logo

Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức mang tính

Câu hỏi: Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức mang tính?

A. Tự nguyện.

B. Bắt buộc.

C. Cưỡng chế.

D. Áp đặt.

Lời giải: 

Đáp án đúng: A. Tự nguyện.

Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức mang tính chất tự nguyện.

Cùng Top lời giải tìm hiểu đạo đức nhé.


1. Đạo đức là gì?

- Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.

- Đạo đức có thể được nhìn thấy theo các góc độ sau:

   + Nghĩa hẹp: Đạo đức thể hiện nét đẹp trong phong cách sống của một người hiểu biết và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao tốt đẹp.

   + Nghĩa rộng hơn: Nghĩa rộng hơn, đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của địa phương, cộng đồng đó. Tạo thành nét đẹp truyền thống văn hóa.

   + Nghĩa rộng: Đạo đức của cả một xã hội thường được xét đến khi xã hội đó bị hỗn loạn và thiếu chuẩn mực. Khi đó những bậc trí giả sẽ định ra những chuẩn mực cơ bản nhất để tạo dựng nên nền tảng đạo đức. Khi đã đạt đạo đức cơ bản nhất thì đó là đạo đức xã hội. Từ đó học tập đi lên thành các thành phần cao cấp hơn.


2. Nguồn gốc của đạo đức

- Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội có nguồn gốc từ trong tồn tại xã hội, từ những quan hệ của con người với tự nhiên và quan hệ giữa người với nhau trong cuộc sống

Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức mang tính

- Đạo đức là hệ thống những quan điểm, quan niệm, những nguyên tắc, chuẩn mực, những giá trị của xã hội nên đạo đức thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội. Đạo đức ra đời và phát triển là do nhu cầu phải điều tiết mối quan hệ giữa các cá nhân và hoạt động chung của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quan hệ đạo đức biểu hiện quan hệ của con người trước tiên là quan hệ trong sản xuất Cơ sở kinh tế của xã hội như thế nào thì ý thức đạo đức của xã hội như thế ấy. Khi đời sống vật chất của xã hộï biến đổi, xã hội ngày càng tiến bộ thì những quan niệm đạo đức, những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức cũng biến đổi theo và ngày càng được hoàn thiện. Do vậy đạo đức là hiện tượng có tính lịch sử xã hội. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, ở mỗi giai cấp khác nhau thì có các quan điểm khác nhau về cái tốt, cái xấu; cái thiện, cái ác, hạnh phúc và bất hạnh ; về lương tâm và vô lương tâm cũng như về nghĩa vụ, trách nhiệm .v.v. Trong lịch sử, có đạo đức của xã hội nguyên thủy, của xã hội chiếm hữu nô lệ, đạo đức của xã hội phong kiến, đạo đức của xã hội tư bản chủ nghĩa và đạo đức của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

- Trong xã hội có đối kháng giai cấp thì đạo đức cũng có tính giai cấp, nghĩa là tùy thuộc vào vị trí xã hội, địa vị xã hội và lợi ích giai cấp khác nhau mà các quan điểm về đạo đức cũng khác nhau. Đạo đức của giai cấp bóc lột thường đối lập với đạo đức của quảng đại quần chúng lao động và toàn xã hội.

- Đạo đức cũng có tính kế thừa. Lênin nói rằng tính kế thừa của đạo đức phản ánh “ những luật lệ đơn giản và cơ bản của bất kỳ cộng đồng người nào”. Mọi thời đại đều lên án cái ác, tính tàn bạo, tham lam, hèn nhát, phản bội vv. và biểu dương cái Thiện, sự dũng cảm, chính trực, độ lượng, khiêm tốn…

- Trong xã hội không có giai cấp hoặc không có đối kháng giai cấp thì đạo đức xã hội phù hợp với đạo đức cá nhân. Xã hội đó sẽ có được một nền đạo đức thật sự nhân đạo, vượt lên trên mọi sự đối lập về giai cấp. Đó là trình độ của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa.


3. Cấu trúc của đạo đức

- Đạo đức là một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.

- Ý thức đạo đức: “Là ý thức về hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực hành vi phù hợp với những quan hệ đạo đức đã và đang tồn tại. Mặt khác, nó còn bao hàm cả những cảm xúc, những tình cảm đạo đức của con người”. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, ý thức đạo đức là sự thể hiện thái độ nhận thức của con người trước hành vi của mình trong sự đối chiếu với hệ thống chuẩn mực hành vi và những quy tắc đạo đức xã hội đặt ra; qua đó giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi và hoàn thành một cách tự giác, tự nguyện những nghĩa vụ đạo đức. Về mặt cấu trúc, ý thức đạo đức gồm tình cảm đạo đức, tri thức đạo đức, lý tưởng đạo đức, ý chí đạo đức. Trong đó, tình cảm thể hiện cảm xúc của con người trước hiện tượng đạo đức, tri thức đạo đức giúp con người lựa chọn cái gì nên làm và cái gì không nên làm; lý tưởng đạo đức quyết định phương hướng, mục đích hoạt động của con người và ý thức đạo đức là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn, trở ngại để thực hiện hành vi đạo đức.

- Hành vi đạo đức: “Là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ có ý nghĩa về mặt đạo đức”. Cụ thể hơn, hành vi đạo đức là những cử chỉ, những việc làm của con người trong các mối quan hệ xã hội phù hợp với ý thức đạo đức, với các chuẩn mực và các giá trị đạo đức.

- Để phân biệt một hành vi đạo đức hay phi đạo đức, không chỉ căn cứ vào kết quả của hành vi mà còn phải căn cứ vào động cơ của hành vi. Hành vi đạo đức phải có nguyên nhân vì lợi ích của người khác, của xã hội và mục đích cũng là mang lại lợi ích cho người khác, cho xã hội.

- Quan hệ đạo đức: Là hệ thống những quan hệ xã hội, tác động qua lại giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội xét về mặt đạo đức. Quan hệ đạo đức vận động, biến đổi theo quá trình phát triển của xã hội, trong phạm vi một hình thái kinh tế - xã hội hay hệ giá trị đạo đức của một giai cấp cũng có sự vận động, phát triển. Quan hệ đạo đức có các đặc tính là tính tự giác và tính tự nguyện. Tính tự giác thể hiện ở sự nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mỗi nguời trong những tình huống cụ thể khi tham gia vào quan hệ đạo đức. Tính tự nguyện thể hiện ở nhu cầu và ham muốn của bản thân mỗi người trong quan tâm, tương trợ, giúp đỡ nguòi khác...

- Ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức và hành vi đạo đức là những yếu tố cấu tạo nên cấu trúc đạo đức, không tồn tại độc lập, mà có quan hệ biện chứng với nhau.

- Thứ nhất, ý thức đạo đức không thể hình thành ngoài quan hệ đạo đức và ngược lại, quan hệ đạo đức không thể không được định hướng, điều chỉnh bởi ý thức đạo đức.

- Trong quá trình phát triển của lịch sử, ý thức đạo đức hình thành trên cơ sở phản ánh các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội. Ý thức đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội mà trước hết là nhu cầu phối hợp hoạt động trong lao động sản xuất vật chất. Sự phát triển của sản xuất dẫn đến sự phát triển của các quan hệ xã hội và kéo theo sự phát triển của quan hệ đạo đức, làm cho chúng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Các chuẩn mực của đạo đức được hình thành trong quá trình con người giao tiếp với nhau, chúng được củng cố do sự công nhận giá trị theo quan điểm lợi ích phổ biến đối với giai cấp nhất định. Quan hệ đạo đức càng đa dạng, phức tạp càng là môi trường tốt cho con người hình thành ý thức đạo đức sâu sắc và toàn diện. Ngược lại, quan hệ đạo đức hạn chế thì ý thức đạo đức cũng mắc phải những những khuyết điểm nhất định và vì vậy con người không thể phát triển toàn diện nhân cách của mình.

- Ý thức đạo đức hình thành, phát triển, hoàn thiện thông qua việc phản ánh quan hệ đạo đức và khi đã hình thành, ý thức đạo đức quay trở lại chi phối, điều chỉnh quan hệ đạo đức. Quan hệ đạo đức có bền vững hay không tùy thuộc trình độ của ý thức đạo đức, vào sự lựa chọn lời nói, cử chỉ, hành vi trong mối quan hệ ở từng hoàn cảnh nhất định có phù hợp hay không. Ý thức đạo đức càng cao thì quan hệ đạo đức càng được củng cố, bền chặt hơn và ngược lại.

- Thứ hai, ý thức đạo đức là điều kiện để thực hiện hành vi đạo đức, còn hành vi đạo đức là quá trình hiện thực hóa ý thức đạo đức trong cuộc sống.

- Ý thức đạo đức là điều kiện để thực hiện hành vi đạo đức vì không có ý thức đạo đức thì không thể có hành vi đạo đức. Trong đó, tri thức đạo đức xác định giới hạn cho hành vi đạo đức, tình cảm đạo đức là động cơ chủ yếu của hành vi, lý tưởng đạo đức định hướng cho hành vi, ý chí đạo đức là sức mạnh bên trong thúc đẩy con người thực hiện hành vi đạo đức. Thiếu một trong những thành tố của ý thức đạo đức con người không thể thực hiện hành vi đạo đức.

- Ngược lại, ý thức đạo đức phải được thể hiện bằng hành động mới đem lại lợi ích xã hội. Con người có đạo đức hay không phải căn cứ vào những hành vi cụ thể. Thông qua quá trình thực hiện những hành vi đạo đức thường xuyên, liên tục, ý thức đạo đức của mỗi người ngày càng được bồi dưỡng, củng cố trở nên hoàn thiện hơn.

- Thứ ba, hành vi đạo đức thể hiện thông qua quan hệ đạo đức, bởi hành vi đạo đức là những cử chỉ, những việc làm của con nguời trong các quan hệ phù hợp với ý thức đạo đức, với các chuẩn mực và các giá trị của đạo đức. Hành vi đạo đức không thể tách rời các quan hệ xã hội, quan hệ đạo đức. Ngược lại, quan hệ đạo đức là cơ sở cho hành vi đạo đức, tùy từng mối quan hệ, con nguời xác định và thực hiện những hành vi phù hợp.

icon-date
Xuất bản : 27/12/2021 - Cập nhật : 03/08/2023