logo

Soạn Sinh 10 Bài 19: Công nghệ tế bào - KNTT

Hướng dẫn Soạn Sinh 10 Bài 19: Công nghệ tế bào ngắn gọn nhất bám sát nội dung SGK Sinh học 10 trang 110, 111, 112, 113, 114 bộ Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Hi vọng, qua bài viết này các em học sinh có thể nắm vững nội dung bài và hiểu bài tốt hơn.

Bài 19. Công nghệ tế bào trang 110, 111, 112, 113, 114 SGK Sinh 10 Kết nối tri thức

>>> Xem thêm: Tóm tắt Lý thuyết Sinh 10 Bài 19 ngắn nhất Kết nối tri thức


Yêu cầu cần đạt

Trả lời câu hỏi trang 110 SGK Sinh học 10

Mở đầu: Các con lợn Ỉ trong hình bên ghi nhận thành tựu về công nghệ tế bào của các nhà sinh học Việt Nam lần đầu tiên nhân bản thành công một loài động vật có vú. Vậy công nghệ tế bào là gì, nguyên lí của nó ra sao mà có thể làm nên những điều kì diệu như vậy?

Soạn Sinh 10 Bài 19 ngắn nhất | Trả lời câu hỏi Sinh 10 Bài 19 - Kết nối TT

Lời giải:

- Công nghệ tế bào là ngành kĩ thuật về quy trình ứng dụng phương pháp nuôi cấy tế bào hoặc mô để tạo cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh để tạo ra một số lượng lớn tế bào nhằm mục đích nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế.

- Nguyên lí của công nghệ tế bào: Nuôi cấy các tế bào gốc trong môi trường thích hợp và tạo điều kiện để chúng phân chia rồi biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau.


Dừng lại và suy ngẫm - Mục I

Trả lời câu hỏi trang 112 SGK Sinh học 10

Câu 1. Thế nào là công nghệ tế bào động vật? Nêu nguyên lí và một số thành tựu của công nghệ tế bào động vật.

Lời giải:

- Công nghệ tế bào động vật là quy trình công nghệ nuôi cấy các loại tế bào động vật và tế bào người trong môi trường nhân tạo để tạo ra một lượng lớn tế bào nhằm mục đích nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế.

- Nguyên lí của công nghệ tế bào động vật là nuôi cấy các tế bào gốc trong môi trường thích hợp và tạo điều kiện để chúng phân chia rồi biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau. Trong đó, tế bào gốc là những tế bào có thể phân chia và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau.

- Một số thành tựu nổi bật và có ý nghĩa lớn trong thực tiễn của công nghệ tế bào động vật là:

+ Nhân bản vô tính vật nuôi: đã tạo ra những động vật nhân bản vô tính ở nhiều loài như: ếch, bò, lợn, cừu, ngựa, lừa, chó, mèo, khỉ và nhiều loài động vật có vú khác, trong đó nổi bật nhất là sự ra đời của con cừu nhân bản đầu tiên trên thế giới có tên là Dolly vào năm 1996. Tại Việt Nam, các nhà khoa học ở Viện Chăn nuôi cũng lần đầu tiên nhân bản thành công vật nuôi là con lợn Ỉ. Nhân bản vật nuôi không chỉ nhằm mục đích sinh sản tạo ra nhiều cá thể có cùng kiểu gene ưu việt mà chúng còn làm tăng số lượng cá thể của những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Liệu pháp tế bào gốc: đang được ứng dụng trong việc chữa trị một số bệnh ung thư ở người. Các nhà khoa học cũng kì vọng sẽ chữa được các bệnh như Parkinson, bệnh tiểu đường type I, người có cơ tim bị tổn thương do đột quỵ hay bị tổn thương các tế bào thần kinh. Thành tựu trong nuôi cấy các tế bào động vật cũng cho phép các nhà nghiên cứu phát triển thịt nhân tạo làm thực phẩm cho con người.

+ Liệu pháp gene: chữa bệnh di truyền nhờ thay thế gene bệnh bằng gene lành.

Câu 2. Tế bào gốc là gì? Phân biệt các loại tế bào gốc. Nuôi cấy các tế bào người và động vật trong ống nghiệm đem lại những lợi ích gì?

Lời giải:

- Tế bào gốc là những tế bào có thể phân chia và biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác nhau.

- Tế bào gốc có thể được chia thành nhiều loại dựa theo nguồn gốc:

+ Các tế bào gốc có nguồn gốc từ phôi sớm của động vật được gọi là tế bào gốc phôi hay tế bào gốc vạn năng do loại tế bào này có thể phân chia và biệt hoá thành mọi loại tế bào của cơ thể trưởng thành.

+ Tế bào gốc có nguồn gốc từ các mô của cơ thể trưởng thành được gọi là tế bào gốc trưởng thành hay tế bào gốc đa tiềm năng do chúng chỉ có thể phân chia và biệt hoá thành một số loại tế bào nhất định của cơ thể.

- Nuôi cấy các tế bào người và động vật trong ống nghiệm đem lại những lợi ích:

+ Hỗ trợ cho phôi tiếp tục phát triển sau khi thụ tinh.

+ Trên cơ sở quan sát và đánh giá liên tục quá trình phân chia của phôi qua các ngày để phát hiện ra các bất thường và loại bỏ các phôi đó sớm trước khi chuyển vào cơ thể mẹ.

+ Giúp cho việc sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ để sàng lọc phôi khỏe mạnh chỉ đem lại kết quả tốt nhất.


Dừng lại và suy ngẫm - Mục II

Trả lời câu hỏi trang 114 SGK Sinh học 10

Câu 1. Công nghệ tế bào thực vật là gì?

Lời giải:

- Công nghệ tế bào thực vật là quy trình công nghệ nuôi cấy các tế bào, mô thực vật ở điều kiện vô trùng để tạo ra các cây có kiểu gene giống nhau nhằm mục đích nhân giống.

Câu 2. Nêu nguyên lí công nghệ tế bào thực vật. Để cho các tế bào thực vật đã biệt hoá có thể phân chia và phát triển thành một cây hoàn chỉnh thì các nhà khoa học cần nuôi cấy tế bào trong những điều kiện như thế nào?

Lời giải:

- Nguyên lí của công nghệ tế bào thực vật: Cơ sở khoa học của công nghệ tế bào thực vật là dùng môi trường dinh dưỡng có bổ sung các hormone thực vật thích hợp tạo điều kiện để nuôi cấy các tế bào thực vật tái sinh thành các cây.

- Để cho các tế bào thực vật đã biệt hóa có thể phân chia và phát triển thành một cây hoàn chỉnh thì các nhà khoa học cần nuôi cấy trong điều kiện vô trùng với đầy đủ chất dinh dưỡng cùng các loại hormone thực vật với tỉ lệ thích hợp để nhằm đưa các tế bào biệt hóa về trạng thái chưa phân hóa tạo nên mô phân sinh (mô sẹo).

Câu 3. Nêu một số thành tựu của công nghệ tế bào thực vật.

Lời giải:

Một số thành tựu của công nghệ tế bào thực vật:

- Nuôi cấy mô tế bào:

+ Các mô tế bào chuyên hoá được tách khỏi cây và đưa vào trong ống nghiệm nuôi cấy trong điều kiện vô trùng với đầy đủ chất dinh dưỡng cùng các loại hormone thực vật với tỉ lệ thích hợp.

+ Các tế bào biệt hoá sẽ được đưa về trạng thái chưa phân hoá tạo nên mô phân sinh được gọi là mô sẹo hay mô callus.

+ Các tế bào mô sẹo sau đó phân chia và hình thành nên rễ, thân, lá và cuối cùng hình thành nên cây con.

=> Phương pháp nuôi cấy mô đem lại nhiều thành tựu như nhân nhanh với số lượng lớn cây ở những loài quý hiếm có thời gian sinh trưởng chậm, cây kháng bệnh virus và nhiều bệnh khác.

- Lai tế bào sinh dưỡng: là kĩ thuật lai hai tế bào sinh dưỡng thuộc hai loài thực vật khác nhau sau khi được loại bỏ thành cellulose để tạo thành tế bào lại, sau đó đưa tế bào lại vào nuôi cấy trong môi trường đặc biệt để chúng phân chia và tạo thành cây lại khác loài.

=> Kĩ thuật này giúp tạo ra giống mới mang đặc điểm của hai loài mà bằng phương pháp tạo giống thông thường không tạo ra được.

- Nuôi cấy hạt phấn hoặc noãn chưa thụ tinh:

+ Hạt phấn và noãn chưa thụ tinh được nuôi cấy trong ống nghiệm rồi cho phát triển thành cây đơn bội hoặc lưỡng bội hoá các mô đơn bội và nuôi cấy để tạo thành cây lưỡng bội hoàn chỉnh. Kĩ thuật này có thể tạo ra các cây có kiểu gene đồng hợp tử về tất cả các gene, đem lại nhiều lợi ích trong công tác tạo giống cây trồng.


Luyện tập và vận dụng

Trả lời câu hỏi trang 114 SGK Sinh học 10

Câu 1. Khi đi ngang qua một cánh đồng trồng cây chuối, người ta có thể dễ dàng phát hiện ra đó có phải là những cây chuối nuôi cấy mô hay không. Em hãy giải thích tại sao.

Lời giải:

Các giống cây được tạo ra nhờ nuôi cấy mô có thường sạch bệnh và có tính đồng nhất cao về mặt di truyền. Do đó, đặc điểm hình thái, sinh lý của các cây chuối trồng trên cùng một cánh đồng, được hưởng cùng điều kiện chăm sóc sẽ rất tương đồng với nhau, giúp người ta có thể dễ dàng phát hiện ra đó có phải là những cây chuối nuôi cấy mô hay không.

Câu 2. Việc trồng các giống cây nuôi cấy mô trên một diện tích rộng có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn nhưng cũng đem lại rủi ro cao. Tại sao?

Lời giải:

- Lợi ích: Các cây con được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy mô có tính đồng nhất về mặt di truyền cao. Do đó, trong điều kiện thuận lợi, các cây phát triển nhanh, cho sản phẩm đồng đều về chất lượng. Ngoài ra, các cây con được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy mô thường sạch bệnh vừa giúp đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của cây vừa tiết kiệm chi phí chăm sóc.

- Rủi ro: Do các cây đều đồng nhất về mặt di truyền (tính đa dạng di truyền không cao) nên nếu gặp một tác động bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các cây, dẫn đến hiện tượng “mất trắng” (thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế).

>>> Xem toàn bộ: Soạn Sinh 10 Kết nối tri thức

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Sinh 10 Bài 19: Công nghệ tế bào trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 06/08/2022 - Cập nhật : 05/09/2022