logo

Soạn bài: Ôn tập phần Làm văn (ngắn nhất)


Soạn bài: Ôn tập phần Làm văn


I. Lý thuyết

Câu 1 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Đặc điểm của các loại văn bản:

+ Tự sự: kể và trình bày lại một câu chuyện có cốt truyện theo một trình tự nào đó

+ Thuyết minh: giới thiệu những đặc điểm cơ bản, đáng chủ ý về đối tượng nào đó

+ Nghị luận: sử dụng lý lẽ và dẫn chứng để phân tích, so sánh, chứng minh, bình luận về một vấn đề trong văn học hay trong đời sống đồng thời thuyết phục người nghe tin vào quan điểm của mình

⇒ Cần kết hợp các loại văn bản này vì chúng bổ trợ cho nhau làm cho bài viết trở nên chân thực và thuyết phục hơn

Câu 2 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Sự việc và chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự là những sự việc, chi tiết tiêu biểu nhất, tập trung thể hiện nội dung, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm

- Để chọn được sự việc và chi tiết tiêu biểu cần hiểu biết được nội dung chính của câu chuyện là gì, cần có liên tưởng và suy ngẫm để từ đó phát hiện ra được những sự việc, chi tiết có ý nghĩa nhất cho việc xây dựng nhân vật và biểu đạt chủ đề

Câu 3 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Cách lập dàn ý cho cho bài văn tự sự có yếu tố miêu tả và biểu cảm về cơ bản giống như một bài văn tự sự bình thường khác. Tuy nhiên trong phần thân bài, các đoạn biểu cảm và miêu tả cần được sắp xếp hợp lý để bộc lộ vấn đề tự sự, tránh sa đà vào miêu tả và biểu cảm làm mất mạch nội dung tự sự.

Câu 4 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Các phương pháp thuyết minh được dùng trong bài văn thuyết minh: nêu định nghĩa, nêu ví dụ, liệt kê, so sánh, phân loại, phân tích, thuyết minh bằng chú thích, phương pháp sử dụng nguyên nhân – kết quả,...

Câu 5 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Muốn viết văn bản thuyết minh chuẩn xác cần hiểu rõ về đối tượng thuyết minh, thu thập tài liệu một cách có chọn lọc và xem xét kỹ càng về đối tượng thuyết minh

- Muốn bài viết hấp dẫn cần dẫn chứng những chứng cứ cụ thể xác đáng, sinh động và vận dụng những câu văn uyển chuyển tránh việc khiến bài viết quá khô khan cứng nhắc

Câu 6 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Cách lập dàn ý: cần nắm vững kiến thức về đối tượng thuyết minh và nội dung cần có trong 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.

- Cách viết các đoạn văn thuyết minh:

+ Cách viết mở đoạn: dẫn dắt giới thiệu đối tượng thuyết minh

+ Cách viết thân đoạn: Cung cấp các thông tin, kiến thức chính xác và đầy đủ về đối tượng bạn thuyết minh. Đoạn văn cần gồm các câu văn giới thiệu về đối tượng, lập luận và dẫn chứng để chứng minh cho các luận điểm chính về đối tượng, thuyết phục người đọc người nghe tin bạn.

+ Cách viết kết đoạn: Nêu lại quan điểm về đối tượng nhằm mục đích nhấn mạnh cho người đọc người nghe tin tưởng.

Câu 7 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Cấu tạo của lập luận:

+ Luận điểm: nêu các vấn đề chính của vấn đề được đưa ra nghị luận

+ Luận cứ: lý lẽ để làm sáng tỏ luận điểm

+ Luận chứng: ví dụ thực tế làm sáng tỏ luận cứ luận điểm, giúp người đọc tin vào luận điểm luận cứ

- Các thao tác nghị luận: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp và so sánh.

- Cách lập dàn ý cho bài văn nghị luận:

+ Nắm được chính xác nội dung nghị luận

+ Tìm ý cho bài văn: Xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ làm sáng tỏ luận điểm và các dẫn chứng cụ thể để làm luận điểm, luận cứ đáng tin cậy

- Lập dàn ý: sắp xếp các ý đã tìm được theo một cách logic sao cho phù hợp

Câu 8 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Yêu cầu và cách thức tóm tắt văn bản tự sự:

+ Yêu cầu: cần tóm tắt được các sự việc chính, thể hiện nội dung chính của câu chuyện, và phải trung thành với bản gốc

+ Cách thức: Đọc kỹ văn bản, nắm được đâu là nhân vật chính và diễn biến chính xoay quanh nhân vật đó sau đó kể lại theo kết cấu, bố cục của văn bản gốc

- Yêu cầu và cách thức tóm tắt văn bản thuyết minh:

+ Yêu cầu: cần tóm tắt được các nội dung chính, sát với bản gốc

+ Cách thức: nắm rõ về đối tượng thuyết minh, tìm ra bố cục và tóm lược với các ý chính

Câu 9 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

*Kế hoạch cá nhân:

- Đặc điểm:

+ Nội dung: các công việc cần làm trong dự kiến của cá nhân

+ Hình thức: trình bày khoa học có thời gian cụ thể và mục tiêu cần đạt được

- Cách viết: bao gồm: tiêu đề, họ tên, thời gian và nội dung, mục tiêu cần đạt được ở mỗi công việc. Để kế hoạch trông khoa học ta có thể kẻ bảng

* Quảng cáo:

- Đặc điểm:

+ Nội dung: nêu bật được đặc điểm của đối tượng quảng cáo

+ Hình thứ: súc tích, thu hút, gây ấn tượng với khách hàng

- Cách viết:

+ Chọn nội dung quảng cáo: nội dung nêu được tính ưu việt của sản phẩm, tính hấp dẫn, độc đáo

+ Chọn hình thức quảng cáo: trình bày đẹp, khoa học và tính thẩm mỹ cao.

Câu 10 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

- Nắm rõ ai là người nghe: trình độ học vấn, tuổi tác, tâm lý, sở thích,... để lựa chọn nội dung và cách dùng từ hợp lý

- Các bước trình bày:

+ Chào hỏi, giới thiệu bản thân

+ Trình bày các nội dung đã dự định

+ Kết thúc và cảm ơn


II. Luyện tập

Câu 1 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

Lập dàn ý, viết các kiểu đoạn văn trong văn tự sự, thuyết minh

Gợi ý: Học sinh xem lại các bài tập về lập dàn ý, viết các đoạn văn trong bài văn tự sự và thuyết minh.

Câu 2 (trang 150 sgk Văn 10 Tập 2)

* Tóm tắt bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam

Bài văn được viết theo trình tự:

a. Nêu định nghĩa

- Là văn học truyền miệng, do nhân dân lao động sáng tác và lưu truyền, phục vụ các sinh hoạt khác nhau của cộng đồng.

b. Đặc trưng cơ bản

- Tính truyền miệng, tính tập thể, tính thực hành.

c. Các thể loại chính:

- 12 thể loại chính: thần thoại, sử thi, truyền thuyết,…

d. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian:

- Là kho tri thức của nhân dân ta

- Cho ta những bài học về đạo lý làm người.

- Giá trị nghệ thuật: văn học dân gian là tinh hoa, đậm đà bản sắc dân tộc

* Truyện Kiều (Phần một: Tác giả):

a. Về xuất thân và cuộc đời: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình quý tộc có nhiều đời và nhiều người thân làm quan lớn trong triều đình. Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm và biến động. Năm ông 10 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1789 nhà Lê sụp đổ, ông sống một cuộc đời phiêu dạt, long đong. Ông có hơn 10 năm sống gần gũi với nhân dân, thấm thía nỗi đau bất hạnh của nhân dân từ đó hình thành nên tư tưởng nhân đạo xuyên suốt trong các tác phẩm của mình. Dưới thời Nguyễn, Nguyễn Du từng làm quan tới chức Học sĩ điện Cần Chánh và được cử đi xứ Trung Quốc. Ông là một thiên tài có những mâu thuẫn phức tạp giữa một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch.

b. Các tác phẩm chính: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục (Chữ Hán), Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh (Chữ Nôm)...

c. Giá trị tư tưởng, nghệ thuật trong các sáng tác.

- Giá trị tư tưởng:

+ Giá trị hiện thực: Phơi bày xã hội bằng cái nhìn sâu sắc, tố cáo tội ác của bọn quan lại và các thế lực tác quái dựa trên sức mạnh của đồng tiền

+ Giá trị nhân đạo: Quan tâm đến các số phận thấp cổ bé họng trong cuộc sống, những người tài hoa bạc mệnh. Ngợi ca vẻ đẹp con người thông qua vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp nhân cách. Thương xót những số phận bất hạnh và trân trọng khát vọng sống, khát vọng tình yêu luôn mãnh liệt trong họ

- Giá trị nghệ thuật:

+Thơ chữ Hán giản dị nhưng vẫn không kém phần tài hoa, tinh luyện

+ Thơ Nôm đạt tới đỉnh cao, làm giàu cho kho tàng văn học, đóng góp cho sự phát triển tiếng Việt

d. Đánh giá chung về Nguyễn Du: Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Xuất thân, thời đại và năng khiếu bẩm sinh đã tôi luyện nên một đại thi hào dân tộc. Thơ ca của ông được bao trùm bởi chủ nghĩa nhân đạo, là kết tinh những thành tựu văn hóa dân tộc.

* Văn bản văn học:

a. Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

- Văn bản văn học tập trung phản ánh hiện thực cuộc sống một cách khách quan và tìm hiểu thế giới tình cảm, tư tưởng con người nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người

- Văn bản văn học được kết cấu bằng ngôn từ được gọt giũa mang tính nghệ thuật cao với những hình tượng ý nghĩa, mang tính thẩm mỹ cao

- Mỗi văn bản văn học thuộc một thể loại nhất định và tuân theo quy ước của thể loại đó

b. Cấu trúc của văn bản văn học:

- Tầng ngôn từ: là bước đầu tiên cần hiểu để nắm được nội dung sâu xa của văn bản

- Tầng hình tượng : được xây dựng dựa trên các chi tiết truyện, các nhân vật, hoàn cảnh và tùy theo từng thể loại, quy mô văn bản mà có sự khác nhau

- Tầng hàm ý: là những điều mà nhà văn thực sự muốn gửi gắm thông qua tác phẩm, đó là những quan điểm sâu xa, những hoài bão và mong muốn của tác giả,..


Nhận xét – Ý nghĩa

Qua bài học, học sinh có thể nắm được:

- Đặc điểm của các loại văn bản tự sự, thuyết minh, nghị luận

- Nắm được cách lập dàn ý, tóm tắt các loại văn bản trên

- Biết cách xây dựng và viết một văn bản hoàn chỉnh tùy theo mục đích

- Biết cách tóm tắt các loại văn bản trên.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Tham khảo các bài học khác