logo

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu

Mảnh đất Bạc Liêu với những con người chất phác, hiền hoà, với truyền thống văn hoá lâu đời. Bạc Liêu còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Dưới đây sẽ là bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu, các em cùng tham khảo để có thể hiểu thêm về mảnh đất trữ tình này nhé.


Dàn ý Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về mảnh đất Bạc Liêu

- Khái quát một vài cảnh đẹp nơi này như Chùa Xiêm Cán…

2. Thân bài

- Giới thiệu nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển…

- Những đặc điểm nổi bật về cảnh quan, kiến trúc của các danh lam thắng cảnh này.

- Giá trị và ý nghĩa lịch sử…

- Giải pháp bảo tồn và phát triển

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị ý nghĩa của hai danh lam thắng cảnh trên.

- Liên hệ thực tiễn


Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu

      Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền đất cực nam của Việt Nam. Nơi đây được biết đến là có rất nhiều các danh lam thắng cảnh đẹp, các khu du lịch sinh thái thu hút hàng vạn lượt khách tham quan mỗi năm. Tiêu biểu là danh lam thắng cảnh chùa Xiêm Cán nơi lưu giữ những giá trị văn hoá và tinh thần của người Bạc Liêu.

      Chùa Xiêm Cán tọa lạc tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã 12 km về hướng đông nam. Tổng diện tích của chùa là 43.790 m2, chùa được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2001. Từ vị trí của chùa du khách có thể tiếp tục đi thẳng để khám phá các điểm đến nổi tiếng của vùng đất này như vườn nhãn cổ, cánh đồng điện gió… 

      Dựa theo một số tài liệu ghi chép lại thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7/5/1887. Tuy không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này nhưng chùa Xiêm Cán luôn là điểm chân dừng chân của mỗi du khách mỗi khi đặt chân đến Bạc Liêu chính bởi những kiến trúc độc đáo, chạm trổ hoa văn tinh vi, sắc sảo. Người có công xây dựng chùa là vợ chồng ông Nên và bà Nghét một gia đình giàu có trong làng rất sùng đạo đạo Phật. Cùng góp sức xây dựng chùa còn có 30 hộ gia đình khác có công hiến đất cho chùa và đóng góp kinh phí xây dựng chùa.Trong hơn hai tháng thi công thì hoàn thành ngôi chùa này. Sau đó bà con họp bàn mời pháp sư Thạch Mau về trụ trì chùa và đến nay ngôi chùa này đã trải qua 9 đời trụ trì và một vài lần trùng tu, sửa chữa.

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu

      Ban đầu chùa không phải tên là chùa Xiêm Cán. Tiếng Khmer nó có một cái tên khác là  Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa chỉ sự sâu xa, sự uyên bác của trí tuệ nhà phật. Ngoài tên gọi Komphisako, chùa còn có tên theo địa danh là Komphirsakor Prét Chru. Prét có nghĩa là “sông”, còn Chru có nghĩa là “sâu”, ghép lại là “sông sâu”. Thời gian sau có một bộ phận người Hoa đến định cư, vì tiếng Khmer khó đọc nên dịch sang thành Xiêm Cán.

      Ngôi chùa Xiêm Cán nói riêng và các ngôi chùa ở quanh Bạc Liêu nói chung đều mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Khmer - Campuchia. Tuy nhiên nếu so với những ngôi chùa khác thì ngôi chùa này nổi trội hơn bởi lối kiến trúc độc đáo, tỉ mỉ, quy mô lẫn phong cách nghệ thuật. Có đi sâu vào bên trong để ngắm nhìn bạn mới khám phá và cảm nhận hết sự độc đáo của ngôi chùa này.

      Ngôi chùa là tổng thể của nhiều hạng mục như cổng tam quan, tường thành bao quanh, chính điện, khu mộ tháp, cột trụ biểu, nơi nghỉ ngơi của các sư vãi… mỗi hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Khmer truyền thống. Từ đằng xa ngôi chùa đã hiện ra trước mắt chúng ta là màu vàng nổi bật. Bao quanh chùa là tường rào với nhiều hoa văn ấn tượng và được xây đắp rất kiên cố. Trong khuôn viên chùa là rất nhiều cây anh cao to, trồng thẳng hàng lối. Cổng chùa được đắp rất nhiều các hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ và nổi bật. Bên dưới bảng tên cổng còn có hai chim thần Krut và hai con rắn năm đầu uốn lượn. Nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa là bức tượng Phật có năm phần mái che, bức phù điêu, những đỉnh tháp cao vút, mái vòm cong được chạm trổ điêu khắc tinh xảo, tỉ mỉ.

      In trên nền trời xanh là cấu trúc mái theo nhiều tầng lớp xếp chồng lên nhau, trên các nếp mái được đắp các tượng rồng rất cầu kỳ. Đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng uốn cong ngược trông như những ngọn lửa. Chính điện có hai hàng cột to nâng mái tạo không gian thoáng đãng và mát mẻ. Bàn thờ chính trang trí nhiều hoạ tiết sắc sảo, trên đó là bệ tượng có hình bán nguyệt cao tới 2m, được chia thành 7 bậc thờ tượng phật thích ca mâu ni. Bên dưới tượng phật lớn là các tượng nhỏ hơn với nhiều tư thế, kích cỡ diễn tả các thời kỳ hoá thân khác nhau của Phật. Cột, trần, vách đều được trang trí nhiều màu sắc, công phu và cầu kỳ. Nổi bật là các bích hoạ kích cỡ lớn kể về hành trình phật sinh ra cho đến ngày tu thành chính quả.

      Chùa Xiêm Cán còn có sala giảng đường, nhà hội vừa được xây dựng vào năm 1997 bằng tiền do các Phật tử trong vùng quyên góp. Trên sala có khắc các tượng hình Xanac dắt con bạch mã đưa thái tử giác ngộ. Trong sala còn có bàn thờ phật và bàn ghế, sàn ván để tín đồ phật giáo có thể ngồi thiền, đọc kinh. Vách trần của sala cũng được trang trí bằng các hoạ tiết, hoa văn bắt mắt, tinh xảo. Đối diện sala giảng đường là 2 tòa tháp Phật với kích thước khác nhau, bên cạnh đó còn có tòa tháp xá lợi được chia làm 2 tầng.

      Không chỉ là ngôi chùa  nổi tiếng với lối kiến trúc và phong cách độc đáo, chùa Xiêm La còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hoá của người Khmer. Đặc biệt trong chùa còn một bộ sách cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang, giảng đường cổ với những quyển truyện kể dân gian từ thời xa xưa.

      Có thể nói trong thế giới văn hoá và tinh thần của người Bạc Liêu chùa Xiêm Cán giữ một vị trí quan trọng. Ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo, thể hiện sự tài hoa của người dân Bạc Liêu từ xa xưa. Trong tương lai chùa Xiêm Cán sẽ còn được du khách biết đến nhiều hơn nữa để góp phần quảng bá du lịch Bạc Liêu đến bạn bè trên toàn quốc.

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bạc Liêu. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 30/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023