logo

Soạn bài: Tiếng nói của văn nghệ

Văn nghệ có vai trò quan trong trong đời sống tinh thần và tình cảm của con người. Cùng TOPLOIGIAI soạn bài Tiếng nói của văn nghệ để xem văn nghệ có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta các bạn nhé


Soạn bài: Tiếng nói của văn nghệ (chi tiết)


I. ĐỌC- HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Bài nghị luận này phân tích nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ, khẳng định sức mạnh lớn lao của nó đối với đời sống con người. Hãy tóm tắt hệ thống luận điểm và nhận xét bố cục của bài nghị luận.

- Hệ thống luận điểm:

   + Luận điểm 1: Nội dung của văn nghệ phải xuất phát từ hiện thực.

   + Luận điểm 2: Tiếng nói của văn nghệ xuất phát từ tâm hồn của người nghệ sĩ là điều cần thiết và đặc biệt nhất đối với người đọc.

   + Luận điểm 3: Con đường văn nghệ đến với độc giả.

  - Nhận xét về bố cục của bài nghị luận:

Với hệ thống luận điểm logic như đã phân tích ở trên nên bài viết có bố cục rất chặt chẽ và mạch lạc. Giữa các luận điểm có sự liên hết và nối tiếp nhau hợp lý, tự nhiên. Đầu tiên, tác giả chứng minh tính hiện thực trong văn học. Tiếp theo, tác giả mở rộng rằng văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, chứa đựng tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ. Từ đó, tác giả nhận ra khả năng cảm hoá và sức lôi cuốn kỳ diệu của văn nghệ bởi tình cảm, tư tưởng mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm.

Câu 2. Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ là gì?

- Đầu tiên, nội dung phản ánh của văn nghệ là hiện thực của đời sống cụ thể, sinh động. Tác giả khẳng định hiện thực cuộc sống chính là nền tảng để văn nghệ ra đời “ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”. Từ đó, văn học phản ánh chính cái cuộc sống nơi nó được hoài thai và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, văn học không bê nguyên cuộc sống vào trang sách mà cuộc sống đó đã được gạn lọc, kết tinh của góc nhìn và tình cảm của người viết “ Nhưng người nghệ sĩ không những ghi lại các đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ …”

- Bên cạnh việc phản ánh đời sống khách quan qua cách nhìn, cách đánh giá của tác giả, văn nghệ đồng thời cũng truyền tải cũng là tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi gắm trong đó. Lời gửi gắm, truyền tải của văn nghệ không phải bài học luân lý hay triết lý về đời người, hay lời khuyên xử thế, càng không phải một sự thực tâm lý, xã hội mà chỉ đơn giản là “tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phấn khích và biết bao tư tưởng của từng câu thơ, từng trang sách, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ mà đáng lẽ chúng ta không nhận ra được hàng ngày chung quanh ta…”

- Từ những tình cảm, tư tưởng được phản ánh, văn nghệ có tính giáo dục, tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và cách sống của người đọc, qua đó làm thay đổi tư tưởng tình cảm, lối sống của họ. Tác giả khẳng định “Những người nghệ sĩ lớn đem tới được cho thời đại họ một cách sống của tâm hồn”. Văn nghệ giúp con người vượt lên khó khăn, hoàn cảnh sống và hoàn thiện tâm hồn. Văn nghệ biến tri thức khô khan trở nên mềm mại, kích thích người đọc phải suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề đó.

- Văn học không chỉ tác động đến tâm hồn, cách sống của một người mà là toàn xã hội. Nội dung của văn nghệ là những rung cảm, nhận thức của từng người tiếp nhận, từ đó mà mở rộng, lan truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này tới thế hệ khác.

Câu 3. Tại sao con người cần tiếng nói của văn nghệ ?

Văn nghệ là một phần không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Con người cần tới tiếng nói của văn nghệ bởi lẽ:

- Văn nghệ giúp chúng ta hiểu biết về cuộc sống hiện thực ngoài kia. 

- Đặc biệt, văn nghệ có tác động mạnh mẽ tới tâm hồn độc giả. Điều đặc biệt ở tác phẩm văn nghệ chính bởi vì nó không rao giảng những thuyết lý khô khan hay đạo đức giáo điều mà văn nghệ với những tình cảm sâu sắc, những say sưa, vui buồn, yêu ghét… của người nghệ sĩ đã có tính giáo dục, tác động mạnh mẽ đến người đọc. Nó khiến ta rung động trước những vẻ đẹp của cuộc sống, giữ cho tâm hồn ta luôn tươi mới, luôn nhìn đời với con mắt rạo rực, giúp ta biết yêu thương và đồng cảm với những con người cùng khổ, giúp ta khám phá những khía cạnh mới mẻ trong những thứ mà bấy lâu nay ta ngỡ như đã quá quen thuộc “ Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi biên giới của chính mình, nghệ thuật xây dựng con người, hay nói đúng hơn, làm cho con người tự xây dựng được.”

- Trong những trường hợp con người bị ngăn cách đối với đời sống hoặc sống trong những hoàn cảnh khó khăn, vất vả, văn nghệ là sợi dây liên hệ giữa người đó với thế giới bên ngoài hoặc giúp người đo vượt qua khó khăn, luôn giữ được tinh thần lạc quan và yêu cuộc sống.

Câu 4. Tiếng nói của văn nghệ đến với người đọc bằng cách nào mà có khả năng kì diệu đến vậy? (Tư tưởng, nội dung của văn nghệ được thể hiện bằng hình thức nào? Tác phẩm nghệ thuật tác động đến người đọc qua con đường nào, bằng cách gì?)

Trong phân tích ở câu 3, văn nghệ có sức tác động vô cùng lớn tới con người. Sở dĩ tiếng nói của văn nghệ có khả năng kì diệu đến vậy là bởi văn nghệ tác động đến con người thông qua nội dung hiện thực của nó nhưng đặc biệt là phương thức mà văn nghệ tiếp cận với người đọc, người nghe:

- Văn nghệ đến với người tiếp nhận bằng con đường cảm xúc. Tình cảm là một yếu tố then chốt của văn nghệ. Dù phản ánh hiện thực cuộc sống nào thì một tác phẩm lớn không bao giờ chỉ đơn thuần ghi chép, sao chụp lại hiện thực ấy mà luôn ẩn trong đó bao tiếng lòng của người nghệ sĩ. Qua hiện thực mà anh phản ánh thì tác giả đồng thời gửi gắm trong đó tâm tư yêu ghét, vui buồn và những suy tư về nhân tình thế thái của mình. Những tâm sự của tác giả đối với đời sống đã làm lay động cảm xúc của người đọc, người nghe. Bạn đọc được sống cuộc sống mà nhà văn miêu tả, được yêu, ghét, buồn, vui cùng các nhân vật trong đó, dần dần thay đổi suy nghĩ, quan niệm về đời sống, thậm chí thay đổi cả cách ứng xử đối với những người xung quanh.

- Không chỉ qua con đường cảm xúc đơn thuần, văn nghệ còn sâu sắc hơn thế. Văn nghệ tiếp cận với người đọc, người nghe còn qua con đường tư tưởng. Nhưng đó cũng phải là thứ tư tưởng thấm đẫm cảm xúc chứ không phải một cuộc thảo luận khô khan. Người đọc tiếp cận tư tưởng đó bằng cả tâm hồn. Từ đó, văn nghệ “ không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy”.

Câu 5. Nêu vài nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi qua bài tiểu luận này.

Có thể nói bên cạnh nội dung bài viết vô cùng sâu sắc với hệ thống kiến thức lý luận rất chặt chẽ thì Nguyễn Đình Thi đã sử dụng và kết hợp nghệ thuật nghị luận rất đặc sắc:

(1) Bố cục và cách dẫn dắt vấn đề: rất chặt chẽ với hệ thống luận điểm mạch lạc (xem phần phân tích về bố cục ở câu 1)

(2) Cách nêu và chứng minh các luận điểm: Tác giả sử dụng phép lập luận phân tích và tổng hợp khá thành công bằng cách:

- Lấy ví dụ: Để làm nổi bật luận điểm “Văn nghệ không chỉ phản ánh hiện thực khách quan mà còn chứa đựng cảm xúc, tâm tư của người sáng tác” , tác giả đã dẫn và phân tích 2 dẫn chứng

+ 2 câu thơ tả cảnh xuân trong” Truyện Kiều” : Nguyễn Du không chỉ tả cảnh để tả cảnh đơn thuần mà gửi gắm bao rung động trước cảnh mùa xuân qua đó đem đến cho người đọc cảm hứng về sự sống, tuổi trẻ…

+ Cái chết của nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na không chỉ phản ánh bộ mặt bất công, định kiến của xã hội đương thời mà còn chứa bao trăn trở thời đại của Lev Tolstoy từ đó gợi lên trong tâm trí người đọc bao nỗi bâng khuâng, thương cảm.

- So sánh: “Nhưng nghệ sĩ không đến mở một cuộc thảo luận lộ liễu và khô khan với chúng ta về một vấn đề khoa học hay triết học. Anh làm cho chúng ta nhìn, nghe, rồi từ những con người, những câu chuyện, những hình ảnh, những nỗi niềm của tác phẩm sẽ khơi mông lung trong trí óc ta những vấn đề suy nghĩ”

=> Nội dung phản ánh của văn nghệ khác với nội dung của khoa học xã hội khác như triết học, lịch sử,… là: Nếu như các ngành khoa học này tập trung miêu tả các vấn đề tự nhiên hoặc xã hội theo quy luật khách quan thì ngược lại văn nghệ tập trung khám phá, miêu tả chiều sâu tình cảm, khai thác sâu vào thế giới nội tâm của con người.

- Từ đó tác giả kết luận lại rằng “ Trên nền tảng cuộc sống của xã hội, nghệ thuật xây dựng tâm hồn cho xã hội”.

=> Như vậy tác giả không chỉ phân tích suông mà kết hợp rất chính xác và tinh tế những ví dụ cụ thể, so sánh tương phản từ đó để người đọc rút ra kết luận. Đây là cách viết súc tích nhưng lại rất thuyết phục.


II. LUYỆN TẬP:

Nêu một tác phẩm văn nghệ mà em yêu thích và phân tích ý nghĩa, tác động của tác phẩm ấy đối với mình.

Hướng dẫn làm: Ví dụ chọn tác phẩm “ Người con gái Nam Xương” (Chương trình Văn 9- Tập 1)

Tác động của tác phẩm ấy với em:

- Giúp em hiểu được hiện thực cuộc sống bất công, chiến tranh loạn lạc liên miên khiến nhiều gia đình lâm vào tình trạng chia ly, vợ mất chồng, con mất cha. Trong xã hội ấy, sự bất công lại càng dồn lên những người phụ nữ yếu thế, tiêu biểu là số phận đầy oan trái của nàng Vũ Nương.

- Tình cảm yêu mến, thương xót, đồng cảm của tác giả với nhân vật.

- Qua đó khơi gợi trong em cảm xúc đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội xưa, căm phẫn những định kiến, coi trọng nam quyền đã đẩy những người phụ nữ yếu thế vào tình cảnh bi đát,…


Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ (hay nhất)

Văn nghệ là sản phẩm của tư tưởng, nhận thức và tình cảm của nghệ sĩ. Tiếng nối của văn nghệ là cách sống của con người, là tâm hồn là mọi mặt của đời sống, tính cách do con người tạo nên. Văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” là một minh chứng cho sự cần thiết của văn nghệ đối với đời sống con người.

Câu 1. Bài nghị luận này phân tích nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ, khẳng định sức mạnh lớn lao của nó đối với đời sống con người. Hãy tóm tắt hệ thống luận điểm và nhận xét về bố cục của bài nghị luận.

 Tác phẩm nghệ thuật được xây dựng từ những thực tại đời sống, không đơn thuần là ghi chép, sao chép thực tại đó một cách máy móc mà thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sỹ thể hiện câu chuyện của con người, sự vật từ đời sống chân thật. Đó là toàn bộ tấm lòng, tư tưởng mong muốn của người nghệ sĩ gửi gắm .

Câu 2. Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ là gì?

 Tác phẩm văn nghệ không chỉ là những lời lẽ suông, lý thuyết khô khan nó còn mang trong mình những tình cảm thắm thiết, những tâm tư lớn lao của người tạo ra nó. Những vui buồn, yêu thương, hay mộng mơ hoặc những giây phút bồng bột của tuổi trẻ. Tất cả những điều đó mang đến cho người đọc bao rung động, ngỡ ngàng trước những điều tưởng chừng như bình thường quen thuộc. Trong đó là tình cảm, là cái tôi, là tinh hoa của cái đẹp được truyền lại từ người nghệ sĩ.  Nó khám phá, tác động đến người đọc, khơi gợi nhiều cảm xúc…

Câu 3. Tại sao con người cần tiếng nói của văn nghệ?

Văn nghệ giúp chúng ta được sống đầy đủ hơn, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình.

- Tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với đời thường bên ngoài

Văn nghệ giúp con người vui lên, biết rung cảm và dám ước mơ, quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn.

Câu 4. Tiếng nói của văn nghệ đến với người đọc bằng cách nào mà có khả năng kì diệu đến vậy?

 Văn nghệ đến với con người bằng tình cảm, bởi lẽ văn nghệ cũng xuất phát từ tình cảm. Nó là tiếng nói của tình cảm, chứa đựng yêu ghét, vui buồn trong đời sống hàng ngày, nghệ thuật không khô khan mà lắng sâu thấm vào những cảm xúc, nỗi niềm… Văn nghệ làm đời sống con người phong phú hơn và từ đó tự hoàn thiện nhân cách cũng như tâm hồn của mình. Nó mang sức mạnh kỳ diệu có sức cảm hóa lớn mạnh, không khô khan, lý thuyết hay cứng nhắc.

Câu 5. Nêu vài nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi qua bài tiểu luận này?

Bố cục: chặt chẽ, hợp lý, dẫn dắt tự nhiên không gò bó, khuôn khổ

- Bài viết mang nhiều hình ảnh, nhiều dẫn chứng tiêu biểu, đa dạng, có sức thuyết phục cao.

Luận điểm sắp xếp theo một hệ thống hợp lý

Lời văn chân thành, thể hiện sự say sưa mang mong muốn, chứa đựng tình cảm sâu sắc.

*) Tổng kết: Qua đây có thể thấy vai trò quan trọng và tình cảm to lớn mà văn nghệ mang lại. Thúc đẩy khả năng nhận thức của con người, thể hiện tình cảm sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt.  


Tổng kết bài Tiếng nói của văn nghệ

Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ | Soạn văn 9

Các bài viết liên quan tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác