logo

Phương pháp thuyết minh bằng cách chú thích - Ngữ Văn 8

Câu trả lời chính xác nhất: Phương pháp thuyết minh bằng chú thích là nêu ra những đặc điểm của sự vật, hiện tượng để thuyết minh về sự vật, hiện tượng đó. Vậy để hiểu rõ về Phương pháp thuyết minh cũng như phương pháp thuyết minh bằng cách chú thích là gì? Toploigiai mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung sau đây nhé!


1. Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh

phương pháp thuyết minh bằng cách chú thích - ngữ văn 8

- Phương pháp thuyết minh là hệ thống những cách thức sử dụng để đạt được mục đích thuyết minh

– Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh: là điều kiện cần thiết để hoàn thành tốt một bài văn thuyết minh.

– Mối quan hệ giữa phương pháp thuyết minh và mục đích thuyết minh:

+ Phương pháp thuyết minh phục vụ mục đích thuyết minh.

+ Mục đích thuyết minh được hiện thực hóa thành bài văn thông qua các

- Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh cần tuân theo các nguyên tắc: không xa rời mục đích thuyết minh; làm nổi bật bản chất và nét đặc trưng của sự vật, hiện tượng; làm cho người đọc (người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.

- Người học cần rèn luyện kĩ năng nhận thức, phân loại các phương pháp thuyết minh đồng thời rèn luyện kĩ năng vận dụng các phương pháp thuyết minh vào những bài tập cụ thể, từ đó có kĩ năng vận dụng phương pháp thuyết minh vào làm văn cũng như trong cuộc sống.

>>> Tham khảo: Có phải tất cá các từ ngữ được chú thích trong một văn bản đều là thuật ngữ không? Vì sao?


2. Một số phương pháp thuyết minh

a. Phương pháp liệt kê

VD: Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải

(Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000)

Gợi ý: Người viết đã sử dụng phương pháp liệt kê để kể ra lần lượt các biểu hiện của đối tượng theo trật tự từ lớn đến nhỏ (hoặc ngược lại), giúp người đọc nắm được đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, sáng rõ.

b. Phương pháp nêu ví dụ

VD: Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la).

(Ôn dịch thuốc lá)

Gợi ý: Việc nêu ra ví dụ cụ thể về thái độ nghiêm khắc với những người hút thuốc lá nơi công cộng có tác dụng thuyết phục về ý thức giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh và kêu gọi mọi người nhìn nhận vấn đề thuốc lá một cách nghiêm túc.

c. Phương pháp nêu số liệu

VD: Các nhà khoa học cho biết trong không khí, dưỡng khí chỉ chiếm 20% thể tích, thán khí chiếm 3%. Nếu không có bổ sung thì trong vòng 500 năm con người và động vật sẽ dùng hết số dưỡng khí ấy, đồng thời số thán khí không ngừng gia tăng. Vậy vì sao đến nay dưỡng khí vẫn còn? Đó là nhờ thực vật. Thực vật khi quang hợp hút thán khí và nhả ra dưỡng khí. Một héc-ta cỏ mỗi ngày có khả năng hấp thụ 900 kg thán khí và nhả ra 600 kg dưỡng khí. Vì thế trồng cây xanh và thảm cỏ trong thành phố có ý nghĩa cực kì to lớn.

(Nói về cỏ)

Gợi ý: Các số liệu có ý nghĩa thuyết minh cho tầm quan trọng của thực vật nói chung, cỏ nói riêng một cách cụ thể, chân xác. Trong văn bản thuyết minh, nhất đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, các số liệu là cơ sở quan trọng để người viết thuyết minh về một vấn đề gì đó. Số liệu sử dụng trong văn bản thuyết minh phải có độ tin cậy cao, được chứng thực bằng phương pháp khoa học.

d. Phương pháp so sánh

VD: Biển Thái Bình Dương chiếm một diện tích lớn gần bằng 3 đại dương khác cộng lại và lớn gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương là đại dương bé nhất.

Gợi ý: Thuyết minh về độ rộng lớn của biển Thái Bình Dương, người viết đã tiến hành so sánh với các đại dương khác để giúp người đọc có được ấn tượng cụ thể về diện tích của nó. Phép so sánh có tác dụng làm nổi bật, cụ thể hoá đối tượng cần thuyết minh

e. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

VD: 

+ Huế là một trong những trung tâm văn hoá, nghệ thuật lớn của Việt Nam.

+ Nông Văn Vân là tù trưởng dân tộc Tày, giữ chức tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng).

Gợi ý: Các câu trên đều có từ “là” – từ biểu thị nhận định mang tính định nghĩa, giải thích. Phần vị ngữ sau từ “là” thường nêu những kiến thức khái quát về bản chất, đặc trưng, tính chất của đối tượng đứng trước từ “là”. Trong văn bản thuyết minh, những câu loại này đóng vai trò nêu vấn đề, đưa ra nội dung cần thuyết minh

f. Phương pháp phân loại, phân tích

VD: Ba sô là một thi sĩ – người hành hương danh tiếng sống ở Nhật Bản vào thế kỉ XVIII… Trong thực tế đây là bút danh thứ ba của ông. Dưới những vần thơ đầu tiên, ông kí là Mu-nê-phu-sa. Mười năm sau ông chọn cái tên Tô-sây, có nghĩa là “Đào xanh”

Gợi ý: Những dòng trên phân loại và phân tích về những bút danh và ý nghĩa của những bút danh của Ba-sô

g. Phương pháp thuyết minh bằng chú thích:

- Thuyết minh bằng cách chú thích có đặc điểm gì?

Giống như thuyết minh bằng định nghĩa, thuyết minh bằng cách chú thích cũng nêu ra những đặc điểm của sự vật, hiện tượng nhưng yêu cầu về mức độ chuẩn xác của phương pháp chú thích không cao như phương pháp định nghĩa. Phương pháp chú thích mang tính mềm dẻo hơn và dễ sử dụng hơn.

Thanh Hiên thi tập là một trong những tập thơ chữ Hán nổi tiếng của Nguyễn Du. Tên Hiệu của Nguyễn Du là Thanh Hiên. Ông đã lấy trên hiệu của mình đặt cho tên của tác phẩm.

Gợi ý: Câu “Tên Hiệu của Nguyễn Du là Thanh Hiên” là câu có sử dụng phương pháp chú thích

h. Phương pháp giảng giải nguyên nhân- kết quả:

VD: Một đệ tử mang đến cho ông một cây lạ nhập giống từ xứ Trung Hoa. Đấy là cây chuối, giống chuối tiêu. Và ngay tức thì nhà thơ say mê nó, ông bị những tàu lá dài và rộng kia quyến rũ…Trong tiếng Nhật, cây chuối là ba-sô…còn cái tên nào thích hợp cho ông lấy làm bút danh hơn là tên loài cây mà ông yêu mến.

Quan hệ nhân- quả: từ niềm say mê cây chuối dẫn đến kết quả thi sĩ đã lấy bút danh là Ba-sô.

>>> Tham khảo: 6 phương pháp thuyết minh


3. Cách vận dụng phương pháp thuyết minh

- Phương pháp thuyết minh được lựa chọn căn cứ vào mục đich thuyết minh.

- Phương pháp thuyết minh được sử dụng sao cho làm nổi bật mục đích thuyết minh,bản chất, đặc trưng của đối tượng thuyết minh.Mặt khác phải đảm bảo tính chuẩn xác và hấp dẫn của văn bản thuyết minh.


4. Bài tập

Bài 1. Đọc lại câu văn “Ba-sô là bút danh” đã dẫn trong phần luyện tập trước và cho biết vì sao không thể cho rằng tác giả câu đó đã thuyết minh bằng cách định nghĩa? Tác giả đã thuyết minh bằng cách chú thích, vậy phương pháp này có gì khác phương pháp định nghĩa?

Gợi ý trả lời:

Câu văn thuyết minh “Ba-sô là bút danh” không sử dụng phương pháp định nghĩa vì không đặt Ba-sô vào một loại lớn hơn, cũng không chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của nhà văn này.

Phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp chú thích. Phương pháp chú thích và phương pháp định nghĩa có những nét khá giống nhau bởi vì về đại thể cả hai đều có cấu trúc cơ bản: “A là B”. Song, hai phương pháp này có những nét khác nhau. Phương pháp định nghĩa có những đòi hỏi chặt chẽ hơn. Phần B trong định nghĩa phải đạt được hai yêu cầu cơ bản. Một là phải đặt đối tượng định nghĩa vào một loại lớn hơn. Hai là phải chỉ ra yếu tố nói lên đúng đặc điểm bản chất của đối tượng để phân biệt nó với các đối tượng cùng loại khác. Phương pháp chú thích không buộc thoả mãn hai yêu cầu đó. Tuy mức độ chuẩn xác không cao nhưng bù lại phương pháp chú thích có khả năng mềm dẻo hơn, dễ sử dụng hơn.

Bài 2. Anh (chị) hãy cho biết trong mỗi ví dụ nêu dưới đây, tác giả đã sử dụng phương pháp thuyết minh cụ thể nào.

a) Bầu sinh quyển như một tấm chăn bao bọc bảo vệ quả đất khỏi sức nóng và tia bức xạ của Mặt Trời. Nhưng giờ đây, tấm chăn này đã bị thủng và nhiệt của Mặt Trời lọt qua làm cho khí hậu của Trái Đất nóng lên. Các nhà khoa học gọi hiện tượng nóng lên này là hiệu ứng nhà kính.

(Hiệu ứng nhà kính, trong tạp chí KCT –Tri thức là sức mạnh, số 5 – 1997)

b) Không có gì trừu tượng hơn là con số, nhất là khi con số vượt quá tầm tưởng tượng của người đọc. […] Độc giả sẽ hoàn toàn thờ ơ khi đọc thấy ngân sách giáo dục năm học 1998 -1999 là 10.365.000.000.000 đồng. […] Cần phải so sánh con số này với một con số hiển nhiên, hoặc tính ra tỉ lệ phần trăm. Trong trường hợp trên, thử chia ngân sách dành cho giáo dục cho tổng số học sinh phổ thông và sinh viên trong cả nước […]. Ta sẽ có một con số cụ thể là mỗi học sinh được đầu tư 482.000 đồng trong cả một năm học. Cũng có thể nói cách khác, rằng ngân sách giáo dục năm nay bằng 11,54% tổng ngân sách, trong khi con số năm ngoái chỉ là 10,56% […].

(L. Héc-vu-ê, Viết cho độc giả, Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội, 1999)

Gợi ý trả lời:

– Đoạn trích (a) có sử dụng phương pháp so sánh: “Bầu sinh quyển như một tấm chăn bao bọc bảo vệ quả đất khỏi sức nóng và tia bức xạ của Mặt Trời” và phương pháp chú thích: “Các nhà khoa học gọi hiện tượng nóng lên này là hiệu ứng nhà kính”

– Đoạn trích (b) có sử dụng phương pháp nêu số liệu: “…ngân sách giáo dục năm học 1998 -1999 là 10.365.000.000.000 đồng”, “mỗi học sinh được đầu tư 482.000 đồng trong cả một năm học”, “ngân sách giáo dục năm nay bằng 11,54% tổng ngân sách, trong khi con số năm ngoái chỉ là 10,56%”

-------------------------

Trên đây Toploigiai đã giải đáp câu hỏi phương pháp thuyết minh bằng chú thích là gì? Cũng như cung cấp kiến thức về phương pháp thuyết minh. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 29/08/2022 - Cập nhật : 29/08/2022