logo

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai

Để nói về những danh lam thắng cảnh đẹp ở Gia Lai thì có sử dụng hàng trăm mỹ từ cũng không nói hết được sự độc đáo và phong phú của nó. Vậy có những danh lam thắng cảnh nào đẹp? Hãy cùng tìm hiểu qua bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai dưới đây nhé!


Dàn ý Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai

a. Mở bài

- Giới thiệu hai danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Gia Lai là Biển Hồ và Núi lửa Chư Đăng Ya.

- Khái quát cảnh đẹp ở hai địa danh này: là niềm tự hào của người dân Gia Lai nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung

b. Thân bài

- Khái quát về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển.

- Vị trí địa lý, quanh cảnh trên và xung quanh Biển Hồ và núi lửa…

- Những ấn tượng về cảnh đẹp nơi này

- Cuộc sống của dân xung quanh nơi đây

- Giá trị ý nghĩa

c. Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp và giá trị kinh tế tinh thần của hai danh lam thắng cảnh trên

- Giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch của hai danh lam thắng cảnh đẹp này


Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai

      Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất Gia Lai đất đỏ màu mỡ để phát triển các cây công nghiệp như: cao su, cà phê, tiêu, điều… song thiên nhiên còn tặng cho nơi đây rất nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng nữa. Một trong những niềm tự hào của người dân Gia Lai chính là ngọn núi lửa Đăng Ya hùng vĩ và Biển Hồ thơ mộng, trữ tình.

      Ngọn núi lửa Đăng Ya huộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30km về hướng đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20km. Ngọn núi sừng sững trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, hoang sơ nhưng mang vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng. Theo đồng bào Tây Nguyên tiếng Đăng Ya có nghĩa là củ gừng dại, như vậy cái tên đã nói lên sức sống, sự hoang dại, tự nhiên của ngọn núi lửa. Theo sử sách ghi lại ngọn núi lửa này đã hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây từ hàng triệu năm trước. Từ rừng đại ngàn trên cao nhất nhìn xuống ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ, được các lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử.

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai

      Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại khiến cho đất đai xung quanh núi lửa vô cùng màu mỡ.  Người dân bản địa tận dụng để trồng rất nhiều các loại cây công nghiệp cho năng suất cao như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng. Xung quanh ngọn núi lửa Đăng Ya cây trồng quanh năm xanh tốt mà không cần tưới nước. Các loài hoa, có dại mọc um tùm, đua nhau khoe sắc tạo nên một cảnh đẹp nên thơ, trữ tình giữa đại ngàn. Mỗi mùa ngọn núi sẽ có những nét đặc sắc riêng, khi thì là sắc đỏ của hoa dong riềng báo hiệu mùa mưa đến, khi thì là sắc vàng của hoa dã quỳ báo hiệu mùa đông đến.  Đến vùng đất này bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình trong cảnh núi non hùng vĩ, lánh xa sự ồn ào, xô bồ của đô thị. Bao trùm Chư Đăng Ya là cảnh thiên nhiên mang đậm màu sắc của núi rừng Tây Nguyên với những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, những cánh đồng hoa bạt ngàn đến tận chân trời.

      Đặc biệt tháng 11 hàng năm hoa dã quỳ nở nhuộm vàng óng ả hai bên đường dẫn lối vào chân đồi, trải dài miên man tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên xung quanh núi càng thêm thơ mộng. Vào thời gian này sẽ có lễ hội hoa dã quỳ với rất nhiều hoạt động văn hoá thể thao phong phú. Du khách có thể thỏa sức ngắm hoa, leo núi, say theo men rượu cần, hòa vào vũ điệu cồng chiêng của người Tây Nguyên. Đặc biệt còn được thưởng thức những món ăn truyền thống mang màu sắc núi rừng như cơm lam, gà nướng, rượu cần, xôi ngũ sắc…

      Cách núi Đăng Ya không xa là khu du lịch Biển Hồ nổi tiếng. Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Biển Hồ gồm hai hồ chứa nước thông nhau với tổng diện tích khoảng 300ha, nước ở đây trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ. Con đường xuống thăm biển Hồ đẹp như tranh vẽ, hai bên là những hàng thông xanh ngút ngàn, các bậc đá tam cấp dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của nơi đây. Đặc biệt vào ngày 30/11/2018 tỉnh Gia Lai đã cho phục chế tượng Quan Thế Âm bồ tát làm bằng đá cẩm thạch trắng, cao tới 15m. Vì thế Biển Hồ còn trở thành một điểm du lịch sinh thái tâm linh do Trung Tâm văn hoá, Thông tin thành phố Pleiku quản lý.

      Sử sách kể lại rằng có hai chị em sinh ra trong một gia đình nhưng lấy chồng ở hai làng gần nhau. Làng người chị có một hồ nước lớn và gia đình người em ở một ngôi làng nhỏ. Một hôm hai chị em cùng đi hái măng rừng bỗng nghe trong bụi rậm có tiếng kêu la, đến gần thì phát hiện có cả đàn lợn rừng con. Hai chị em quyết định mang về nhà nuôi. Lạ kỳ thay con lợn không ăn thức ăn khác mà chỉ ăn đất cát. Vì thế người chị đã thề độc cả nhà sẽ không ăn thịt chú lợn, nếu ăn sẽ bị thần linh trừng phạt. Về phần người em cũng nuôi một chú lợn và nó cũng lớn dần, đến một ngày trong lễ trả ơn cho chị  người em quyết định sẽ thịt lợn để ăn, người em sau đó chia cho gia đình người chị. Vì lời thề năm xưa nên chị nhất quyết không ăn nhưng đứa con nó cứ khóc lóc đòi ăn nên người chị đảnh xẻo một miếng thịt nướng cho con ăn. Lạ kỳ thay đúng lúc đó đất trời rung chuyển, nhà cửa bốc cháy, phút chốc ngôi làng chìm trong biển nước, tạo thành hai hồ nước lớn nhỏ thông nhau nên người ta gọi là Biển Hồ.

      Biển Hồ là hồ tự nhiên hoang sơ, thơ mộng và có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng thống nhất rằng Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm nay. Còn với đồng bào dân tộc thiểu số Biển Hồ chính là niềm tự hào và gắn với rất nhiều những giai thoại thú vị. 

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai (Ảnh 2)

      Mỗi mùa Biển Hồ lại có điểm thu hút riêng. Mùa khô nước ít hơn để lộ những dải đất ba dan màu mỡ, thu hút nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa nước dâng cao tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Đẹp nhất là vào dịp tết nguyên đán. Thời tiết lúc này khô và lạnh, mặt nước trong hồ tĩnh lặng, trong xanh, cây cối đâm chồi nảy lộc tạo cảm giác yên bình đến lạ. Màn sương giăng kín trên mặt hồ mờ ảo kèm theo cái lạnh khiến du khách vô cùng thích thú khi được đặt chân đến nơi đây.

      Có thể nói danh lam thắng cảnh ở Gia Lai rất đẹp và có nhiều nét đặc trưng mà không địa phương nào có được. Hiện nay cả núi lửa Đăng Ya và Biển Hồ đều đã được khai thác để trở thành một khu du lịch nổi tiếng, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Gia Lai đến du khách thập phương. Song song với kế hoạch phát triển cần có tầm nhìn chiến lược, khai thác kết hợp với bảo tồn, giữ gìn, có như vậy mới giữ được nét đẹp đặc trưng của danh lam thắng cảnh nơi đây. Để người dân Tây Nguyên nói chung và người Gia Lai nói riêng mãi tự hào về những món quà ưu ái do thiên nhiên ban tặng mảnh đất đỏ ba dan này.

--------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Gia Lai. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 30/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023