logo

Soạn bài: Thực hành về thành ngữ, điển cố (chi tiết)


Soạn văn 11: Thực hành về thành ngữ, điển cố


Hướng dẫn học bài

Bài 1 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Các thành ngữ khác biệt với từ ngữ thông thường. Thành ngữ ngắn gọn hơn, từ ngữ thông thường sẽ diễn giải ra dài hơn, ít vần điệu hơn, cấu tạo thành ngữ ổn định và nội dung mang tính khái quát qua những hình ảnh cụ thể sinh động, hàm chứa tính biểu cảm cao. Đoạn thơ của Trần Tế Xương trong Thương vợ có sử dụng 2 thành ngữ dễ thấy:

+ Một duyên hai nợ → cái duyên cái tình kèm theo hai phần cực nhọc, bà Tú một thân một mình gánh vác trọng trách nuôi chồng nuôi con.

+ Năm nắng mười mưa → năm mười là những số từ tưởng cụ thể mà không cụ thể, chúng chỉ ước lượng cho số nhiều những vất vả khốn khó giữa thời tiết, giữa những sóng gió của cuộc sống.

Bài 2 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Giá trị nghệ thuật của các thành ngữ:

- Đầu trâu mặt ngựa: dữ dằn, hung bạo, khuôn mặt dáng hình của những con vật to lớn có phần thô ráp, những con thú vật, bản chất vô nhân tính của lũ cướp giật giữa ban ngày hùng hổ và ào ào ngập vào gia đình Kiều khi nàng bị vu oan.

- Cá chậu chim lồng: những điều thuộc về tự nhiên như cá như chim lại bị ràng buộc và làm thứ mua vui cho con người, sống quanh quẩn trong cái mẽ chậu đẹp lồng cao. Đó là sự tù túng.

- Đội trời đạp đất: khí thể ngút trời, tầm vóc to lớn, tính ưa tự do và có phần nào ngang tàng; đó cũng đồng thời là tính cách đáng ngưỡng mộ của người anh hùng Từ Hải làm những chuyện to lớn vĩ đại.

Bài 3 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Thế nào là điển cố? Một câu hỏi không khó nhưng cũng chẳng dễ. Nguyễn Khuyến nhắc đến gương, đến đàn bỗng đâu bao kỷ niệm về người bạn tri kỷ đã mất ùa về làm chóng ngợp niềm cảm thương. Điển cố chính là vậy. Nó là những sự việc đã xảy ra – ghi lại dấu ấn đặc biệt mà khi nhắc đến nó nhớ ngay đến một câu chuyện từng đi vào lịch sử nào đó, hay đó cũng là câu chữ trong sách đời trước thường được dẫn ra và sử dụng lồng ghép vào bài thơ, bài văn, lời nói để diễn tả lại những điều tương tự.

Bài 4 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Tính hàm súc, thâm thúy của điển cố:

- Ba thu: điển cố trích từ Kinh Thi: 1 ngày không thấy mặt nhau lâu như ba mùa thu (ba năm) đã qua → 1 ngày ngắn ngủi mà lòng người mong nhớ cảm giác thời gian dài đằng đẵng, phải chăng đó là nỗi tương tư của chàng Kim Trọng với người mình thương, người mình nhớ - nàng Kiều sắc sảo mặn mà.

- Chín chữ: công lao to lớn của cha mẹ là chín chữ vàng chữ ngọc về đạo đức về nhân phẩm mà Thúy Kiều nhớ mãi, đó chính là niềm day dứt thầm trách của người con có hiếu vì chưa vẹn tròn đạo hiếu.

- Liễu Chương Đài: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, nơi từng hẹn chính là những kỷ niệm đẹp nhất của những người đang yêu, ấy vậy mà mọi thứ đã đi xa đi xa mãi, Kiều mường tượng đến cảnh Kim Trọng trở lại nơi xưa nhưng nàng đã không còn đứng đợi chàng được nữa.

- Mắt xanh: Nguyễn Tịch thời Tấn thích ai thì tiếp bằng mắt xanh, khinh ai thì nhìn bằng mắt trắng → Một ý nghĩa rất thâm thúy về thái độ người chủ với người khách: Từ Hải muốn nói rằng, chàng biết Kiều ở chốn thanh lâu xô bồ, ngày ngày phải tiếp khách làng chơi nhưng chưa hề yêu ai, không vẩn đục giữa làn nước mờ, nó thể hiện lòng quý trọng phẩm giá của Kiều

Bài 5 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

- Có thể thay như sau:

+ ma cũ bắt nạt ma mới→ bắt nạt người mới

+ chân ướt chân ráo→ người mới đến còn chưa quen.

+ cưỡi ngựa xem hoa→ làm việc qua loa, sơ sài

- Nếu thay các thành ngữ bằng các từ ngữ thông thường tương đương thì ý nghĩa không thay đổi nhiều, nhưng sự vần điệu, hình ảnh không được trọn vẹn xuôi tai, hơn nữa còn mất đi sắc thái biểu cảm, diễn đạt thiếu cô đọng.

Bài 6 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Đặt câu

- Mẹ tròn con vuông: May thay điều khó khăn nhất đã qua. Chúc mừng mẹ tròn con vuông.

- Trứng khôn hơn vịt: Tưởng thế nào chứ nghĩ gì mà trứng khôn hơn vịt.

- Nấu sử sôi kinh: Đỗ đạt đâu có dễ dàng gì, phải nấu sử sôi kinh bao năm trời mới có được thành quả như ngày hôm nay.

- Lòng lang dạ thú: Làm bác sĩ mà không có y đức khác nào lũ lòng lang dạ thú.

- Đi guốc trong bụng: Cậu tưởng tôi không biết cậu muốn gì à? Tôi đã đi guốc trong bụng cậu từ lâu rồi

- Nước đổ đầu vịt: Nói hoài nói mãi mà vẫn vậy, chỉ tổ nước đổ đầu vịt.

- Dĩ hòa vi quý: Thôi anh ơi anh ơi, dĩ hòa vi quý vẫn hơn.

Bài 7 (trang 67 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Đặt câu

- Gót chân Asin: Đừng lo! Chỉ cần nắm được gót chân Asin của hắn thì mọi chuyện coi như xong.

- Gã Sở Khanh: Một kẻ tán cậu hôm nay nhưng thả nụ cười dễ dãi cho một cô gái khác thì thật là gã Sở Khanh.

- Nợ như chúa Chổm: Ôm đồm ít thôi cậu trai, còn trẻ mà nợ như chúa Chổm thế.

- Đẽo cày giữa đường: Làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn chứ cứ kiểu đẽo cày giữa đường thì chẳng việc gì nên hồn.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác