logo

Soạn bài: Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân - tiếp theo (chi tiết)


Soạn văn 11: Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân (tiếp theo)


Luyện tập

Câu 1 (trang 36 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Việc sử dụng các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người để nói về những bộ phận tương tự ở sự vật trong tiếng Việt là một điều rất phổ biến. Một bậc thầy ngôn ngữ như Nguyễn Du hẳn không bỏ sót một cách vận dụng ngữ nghĩa đa dạng như thế này. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã chuyển nghĩa của từ “nách” dựa trên cơ sở giống nhau về vị trí bộ phận dưới cánh tay con người thành nghĩa chỉ vị trí giao nhau giữa hai bức tường trong câu thơ Nách tường bông liễu bay sang láng giềng.

Câu 2 (trang 36 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Ở mỗi nhà thơ, cách sáng tạo từ ngữ đa dạng và có nét riêng. Trong 4 câu thơ được đưa ra trong SGK, cả 4 nhà thơ đã có sự sáng tạo riêng trong lời thơ với cách sử dụng từ xuân:

- Hồ Xuân Hương gọi hẳn hai từ “xuân” trong một câu thơ của mình, nhưng hai từ lại mang hai ý nghĩa khác nhau: Xuân (đi) ý chỉ tuổi thanh xuân và vẻ đẹp người con gái, Xuân (lại) thì mang nghĩa gốc, chỉ mùa xuân của thiên nhiên.

- Cũng từ xuân ấy, Nguyễn Du lồng cả tự nhiên cả thanh xuân tươi đẹp của người con gái vào số phận Kiều: Cành xuân đã bẻ. Đây là một cách chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, một cách rất riêng và đầy hàm ý.

- Nguyễn Khuyến làm thơ nhớ bạn, khóc bạn cũng dùng xuân, xuân ở đây được sử dụng theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, xuân là hương men say nồng của rượu ngon, thứ rượu nâng chén trong những cuộc gặp gỡ, những lần đối đáp thơ văn giữa hai bạn hữu, xuân đây là sức sống dạt dào và tình bạn thắm thiết.

- Hồ Chí Minh lại đa dạng hóa từ xuân theo cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển trong một cặp lục bát. Xuân thứ nhất mang nghĩa gốc) ý chỉ mùa xuân tự nhiên thuận hòa, là một trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Xuân thứ hai được sử dụng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ chỉ sức sống mới, sự thịnh vượng, sự hồi sinh, ý nghĩa của màu xanh của cây lá, mùa xuân của đất nước là con người, là môi trường… tươi đẹp, hướng đến tương lai tươi đẹp.

Câu 3 (trang 36 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Cùng là mặt trời với nghĩa gốc là hòn lửa tự nhiên mọc hướng đông lặn hướng tây mỗi ngày mà các nhà thơ với dụng ý riêng của mình trong từng ngữ cảnh lại sử dụng nghĩa của từ mặt trời một cách khác nhau. Mặt trời trong thơ Huy Cận ở câu a được sử dụng theo nghĩa gốc, tức là mặt trời của tự nhiên.

Mặt trời trong câu b thật đặc biệt là mặt trời chân lí, đó là lí tưởng cách mạng, ánh hào quang đưa con người ra khỏi tăm tối. Ở câu c, mặt trời thứ nhất giống như cách dùng của Huy Cận với nghĩa gốc là mặt trời của tự nhiên, riêng đến mặt trời thứ hai, từ ngữ đã được chuyển nghĩa phương thức ẩn dụ, mặt trời của mẹ là đứa con đang say ngủ, là niềm tin, ánh sáng của đời người mẹ.

Câu 4 (trang 36 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Các câu được đưa ra đều có xuất hiện các từ mới được tạo ra trong thời gian gần đây. Ở câu a chúng ta thấy xuất hiện từ mọn mằn. Cấu tạo của từ này xuất phát từ tiếng có sẵn là mọn - nhỏ đến mức không đáng kể, từ này cũng được cấu tạo từ quy tắc láy hai tiếng và lặp lại phụ âm đầu. Từ mọn mằn có nghĩa là nhỏ nhặt, tầm thường, không đáng kể.

Câu b có xuất hiện từ giỏi giắn, nó xuất phát từ tiếng có sẵn là giỏi. Đồng thời từ mới được cấu tạo theo quy tắc láy hai tiếng, lặp lại phụ âm đầu (âm gi). Giỏi giắn mang nghĩa rất giỏi với sắc thái thiện cảm, được mến mộ.

Cuối cùng ở câu c ta thấy có xuất hiện từ nội soi. Đây là một từ mới được tạo ra từ hai tiếng có sẵn là nội và soi. Khác với quy tắc cấu tạo của hai câu a và b, ở từ nội soi ta thấy được nó cấu tạo từ động từ chính (soi) và phụ từ bổ sung ý nghĩa (nội), trong đó động từ chính đi sau và phụ từ đặt trước.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác