Câu hỏi: Sưu tầm tư liệu và giới thiệu về một trong số những nhân vật lịch sử có công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Lời giải:
Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385 (6-8 năm Ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư). Ông nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất. Ông nói: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?". Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.
* Thái bảo Cảnh Quốc công Lê Sát
Ông người làng Bỉ Ngũ, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang. Ông là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông là người rất có tài cầm quân nên được Lê Lợi trao quyền chỉ huy một trong những cơ ngũ của nghĩa quân Lam Sơn, liên tiếp lập được nhiều công lớn. Năm 1427 ông được phong hàm Thiếu úy – Tư Mã. Năm 1429, nhà Lê triều lập biển khắc tên 93 khai quốc công thần, Lê Sát vinh dự được xếp hàng thứ hai.
Năm 1433 Lê Sát được phong Đại Tư Đồ. Năm 1434 ông được trao quyền Tể tướng. Ông là cố mệnh đại thần,một lòng trung với vua, nhưng tính tình nóng nảy, giết oan Nhân Chú nên vua cho là lộng quyền. Năm 1437 vua Lê Thái Tông cho ông được tự vẫn tại nhà. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông cho rằng ông là người có công, chết không đáng tội nên truy tặng Thái Bảo Cảnh Quốc Công. Đền thờ ông ở xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
* Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Tây. Tổ Tiên ông vốn là người làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cha là Nguyễn Phi Khanh thái học sinh đời Trần. Ông ngoại là Tư đồ Trần Nguyên Đán, đại thần của triều Trần. Nguyễn Trãi đỗ Tiến sĩ năm 1400, làm quan ngự sử dưới thời Hồ Quý Ly. Năm 1407 giặc Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ mất, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội). Giặc Minh đã tìm cách mua chuộc và dụ dỗ nhưng ông đã từ chối. Đầu năm 1416 ông trốn về Thanh Hóa tham gia hội thề Lũng Nhai, cùng Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn. Nguyễn Trãi từng dâng Lê Lợi bản “Bình Ngô sách” chỉ rõ con đường cứu nước với chủ trương “đánh vào lòng người”. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi phụ trách địch vận, ngụy vận, thay mặt Lê Lợi soạn thảo thư từ gửi cho triều Minh và các tướng lĩnh cả địch.