logo

Soạn văn 6 trang 48 Bài: Bức tranh của em gái tôi - Kết nối tri thức

Hướng dẫn Soạn Bài Bức tranh của em gái tôi ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ các câu hỏi trong SGK Ngữ Văn 6 bộ Sách Kết nối tri thức theo chương trình mới.

Soạn Bài Bức tranh của em gái tôi ngắn gọn (Kết nối tri thức)

I. Tìm hiểu tác phẩm Bức tranh của em gái tôi sách Kết nối tri thức để soạn bài Bức tranh của em gái tôi

1. Bố cục bài Bức tranh của em gái tôi

Gồm 4 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “Em không phá là được…”. Giới thiệu về nhân vật người em.

- Phần 2. Tiếp theo đến “Chú còn hứa sẽ giúp em gái tôi để nó phát huy tài năng”. Người em bí mật vẽ tranh và tài năng được phát hiện.

- Phần 3. Tiếp theo đến “nó như chọc tức tôi”. Tâm trạng, thái độ của người anh trước tài năng của em gái.

- Phần 4. Còn lại. Người em đi thi, câu chuyện về bức tranh đoạt giải và sự hối hận của người anh.

2. Tóm tắt bài Bức tranh của em gái tôi 

   Truyện kể về hai anh em Kiều Phương (còn gọi là Mèo). Kiều Phương là một cô bé hay nghịch ngợm nhưng lại có năng khiếu vẽ đặc biệt. Một lần tình cờ chú Tiến Lê - người bạn thân của bố phát hiện ra tài năng của cô bé. Còn người anh thì mặc cảm khi thấy mình không có tài năng gì. Nhờ có sự giúp đỡ của chú Tiến Lê, Kiều Phương được đi dự trại thi vẽ tranh quốc tế khiến người anh vô cùng ghen tị. Nhưng thật bất ngờ, bức tranh đoạt giải của cô bé lại là bức tranh vẽ về người anh thân yêu của mình. Bức tranh vẽ về người anh trai đẹp lung linh và rất hoàn hảo khiến người anh từ hãnh diện đến xấu hổ. Trước bức tranh, người anh nhận ra tấm lòng nhân hậu của em gái và hối hận vì đã có lúc mình đã đối xử không đúng với em.


II. Hướng dẫn soạn Bức tranh của em gái tôi sách Kết nối tri thức


1. Đọc văn bản

a. Nhân vật người anh trai

- Trước khi phát hiện ra tài năng của em gái:

+ Đặt cho em gái cái biệt danh là “Mèo”

+ Tỏ ra khó chịu khi thấy em hay lục lọi đồ vật trong nhà.

+ Thấy em gái mày mò tự chế ra màu vẽ, cậu ta âm thầm theo dõi nhưng coi đó chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con, thường xuyên bắt bẻ em.

- Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện:

+ Bố mẹ vui mừng người anh lại cảm thấy buồn bã, ganh tị.

+ Cảm thấy mặc cảm vì bản thân mình không có tài năng gì.

+ Lén xem những bức tranh em gái vẽ: thầm cảm phục tài năng của em gái mình.

+ Khó chịu và hay gắt gỏng với em, không thể chơi thân với em như trước.

- Khi em gái tham dự cuộc thi vẽ tranh và khi biết tin được giải Nhất:

+ Người em muốn chia sẻ niềm vui với anh trai, nhưng người anh lại lạnh lùng gạt ra.

+ Chỉ đến khi nhìn thấy bức tranh đạt giải Nhất, người anh đã cảm thấy vô cùng xúc động và ân hận vì mình đã đối xử không tốt với em gái, cảm thấy mình không xứng đáng với tấm lòng nhân hậu và cao thượng của em.

b. Nhân vật Kiều Phương

- Kiều Phương là cô bé hồn nhiên và ngây thơ:

+ Kiều Phương vui vẻ khi được đặt biệt danh là “Mèo", thậm chí còn dùng cái tên đó để xưng hô với bạn bè.

+ Cô bé hay lục lọi các đồ vật trong nhà một cách thích thú.

+ Kiều Phương “vênh mặt” trả lời hồn nhiên “Mèo mà lại! Em không phá là được” khi người anh trai tỏ vẻ khó chịu “Này, em không để chúng nó yên được à!”.

+ Kiều Phương vừa làm những việc bố mẹ phân công vừa hát vui vẻ.

=> Một nhân vật luôn hồn nhiên ngây thơ và đáng yêu.

- Kiều Phương là cô bé có tài năng hội họa:

+ Cô bé thường chế ra những màu vẽ với nhiều màu khác nhau: đỏ, vàng, xanh, đen…

+ Qua lời khen của chú Tiến Lê và qua sự ngạc nhiên của ba mẹ Kiều Phương thôi, ta cũng thấy rõ điều đó: “Anh chị có phúc lớn rồi. Anh có biết con gái anh là một thiên tài hội họa không?”.

+ Thái độ của người thân trong gia đình: Ba của Kiều Phương thì hết sức ngạc nhiên: “Con gái tôi vẽ đây ư? Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!”, “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”. Mẹ của Kiều Phương thì không kìm được xúc động trước lời khen của họa sĩ Tiến Lê dành cho con gái mình.

+ Kiều Phương được khẳng định qua bức tranh Phương đoạt giải nhất trong trại thi vẽ quốc tế.

- Kiều Phương là cô bé có tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu:

+ Kiều Phương đã dành cho anh trai những tình cảm thật trong sáng.

+ Phải là người có tình cảm trong sáng và nhân hậu, Kiều Phương mới vẽ được tranh về anh trai mình đẹp và có ý nghĩa như.

+ Lời người anh trai muốn nói với mẹ mình ở cuối tác phẩm chính là lời khẳng định về tâm hồn của Kiều Phương: “Không phải con dâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu cứa em con đấy"


2. Sau khi đọc – Trả lời văn bản

1. Trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi người kể chuyện là ai? Xuất hiện ở ngôi thứ mấy?

  Trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi, người kể chuyện là người anh. Tác giả muốn nói tới quá trình tự thức tỉnh của người anh. Đây cũng là nhân vật có ý nghĩa giáo dục lứa tuổi học sinh phải biết vượt lên sự hạn chế của bản thân để hướng tới điều hoàn thiện về nhân cách. Việc để cho người anh là người kể chuyện có tác dụng như sau:

   Được kể từ ngôi thứ nhất, câu chuyện sẽ trở nên chân thực vì nó là câu chuyện của "tôi". Tác giả có thể miêu tả câu chuyện của người anh một cách sinh động bằng chính ngôn ngữ của nhân vật. Độ tin cậy trong câu chuyện vì thế cao hơn so với lời kể của các nhân vật khác trong câu chuyện.

   Người em hiện lên hoàn toàn qua lời kể của người anh. Điều này tạo nên vẻ khách quan cho câu chuyện. Hơn nữa, nhân vật người em luôn thay đổi theo diễn biến tâm trạng của người kể nên câu chuyên hiện lên hết sức sinh động.

2. Em thích nhất đặc điểm gì ở nhân vật Mèo - Kiều Phương? Vì sao?

   Qua lời nhân vật người anh, cô em gái Kiều Phương hiện lên với đặc điểm nổi bật là một cô bé dễ thương, trong sáng, chăm chỉ, nhân hậu và đặc biệt là có năng khiếu hội họa. 

- Mèo luôn ca hát, vui vẻ làm mọi việc nhà và mày mò tự chế màu vẽ bằng những nguyên liệu có sẵn trong bếp. 

3. Em có nhận xét gì về cảm xúc, thái độ, hành động của nhân vật "tôi" trước khi xem bức chân dung do em gái mình vẽ?

- Lúc đầu, khi em gái thích vẽ và tự chế màu vẽ, người anh chỉ coi đó là trò đùa nghịch ngợm của trẻ con.

- Khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện, người anh cảm thấy buồn và thất vọng, thậm chí có chút ghen tị với em gái.

- Khi lén xem những bức tranh do em gái vẽ, người anh thầm cảm phục tài năng của em gái.

4. Nhân vật "tôi" đã thay đổi ra sao sau khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ. Vì sao có sự thay đổi ấy. 

 Những từ diễn tả cảm xúc của người anh: Ngỡ ngàng, hãnh diện, xấu hổ.

→ cấp độ cảm xúc khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhằm bộc lộ sự bối rối trong tâm lí nhân vật “tôi” khi nhận ra tình cảm yêu thương mà em gái dành cho mình. 

+ Dòng cảm xúc của nhân vật người anh được đẩy lên đến cao trào khi cậu lặng người đi (nhìn như thôi miên vào bức tranh) và muốn khóc. 

+ Điểm cuối của dòng cảm xúc dâng trào đó chính là sự thay đổi: sự đố kị, hẹp hòi đã nhường chỗ cho tình yêu thương. Bức tranh chính là lời nhắn gửi thương yêu từ trái tim của em gái dành cho người anh trai của mình. 

5. Từ văn bản Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, em nhận thấy điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình là gì?

    Từ văn bản Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, em nhận thấy điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình là: tình yêu thương, lòng vị tha, bỏ qua những thói ích kỷ, sự thánh thiện, tấm lòng nhân hậu sẽ cảm hóa được những điều xấu xa, tầm thường trong cuộc sống, vượt khỏi mặc cảm, tự ti để con người có thể bảo vệ và quan tâm tới nhau hơn, hoàn thiện tính cách của mình. 


III. Tổng két bài soạn Bức tranh của em gái tôi sách Kết nối tri thức

1. Nội dung bài Bức tranh của em gái tôi

   Câu chuyện kể về người anh và cô em gái có tài hội họa - Kiều Phương. Khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện, người anh ghen tị và nảy sinh thái độ khó chịu. Đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái trong cuộc thi vẽ tranh, cậu bất ngờ nhận ra những yếu kém của mình và hiểu được tâm hồn, tấm lòng nhân hậu của cô em gái.

2. Nghệ thuật bài Bức tranh của em gái tôi

 Truyện đã miêu tả tinh tế tâm lý nhân vật qua cách kể theo ngôi thứ nhất. 


IV. Dàn ý bài Bức tranh của em gái tôi sách Kết nối tri thức


I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Tạ Duy Anh

- Giới thiệu về truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (xuất xứ, tóm tắt, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật…)


II. Thân bài

1. Nhân vật người anh trai

- Từ trước cho đến lúc nhìn thấy em gái tự chế màu vẽ: nhìn bằng cái nhìn kẻ cả, xem thường

- Khi tài năng của em gái được phát hiện: cảm thấy buồn và thất vọng về mình, cảm thấy mặc cảm vì bản thân mình không có tài năng gì, khó chịu và hay gắt gỏng với em, không thể chơi thân với em như trước

- Khi lén xem những bức tranh em gái vẽ: thầm cảm phục tài năng của em gái mình

- Khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái trong phòng trưng bày: ngạc nhiên, hãnh diện rồi xấu hổ

→ Người anh vừa đáng trách nhưng đồng thời cũng đáng cảm thông vì đã nhận ra tấm lòng trong sáng, nhân hậu của em gái, biết nhận ra sai lầm của bản thân và sữa chữa nó

2. Nhân vật người em gái – Kiều Phương

- Say mê hội họa: mặt luôn bị bôi bẩn, hay lục lọi các đồ vật, tự chế thuốc vẽ, vẽ đẹp

- Hồn nhiên, trong sáng, hiếu động

- Độ lượng, nhân hậu

- Giúp người anh nhận ra lỗi lầm của mình bằng tài năng và tấm lòng


III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản

   + Nội dung: Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chếở chính mình

   + Nghệ thuật: kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật…

- Bài học cho bản thân: quý trọng tình cảm gia đình, anh em,…

icon-date
Xuất bản : 13/09/2021 - Cập nhật : 11/10/2022