logo

Soạn bài: Luyện tập thao tác lập luận phân tích (ngắn nhất)


Soạn bài: Luyện tập thao tác lập luận phân tích

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Tự ti và tự phụ là hai thái độ trái ngược nhau nhưng đều ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập và công tác. Lập luận phân tích những biểu hiện và tác hại của hai căn bệnh nói trên.

Học tập và làm việc là hai công việc đòi hỏi không chỉ về khả năng mà còn cả về đức tính và thái độ. Bên cạnh những đức tính tốt, còn nhiều thái độ xấu ảnh hưởng việc học và làm việc như lười biếng, cẩu thả, bảo thủ,… trong đó ta nên tránh nhất là tự ti và tự phụ. Tự ti và tự phụ là hai thái độ trái ngược nhau nhưng đều là những thái độ xấu mà chúng ta cần loại bỏ để đạt kết quả cao.

Về tự ti, đây là hành động tự đánh giá thấp bản thân mình, cho rằng mình không thể làm được. Sự tự ti thể hiện trước hết qua việc không dám tin tưởng năng lực, sở trường và sự hiểu biết của mình. Những người tự ti thường không tin vào bản thân, họ cho rằng mình sẽ không làm được dẫn đến không dám nhận nhiệm vụ được giao. Họ cũng cho rằng bản thân mình không bằng người khác nên thường ngại giao tiếp với người khác, ngại tiếp xúc đám đông.

Tưởng chừng tự ti chỉ là một thái độ nhỏ nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống . Nó cản trở con người thể hiện tài năng, khả năng của mình, khiến họ không còn cơ hội bộc lộ mình, mài mòn khả năng đó. Khi họ không thể hiện được tài năng, người tự ti sẽ càng cho mình không có tài, ngày càng tự ti, khép mình, ngại giao tiếp, lâu dần có thể dẫn đến chứng trầm cảm hoặc tự kỷ. Khi không giao tiếp với những người khác, cộng đồng sẽ cho rằng họ không có thiện chí, làm cao, không muốn hợp tác, dần dần những người bị tự ti sẽ bị đẩy ra dần cộng đồng. Tự ti đã cướp hết dần sự yêu mến của mọi người.

Trái ngược hoàn toàn với tự ti, tự phụ lại là sự đề cao thái quá khả năng của mình, nó trái ngược hoàn toàn với tự hào. Người tự phụ luôn cho mình là giỏi nhất, nói gì cũng đúng, họ không quan tâm đến ý kiến của người khác, dù nghe hay không cuối cùng họ cũng sẽ chỉ giữ quan điểm của mình. Khi làm được một việc gì đó, họ thường phóng đại khả năng của mình, khoe khoang dù việc mình làm lớn nhỏ như thế nào, coi thường người khác không bằng mình.

Tự phụ cũng mang lại tác hại lớn giống như tự ti, nó khiến con người không thể phát triển được. Người tụ phụ luôn cho mình là đúng, nên khi sai, học cũng không chịu nhận bản thân sai, tiếp tục không chịu sửa, dẫn đến làm việc học tập không tốt. Hơn nữa, họ thường không chịu tiếp thu cái mới vì cho rằng bản thân biết hết, khiến khả năng bị đẩy lùi, ngày càng trở nên kém cỏi. Người tự phụ cũng đánh mất cảm tình của mọi người.

Tóm lại, dù là tự ti hay tự phụ, cũng đều là những tính cách mà chúng ta không nên có. Để phát triển được, mỗi chúng ta cần phải nắm vững được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó không ngừng phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, đồng thời cũng có sự khiêm tốn khi thể hiện khả năng, năng nổ giao tiếp, làm việc với mọi người.

Câu 2 (trang 43 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ:

                                                Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

                                    Ậm ọe quan trường miệng thét la

                                                             (Trần Tế Xương – Vịnh khoa thi Hương)

Bức tranh về quan trường và sĩ tử được vẽ lên vừa khéo léo, vừa rõ nét qua hai câu thơ.

Quan trương và sĩ tử được khắc họa qua các từ ngữ và hình ảnh giàu hình tượng và cảm xúc như: sĩ tử “lôi thôi”, quan thì “ậm ọe”. “Lôi thôi” là từ láy tượng hình diễn tả vẻ ngoài nhếch nhác, không được gọn gàng, ngăn nắp. Còn “ậm ọe” vừa là các nói không chuẩn, khó nghe, vừa diễn tả sự không rõ ràng, truyền tải thông tin linh tinh, mập mờ. Chỉ bằng hai từ ngữ và nghệ thuật đảo trật tự cú pháp- đảo “lôi thôi” lên trước “sĩ tử”, “ậm ọe” lên trước “quan trường” nhằm nhấn mạnh đặc điểm của sĩ tử và quan trường- tác giả đã khắc họa nên bức tranh toàn cảnh của trường thi. Đó là bức tranh về sự nhốn nháo, thiếu quy tắc, thiếu mất sự nghiêm túc của kỳ thi quan trọng được diễn tả thông qua sứ vô kỷ luật, không chuẩn bị của sĩ tử, sự vô trách nhiệm, qua loa của quan trường.

Không cảnh nhốn nháo của trường thi đưa đến cho người đọc không mấy thiện cảm, nó gợi về nền giáo dục lạc hậu, tổ chức quản lý thối nát. Câu thơ mở ra đòi hỏi về sự thay đổi, đột phá để nền giáo dục đi lên một bước mới.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác