logo

Phép biện chứng tư duy, tư duy biện chứng là gì? Mối quan hệ giữa chúng? Tư duy  biện chứng có vai trò như thế nào trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của thời đại chúng ta?

icon_facebook

Câu hỏi: Phép biện chứng tư duy, tư duy biện chứng là gì? Mối quan hệ giữa chúng? Tư duy  biện chứng có vai trò như thế nào trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của thời đại chúng ta?

Trả lời:

* Khái niệm phép biện chứng tư duy, tư duy biện chứng

- Phép biện chứng là học thuyết nói về mối liên hệ phổ biến và sự vận động phát triển của vạn vật xảy ra trong thế giới.

+ Trong thế giới gồm tự nhiên, xã hội → Biện chứng khách quan.

+ Trong nhận thức và tư duy → Biện chứng chủ quan.

- Phép biện chứng tư duy là một bộ phận của phép biện chứng chủ quan, nó nói về mối liên hệ phổ biến và sự vận động, phát triển của tư duy, tư tưởng con người.

+ Phép biện chứng tư duy phát triển rực rỡ nhất thông qua nhà tư tưởng Hêghen, ông cho rằng  tư duy mới mang tính biện chứng, còn cái vật chất, cái tự nhiên thì siêu hình.

+ Theo Mác, phép biện chứng tư duy là sự phản ánh phép biện chứng khách quan tự nhiên, xã hội vào trong đầu con người cho nên tư duy là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Đo đó,  thế giới khách quan vận động phát triển thì tư duy con người phải phát triển, vận động. Thế giới  vạn vật luôn luôn có liên hệ qua lại lẫn nhau  thì trong tư duy, tư tưởng con  người nó  cũng  phải liên hệ qua lại lẫn nhau để phản ánh phù hợp với hiện thực khách quan.

- Muốn có phép BC tư duy thì phải có tư duy BC.

- Tư duy biện chứng là một hệ thống các nguyên tắc, các yêu cầu nền tảng được rút ra từ phép biện chứng mà trước hết là biện chứng của tư duy. Tư duy phải tuân thủ  các nguyên  tắc: nguyên tắc khách quan (khách quan xem xét), nguyên tắc toàn diện (toàn diện xem xét), nguyên tắc phát triển, nguyên tắc mâu thuẫn, nguyên tắc phân tích lượng và chất… Những nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp được rút ra từ phép biện chứng nói chung và phép biện chứng tư duy nói riêng.

Hêghen là người xây dựng nên phép biện chứng tư duy và chính Hêghen đã làm cho  tư duy trở thành tư duy biện chứng.

* Mối quan hệ giữa chúng

- Phép biện chứng tư duy và tư duy biện chứng khác nhau như thế nào?

+ Phép biện chứng tư duy là hình ảnh chủ quan trong đầu chúng ta phản ánh đúng hiện  thực.  Do đó, phép biện chứng tư duy mới là chân lý. Chân lý là hình ảnh chủ quan trong đầu con người phản ánh phù hợp với sự vật tồn tại trong thế giới hiện thực khách quan. Chức năng chính của tư duy là giải thích, lý giải những sự tồn tại của vạn vật trong thế giới, nó làm sáng rõ bản tính biện chứng thế giới.

+ Tư duy biện chứng là một số yêu cầu mang tính phương pháp luận điều phối suy nghĩ của chúng ta và sau đó là hành động của chúng ta để đưa suy nghĩ của chúng ta đến chân lý.

→ Như vậy, nhờ vào phép biện chứng của tư duy mà chúng ta rút ra xây dựng được tư duy biện chứng. Ngược lại nhờ vào tư duy biện chứng mà chúng ta mới xây dựng được phép biện chứng của tư duy.

* Tư duy biện chứng phát triển từ trình độ thấp lên trình độ cao và phép biện chứng của tư duy cũng phát triển từ chất phác, hời hợt sang ngày càng sâu sắc hơn. Vì vậy chúng làm cho nhau cùng hoàn thiện.

Phép biện chứng tư duy của Hêghen và phép biện chứng tư duy của Mác khác nhau. Phép  biện chứng tư duy Hêghen là ông thần tạo ra mọi cái trong thế giới này nên nó mang tính duy tâm, thần bí. Còn phép biện chứng tư duy của Mác là hình ảnh chủ quan trong đầu con người, phản ánh phù hợp với thế giới khách quan, tồn tại mối liên hệ phát triển trong hiện thực nên nó mang tính  duy vật và khoa học.

* Vai trò của tư duy biện chứng trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của thời đại chúng ta.

Khi thế giới này đơn điệu, đơn giản, đứng yên, ổn định thì ta không cần tư duy biện chứng để xem xét.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà vạn vật thế giới liên hệ vô cùng phức tạp với nhau và không ngừng vận động thay đổi một cách nhanh chóng. Nếu không có tư duy biện chúng ta sẽ không thể thấu hiểu thế giới này, cũng không thể tái hiện nó lại trong đầu chúng ta  để chúng ta  nhận thức đúng đắn thế giới, để ta vươn lên làm chủ và cải tạo thế giới. Như  vậy, tư duy biện  chứng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận thức và thự tiễn của thời đại chúng ta, cụ thể:

Tư duy biện chứng giúp chúng ta, một mặt, khắc phục được lối tư duy siêu hình, phiến diện, chiết trung, nguỵ biện; mặt khác, xem xét đánh giá vấn đề một cách toàn diện, đúng đắn. Nó giúp chúng ta nghiên cứu biết đi thẳng vào vấn đề, xem xét và phân tích đối tượng một cách chính xác, đầy đủ, toàn vẹn; khắc phục được cách đánh giá đơn giản, một chiều.

Tư duy biện chứng duy vật giúp cho chúng ta khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ và thái độ định kiến với cái mới. Vì thiếu nguyên tắc phát triển của tư duy biện chứng duy vật, chúng ta dễ mắc phải sai lầm khi nhận thức các vấn đề, thường rơi vào duy tâm, siêu hình, không thấy rằng động lực nội tại của sự phát triển chính là sự giải quyết mâu thuẫn bên trong của sự vật và hiện tượng.

Tư duy biện chứng giúp chúng ta tránh những sai lầm, sự mò mẫm, phỏng đoán thiếu cơ sở khoa học và nguy cơ rơi vào ảo tưởng. Khi chưa được trang bị tư duy biện chứng duy vật, nhất là nguyên tắc lịch sử cụ thể, chúng ta thường nhìn nhận và đánh giá sự vật một cách chung chung, hoặc tuyệt đối hoá những kết luận nào đó mà không gắn với những điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn xã hội cụ thể; họ dễ rơi vào tình trạng thụ động, thiếu sáng tạo trong học tập và hoạt động thực tiễn.

Tư duy biện chứng duy vật giúp cho chúng ta nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách khách quan và khoa học, khắc phục sai lầm chủ quan. Thiếu nguyên tắc khách quan của tư duy biện chứng duy vật, việc nhận thức trong học tập và nghiên cứu của sinh viên sẽ gặp nhiều hạn chế. Trong học tập và nghiên cứu, có những người mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, tuyệt đối hoá nhận thức của bản thân, xa rời thực tiễn.

Tư duy biện chứng duy vật còn giúp sinh viên có điều kiện học tập và nghiên cứu các môn khoa học khác một cách hiệu quả hơn. Thiếu tư duy biện chứng duy vật, việc học tập và nghiên  cứu khoa học của sinh viên không đạt được hiệu quả cao, dễ rơi vào tình trạng mò mẫm, thiếu định hướng khoa học; tư duy thiển cận, vụn vặt, khả năng khái quát, trừu tượng khoa học thấp kém.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá đang tác động đến các quốc gia, các mặt của đời sống xã hội. Nếu không có tư duy biện chứng, chúng ta sẽ không biết chọn lọc, không biết tiếp thu những giá trị tích cực, đích thực từ các luồng văn hoá bên ngoài và bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, sống buông thả, đua đòi, ăn mặc lai căng; quan niệm một cách đơn giản về nhiều vấn đề hệ trọng, chẳng hạn như tình yêu, hôn nhân, việc làm, lối sống...

icon-date
Xuất bản : 27/09/2021 - Cập nhật : 27/09/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads