy như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát..., Du khách đến với khu du lịch Hầm Hô còn có thể tham quan một số di tích lịch sử như: dinh Tiên Hiền, hang Bảy Cử... Dinh Tiên Hiền nằm ngay cổng vào khu du lịch, là nơi thờ 2 anh em Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng - 2 vị tiền nhân đã có công nghiên cứu thực địa, giúp người dân địa phương đào núi, ngăn sông, khơi dòng nước tưới cho ruộng đồng vào cuối thế kỷ 19. Đến Hầm Hô, du khách sẽ được trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn như bơi thuyền kayak, câu cá, xem biểu diễn trống trận Quang Trung và nhạc võ, tham dự chương trình “Đêm giữa đại ngàn Hầm Hô” và thưởng thức các món ẩm thực địa phương tại nhà hàng Hoa Lộc Vừng,…

Hầm Hô nói riêng và các di tích khác nói chung đều mang những bản sắc riêng biệt nhất định. Nếu có dịp, chúng ta hãy ghé thăm những danh thắng này để hiểu, từ đó có ý thức bảo vệ, giữ gìn và quảng bá vẻ đẹp của dân tộc đến với bạn bè năm châu quốc tế.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định - Mẫu số 2

Bình Định- mảnh đất địa linh nhân kiện trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Mảnh đất nơi đây đã được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp từ những bãi biển, hòn đảo thơ mộng đến những di tích lịch sử từ ngàn đời và Tháp Đôi là một trong số những danh lam thắng cảnh độc đáo, nổi tiếng ở Bình Định.

Tháp Đôi hay còn được gọi với cái tên gọi khác là Tháp Hưng Thạnh, là một trong số những tháp chàm nổi tiếng ở Bình Định. Tháp Đôi nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3 ki-lô-mét về hướng Tây Bắc, ngay trên đường Trần Hưng Đạo, quận Đống Đa, thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Định. Theo các nhà nghiên cứu, Tháp Đôi được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XII đến đầu thế kỉ XIII với kết cấu kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của lịch sử với những cuộc chiến tranh gay go, ác liệt, Tháp Đôi đã bị tàn phá nặng nề và từng có những khoảng thời gian bị rơi vào quên lãng. Song, qua nhiều lần trùng tu, được sự giúp đỡ của những chuyên gia Ba Lan và chuyên gia trong nước, Tháp Đôi ngày nay gần như đã được trả lại dáng vẻ của nó như thuở ban đầu. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 1980, Tháp Đôi đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Tháp Đôi nằm trong một khuôn viên có diện tích khoảng 6000 mét vuông, xung quanh tháp được bao bọc bởi vườn cây tươi tốt suốt bốn mùa và nổi bật trong số đó chính là loài hoa Chăm-pa. Cùng với đó, xung quanh Tháp Đôi còn có những hàng cau xanh mướt, những bóng dừa và khóm chuối mộc mạc, soi mình nơi chân Tháp làm cho Tháp thêm phần cổ kính và trầm mặc.

Thêm vào đó, Tháp Đôi còn có kiến trúc độc đáo với hai khối tháp liền kề nhau - một tháp lớn có độ cao khoảng 25 mét và tháp nhỏ có độ cao khoảng 23 mét. Điều đặc biệt của Tháp Đôi chính là được xây dựng bằng gạch nung xếp khít với nhau bằng một chất liệu có tính chất kết dính đặc biệt, đó cũng chính là nét độc đáo trong kiến trúc của người Chăm mà mãi cho đến ngày hôm nay con người vẫn chưa giải mã được. Cửa chính của cả hai tháp này đều quay mặt về hướng Nam và vòm phía trên của chúng thì có hình mũi tên. Cùng với đó, tháp được cấu trúc gồm có các phần chính là chân tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Chân tháp mỗi tháp được xây dựng từ những vật liệu khác nhau, chân của tháp lớn được xây dựng từ đá còn chân tháp của tháp nhỏ được làm từ gạch. Thân tháp là những khối hình vuông còn đỉnh tháp được có mặt cong, được tạo thành từ những khối gạch xếp khít vào nhau. Xung quanh tháp được chạm khắc rất tinh tế với các hình thù nổi bật như các tượng thần, các vũ công với những điệu múa quen thuộc trong truyền thuyết Champa,... Ở các góc của tháp được trang trí những hình ảnh mang đậm tín ngưỡng của người Chăm như tượng của chim thần Garuda, hình người ngồi có 6 hoặc 8 tay,... Bên trong Tháp Đôi thông qua biểu tượng cối và chày giã gạo để thờ linh vật linga và yoni.

Tháp Đôi Quy Nhơn là một trong số những công trình kiến trúc độc đáo, lưu giữ nét trí tuệ, tài năng và tín ngưỡng của con người ta từ ngàn đời nay. Bởi vậy, nơi đây là điểm đến, là minh chứng cho nền văn hóa Chăm từ ngàn đời để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á nói chung, văn hóa Chăm nói riêng về tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá. Thêm vào đó, Tháp Đôi còn là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm mỗi khi có dịp về với mảnh đất Bình Định.

Tháp Đôi Quy Nhơn là một trong số thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất Bình Định với những nét độc đáo trong kiến trúc và văn hóa. Trải qua thời gian, Tháp Đôi đã, đang và sẽ mãi là điểm đến lí thú dành cho du khách thập phương.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định - Mẫu số 3

Di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Di tích gốc gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bến Trường Trầu cùng Bảo tàng Quang Trung và các công trình văn hóa khác.

Điện Tây Sơn: sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Kiên Mỹ quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn bị hủy hoại, ly tán… Nhưng với tấm lòng tri ân những người anh hùng của quê hương, trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc, nhân dân dựng lên một ngôi đình cao to, bề thế, gọi là đình Kiên Mỹ, để bí mật thờ “Ba ngài Tây Sơn”.

Điện Tây Sơn được xây dựng lại trên nền đình Kiên Mỹ. Phía trước điện có cổng lớn, trụ xây bằng gạch, trên hai trụ cổng chính có câu đối bằng chữ Hán. Trên cổng là tấm bảng đúc nổi 3 chữ: Tây Sơn Điện. Phía trong cổng là nhà bia ghi công trạng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ bằng chữ quốc ngữ. Sau nhà bia là tiền sảnh nối với trung tâm điện chính.

Nội thất Điện hiện nay có 10 án thờ, các án đều làm bằng gỗ, chạm trổ công phu hình lưỡng long chầu nguyệt, dây leo, chùm nho… theo phong cách của miền Trung. Án tiền điện gọi là án Công đồng thờ chung những nhân vật nhà Tây Sơn.

Hậu điện có 3 án, ở giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ; bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc; bên trái là án thờ Đông Định Vương – Nguyễn Lữ. Sau các án thờ hậu điện là bức hoành lớn bằng gỗ có chạm trổ rồng, hoa văn và sơn son thếp vàng. Phía trước, hai bên đầu của ba án thờ có đặt hai giá gỗ để bát bộ binh khí: Trường đao, xà mâu, vòng âm dương, trường chùy, trường thương, trường kích, trường phủ, ba chĩa.

Hai phía Đông Tây trong nội điện, đặt các án thờ văn thần võ tướng thời Tây Sơn, cùng kích thước, chạm trổ hoa văn dây lá… Dãy phía Đông có 3 án thờ: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm; Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ; Đại Tư mã Ngô Văn Sở. Dãy phía Tây có 3 án thờ: Thiếu phó Trần Quang Diệu; Đô đốc Bùi Thị Xuân; Đại Tư đồ Võ Văn Dũng.

Các bức vách tường Đông, Tây đều dựng bức hoành bằng gỗ sơn son thếp vàng, có chạm khắc hoa văn và các biểu tượng: bút lồng trong cuốn thư (quan văn) và mặt hổ phù (quan võ). Hai phòng đầu hồi dùng để giá chiêng, giá trống.

Di tích Giếng nước được ghép bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành giếng cao 0,8m. Năm 1998, xây nhà mái che cổ lầu, hình lục giác, chiều dài mỗi cạnh 3,45m, mái đổ bê tông dán ngói vảy, thành giếng được bảo vệ bằng khung gỗ hình lục giác cách điệu như những mắt trúc

Cây me trên dưới 300 năm tuổi, gốc có chu vi 3,9m, tán rộng đến 30 mét, cành lá rậm rạp, che mát cả góc vườn. Ngoài giá trị lâu năm, tạo cảnh quan, cây me còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.

Năm 2007, tỉnh Bình Định có quyết định mở rộng tiếp khu đất di tích Điện Tây Sơn ra hướng Nam, sát bờ Bắc sông Côn, bao cả khu di tích lịch sử Bến Trường Trầu, với diện tích gần 6 ha (khu C,D). Khu vực Bến Trường Trầu đường đi được lát đá chẻ, bờ sông Côn cũng được kè đá để chống xói lở. Hàng năm, khu đất C, D được sử dụng làm khu vui chơi giải trí, nơi tổ chức các lễ hội và tôn vinh di tích lịch sử.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định - Mẫu số 4

Hầm Hô là khu di tích danh lam thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Hầm Hô còn có địa thế hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, Nghĩa Bình Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng. Đây cũng là địa bàn những năm chống Mỹ cứu nước.

Ngày 17-2-1995 UBND Bình Định đã ra Quyết định số 287/QĐ-UB công nhận khu danh thắng Hầm Hô và cho đăng ký khoanh vùng bảo vệ với diện tích 150.000 km2. Là một thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nhưng Hầm Hô hấp dẫn không phải bởi những công trình xây dựng nguy nga tráng lệ do bàn tay con người tôn tạo.

Chuyện kể rằng, Hầm Hô là tiếng gọi dân dã có từ rất lâu đời bắt nguồn từ một hiện tượng có thật thường xảy ra trên đoạn sông Kút. Hàng năm, vào thời điểm nóng nhất của mùa khô, đặc biệt là những năm hạn hán, lúc mà người dân mong đợi mưa xuống thì ngay trên đoạn sông này vào ban đêm thường có những âm thanh lạ lùng nổi lên rất rõ tựa như tiếng người cùng nhau hô hoán. Sau đó một thời gian rất ngắn, trời có mưa giông. Từ những tiếng hô hoán như vậy nên đoạn sông này được gọi là Hầm Hô, xuất phát từ cụm "hô phong hoán vũ" mà việc cầu mưa là một vấn đề rất linh thiêng từ thuở xa xưa. Tuy nhiên, theo giải thích của các nhà khoa học thì đây chỉ là hiện tượng tự nhiên. Hầm Hô là hạ lưu của sông Kút chảy uốn khúc quanh theo hai vách núi dày đặc cây rừng và đá trải nên nhiệt độ luôn thấp hơn lưu vực đồng bằng. Khi hạn hán đạt đến đỉnh điểm thì chắc chắn đất trời sẽ chuyển để đổ mưa. Chính trong giai đoạn chuyển mưa đã tạo nên những luồng không khí lạnh hơn, mạnh hơn tràn về hạ lưu. Khi qua Hầm Hô gặp phải một địa hình đặc biệt: cây rừng dày đặc cùng hang hốc thâm sâu của đá núi đã tạo nên âm thanh vang dội.

Theo người dân địa phương, mùa xuân là thời điểm đẹp nhất trong năm nếu muốn đến vãn cảnh Hầm Hô. Vào những ngày cuối đông, trời giáp Tết vẫn còn se lạnh, lúc đó sẽ có hàng vạn du khách tới Hầm Hô trên lối mòn ngoằn ngoèo dọc suốt bên sông. Du khách mua vé thuyền 5.000đ/người/1ượt để đi tới Bờ Ðập. Sau đó, ngược dòng sông, qua thắng cảnh lộng lẫy như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát..., những nơi tận cùng dòng sông Kút giáp với tỉnh Phú Yên và Gia Lai, du khách có một cảm giác thú vị và hiếu kỳ về một chuỗi vô tận của thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ.

Dòng sông Kút trải dài uốn lượn theo non xanh trùng điệp với những cảnh quan hoành tráng nên thơ đang nép mình phía sau cửa ngõ Hầm Hô. Từ đầu xuân đến cuối hạ, du khách có thể tới Hầm Hô thưởng ngoạn. Ðể đi theo tour tự mình khám phá, phải có ít nhất hai người dân địa phương dẫn đường với giá một ngày công cho một người là 50.000đ bao ăn uống hoặc liên lạc với Ban quản lý du lịch Hầm Hô. Trong hành trình trở về sông Kút, một điều dễ dàng nhận thấy là tiềm năng sẵn có trên con sông này nhiều nhưng chưa có điều kiện để phát triển. Hầm Hô hiện tại là khu du lịch khá nổi tiếng vì nét nguyên sơ của nó, nhưng để phát triển hơn nữa thì chưa thể thực hiện ngay được. Hầm Hô hấp dẫn nhưng gian truân và cách trở.

Cũng đã có người mơ tới một đường cáp treo được xây dựng dọc theo bờ sông Kút để cho du khách chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ hùng vĩ của núi rừng, cái quanh co uốn khúc của dòng sông, không gian mát dịu sảng khoái cùng ánh trăng rừng lung linh trên sóng bạc. Lúc đó Tây Sơn, Bình Ðịnh này sẽ là "Lâm viên du lịch hoang dã" nổi bật nhất nhì đất nước. Hy vọng khi có đường cáp treo, Hầm Hô sẽ là nơi hội ngộ du khách từ khắp bốn phương.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định - Mẫu số 5

Với tổng diện tích 42,3ha, khu du lịch Hầm Hô nằm trải rộng trong một thung lũng được bao quanh bốn bề là núi. Theo truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, ở vùng hạ lưu sông Kôn - sông Kút không năm nào lại không bị hạn hán đe dọa. Vào một hôm hạn hán khốc liệt nhất, chứng kiến thảm họa đói khát của các buôn làng, Thần Mưa đã tạo sông, hồ cứu vớt bao sinh linh. Từ đó tên gọi Hầm Hô được hình thành, bắt nguồn từ lễ tế thần linh "hô phong - hoán vũ" để cầu mưa.

Hầm Hô có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trong đó nổi bật là khúc sông dài khoảng 3km. Trong lòng sông có nhiều tảng đá hoa cương khổng lồ mang hình thù kỳ thú như: hòn Bóng, hòn Đá Đôi, hòn Chuông, hòn Đá Thành, hòn Gõ, hòn Đá Bàn Cờ... Đặc biệt, phía tả ngạn của khúc sông có thác Hầm Hô – kết quả của việc địa hình khúc sông bị gấp khúc đột ngột khiến dòng nước chảy mạnh xuống phía dưới tạo thành thác. Mùa mưa, cá ngược dòng lên thượng nguồn để sinh đẻ và phải vượt qua thác Hầm Hô. Tương truyền rằng xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn. Hai bên bờ sông xanh ngắt bởi cây rừng, chủ yếu là các loài sim tím, lộc vừng. Đây là môi trường sống của các loài chim cu gáy, khướu, vành khuyên, tắc kè...

Ngoài thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hữu tình, du khách đến với khu du lịch Hầm Hô còn có thể tham quan một số di tích lịch sử như: dinh Tiên Hiền, hang Bảy Cử... Dinh Tiên Hiền nằm ngay cổng vào khu du lịch, là nơi thờ 2 anh em Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng - 2 vị tiền nhân đã có công nghiên cứu thực địa, giúp người dân địa phương đào núi, ngăn sông, khơi dòng nước tưới cho ruộng đồng vào cuối thế kỷ 19. Hàng năm, cứ đến ngày 20 tháng Giêng âm lịch, người dân trong vùng lại tổ chức lễ tế tưởng nhớ 2 vị tiền nhân. Nằm sát bờ sông Hầm Hô là hang Bảy Cử với mái hang được che nghiêng bởi một phiến đá, nền hang là dải cát mịn. Đây là nơi mà Mai Xuân Thưởng - thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 thường đến để buông câu thư giãn và bàn chuyện quân cơ. Hang được đặt tên là Bảy Cử dựa theo tên gọi ở nhà của Mai Xuân Thưởng (Mai Xuân Thưởng là con thứ 7 trong gia đình và đỗ cử nhân kỳ thi Hương nên còn gọi là Bảy Cử).

Đến Hầm Hô, du khách cũng đừng bỏ lỡ dịp thưởng thức các dịch vụ du lịch hấp dẫn như bơi thuyền kayak, câu cá, xem biểu diễn trống trận Quang Trung và nhạc võ, tham dự chương trình “Đêm giữa đại ngàn Hầm Hô” với các hoạt động đốt lửa trại, xem biểu diễn và giao lưu võ thuật, nghe hát bài chòi, hò giao duyên... và thưởng thức các món ẩm thực địa phương tại nhà hàng Hoa Lộc Vừng như: cá mương chiên kèm rau rừng cuốn bánh tráng, chim mía rô ty, nộm măng, cá trủ kho tộ, trà lá vối, bánh ít lá gai...

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bình Định do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 29/03/2022 - Cập nhật : 09/06/2022