logo

Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích

icon_facebook

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích khắc họa tâm trạng buồn tủi, tình cảnh cô đơn, chơi vơi không bến đỗ cùng với những tâm sự buồn thương, tủi hổ và lạc lõng nơi đất khách quê người của Thúy Kiều. Cùng TOPLOIGIAI đến với phần soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích dưới đây để hiểu rõ hơn nỗi lòng của người con gái đáng thương ấy


Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích (chi tiết)

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích | Soạn văn 9

Câu 1. Cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu

- Không gian:   

+ Trước lầu Ngưng Bích => không gian gần kề nhưng đầy tù túng và ngột ngạt. Nơi đây cũng như cái lồng giam hãm tự do và khát vọng tuổi xuân của nàng Kiều.

+ Hai hình ảnh chủ đạo là “non xa, trăng gần” => Không gian cao rộng, thoáng đãng, bát ngát với sắc màu tươi sáng nhưng buồn vắng. Cảm giác toàn không gian ấy chỉ có thiên nhiên ngự trị, con người hoàn toàn nhỏ bé và lu mờ.

+ Không gian rộng lớn, được soi chiếu qua đủ mọi bề cao, rộng, sâu “bốn bề” nhưng cô liêu, tịch mịch qua từ láy “bát ngát”. Không gian ấy càng rộng hơn được thể hiện qua ánh mắt xa xăm, ngóng đợi của một tâm hồn cô quạnh, buồn thương như nàng Kiều đang ngước mắt “xa trông”

+ Không gian rất rời rạc, không có sự gắn kết “vẻ non xa, tấm trăng gần”, “cồn nọ- dặm kia” => cũng là hình ảnh núi và trăng nhưng không giống như thơ cổ, dưới ngòi bút của Nguyễn Du núi và trăng như đối chọi, xa cách, mỗi vật một hướng dường như chẳng bao giờ chạm đến và hài hòa với nhau thông qua những cặp từ đối lập “xa – gần”, “nọ -kia”

=> Không gian có nét đẹp, có những đường nét rất thơ mộng và trữ tình tuy nhiên lại vô cùng xa cách và hiu quạnh. Dường như cả không gian được bao trùm bởi sự tịch mịch, cách trở và cô liêu. Người đọc khó có thể tìm thấy được hơi ấm và sự sống trong khung cảnh thiên nhiên như thế.

 - Thời gian: dài dằng dặc, khép kín và dường như bị ngưng đọng trong không gian tù túng, ngột ngạt ấy. Trong nhịp trôi chậm của thời gian, Kiều chỉ biết làm bạn với "mây sớm, đèn khuya".

- Tâm trạng của Kiều:

+ Tác giả sử dụng từ rất đắt “khóa xuân” => ẩn dụ cho tình cảnh “cá chậu chim lồng”, bị giam lỏng của Kiều. Nhưng đặc biệt là nhà thơ không dùng từ “khóa thân” mà dùng từ “khóa xuân” như muốn bộc bạch nỗi đau bị chà đạp, chứng kiến tuổi xuân trôi đi trong tiếc nuối và vô vọng của nàng Kiều.

+ Đảo ngữ “ bẽ bàng” cùng với lời trần thuật đầy xót xa “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” => tâm trạng xót xa, tủi phận của người con gái bị đọa đày, bị đẩy vào nơi ô nhục. Cảnh như ẩn chứa tình. Có lẽ cũng bởi tâm trạng ngổn ngang, rối bời ấy mà đôi mắt Kiều nhìn đâu cũng chỉ thấy chia cắt, phân ly. Cảnh được khúc xạ qua điểm nhìn cá nhân nên mới trở nên tang thương, tiêu điều đến thế.

 => Bức tranh thiên nhiên cô liêu, tịch mịch được phản chiếu qua ánh nhìn hoang hoải, lẻ loi của nàng Kiều đã thể hiện rất rõ tình cảnh cô đơn, chơi vơi không bến đỗ, mịt mù chẳng thấy tương lai của Kiều cùng với những tâm sự buồn thương, tủi hổ và lạc lõng nơi đất khách quê người của người con gái đáng thương.

 Câu 2. Nỗi nhớ thương trong tám câu thơ tiếp

* Đối tượng của nỗi nhớ:

 Trong cảnh ngộ đầy xót thương ấy của mình, Thúy Kiều đã nhớ đến Kim Trọng và cha mẹ. Người đầu tiên mà nàng nhớ đến là Kim Trọng. Điều này có vẻ phi lý tuy nhiên nếu xem xét kĩ thì là hoàn toàn phù hợp với quy luật tâm lí con người và thái độ nâng niu, trân trọng với mối tình Kim- Kiều của tác giả. Dẫu sao thì Thúy Kiều cũng chỉ là cô gái mới lớn, vừa mới chạm tay vào một tình yêu đẹp nhưng đã phải sớm lìa xa. Hơn nữa, nàng lựa chọn chữ Hiếu hơn chữ Tình cho nên đến lúc này, chữ tình trở thành niềm thương khắc khoải và cả một chút day dứt, nghẹn ngào trong trái tim nàng.

 * So sánh hai nỗi nhớ:

- Nhớ Kim Trọng:

      + Kiều nhớ lại khoảnh khắc dưới anh trăng năm ấy, hai người đã trao nhau lời thề nhưng nàng lại là người phá bỏ lời thề ấy trước => tâm trạng nhớ thương, day dứt.

      + Thương cho tấm lòng chàng Kim đang uổng công mong chờ “rày công mai chờ” mà chẳng thể trở về bên tình xưa nghĩa cũ.

      + Từ đó mà cám cảnh, xót thương thay cho tấm thân nhi nữ bơ vơ, lưu lạc chẳng hẹn ngày về, dẫu biết là không thể như xưa nhưng tâm trí chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ chàng. Càng trông cảnh lại càng xót xa cho tình.

- Nhớ cha mẹ:

      + Xót xa khi nghĩ cảnh cha mẹ già ngày đêm ngóng đợi tin con trong héo mòn mà bản thân chẳng có cách nào để báo tin cùng cha mẹ

      + Băn khoăn, không biết ai là người thay nàng chăm sóc mẹ già, nhất là khi trái nắng trở trời => Tấm lòng hiếu thảo hiếm thấy.

 * Đánh giá chân dung Thúy Kiều:

- Người con gái giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh. Tuy đang ở trong hoàn cảnh đau khổ, chia ly, tương lai mờ mịt nhưng nàng luôn lo nghĩ đến người khác: nhớ thương người yêu, lo lắng hiếu thảo vẹn toàn cha mẹ.

- Hiếu thảo, lễ nghĩa

- Chung thủy, vẹn tròn với người thương. Do hoàn cảnh mà nàng phải bội ước nhưng nàng chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ và tình yêu với chàng Kim.

 Câu 3. Tám câu cuối tả cảnh qua tâm trạng

* Cảnh vật:

Những câu thơ cuối đã làm bật nổi nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” vô cùng sinh động.  

"Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

……………………

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi".

- Hình ảnh “Cửa bể chiều hôm” => cửa bể gợi hình ảnh bến đỗ lúc cuối ngày, nơi ấy có cánh thuyền thấp thoáng xa xa. Nhìn cảnh mà gợi đến nỗi buồn của người con xa xứ, lênh đênh nơi góc bể chân trời chẳng biết đến bao giờ mới có thể trở lại cố hương.

- Hình ảnh “Hoa trôi man mác” =>  gợi tả thân phận bèo bọt, chìm nổi không biết đâu mới là bến dừng chân. Kiều như cánh hoa rơi mặc cho dòng thác định mệnh vùi dập, thả trôi không biết đâu là bến bờ.

- Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” => cảnh mang tâm trạng bi thương, da diết. Màu xanh của cỏ ở đây không còn gợi sức sống và sự tinh khôi, trong trẻo mà mang màu sắc cô đơn, tàn lụi, và tẻ nhạt. Nỗi tuyệt vọng đó như miên man, bất tận không có hồi kết.

- Đặc biệt là hình ảnh thiên nhiên “ gió cuốn mặt duềnh” và “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” => thiên nhiên như đang thét gào, nổi giận khiến Thúy Kiều cảm thấy kinh sợ, bất an trước bão tố, sóng gió cuộc đời đang bủa vây, ập xuống.

=>Cảnh thiên nhiên được miêu tả khá phong phú và đa dạng tuy nhiên tựu chung lại là đều miêu tả những nét bi thương, chìm nổi vô định như chính cuộc đời và thân phận nàng Kiều hiện nay vậy. Qua đó ta thấy được nỗi đau và tâm trạng bất an, tuyệt vọng của người con gái truân chuyên này.

 *Cách dùng điệp từ của tác giả

- Điệp ngữ "Buồn trông…" mở đầu tất cả câu sáu chữ, lặp lại bốn lần mở ra bốn cánh buồm, tạo nên âm điệu trầm buồn, da diết.

- Điệp ngữ đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ đồng thời cũng là điệp khúc của tâm trạng. Mỗi lần điệp ngữ vang lên là mỗi lần giọng thơ như nhanh hơn, mạnh hơn nhưng không phải trong không khí tươi vui mà như chùng xuống, khiến lòng người cũng trở nên bi thương hơn.


Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (hay nhất)

Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, bị làm nhục, bị Tú Bà ép tiếp khách, Kiều đã tự tử nhưng không thành, vì vậy nàng được hứa hẹn và được đưa lên ở lầu Ngưng Bích. Ở đây nàng có cơ hội được từ từ nghĩ lại cuộc đời mình đã trải qua, tâm trạng và nội tâm sâu sắc của nàng được tác giả khắc họa rõ nét qua đoạn trích.

Câu 1. Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu?

- Đặc điểm của không gian trước lầu Ngưng Bích.

- Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều.

- Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?

Không gian trước LẦu Ngưng Bích được mở ra theo hai hướng:

+ Chiều rộng: bá ngát, cát vàng, cồn nọ, bụi hồng

+ Chiều xa: non xa, trăng gần, mây sớm đèn khuya

Thời gian ở nhiều thời điểm, mây sớm là buổi sớm, đêm khuya, trăng gần là đêm trăng. Cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích mênh mông, bát ngát, vắng vẻ, lạnh lùng. Non xa, trăng gần thật vô lý vì đáng nhẽ trăng phải ở vị trí xa hơn. Đây không phải là tả cảnh một cách khách quan, vô cảm mà được tả theo tâm trạng của người ngắm cảnh. Tâm trạng của Kiều được tác giả sử dụng hàng loạt các từ ngữ: bẽ bàng, chán ngán, bơ vơ, cô đơn, lẻ loi, sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng gợi sự mênh mông rơn ngợp của không gian cho ta thấy rõ hơn tâm trạng cô đơn lẻ loi của Kiều.

Câu 2. Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều?

a) Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ tới ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau?Nhớ như thế có hợp lý không, vì sao?

b) Cùng là nỗi nhớ những cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.

c) Em có nhận xét gì về tấm lòng Thúy Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?

- Nàng nhớ Kim Trọng và nhớ cha mẹ, có trật tự như vậy là hợp lý theo dòng tâm trạng của Kiều. Nàng luôn cảm thấy mình có lỗi, luôn cảm thấy mắc nợ Kim Trọng. Kiều đã phản bội lại lời hẹn ước thiêng liêng với Kim Trọng dưới đêm trăng.. Nàng hình dung cảnh Kim Trọng trở về không gặp nàng, ngày đêm mong mỏi tin tức nàng mà đau khổ, nàng nghĩ đến thân phận bơ vơ, coi cút nơi đất khách quê người. Đau đớn tột cùng là Kiều không còn giữ được trinh tiết với người mà nàng nguyện trao thân gửi phận.

- Nhớ cha mẹ sau là vì giờ đây họ cũng đã tạm yên ổn, chỉ xót xa nỗi nhớ thương và cha mẹ già yếu không thể phụng dưỡng, chăm sóc.

- Nhớ Kim Trọng thì tác giả dùng từ “tưởng” nghĩa là liên tưởng, gợi hình ảnh đêm trăng thề nguyền thiêng liêng, phù hợp với nỗi nhớ người yêu, nỗi đau tiếc nuối về tình yêu tan vỡ. Nhớ cha mẹ dùng từ “xót” bởi lẽ nó là sự thương nhớ, xót xa, khi là người con chưa hoàn thành chữ hiếu và trách nhiệm của một người con cần phải thực hiện. Thật đau đớn, xót xa trước số phận người con gái chung thủy, hiếu thảo, vị tha.

Câu 3. Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.

a) Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.

b) Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?

 - Hai câu đầu là hình ảnh cánh buồm lẻ loi, nhỏ bé trôi lênh đênh trong không gian mênh mông buổi chiều tà với những lượn sóng mấp mô, gợi dự lẻ loi cô đơn của Thúy Kiều nơi góc bể, chân trời, cánh buồm cũng gợi những chuyến đi xa gợi nỗi nhớ về quê hương, gia đình và thân phận tha hương của một lớp người vô định. Hai câu tiếp với khung cảnh ngọn nước mới ra khỏi nguồn đục chứ không trong, cánh hoa trôi mong manh trên dòng nước siết không biết đi đâu về đâu. Đó là hình ảnh đáng thương, dường như đã để mặc cho cuộc đời trôi dạt, vẫn là tâm trạng cô đơn nhưng đã lên một mức mới. Sau đó là nỗi buồn, tủi thân, buông bỏ kéo dài đến không bao giờ. Tất cả dần dần đẩy lên là sự hãi hùng kinh sợ trước những tai họa sẵn sàng ập đến, trước đó là nỗi buồn sự lo âu thì giờ đây là sự sợ hãi trước bão giông của cuộc đời.

- Điệp ngữ “buồn trông” đặt ở đầu 4 câu lục thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình một cách sâu sắc và tinh tế hơn. Các điệp ngữ, điệp cấu trúc góp phần tô đậm, nhấn mạnh nỗi buồn cứ càng lúc càng dâng lên trong lòng Kiều, diễn biến theo từ xa tới gần, từ mông lung buồn bã đến sợ hãi.

*) Tổng kết: Tác phẩm miêu tả rõ nét nội tâm nhân vật, là một thành công lớn của Nguyễn Du qua việc khắc họa nội tâm nhân vật để làm nổi bật tính cách. Thể hiện nỗi buồn đau đớn đến tận cùng và sự bế tắc, mong muốn tìm lối thoát của nàng Kiều.


Tổng kết bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích | Soạn văn 9

Các bài viết liên quan Kiều ở lầu Ngưng Bích:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích

Tham khảo các bài học khác

image ads