logo

Soạn bài: Tổng quan về văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (chi tiết)


Soạn bài: Tổng quan về văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (chi tiết)

Câu 1 (trang 13 SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Sơ đồ các bộ phận của văn học Việt Nam:

Soạn bài: Tổng quan về văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất

 

Câu 2 (trang 13 SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam:

* Văn học trung đại (văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX):

- Văn học trung đại chữ Hán:

+ Nền văn học viết Việt Nam chính thức hình thành từ thế kỉ X, văn học chữ Hán tồn tại cho tới cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, phát triển mạnh ở thế kỉ XVIII.

+ Nhiều quan niệm triết học, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ chịu ảnh hưởng của những học thuyết lớn phương Đông như Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang.

+ Các thể loại tiêu biểu: thơ văn yêu nước, thơ thiền thời Lý – Trần, truyền kỳ (“Thánh Tông di tảo”, “Truyền kì mạn lục”), ký sự (“Thượng kinh kí sự”, “Vũ trung tùy bút”), tiểu thuyết trương hồi (“Nam triều công nghiệp diễn chí”, “Hoàng lê nhất thống chí”)

+ Các nhà thơ yêu nước và nhân đạo lớn thời trung đại: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,…

- Văn học trung đại chữ Nôm:

+ Phát triển mạnh từ thế kỉ XV, đạt tới đỉnh cao cuối thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX.

+ Văn học chữ Nôm là bằng chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng một nền văn hiến độc lập của dân tộc ta.

+ Tiếp nhận ảnh hưởng của văn học dân gian toàn diện, sâu sắc hơn.

+ Các thể loại tiêu biểu: thơ Nôm Đường luật, truyện Nôm bác học, ngâm khúc, hát nói…

* Văn học hiện đại (Văn học từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ XX):

- Chủ yếu viết bằng chữ Quốc ngữ và có những điểm khác biệt lớn so với văn học trung đại:

+ Về tác giả: xuất hiện đội ngũ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, lấy việc viết văn, sáng tác thơ làm nghề nghiệp.

+ Về đời sống văn học: nhờ có báo chí và kĩ thuật in ấn hiện đại, tác phẩm văn học đi vào đời sống nhanh hơn, mối quan hệ qua lại giữa độc giả và tác giả mật thiết hơn, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn.

+ Về thể loại: thơ mới, tiểu thuyết, kịch nói,… dần thay thế hệ thống thể loại cũ, tuy một vài thể loại cũ của văn học trung đại vẫn tiếp tục tồn tại, song không còn đóng vai trò chủ đạo.

+ Về thi pháp: hệ thống thi pháp mới dần thay thế hệ thống thi pháp cũ. Lối viết ước lệ, sùng cổ, phi ngã của văn học trung đại không còn thích hợp và lối viết hiện thực đề cao tính sáng tạo, đề cao cái tôi cá nhân dần được khẳng định.

- 2 giai đoạn chính:

- Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945:

+ Văn học hiện thực ghi lại không khí ngột ngạt của xã hội thực dân nửa phong kiến, dự báo cuộc cách mạng xã hội sắp diễn ra

+ Văn học lãng mạn khám phá, đề cao “cái tôi” cá nhân, đấu tranh cho quyền sống, hạnh phúc cá nhân.

+ Văn học yêu nước và Cách mạng gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc

- Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX:

+ Sau Cách mạng tháng Tám: văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới.

+ Từ năm 1975 (đặc biệt từ năm 1986): phản ánh một cách sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Văn học đương đại: có thể đọc được tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam trước những vấn đề mới mẻ của thời mở cửa, hội nhập quốc tế hết sức sôi động và phức tạp. 

Câu 3 (trang 13 SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Văn học là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nền văn học Việt Nam cũng không ngừng đổi mới và phát triển từng ngày. Chính vì thế nó đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Như chúng ta đã biết, nền văn học Việt Nam được chia thành hai giai đoạn đó là văn học trung đại và văn học hiện đại. Ở tất cả thời kì thì nền văn học Việt Nam đều phản ánh chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người trên nhiều mối quan hệ khác nhau.

Trước tiên, đặt trong mối quan hệ với thiên nhiên, các tác phẩm thể hiện được rõ ràng những nét riêng của thiên nhiên. Từ đó cho thấy thiên nhiên và con người có mối quan hệ sâu sắc. Hầu hết các tác phẩm, tác giả thường mượn cảnh để nói đến con người. Tiêu biểu như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ông lấy rất nhiều hình ảnh thiên nhiên để miêu tả hình dáng cũng như nỗi lòng của con người. Nguyễn Du mượn trăng, hoa, mây, tuyết để làm bật lên nét đẹp của Thúy Vân:

                  “Vân xem trang trọng khác vời,

             Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang,

                    Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

             Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

Hay vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thúy Kiều cũng được tô lên sắc nét qua từng câu thơ:

                    “Làn thu thủy nét xuân sơn

            Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Vẻ đẹp của thiên nhiên những ngày xuân trong tiết thanh minh cũng được Nguyễn Du miêu tả rất hay:

                    Cỏ non xanh tận chân trời,

             Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                    Thanh minh trong tiết tháng ba,

             Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh.

Cảnh vật không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ của đất trời, là niềm vui trong lòng người mà thiên nhiên còn mang trong mình nỗi buồn tủi như tâm trạng của con người ta vậy:

                   “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

              Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Hay trong bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, vẻ đẹp tĩnh lặng của mùa thu ở vùng quê xa xưa cũng hiện lên rõ nét, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, nỗi buồn của thi sĩ nặng tình với quê hương, đất nước:

               Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

               Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

               Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

               Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

               Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

               Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

               Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

               Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Không chỉ trong văn thơ trung đại mà văn học hiện đại cũng thể hiện sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu, thiên nhiên không chỉ là phong cảnh mà còn là người bạn đồng hành cùng con người trong kháng chiến:

                    “Nhớ khi giặc đến giặc lùng

             Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

                    Núi giăng thành lũy sắt dày

             Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

                     Mênh mông bốn mặt sương mù

             Đất trời ta cả chiến khu một lòng.”

Thiên nhiên với con người như hòa vào là một, kề vai sát cánh bên nhau cùng đánh giặc cứu nước, cùng nhau bảo vệ nền độc lập của tổ quốc.

Cũng như trong mối quan hệ với thiên nhiên, văn học Việt Nam cũng thể hiện rất rõ đời sống tư tưởng tình cảm của con người trong mối quan hệ với dân tộc, với tổ quốc. Các tác phẩm thể hiện rõ lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân Việt Nam, luôn sẵn sàng hy sinh, chống giặc ngoại xâm để giữ gìn hòa bình cho đất nước.

Trong văn học trung đại, tác phẩm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt với những thời thơ hùng hồn khẳng định chủ quyền dân tộc, như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bản tuyên ngôn ấy thể hiện niềm tin tưởng và sự tự hào sức mạnh chính nghĩa của dân tộc có thể tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào xâm phạm. Vì thế nó có sức mạnh kì diệu cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta và làm cho quân địch khiếp sợ:

                     “Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

                      Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

                      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

                      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Đặc biệt, trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo đã thể hiện vô cùng rõ nét sự căm phẫn, uất hận trong lòng đối với kẻ thù "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù". Và dù có chết để đổi lại nền độc lập cho dân tộc thì ông cũng sẵn lòng “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này có gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng."

Trong phong trào thơ mới, lòng yêu nước của nhân dân cũng được thể hiện sâu sắc. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô cùng khó khăn gian khổ, nhân dân nghèo đói khắp nơi thế nhưng tình đồng bào yêu thương giúp đỡ nhau vẫn bùng cháy cùng với lòng yêu tổ quốc tha thiết:

                        Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

                        Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

                        Áo anh rách vai

                        Quần tôi có vài mảnh vá

                        Miệng cười buốt giá

                        Chân không giày

                       Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

                                                       (“Đồng chí” – Chính Hữu)

Dù chặng đường hành quân gian khổ, thiếu thốn thế nhưng bao khó khăn, thử thách các anh lính đều coi đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc khi được xung phong ra chiến trận để xả thân mình cho độc lập quê hương:

                     “Không có kính không phải vì xe không có kính

                      Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

                      Ung dung buồng lái ta ngồi

                      Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

 

                     “…Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

                      Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

                                            (“Tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật)

 

Bên cạnh đó, trong quan hệ với xã hội, nền văn học Việt Nam cũng khắc họa rõ nét đời sống con người.

Kiệt tác văn chương “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã miêu tả rõ nét nỗi đau khổ, bất hạnh của Kiều hay đó cũng chính là nỗi đau khổ, là tiếng lòng ai oán của người phụ nữ hồng nhan bạc phận ngày xưa nói chung:

                     “ Đau đớn thay phận đàn bà

               Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Hay như trong “Chuyện người con gái nam xương”, Nguyễn Dữ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh Vũ Nương nhưng bi kịch của Vũ Nương đã phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với hủ tục trọng nam khinh nữ, chà đạp số phận người phụ nữ. Đồng thời tác giả phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho cuộc sống của người dân rơi vào bế tắc.

“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu và đặc sắc của Việt Nam ở thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám phác họa rõ nét cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Tác giả xây dựng thành công nhân vật chị Dậu với một cuộc đời bất hạnh, khổ đau đến cùng tận, không lối thoát. Qua đó, tác giả đã tố cáo, rạch toang cái màn nhung che đậy sự thối nát của bọn quan lại hào cường, địa chủ sống phè phỡn trên mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhân dân,

Cuối cùng, nền văn học Việt Nam cũng phản ánh rõ nét đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ với bản thân, khẳng định đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam.

Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu khắc họa chân thực, sống động hình ảnh của người anh hùng hiệp nghĩa Lục Vân Tiên với bao phẩm chất tốt đẹp, không chỉ là con người nhân nghĩa thấy việc ác là ra tay diệt trừ mà chàng còn là con người học thức trọng lễ nghi, khuôn phép. Từ đó ta thấy được quan niệm sống đẹp, đó là quan niệm về việc nghĩa và về người anh hùng cũng như hình mẫu anh hùng lí tưởng và khát vọng về lẽ công bằng ở đời.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác