logo

Tác giả - Tác phẩm: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Hoàn cảnh sáng tác, Tóm tắt, Nội dung, Sơ đồ tư duy)


Chuyện chức phán sự đền Tản Viên


(Nguyễn Dữ)


I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Nguyễn Dữ (có người đọc là Nguyễn Tự), chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng thế kỉ XVI

- Quê quán: xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

- Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông)

- Ông từng đi thi và đã ra làm quan, sau đó không bao lâu thì từ quan lui về ẩn dật.

2. Sự nghiệp sáng tác

Ông để lại tác phẩm nổi tiếng là Truyền kì mạn lục, qua tác phẩm có thể thấy được quan điểm sống và tấm lòng của ông với cuộc đời.


II. Tác phẩm

1. Tác phẩm “Truyền kì mạn lục”

    a) Thể loại truyền kì

- Truyền kì là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường.

- Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ có sự tương giao. Điều này đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho thể loại

- Đằng sau những chi tiết phi hiện thực, người đọc có thể tìm thấy những vấn đề cốt lõi của hiện thực cũng như quan niệm và thái độ của tác giả.

    b) Truyền kì mạn lục

- Truyền kì mạn lục là tác phẩm viết ằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI

- Nội dung:

    + Hiện thực xã hội đương thời

    + Số phận con người

    + Tinh thần dân tộc

- Nghệ thuật: có sự tham gia của các yếu tố hoang đường, kì ảo

        → Truyền kì mạn lục vừa có giá trị hiện thực, vừa có giá trị nhân đạo

2. Tóm tắt “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”

    Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ khảng khái, chính trực. Trong làng có một ngôi đền thiêng. Từ khi có một tên tướng giặc nhà Minh tử trận ở gần đền, hồn của hắn tác quái. Tức giận, Tử Văn châm lửa đốt để trừ hại cho dân. Sau khi đốt đền, Tử Văn lên cơn sốt mê man, chàng thấy tên hung thần đòi trả đền và đe dọa bắt chàng xuống âm phủ. Thổ thần bày tỏ thái độ cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn, mách chàng về tung tích, tội ác tên hung thần và cách đối phó. Đến đêm, khi bệnh nặng thêm, Tử Văn thấy hai tên quỷ đến bắt chàng xuống âm phủ. Trước Diêm Vương, Tử Văn đã tố cáo tội ác của tên hung thần để hắn bị trừng trị. Thổ thần được phục chức, lính đưa Tử Văn về trần gian. Một tháng sau, Thổ thần tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự đền Tản Viên để tạ ơn.

3. Bố cục (4 phần)

- Phần 1 (từ đầu …không cần gì cả) : Tử Văn đốt đền.

- Phần 2 (tiếp…khó lòng thoát nạn) : Tử Văn với viên Bách hộ họ Thôi và Thổ công.

- Phần 3 (tiếp…sai lính đưa Tử Văn về) : Tử Văn thắng kiện.

- Phần 4 (còn lại) : Tử Văn trở thành phán sự đền Tản Viên.

4. Giá trị nội dung

    Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt; đồng thời, thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà của tác giả.

5. Đặc sắc nghệ thuật

- Yếu tố kì ảo dày đặc, xen chuyện người, chuyện thần, ma, trần gian, địa ngục…

- Cốt truyện giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ, lo-gic.

- Cách dẫn truyện khéo léo, biến hóa, có cao trào, có thắt mở nút.

- Nhân vật được xây dựng sắc nét.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021