logo

Thuyết minh về con trâu


Đề bài: Thuyết minh về con trâu

Bài làm

        Người xưa có câu, “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nội câu nói đó đã đủ thấy với người nông dân Việt Nam, con trâu quan trọng như thế nào, nó là biểu tượng cho sự chăm chỉ, cần lao, chịu thương chịu khó một nắng hai sương của người nông dân trên cánh đồng.

Thuyết minh về con trâu | Văn mẫu 9 hay nhất

       Hình ảnh con trâu trong ca dao, dân ca Việt Nam đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, thậm chí nhiều khi nó giống như người bạn của mọi nhà nông.Trâu là động vật nhai lại,  nhóm sừng rỗng, có cơ thể có trọng lượng lớn. Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng đã được thuần chủng thuộc nhóm trâu đầm lầy, lông màu đen, thân hình vạm vỡ, bụng to khỏe.

         Trâu là một loài động vật to khỏe, có cân nặng lớn, do đó, khi dùng trâu để phục vụ cho công tác nhà nông người nông dân vô cùng tốn sức. Tuy nhiên, nhờ lợi thế đó, mà những đường cày của con trâu có thể xới đất để giúp ruộng lúa được gọn gàng, người dân có thể gieo mạ, gặt lúa. Nếu như không có con trâu trong nền nông nghiệp xưa, lấy ai cày bừa cuốc mướn, lấy ai dùng sức lực khủng khiếp như vậy để làm công việc đồng áng. Do đó “con trâu là đầu cơ nghiệp” là câu nói hoàn toàn chính xác, thể hiện sự coi trọng, trân trọng của người lao động Việt Nam với con vật đã cùng mình gắn bó suốt những khoảng thời gian vất vả. Hình ảnh con trâu cái cày, và người nông dân luôn theo sát, gắn bó khăng khít nhau mỗi mùa vụ. Trong xã hội hiện đại, sự phát triển của công nghệ, công nghiệp hóa hiện đại hóa, hình ảnh con trâu dường như trở nên xa lạ và không còn phổ biến như trước kia. Nhưng đó, cũng phần nào cho thấy sự phát triển của chất lượng cuộc sống dân tộc, người nông dân bớt vất vả cần lao trong công cuộc mưu sinh, đồng thời có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình.

         Ngoài công việc đồng áng thời xưa, con trâu còn là biểu tượng gắn liền với các lễ hội văn hóa. Mang nhiều biểu tượng hơn bên ngoài vẻ đẹp nổi bật ở sức kéo của con trâu. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm thơ mộng, mang biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, hoặc kết hợp cả việc quan sát xem lúc ấy  trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Ngoài ra ta có thể thấy trong các lễ hội dân gian truyền thống xưa của người Việt cổ, con trâu cũng thường hay xuất hiện với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân.  Ở một số nơi, nếu như ta tìm hiểu sâu xa cũng có thể thấy từ xa xưa họ đã có tục tế trâu ví dụ như ở Bắc Giang, thậm chí thờ trâu trong các lễ hội truyền thống.  Con trâu ở trong những bức tranh dân gian Đông Hồ, với nét vẽ mộc mạc, truyền thống, cùng với nó là hình ảnh những chú bé mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đó phần nào cũng gợi cho ta về sự yên bình của làng quê Việt Nam một thuở, nó cho ta nhiều sức gợi về vẻ đẹp xưa cũ của một dân tộc gắn với nền văn minh lúa nước.

        Con trâu đã trở thành loài vật thân quen, gắn bó và đằm sâu và kí ức tuổi thơ của nhiều người trong số chúng ta. Do đó dù cuộc sống có phát triển ngày càng văn minh, nhưng ý nghĩa tinh thần và những giá trị mà nó mang lại chưa bao giờ phai nhạt. Vì thế mà ngày nay dẫu nhiều máy móc hiện đại thay thế vai trò của con trâu cần mẫn trên cánh đồng, thì vẫn còn rất nhiều lễ hội dân tộc truyền thống ta thấy xuất hiện hình ảnh con trâu.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021