logo

Soạn bài: Ôn tập văn học trung đại Việt Nam (ngắn nhất)


Soạn bài: Ôn tập văn học trung đại Việt Nam


NỘI DUNG

Câu 1 (trang 76 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Những điểm mới trong văn học giai đoạn thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX là:

- Ý thức mới về vai trò của người trí thức đối với đất nước. Ta có thể thấy rõ điểm này qua tác phẩm Chiếu cầu hiền của Ngô Đình Nhậm.

- Tư tưởng canh tân đất nước trong Xin lập khoa luận của Nguyễn Trường Tộ

- Tìm hướng đi mới cho cuộc đời trong hoàn cảnh xã hội bế tắc như Cao Bá Quát với Bài ca ngắn đi trên bãi cát.

Văn học trong giai đoạn này thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, bi tráng, khát khao xây dựng, phát triển đất nước của các nhà văn, nhà thơ.

Câu 2 (trang 76 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Trào lưu nhân đạo chủ nghĩa xuất hiện trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, trở thành chủ đạo trong chủ nghĩa nhân đạo của các tác phẩm, bởi nó xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm lớn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương.

Cảm hứng nhân đạo đã có những nét mới. Vẫn hướng về đời sống chung xã hội, nhưng chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn này đã tập trung nhiều hơn vào con người: khát khao hạnh phúc, tình yêu, quyền sống cá nhân. Một sống bài thơ tiêu biểu cho cảm hứng nhân đạo này là Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương, Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ,…

Câu 3 (trang 77 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Vào phủ Chúa Trịnh vẽ lên khung cảnh cuộc sống xa hoa nhưng đầy tù túng, thiếu sinh khí của phủ Chúa. Cuộc sống ấy đầy đủ nhung lụa ngọc ngà, đủ thứ vật lạ trên đời, xa hoa với những đồ vật bằng vàng, bạc, rèm lụa treo phủ kín 5, 6 lớp. Đó cũng là cuộc sống với sự khuôn phép gò bó: mọi điều đều phải theo lệnh Chúa, từng việc đều phải theo các bước tuần tự, thầy thuốc khám bệnh phải quỳ lạy dù người bệnh mới rất nhỏ tuổi. Cuộc sống xa hoa phù phiếm đó thiếu sinh khí dẫn đến căn bệnh nghiêm trọng của thế tử. Tác giả đã khéo léo vạch trần sự sa hoa phù phiếm đó với ngòi bút lạnh dùng, dửng dưng, thậm chí có chút coi thường. Nó đã phản ánh sâu sắc hiện thực về cuộc sống nơi phủ chúa, đồng thời thể hiện thái độ phê phán của tác giả.


PHƯƠNG PHÁP

(trang 77 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1)

a, Tư duy nghệ thuật:

Tính quy phạm: Trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, tính quy phạm thể hiện trong việc nhà thơ sử dụng hàng loạt các chất liệu quen thuộc như: trời thu xanh, lá thu vàng, nước trong veo và hình ảnh con người hiện lên với tư thế trầm tư, buồn lặng.

Sự sáng tạo của tác giả thể hiện qua cách miêu tả mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ bằng những hình ảnh có tính gợi tả cao. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng thành công cách gieo vần “eo” độc đáo tạo cảm giác về không gian ngoại cảnh và tâm lý con người.

b, Quan niệm thẩm mĩ

Đoạn trích Lẽ ghét thương sử dụng khá nhiều điển tích, điển cố để bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của ông Quán. Nhà thơ trước hết nhắc đến Kiệt, Trụ, U Lệ, Ngũ Bá là những triều đại thối nát trong lịch sử Trung Quốc gây nhiều đau khổ cho nhân dân, nó thể hiện quan điểm của ông Quán về sự ghét là ghét những người, những thứ đem đến đói khổ, lầm than của nhân dân. Còn về lẽ thương, tác giả đưa ra những điển cố về những người có tài đức, xong tài năng bị chôn vùi, hãm hại như Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Vũ, Liêm Lạc. Nó nhấn mạnh ấm lòng yêu thương người khác của ông Quán.

Trong bài Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ chỉ sử dụng điển tích như Ngọn đông phong, phường Hàn Dũ để thể hiện tâm hồn phóng khoáng, coi thường danh lợi của bản thân, đồng thời cũng đem mình ra đối chiếu với các tiền bối ngày xưa.

Cao Bá Quát dùng những điển tích như ông tiên ngủ kĩ, danh lợi… trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát để bộc lộ sự chán ghét trước chế độ thi cử và học hành lạc hậu, đồng thời thể hiện khát khao để thay đổi.

c, Bút pháp nghệ thuật

Bút pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát là bút pháp tượng trưng. Bãi cát là ẩn dụ cho con đường theo đuổi công danh, con đường ấy đầy rẫy khó khăn, mệt nhoài như chính bãi cát. Còn người đi trên bãi cát, chính là người theo đuổi công danh, lặc long, mệt mỏi, mất phương hướng như đi trên bãi cát rộng mênh mông. Hình ảnh ấy đã nhấn mạnh sự vô nghĩa trên con đường theo đuổi công danh. Đó là con đường cô đơn, lạc lõng, không dẫn con người đi đến đâu cả.

d, Thể loại

- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (văn tế).

- Bài ca ngất ngưởng (hát nói).

- Chiếu dời đô (chiếu).

- Bình Ngô đại cáo (cáo).

* Đặc điểm và hình thức nghệ thuật của thơ Đường luật:

Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở 5 điều sau: Luật, Niêm, Vần, Đối và Bố cục.Điều căn bản của luật thơ Đường luật là đối, đó là hai nguyên tắc đối âm và đối ý, nghĩa là lần lượt những chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3,... của câu trên phải đối với các chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3,... của câu dưới cả về âm và ý. Nhưng làm được như thế thì rất khó, vì vậy người ta quy ước nhất tam ngũ bất luật (chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần theo luật).

* Đặc điểm của thể loại văn tế:

Văn tế: là loại văn thường gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất, văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng xót thương sâu sắc.

Văn tế có thể được viết theo nhiều thể: văn xuôi, thơ lục bát, song thất lục bát, phú,... Bố cục của bài văn tế thường gồm bốn đoạn: lung khởi, thích thực, ai vãn và kết. Giọng điệu chung của bài văn tế nói chung là lâm li, thống thiết, sử dụng nhiều thán từ và những từ ngữ, hình ảnh có giá trị biểu cảm mạnh.

* Đặc điểm của thể loại hát nói:

Thể thơ hát nói là văn bản ngôn từ, phần lời ca của bài hát nói. Hát nói là làn điệu chủ đạo của lối hát ca trù (còn gọi là hát ả đào, hát nhà trò, hát nhà tơ, ...). Thơ hát nói có những đặc điểm sau:

+ Nội dung: chứa những tư tưởng tình cảm tự do phóng khoáng.

+ Hình thức: tự do, vần nhịp tự do, lời thơ mang ngữ điệu nói với giọng buông thả tự do.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác