logo

Thơ văn xuôi là gì?

Câu hỏi :Thơ văn xuôi là gì?

Trả lời:

     Thơ văn xuôi (tiếng Pháp: poème en prose) là một hình thức cơ bản của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần.

     Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khơi gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng.

Mẹ ơi, mẹ bảo quả táo trên cây chín đỏ là nhờ có mặt trời. Thế thì củ cải đỏ lớn lên trong lòng đất vì sao mà nó đỏ ?

Mẹ ơi, mẹ bảo gà trống gáy trời sáng, thế sao gà trống chết rồi mà trời vẫn sáng ?

Mẹ ơi, mẹ bảo con không nên hỏi mẹ như vậy, vì làm mẹ thì không bao giờ nói sai. Vậy thì con cũng sẽ không bao giờ nói sai, vì sau này con cũng sẽ làm mẹ.

     Thơ văn xuôi có thể có hình thức đối thoại như Hoàng tử nhỏ của Ăng-toan Xanh Ếch-duy-pê-ri, Khách qua đường của Lỗ Tấn,… I. Tuốc-ghê-nhép (Nga) và R. Ta-go-rơ (Ấn Độ) là bậc thầy về thơ văn xuôi.

[CHUẨN NHẤT] Thơ văn xuôi là gì?

Cùng Top lời giải tìm hiểu về thơ văn xuôi nhé:

Lịch sử thơ văn xuôi:

     Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, thể thơ văn xuôi đã được thịnh hành khá phổ biến. Trên thế giới, người ta cho rằng thơ văn xuôi chính thức xuất hiện vào năm 1842 qua bài thơ văn xuôi 'Gaspard bóng đêm' của nhà thơ Pháp Louis Bertrand, như là một phản ứng chống lại một lối thơ niêm luật chặt chẽ đang thịnh hành thời bấy giờ là thơ alexandrin.

     Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, thể thơ văn xuôi đã được thịnh hành khá phổ biến. Trên thế giới, người ta cho rằng thơ văn xuôi chính thức xuất hiện vào năm 1842 qua bài thơ văn xuôi 'Gaspard bóng đêm' của nhà thơ Pháp Louis Bertrand, như là một phản ứng chống lại một lối thơ niêm luật chặt chẽ đang thịnh hành thời bấy giờ là thơ alexandrin.

     Tuy nhiên mầm mống của nó phải kể từ sáu bài thơ văn xuôi có xen lẫn các vần thơ trong tập thơ Tụng ca bóng đêm của nhà thơ lãng mạn Đức Novalis (nam tước Von Hardenberg), xuất bản năm 1800, trước khi ông mất một năm, khi ông 29 tuổi và chưa kịp kết hôn. Nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX thì nó mới được tiếp nhận rộng rãi bởi các nhà thơ tượng trưng Pháp, như Charles Baudelaire với tập thơ Những bài thơ văn xuôi (1869, về sau tập thơ này được in lại với tên gọi mới là Paris chán chường), như Stéphane Mallarmé với tập thơ Những lời vẩn vơ (1897), Arthur Rimbaud với tập Khải huyền (1886), và một loạt các nhà thơ tượng trưng đương thời khác như Paul Valéry, Paul Fort và Paul Claudel. Từ đó thơ văn xuôi được xác lập vững vàng trong thơ ca Pháp. Ở Đức, thơ văn xuôi cũng được các nhà thơ lãng mạn cuối thế kỷ XIX tiếp nhận như Rainer Maria Rilker... Nước Anh từ cuối thế kỷ XIX cũng bắt đầu tiếp nhận thơ văn xuôi với sự tham gia của Oscar Wilde, và sang thế kỷ XX đã có những nhà thơ rất tích cực viết thơ văn xuôi như Gertrude Stein và Sherwood Anderson.

     Thơ văn xuôi là bước phát triển cao nhất của thơ tự do. Ngoài đặc trưng chung của thơ ca là nhịp điệu, thơ văn xuôi còn giống thơ tự do ở cùng một điểm chung là không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật... Nhưng, nó khác với thơ tự do ở chỗ là trong khi thơ tự do vẫn lấy câu thơ làm đơn vị nhịp điệu và có thể vẫn có vần, thì thơ văn xuôi không phân dòng, không dùng hình thức câu thơ làm đơn vị nhịp điệu, và thứ hai là thơ văn xuôi không có vần. 

     Cùng trong xu hướng của thơ tự do, thơ văn xuôi là thể thơ rất phù hợp với việc diễn đạt những trăn trở, suy tư triết lý và suy tưởng về nhân tình, thế sự. Đây là một lối thoát cho các nhà thơ khi họ muốn dùng thơ để nhập cuộc tham gia bàn luận tự do về số phận của con người và xã hội, khi mà các thể thơ có niêm luật gò bó không đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề của thời đại. Chính vì vậy mà thơ văn xuôi nhanh chóng được đông đảo các nhà thơ trên thế giới tiếp nhận.

     Từ giữa thế kỷ XX đến nay, một loạt các nhà thơ trên thế giới từ Âu sang Á đã sáng tác thơ văn xuôi, trong đó có nhà thơ đã đoạt giải Nobel văn học như nhà thơ Pháp Saint-John Perse (1960). 

     Ở Trung Quốc, Lỗ Tấn cũng đã sáng tác thơ văn xuôi, và ngày nay, nhà văn Giả Bình Ao cũng có những bài thơ văn xuôi rất đậm chất lôgic triết lý: 

“Mẹ ơi, mẹ bảo quả táo trên cây chín đỏ là nhờ có mặt trời. Thế thì củ cải đỏ lớn lên trong lòng đất vì sao mà đỏ?

Mẹ ơi, mẹ bảo gà trống gáy thì trời sáng, thế sao gà trống chết rồi mà trời vẫn sáng?

Mẹ ơi, mẹ bảo con không nên hỏi mẹ như vậy, vì làm mẹ thì không bao giờ sai. Vậy thì con cũng sẽ không bao giờ sai, vì sau này con cũng sẽ làm mẹ”.

(Giả Bình Ao, Hỏi) 

So sánh Thơ - Thơ văn xuôi và Văn xuôi thì có những nhận xét sơ bộ như sau:

1/ Có lẽ Thơ văn xuôi là phần giao nhau của hai vòng tròn Thơ và Văn xuôi. Phần giao nhau của hai vòng tròn thể hiện hai đặc điểm ngang nhau của Thơ và Văn xuôi. Nếu vượt ra khỏi vùng giao nhau thì sẽ thành Thơ có vần hoặc trở thành Văn xuôi.

2/ Nếu cố ý xếp thứ tự thì dễ thuộc nhất là thơ Bút Tre ép vần, sau đó đến lục bát, song thất lục bát, thơ tứ tuyệt, thơ 8 chữ, kiểu thơ Đường. Dễ thuộc vì nó có vần. Còn thơ văn xuôi khó thuộc vì không có vần như thơ truyền thống. Do đó tính phổ biến hẹp, nó chỉ đáp ứng một số độc giả rất hạn chế, có lẽ số độc giả này ít nhất phải học xong phổ thông trung học và có năng khiếu về văn chương và am hiểu ngữ pháp tiếng Việt.

3/ Theo thống kê, bài thơ văn xuôi mà ngắn thì độc giả còn chấp nhận được, nếu dài quá độc giả có cảm giác là văn xuôi. Tâm lý ngại đọc càng tăng lên. Tất nhiên những bài thơ nổi tiếng ví dụ như “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử là ngoại lệ.

4/ Tại sao thơ văn xuôi cứ mặc nhiên tồn tại:

- Thời đại mở cửa giao lưu văn hoá giữa các nước càng mạnh mẽ; số người có ngoại ngữ ngày càng tăng, số người có thể đọc trực tiếp văn học nước ngoài không phải là ít. Nếu họ là người làm thơ văn xuôi thì chịu ảnh hưởng không nhỏ.

- Người làm thơ văn xuôi có ngoại ngữ và công chúng thích thơ văn xuôi có vốn ngoại ngữ hoặc đã lưu học ở nước ngoài rất dễ chấp nhận thể thơ văn xuôi.

     Thơ văn xuôi đã có độc giả từ xưa, nếu đọc “đất thơm” của Nguyễn Xuân Sanh viết từ những năm 1940-1941, mà nay đọc lại vẫn thấy hay, thế hệ ngày nay vẫn chấp nhận được.

     Có lẽ không thống kê hết, nhiều nhà thơ nổi tiếng được bạn đọc mến mộ làm thơ có vần rất hay, nhưng cũng rất thích làm thơ văn xuôi.

     Thơ văn xuôi cũng ngắn.

Ngắn như:

Khuya đường về

Mỗi khóm nhà, một chùm đời thơm ngát.

Bước đặt lên bước xưa, tư tưởng đè lên tư tưởng cũ.

Ngày hái quả trong gió ngọt nỉ non chưa?

                        Nguyễn Xuân Sanh

 

Tập qua hàng

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

                        Chế Lan Viên

5/ Triển vọng của thơ văn xuôi:

Thơ văn xuôi công chúng ít, ít người thuộc, nhà thơ thành danh chỉ thơ văn xuôi rất ít.

Nhưng chúng tôi tin tưởng thơ văn xuôi có tương lai rất sáng sủa.

Công chúng trong tương lai sẽ rất nhiều, nó phù hợp với nhu cầu công chúng thời công nghiệp hóa, nhịp sống mạnh mẽ khẩn trương.

icon-date
Xuất bản : 20/09/2021 - Cập nhật : 20/09/2021

Tham khảo các bài học khác