logo

Soạn bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 nâng cao - Phần 1 tác giả Nguyễn Trãi

Gợi ý Soạn bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 nâng cao - Phần 1 tác giả Nguyễn Trãi hay nhất. Tuyển tập Soạn ngữ văn 10 nâng cao ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ.

Cùng đến ngay với bài soạn Bình Ngô đại cáo nâng cao dưới đây cùng Top lời giải nhé:


Đôi nét về tác giả Nguyễn Trãi trước khi Soạn bài Bình Ngô đại cáo 

Soạn bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 nâng cao - Phần 1 tác giả Nguyễn Trãi

1. Tiểu sử

- Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội)

- Gia đình: Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.

- Con người:

    + Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi.

    + Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều Hồ

    + Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa và góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

    + Cuối năm 1427, đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo và hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước

    + Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn

    + Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp nước

    + Năm 1442, Nguyễn Trãi chịu oan án Lệ Chi viên và bị khép vào tội "tru di tam tộc".

    + 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm lại thơ văn của ông.

- Thời đại: Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc - mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống.

2. Sự nghiệp sáng tác

- Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm

    + Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.

    + Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.

    + Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.

- Phong cách sáng tác:

    + Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt

    + Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc.


Hướng dẫn Soạn bài Bình Ngô đại cáo ngữ văn 10 nâng cao - Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi 

Câu 1: Cuộc đời Nguyễn Trãi có những sự kiện quan trọng nào? Phân tích các sự kiện thể hiện con người và tầm vóc vĩ đại của ông.

Gợi ý:

  • Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và ra làm quan cho nhà Hồ.

  • Sau đó, Nguyễn Phi Khanh bị bắt, Nguyễn Trãi theo cha sang Trung Quốc nhưng nghe lời cha dặn phải tìm cách rửa nhục cho đất nước, ông đã quay về và bị giặc bắt ở Đông Quan. Ông bỏ trốn và tìm theo Lê Lợi, trở thành quân sư số một của Lê Lợi.

  • Năm 1429, Nguyễn Trãi bị bắt vì Lê Lợi nghi Trần Nguyên Hãn mưu phản.

  • Từ 1429 - 1439, Nguyễn Trãi chỉ được giao những chứ nhàn quan, không có thực quyền.

  • Năm 1439, Nguyễn Trãi xin cáo quan vể ở Côn Sơn, nhưng mấy tháng sau lại được mời ra làm quan.

  • Ba năm sau, Nguyễn Trãi bị dính vào vụ án Lệ Chi Viên.

Câu 2: Nêu những đóng góp quan trọng của Nguyễn Trãi cho văn hóa dân tộc.

Gợi ý:

  • Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc hiếm có. Ông đã để lại cho nước nhà một di sản to lớn về các mặt quân sự, văn hóa, văn học.

  • Về quân sự và chính trị, Nguyễn Trãi có Quân trung từ mệnh tập; Đại cáo bình Ngô; 

  • Về lịch sử có các tác phẩm Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng.

  • Về địa lí: Dư địa chí

  • Về văn học: Ức Trai thi tập, tập thơ chữ Hán và Quốc âm thi tập, tập thơ chữ Nôm.

Câu 3: Phân tích những biểu hiện của tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi. (Kết hợp với kiến thức đã học về các tác phẩm như Cảnh ngày hè, Đại cáo bình Ngô, Thư dụ Vương Thông lần nữa để trả lời câu hỏi).

Gợi ý:

+ Nổi bật trong thơ văn Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa mang nội dung yêu nước, thương dân. 

  • Trước cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Trãi đã thoát khỏi tư tưởng trung hiếu nhỏ hẹp, đặt lòng yêu nước, thương dân lên trên hết.

  • Yêu nước gắn với thương dân, việc nhân nghĩa nhằm làm cho nhân dân được sống yên ổn - đó là tư tưởng chủ đạo suốt đời của Nguyễn Trãi.

+ Thơ Nguyễn Trãi tràn đầy tình yêu thiên nhiên. Hiếm có nhà thơ nào yêu quý, nâng niu cảnh vật thiên nhiên như ông.

  • Đối với ông, thiên nhiên là bầu bạn, là gia đình ruột thịt.

Câu 4: Tại sao nói Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho thi ca tiếng Việt? 

Gợi ý:

Nói Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho thi ca tiếng Việt là vì ông là người sáng tạo tiên phong, để lại tập thơ xưa nhất và nhiều bài thơ viết bằng chữ Nôm nhất.

>> Xem thêm: Soạn bài Bình Ngô Đại cáo ngắn gọn nhất

Sau khi đã cùng Top lời giải trả lời các câu hỏi bài Bình Ngô Đại cáo trong chương trình Ngữ văn 10 nâng cao, mời các bạn tham khảo bài văn mẫu phân tích bài Bình Ngô Đại cáo sau đây để tìm hiểu chi tiết hơn về tác phẩm nhé


Phân tích bài Đại Cáo Bình Ngô chương trình nâng cao

     Bình ngô đại cáo là bản báo cáo lớn, công bố rộng khắp cho mọi người biết về việc dẹp yên giặc Ngô, khẳng định chủ quyền của dân tộc và tương lai của đất nước. Bởi vậy, nó được coi là một bản tuyên ngôn độc lập.

     Như chúng ta đều biết, sau một thời gian cầm cự để xây dựng lực lượng (1418- 1423), nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển sang thời kỳ phản công. Đến mùa đông 1427, sau khi đập tan mười năm vạn quân tiếp viện của giặc minh, nước ta hoàn toàn được giải phóng. Đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế đặt tên hiệu là Thuận Thiên (hợp lòng trời) và cử Nguyễn Trãi soạn bài cáo để tuyên bố cho toàn dân biết cuộc kháng chiến chống giặc Minh đã thắng lợi rực rỡ, đất nước ta chuyển sang một giai đoạn xây dựng hoà bình. Như vậy, bài cáo trong lúc toàn quân, toàn dân đang hân hoan chào đón chiến thắng sau 10 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng.

     Trước hết, Bình ngô đại cáo là một luận văn chính trị tổng kết chặt chẽ, súc tích- về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dựa trên tư tưởng yêu nước thiết tha và sự nhận thức sâu sắc, mới mẻ về nhân dân và dân tộc. Bao trùm bài cáo là niềm tự hào vô biên trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến, của khí phách của dân tộc Việt Nam.

     Nhìn đại thể, Bình Ngô đại cáo có thể chia làm bốn phần:

     Phần 1. Khẳng định lí tưởng nhân nghĩa của cuộc kháng chiến và truyền thống bất khuất của dân tộc (từ đầu đến chứng cứ còn ghi…)

     Phần 2. Tố cáo tội ác của bọn cướp nước lợi dụng hoàn cảnh rối ren của nước ta, đưa quân sang xâm lược và gây ra bao đau khổ cho nhân dân (tiếp theo đến ai bảo thần dân chịu được…).

     Phần 3. Mô tả quá trình khởi nghĩa Lam Sơn, mục đích của cuộc chiến đấu. Những khó khăn ban đầu (quá trình chiến đấu), những chiến công hiển hách của nghĩa quân chấm dứt ách nô lệ (tiếp theo đến cũng là chưa thấy xưa nay).

     Phần 4. Lời tuyên bố kết thúc, chiến tranh khẳng định tư thế dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước muôn thuở phồn vinh (tiếp theo đến hết).

     Ở phần thứ nhất, trước hết Bình Ngô đại cáo khẳng định lí tưởng của cuộc kháng chiến việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Đánh giặc chính là nhân nghĩa. Tiếp theo, Nguyễn Trãi khẳng định Việt Nam là một quốc gia văn hiến từ bao đời đã sánh vai với cường quốc Trung Hoa về nhiều phương diện. Nội dung nói trên được tác giả biểu đạt bằng những câu văn sang trọng, đĩnh đạc gợi không khí trang nghiêm lịch sử.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

     Ở đây, nổi bật là việc nhấn mạnh đến tư tưởng nhân nghĩa của Cuộc kháng chiến và tư thế độc lập của dân tộc. Nhân nghĩa gắn liền với việc yên dân. Nguyễn Trãi quan tâm trước hết đến đời sống nhân dân, đến hạnh phúc của mọi người. Đây chính là tư tưởng lớn và tiến bộ của Nguyễn Trải, làm nền tổng cho cả bài cáo. Để nêu bật tư thế độc lập tự cường của dân tộc, Nguyễn Trãi đã sử dụng cách diễn đạt sóng đôi. Đại Việt và Trung Hoa đã bao đời song song tồn tại. Mỗi nước một bờ cõi, mỗi nước một phong tục với những triều đại khác nhau. Vì là nước văn hiến lâu đời nên người tài giỏi của Đại Việt thời nào cũng có, giặc đến thời nào cũng thất bại. Nội dung ấy được diễn đạt bằng những vế rất đẳng đối. Tuy vậy nếu để ý ta thấy tư thế cân bằng, tác giả dường như ngày càng muốn đặt nặng đồng cân hơn về phía Đại Việt với những chiến công huy hoàng (Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô - Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã). Do đó, có thể nói ở phần 1 này, Nguyễn Trãi vừa thể hiện niềm tin vào cuộc kháng chiến, vừa bộc lộ niềm tự hào trước truyền thông oanh liệt của dân tộc.

     Phần thứ 2 của bài cáo là phần luận tội giặc. Lợi dụng việc họ Hồ để mất lòng dân, giặc Minh cấu kết với bọn Việt gian bán nước, điên cuồng sang cướp nước ta, gây ra bao tội ác trời không dung đất không tha:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

     Đọc lại sử sách cũ, chúng ta có thể thấy hai câu trên hoàn toàn không phải là cách diễn đạt cường điệu mà là sự thật: Giặc Minh hết sức hung tàn, chúng thường rút ruột người treo lên cây, nấu xác người lấy mỡ thắp đèn, nhiều khi chúng mua vui bằng cách nướng những người dân vô tội. Ngoài ra, bọn giặc đã thực hiện một chế độ sưu thuế cống nạp nặng để vơ vét của cải (Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng – Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc). Do đó, chúng đã gây nên cho nước ta những hậu quả ghê gớm, sản xuất bị đình trệ (tan tác cả nghề canh cửi), môi trường sinh thái bị huỷ hoại nghiêm trọng (tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ), đẩy nhân dân Đại Việt vào tình cảnh thê thảm (nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng) … Tội ác của giặc Minh chồng chất đến dẫu chặt hết tre rừng cũng không ghi hết, khiến cho trời đất không thể dung tha, thần và dân đều không chịu được. Đau xót và căm thù, người dân Đại Việt phải đồng lòng đứng dậy.

     Phần thứ 3 thuật lại quá trình của cuộc khởi nghĩa từ khởi đầu đến ngày chiến thắng. Bài cáo nhân danh Lê Lợi: Ta đây, Núi Lam Sơn dấy nghĩa… Những lời tự bạch như phải trải tâm can mình trước thần dân: Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời – … Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh – Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

Như vậy, Top lời giải đã hướng dẫn các bạn Soạn bài Bình Ngô đại cáo nâng cao, hi vọng qua bài soạn này các bạn đã nắm được nội dung của tác phẩm, qua đó có thêm kiến thức cơ bản để học tốt bộ môn Ngữ văn 20 nâng cao. Đừng quên xem thêm các bài Văn mẫu 10 hay nhất của Top lời giải nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 19/03/2021