logo

Soạn bài: Truyện Kiều - Thề nguyền (chi tiết)


Soạn bài: Truyện Kiều - Thề nguyền (chi tiết)

*) Vị trí đoạn trích: 

Nhân dịp cả gia đình về chơi bên ngoại, sau cuộc gặp với Kim Trọng, Kiều quay về nhưng được tin cả gia đình vẫn chưa về. Nàng quay lại gặp Kim Trọng lần 2. Đoạn trích diễn ra trong hoàn cảnh đó, kể về việc Kim-Kiều làm lễ thề nguyền trong đêm. Đoạn trích từ câu 431-452 trong truyện Kiều.

*) Nội dung chính: 

Lễ thề nguyền giữa Kiều và Kim Trọng diễn ra trong đêm 1 cách nhanh chóng nhưng trang nghiêm và thiêng liêng.

Câu 1 (trang 116 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Nhận xét về hàm nghĩa của các từ “vội”, “xăm xăm”, “băng”:

“vội”: vội vàng

“xăm xăm, băng”: nhanh, gấp gáp, mạnh mẽ -> hành động có chủ ý

⇒ Hành động gấp gáp, vội vã của Kiều phù hợp đúng với hoàn cảnh hiện tại của nàng: nàng sợ bố mẹ và gia đình về sớm sẽ biết được hành động của mình nên nhanh chóng, khẩn trương tìm gặp Kim Trọng. Chúng ta thấy một điều mới mẻ trong quan niệm của Nguyễn Du khác với suy nghĩ và quan niệm của thời phong kiến lúc bấy giờ. Theo lẽ thường thì con trai phải là người bày tỏ tình cảm trước và thân con gái thường e ấp, bẽn lẽn, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Nhưng ở đây ta thấy người chủ động không phải là Kim Trọng mà chính là Kiều. Nàng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Phải chăng nàng lo sợ rằng nếu không bày tỏ, không thổ lộ tình cảm lúc này thì nàng không còn cơ hội để bộc lộ tình yêu, vì thế nên trong đêm khuya vẫn một mình gấp gáp sang gặp Kim Trọng -> hành động táo bạo, dứt khoát, nhanh chóng, khẩn trương cho thấy sự khát khao mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc.

Câu 2 (trang 116 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Không gian thơ mộng và thiêng liêng được Nguyễn Du đặc tả:   

“Nhặt thưa gương giọi đầu cành,

Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu”

Không gian gắn liền về đêm nên chúng ta có thể thấy ánh trăng rọi chiếu xuyên qua lá cây tạo khoảng sáng tối trên mặt đất, nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu dịu. Một không gian thơ mộng, có phần hư ảo.

Không gian thơ mộng, thiêng liêng còn được hiện lên thông qua các từ ngữ, hình ảnh ước lệ: “Tiếng sen sẽ động” (bước chân nhẹ nhàng của Kiều), “Hoa lê” (ở đây chỉ người đẹp Thúy Kiều), “đài sen” (thêm nến sáp cho thêm sáng), “lò đào” (thắp thêm hương cho thêm thơm), “tiên thề” (tờ giấy viết lời thề), “tóc mây” (cắt tóc thề nguyền)

⇒ Lời thề được diễn ra trong không gian đêm khuya tĩnh lặng. Dù lễ thề nguyền diễn ra nhanh chóng nhưng vô cùng thiêng liêng và cao quý. Bởi cả Kiều và Kim trọng đều có tâm trạng mong ngóng, hồi hộp, khát khao về một tình yêu mãnh liệt thủy chung. Tình yêu đó được trời đất chứng giám (vầng trăng vằng vặc), có tín vật tình yêu (tiên thề, tóc mây, dao vàng) và quan trọng hơn hết là mối tình sắt son khát khao một cuộc sống hạnh phúc của đôi nam nữ Kim-Kiều.

Câu 3 (trang 116 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Lời thề trong tình yêu đó là một cung bậc cảm xúc khi tình yêu đạt đến độ cao trào. Đối với Kim Trọng và Thúy Kiều, nó như một minh chứng cho lời ước hẹn mãi mãi bên nhau. Nó đã vượt qua quan niệm cổ hủ của chế độ phong kiến trở thành một biểu tượng của tình yêu tự do, của những khát khao mong có một cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. Chính vì thế lời thề giữa Kim-Kiều vô cùng trang trọng và thiêng liêng. Đặc biệt là đối với Kiều. Trong quan niệm về tình yêu của Kiều, ta có thể thấy được tính logic nhất quán về sự thiêng liêng và trang trọng này từ khi “Thề nguyền” cho đến “Trao Duyên” rồi cả cuộc đời sau này của nàng. Với Kiều, tình yêu với Kim Trọng luôn vẹn tròn sắc son, thiêng liêng và cao quý. Chính vì thế khi trao duyên cho Thúy Vân, tâm trạng Thúy Kiều bị giằng xé đau đớn giữa một bên là hiếu một bên là tình. Sự đau đớn đó vẫn còn theo nàng trong suốt quãng đời ở lầu xanh. Nàng càng trân trọng, nâng niu mối tình đẹp với Kim Trọng thì càng đau đớn, tủi hổ, xót xa bấy nhiêu, càng không muốn bị hoen ố, bị hòa hợp với cái thế giới lầu xanh nhơ nhớp=> khát vọng về một tình yêu tự do và hạnh phúc.

Soạn bài: Truyện Kiều - Thề nguyền (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác