logo

Soạn bài: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (chi tiết)

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 10 hay nhất được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tìm hiểu tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Soạn bài: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (chi tiết)


Khái quát chung

- Đại Việt sử kí toàn thư, là bộ chính sử lớn của Việt Nam , được hoàn thành năm 1497, gồm 15 quyển. Là tác phẩm ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Thái Tổ  năm 1428.Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương giúp chúng ta hiểu được thế nào là “văn, sử bất phân”

- Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là đoạn trích trong tác phẩm Đại Việt  sử kí toàn thư. Chủ đề của tác phẩm: khắc họa đậm nét hình ảnh Trần Quốc Tuấn, một nhân cách vĩ đại, bất tử trong lòng dân tộc.

- Bố cục: 3 đoạn

Đoạn 1: Từ đầu …. giữ được vậy (Kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn tâu lên vua khi lâm bệnh).

Đoạn 2: Tiếp theo ….Quốc Tảng vào viếng (Trần Quốc Tuấn là vị tướng toàn tài toàn đức).

Đoạn 3: còn lại: (Những công lao và đức độ của Trần Quốc Tuấn).


Hướng dẫn Học bài

Câu 1 (trang 44 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Khi được vua Trần Nhân Tông hỏi về kế sách giữ nước, Hưng Đạo Đại Vương đưa ra những lời lẽ trình bày rất thực lòng, mong muốn cho đất nước cường thịnh, đoàn kết trên dưới “vua, tôi đồng tâm, anh em hòa mục”. Nhà vua phải khoan dân, chăm lo bảo vệ dân “Trên dưới một dạ lòng dân không lìa, cả nước góp sức”. Đặc biệt nhà vua phải biết tùy thời tạo thế => Kế sách để giữ nước dài lâu chính là ở sự đoàn kết vua tôi, biết tùy thời tạo thế, biết vận dụng thế mạnh của dân tộc, có chính sách và sách lược hợp lí, linh hoạt => Ông là một con người nắm vững mưu lược quân sự, vừa có tài vừa có đức chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân.

Câu 2 (trang 44 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Trần Quốc Tuấn nhớ lời cha dặn nhưng ông không cho là phải (lời của An Sinh Vương Trần Liễu: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì dưới suối vàng cha cũng không nhắm mắt được”).

+ Khi ông nắm giữ được vị trí quan trọng, có thể điều khiển được vận nước, nắm quyền binh trong tay, ông đem lời cha dặn nói với 2 gia nô là Dã Trượng, Yết  Kiêu. Hai người can ngăn ông. Ông rất cảm phục trước sự trung thành của họ.

+ Vờ nói với con là Hưng Vũ Vương (…) con trả lời “dẫu khác họ còn không nên, huống chi là cùng họ”. Quốc Tuấn ngẫm đồng tình cho là phải.

+ Hỏi người con thứ (…) Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tô vốn là một ông lão làm ruộng đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”. Ông nổi cơn lôi đình rút gươm ra kể tội: “Tên loạn thần là đứa con bất hiếu mà ra”, định giết Quốc Tảng. Nhờ có Hưng Vũ Vương xin cho và xin chịu tội thay ông mới tha cho Quốc Tảng, còn dặn: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.

=> Trần Quốc Tuấn đặt sự trung thành với vua, với đất nước lên trên chữ hiếu. Ông đã không hiểu chữ hiếu theo một cách cứng nhắc: là phải tuyệt đối nghe theo lời dặn của cha => Ông là con người có lòng trung quân ái quốc, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, đề cao lẽ phải, dứt khoát trừng trị tư tưởng nghịch phản.

Câu 3 (trang 44 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

*) Nhân vật được đặt trong nhiều tầng lớp các mối quan hệ với đầy tình huống thử thách. Nổi bật lên những phẩm chất đáng quý:

- Có lòng trung quân ái quốc: ông có tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước.

 + Ông hết lòng lo tính kế sách giúp vua giữ nước an dân " đang lâm bệnh nặng ông vẫn phân tích cặn kẽ với vua cách đánh giặc, cách giữ nước..."

 + Cha ông và vua vốn có hiềm khích với nhau, khi ông nắm quyền lực trong tay, nhớ đến lời dặn của cha trước cha mất: " con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì..." . Ông đã bị rơi vào mối mâu thuẫn giữa hiếu và trung. Cuối cùng ông đã chọn chữ trung lên trên chữ hiếu. Đặc biệt là thái độ " cảm phục đến khóc , khen gợi" của ông trước lời nói chân tình của Yết Kiêu và Dã Tượng, sự đồng tình của ông trước lời bày tỏ của người con trai cả, và sự tức giận đến muốn chém đầu người con trai thứ khi anh ta nói " Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận...". => con người trung nghĩa

- Trần Quốc Tuấn là vị tướng anh hùng, đầy tài năng mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng: " Đời Trùng Hưng lập lên công nghiệp hiếm có , tiếng vang đến giặc Bắc, chúng gọi Ông là An Nam Hưng Đạo Đại Vương... Ông đưa ra câu nói đầy dũng khí: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm quân sự có giá trị: Binh gia  lí yếu lược, vạn kiếp tông bí truyền thư.... Đặc biệt là qua cách Ông trình bày với Vua về thế tương quan giữa ta và địch, sách lược của địch, đối sách của ta, chú trọng sức mạnh đoàn kết toàn dân..."

- Trần Quốc Tuấn vừa có lòng trung nghĩa, tài cầm quân dẹp giặc, vừa có đức độ lớn lao: " Ông khiêm tốn kính cẩn giữ tiết làm tôi, chủ trương khoan thư sức dân, tận tình với tướng sĩ dưới quyền, soạn sách dạy bảo, khích lệ tiến cử người tài...". Ông là tấm gương sáng về đạo làm người.

 - Ông là 1 con người chu toàn, trọn vẹn: Lo lắng việc sau khi mình mất nên dặn con: “Sợ sau này có thể xảy ra khi tai họa đào mả”, “bí mật chôn trong vườn An Lạc rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời sau không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục”.Ông lại khéo tiến người tài giỏi cho đất nước như Dã Trượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực… tất cả đều nổi tiếng về văn chương và chính sự. Ông quả là người có tài mưu lược và giữ gìn trung nghĩa, phẩm hạnh hơn người.

*) Để khắc họa nhân vật một cách rõ nét nhất, tác giả đã đặt nhân vật vào trong mối quan hệ đa chiều giữa nhân vật với vua, với con, với nước. Đưa ra những tình huống đầy thử thách và sống động để làm nổi bật lên phẩm chất của con người tận trung với nước. Ông đã trở thành một anh hùng cứu nước, bất tử trong lòng dân.

Câu 4 (trang 44 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Nghệ thuật kể chuyện:

- Khắc hoạ nhân vật lịch sử sắc nét, sống động: Nhân vật được đặt trong mối quan hệ nhiều chiều, trong hoàn cảnh đầy thử thách để bộc lộ những phẩm chất đáng quý.

- Lối kể chuyện hấp dẫn: Không theo trình tự thời gian mà theo mốc sự kiện, hiện tượng " sao sa - điềm xấu, sau đó ngược dòng thời gian......nhắc lại những công lao của nhân vật..."

- Lối kể chuyện phức hợp nhiều chiều thời gian vừa liên tiếp vừa hồi ức mà có cả những lời nhận xét khéo léo đan lồng để định hướng cho người đọc.

=> Lối kể chuyện lôi cuốn, giúp người đọc tiếp nhận một cách hứng thú.

Câu 5 (trang 45 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Câu đúng a, b.


Luyện tập

Câu 1 (trang 45 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Tóm tắt câu chuyện về Trần Quốc Tuấn

Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương. Lớn lên có dung mạo khôi ngô, thông minh, văn võ song toàn. Cha ông vốn có hiềm khích với vua Trần Thái Tông nên trước khi mất căn dặn ông sau này phải vì cha lấy được thiên hạ. Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng nhưng ông không cho là phải. Sau khi nắm trong tay binh quyền, ông đem lời dặn dò của cha nói với 2 người gia nô. Họ can ngăn ông không làm điều bất trung khiến ông cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người. Ông tiếp tục vờ hỏi 2 người con của mình. Hưng Vũ Vương trả lời “ không nên” khiến ông rất hài lòng, còn người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng có ý muốn dấy quân tạo phản. Ông tức giận rút gươm định chém vì tội bất trung, Quốc Tảng được Hưng Vũ Vương xin tha cho nhưng về sau khi ông mất không được phép gặp mặt trước khi đóng nắp quan tài. Trần Quốc Tuấn là người toàn tài hiếm có, trung nghĩa vẹn toàn, lo cho dân cho nước. Khi ốm nặng vẫn lo nghĩ việc nước, đưa ra những kế sách đánh giặc. Ông có tài mưu lược, anh hùng, để giữ Lạng Giang, ông đã lãnh đạo quân dân đánh thắng 2 lần quân Nguyên. Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước. Không những nổi tiếng về chính sự, Trần Quốc Tuấn còn đc biết đến với tài văn chương. Ông từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, soạn sách “Binh gia diệu lí yếu lược”, sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”.

Ông mất vào mùa thu tháng 8, ngày 20 ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Sau khi mất ông được nhân dân thần thánh hóa trở nên bất tử trong lòng dân.

Câu 2 (trang 45 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

1. Sưu tầm câu chuyện có liên quan đến Trần Quốc Tuấn

Giai thoại về sự ra đời của Đức Thánh Trần

Cũng như rất nhiều vị thần linh khác, sự ra đời của Đức Thánh Trần trong con mắt dân gian mang đầy vẻ huyền diệu và khác thường, cho dù cha mẹ Ngài đều là “người trần mắt thịt” (cha là An Sinh Vương Trần Liễu, mẹ là Lý Thị Nguyệt – tức Thuận Thiên công chúa). Truyền thuyết kể rằng: “Một đêm, An Sinh Vương phu nhân nằm mơ thấy một ông thần “tinh vàng tướng ngọc” tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc Hoàng xuống xin đầu thai. Sau đó bà có mang, đến lúc lâm bồn, có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt”. Ngày hôm sau có đạo sĩ gõ cửa xin gặp. An Sinh Vương nói: “Tiên sinh từ xa đến có việc gì?”. Đạo sĩ đáp: “Đêm qua xem thiên văn thấy có vì sao sa vào đây, vậy xin đến yết kiến”. An Sinh Vương sai bế con ra cho đạo sĩ xem. Đạo sĩ nhìn dung mạo Quốc Tuấn liền quỳ xuống bái và nói rằng: “Vị nhi đồng này ngày sau tất sẽ giúp nước cứu đời, làm quốc gia rạng rỡ”. Nói xong đạo sĩ liền biến mất.

2. Bài thơ:

HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

Sinh vi tướng Tử vi thần

Sừng sững tượng đài bậc chí nhân!

Phụ hận gạt phăng vì trọng nghĩa

Quốc thù quyết trả bởi thương dân

Hịch văn khơi dậy lòng kiêu dũng

Binh lược trao truyền phép dụng quân

Di kế: khuôn vàng người trị quốc

Bạch Đằng: ác mộng lũ xâm lăng

Trăm năm giặc Bắc gờm Uy Vũ

Vạn thủa dân Nam tụng Đức Ân.

Tro cốt chôn vùi không mộ chí

Tước danh rạng rỡ khắp giang san.

                                     (Phạm Mộ Đức)


Tổng kết tác phẩm

Soạn bài: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác