logo

Soạn bài: Chí Phèo - Phần 1. Tác giả Nam Cao (chi tiết)

Hướng dẫn soạn bài Chí Phèo, Phần 1. Tác giả trong sgk Ngữ Văn 11 để tìm hiểu kĩ hơn về nhà văn Nam Cao, tác giả của nhiều tác phầm đặc sắc trong đó có truyện Chí Phèo. Cùng đọc bài viết sau để hiểu rõ hơn về cuộc đời, gia đình, sự nghiệp, quan điểm sáng tác và phong cách sáng tác của ông nhé


Soạn bài Chí Phèo - Phần 1. Tác giả Nam Cao

Câu 1 (trang 142 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Để trở thành một nhà văn hiện thực, hẳn nhiên người đó phải có vốn sống vốn hiểu đời rất sâu sắc. Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc cũng bởi sự hiểu đời một cách rành mạch như thế. Sự nghiệp văn học của ông ảnh hưởng rất nhiều bởi tiểu sử và con người Nam Cao.

- Về tiểu sử, Nam Cao là con một gia đình nghèo, người nghèo thường đẻ đông con. Ông ra đời vào năm 1917 và mất năm 1951 với tên khai sinh Trần Hữu Tri. Cuộc đời của ông thật sự vất vả khi mà dành công dành sức của mình làm thầy giáo ở quê sau hơn ba năm bôn ba Sài Gòn. Thế mà cuộc đời oái oăm thay, để ông chịu cảnh trường đóng cửa vì quân Nhật tiến vào Đông Dương đẩy Nam Cao vào một cuộc đời chật vật, sống lay lắt bám theo cây bút và nghề dạy bằng việc viết văn và đi gia sư.

Nhận thức được cách mạng, Nam Cao quyết định theo chân cách mạng từ 1943, ông tích cực chiến đấu bằng ngòi bút. Tuy nhiên cho đến 1951, ông tử nạn khi bị giặc phục kích.

- Về con người, có thể nói Nam Cao là một người lạnh bên ngoài, ấm bên trong. Ông được người ta nói đến như một con người sống rất nội tâm, vẻ ngoài lạnh lùng nhưng phần bên trong lại luôn luôn sục sôi, ông nghiêm khắc đấu tranh với chính bản thân mình, mâu thuẫn với thực tại xã hội, ông luôn muốn thoát khỏi những nhỏ nhen tầm thường của cuộc sống và hướng tới cái cao đẹp, cao đẹp không phải ở vẻ ngoài mà ở bên trong tâm hồn,. Điều này tạo nên thành công cho Nam Cao trong những nét bút khắc họa sâu sắc đời sống nội tâm của con người, đặc biệt là những người trí thức nghèo.

Hướng tới các giá trị bên trong con người, Nam Cao thực là một nhà văn, một người trí thức có tấm lòng đôn hậu, giàu lòng nhân ái với những người nghèo khổ, những người nông dân trong xã hội. Vì thế mà những suy tư của ông về người nông dân trên trang giấy lúc nào cũng thấm đượm đạo lý nhân ái, tinh thần nhân đạo.

Vả chăng vì nội tâm sâu sắc và nhân ái mà Nam Cao luôn day dứt trong mình những suy tư, những trầm mặc về cuộc sống, đẩy các sáng tác của ông vào mặt triết lý sâu sắc.

Quả thực nhìn vào tiểu sử và con người Nam Cao, chúng ta đều công nhận rằng con người Nam Cao cũng như những lao động nghệ thuật của ông là một tấm gương mẫu mực cho hậu thế, cho các cây bút trẻ.

Câu 2 (trang 142 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Theo như các ghi chú trong SGK, chúng ta nhìn ra được quan điểm nghệ thuật của Nam Cao có các nội dung chính là khẳng định giá trị văn học nghệ thuật, đề cao sự sáng tạo, nhân cách nhà văn:

- Nam Cao từng viết “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”, đấy cũng là tiếng lòng tác giả gửi gắm qua các câu chữ. Ông nhìn nhận văn học nghệ thuật là một phần của cuộc sống, chủ nghĩa hiện thực rõ nét, đề cao hiện thực chứ không phải là cõi mộng du như chủ nghĩa lãng mạn.

- Người viết văn là người phải hiểu về văn, vậy văn học là gì? Văn học chân chính là văn học nhận thức rõ và phản ánh được tưởng nhân đạo. Nó vừa là nỗi thống khổ của người dân nghèo, nỗi khổ của những tâm hồn đẹp, vừa là nguồn sức mạnh vô tận cổ vũ những tâm hồn đau đớn kia bước trên đường cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất, một cách đấu tranh để hướng tới xã hội đẹp hơn, công bằng hơn, nhân ái và còn hòa hợp gần gũi.

- Như đã đề cập, văn chương Nam Cao chẳng mấy khi thoát ly hình ảnh con người trí thức nghèo, người trí thức mà nghèo chính là những người coi trọng cái đức, cái nghề chứ không phải con người chỉ dành trí thức của mình cho việc làm giàu, cho kinh tế. Đó chính là cái lương tâm, cái nhân cách cao đẹp của người cầm bút. Điều này được nói ra khiến ta nghĩ đến người viết chữ trong “Chữ người tử tù”, nghệ thuật và tri thức phải để phục vụ cái tốt, phải được chỉ đạo dưới sự dẫn dắt của lương tâm. Nghề văn thì phải có sáng tạo, phải có tìm tòi, chớ có sự sao chép và cho đó là của mình, đó cũng là từ cái tâm người viết mà ra cả.

Câu 3 (trang 142 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

- Nam Cao chẳng bao giờ thôi day dứt về sự đời, sự người bởi người viết văn là thế, lúc nào cũng ngẫm nghĩ cũng lo âu. Về người trí thức nghèo, Nam Cao nhìn họ dưới một con mắt chân thực, đầy cảm xúc, đầy tình thương về cảnh đói nghèo khốn khó của họ cũng như nỗi lòng của chính bản thân ông. Ông đi sâu vào diễn tả tấn bi kịch, những nỗi đau dằng xé trong tâm hồn họ bởi người cầm bút chân chính luôn phải giữ trong mình cái tôi cao đẹp không bị pha tạp, trong khi xã hội vây quanh họ ấy là kẻ lạc đường không ai thương. Ông tách ngòi để nói với người đọc, nói với chúng ta rằng xã hội này ngột ngạt quá, xã hội này phi nhân tính quá, khổ quá biết than ai vì nó bóp nghẹt cổ họng của người ta mất rồi. Đau xót, buồn thương và day dứt, Nam Cao đẩy lên một bậc suy nghĩ nữa, ông viết về khao khát, viết về sự thật đang dấy lên trong tâm hồn mình niềm mong mỏi cháy bỏng hãy cho tôi một cuộc sống có ý nghĩa hơn, tươi đẹp hơn thế này.

- Người nông dân cùng khổ khác chăng người trí thức nghèo ở chỗ họ không được học chữ nhiều, nhưng nhìn chung người nông dân trong cây viết Nam Cao chưa bao giờ thiếu đạo đức như mấy kẻ quan tham. Những người nông dân ấy chỉ đến bước đường cùng khi bị dồn ép chứ họ đâu muốn thế. Qua hình ảnh người nông dân, bức tranh về nông thôn Việt Nam hiện lên rõ nét hơn, rằng là nó nghèo khổ, xơ xác, thê thảm… rằng là con người ở đó thiếu miếng ăn, thiếu tiếng nói. Những phận người thấp cổ bé họng phải chịu oan ức, chịu lăng mạ từ những kẻ quyền thế. Và hơn hết, Nam Cao nhìn rất sâu vào những con người bị tha hóa, những người nông dân hiền lành trở thành kẻ lưu manh và mất nhân tính. Họ có độc ác không? Có, nhưng cái độc ác ở đây là xã hội. Họ ác vì đi đến bước đường cùng không còn đường nào để đi nữa. Cái xã hội ấy độc quá, tàn bạo quá rồi bị thương bởi chính mũi dao mà họ cầm chuôi. Những người nông dân tha hóa ấy không ác đâu, họ đáng thương hơn ai hết bởi vì lương thiện quá nên cơn gió “tha hóa” mới lướt qua và nhập vào biến cái lương thiện của họ thành bộ mặt đầy sẹo vì lưu manh.

Câu 4 (trang 142 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Nghệ thuật Nam Cao có một phong cách riêng mà các nhà văn khác chưa hoặc không lẫn. Đó là sự sâu sắc trong khám phá nội tâm nhân vật, những nhân vật mà hiện thực tô vẽ mà con chữ chỉ là mô phỏng lại. Nếu đã đọc Chí Phèo, bạn sẽ thấy cách miêu tả con người nửa say nửa tình, dở khóc dở cười ở Chí Phèo xuất sắc thế nào, Nam Cao cũng không đi theo lối kể chuyện tuyến tính một chiều thời gian. Mà cái xuất sắc của Nam Cao xuất phát từ sự am hiểu tận gốc ngọn của ông với nhân vật, với xã hội.
Văn viết của Nam Cao hướng về những cái nhỏ nhặt, song chúng không bé như chúng ta tưởng vì chúng có thể truyền đạt những tư tưởng triết lý cao siêu. Giọng văn mà Nam Cao sử dụng vô cùng đa dạng lúc lạnh lùng lúc sôi nổi. Vì gắn với nông thôn nên ngôn ngữ của ông của thật có chiều sâu cảm xúc mà gần gũi đời sống.

Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác