logo

Soạn bài: Những câu hát than thân (ngắn nhất)

Số phận bất hạnh, chìm nổi của những người nông dân và những người phụ nữ xưa sẽ được cảm nhận sâu sắc qua môt số bài ca dao, câu hát than thân. Sau đây hãy cùng Toploigiai Soạn bài: Những câu hát than thân để hiểu rõ hơn về những câu hát than thân đó nhé


Nội dung bài học

Soạn bài: Những câu hát than thân (ngắn nhất)


Soạn bài: Những câu hát than thân

Câu 1 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Trong ca dao người ta hay mượn hình ảnh con cò để nói về người nông dân vì con cò là con vật gần gũi với ruộng đồng, với người nông dân và có những đức tính như người nông dân: cần cù, tần tảo sớm hôm.

Một số bài ca dao:

1. Con cò lặn lội bờ ao

Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

2. Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,       

Ông ơi ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.       

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Câu 2 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của con cò được diễn tả như sau:

- Từ láy “lận đận” kết hợp thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” cho thấy cuộc đời tất bật, vất vả ngược xuôi của con cò

- Sử dụng phép đối:     

+ Nước non >< một mình: đối lập giữa cái mênh mông rộng lớn của đất trời  và cái nhỏ bé cô đơn, lẻ loi của thân cò.     

+ lên >< xuống: gợi lên cuộc đời không bằng phẳng, lúc nào cũng bấp bênh truân chuyên của thân cò     

+ Bể kia đầy >< ao kia cạn :ẩn dụ cho sự khó khăn của cò để kiếm sống nuôi thân, dù cho cò tần tảo sớm hôm nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn

- Sử dụng câu hỏi tu từ (hai câu cuối) là lời than thở của thân cò, than thở về sự khó khăn trong việc kiếm sống.

*  Ngoài mục đích than thân, bài ca dao còn là lời phê phán đối với chế độ, xã hội với những người áp bức bóc lột cuộc sống của người nông dân, khiến họ rơi vào cảnh lầm than.

Câu 3 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

- “Thương thay” có nghĩa là đồng cảm sẻ chia với những số phận bất hạnh

- Bài ca dao có 4 lần lặp lại cụm từ “thương thay” cho thấy niềm thương xót, đồng cảm của tác giả đối với cuộc sống cơ cực, khó khăn của người lao động

Câu 4 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1): 

Hình ảnh người nông dân qua các hình ảnh ẩn dụ:

- Con tằm: thân phận bị bòn rút sức lực

- Lũ kiến: thân phận nhỏ bé, cả đời tất bật kiếm sống

- Con hạc: thân phận có cuộc đời phiêu bạt, lận đận, cố gắng vô vọng không biết ngày nào mới hết khổ.

- Con cuốc: thân phận thấp cổ bé họng, chịu nỗi khổ đau oan trái kêu oan nhưng không ai quan tâm

Câu 5 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

-Thân em như hạt mưa sa,

Hạt rơi đài các, hạt ra ngoài đồng.

- Thân em như tấm lụa điêu

Phất phơ giữa chợ nhiều điều đáng thương!

-Thân em như dải lụa đào 

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

• Những bài ca dao đó thường nói về thân phận nhỏ bé, phụ thuộc của người phụ nữ, những người không được tự quyết định số phận cuộc đời mình

• Nghệ thuật thường dùng đó là so sánh, so sánh “thân em” với các hình ảnh có chung điểm tương đồng để từ đó cho thấy nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Câu 6 (trang 49 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

- Điều đặc biệt ở đây là hình ảnh người phụ nữ được so sánh với trái bần

– loại quả chua và chát, nhẹ xốp, trôi nổi trên mặt nước, bị “gió dập sóng dồi”

- Qua đó cho thấy thân phận nhỏ bé bấp bênh của người phụ nữ giữa cuộc đời, không được tự quyết định cuộc đời mình, chỉ có thể phụ thuộc vào ngoại cảnh.


Luyện tập

Câu 1 (trang 50 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Những đặc điểm chung và nghệ thuật của các bài ca dao:

- Nội dung: Đều là lời than thân về số phận cơ cực, khó khăn, vất vả, phụ thuộc.

- Nghệ thuật: Đều sử dụng các phép so sánh, ẩn dụ với các hình ảnh có nét tương đồng, qua đó cho thấy một thực tại đáng buồn của các thân phận và bày tỏ niềm cảm thương, xót xa. Đồng thời lên án chế độ cầm quyền gây ra nỗi khổ bất công cho các số phận

Câu 2 (trang 50 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Học thuộc


Nhận xét – Ý nghĩa

Những bài ca dao than thân đã cho thấy được nỗi khổ, bất công của thân phận con người trong xã hội cũ. Qua đó bày tỏ nỗi niềm đồng cảm thương xót và tiếng nói lên án chế độ cầm quyền.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021