logo

Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu học sinh giỏi. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu - Mẫu số 1

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, tiêu biểu cho thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ "Việt Bắc" là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. "Việt Bắc" là một trong những bài thơ được xếp vào hạng những bài thơ "tống biệt" của Tố Hữu. Mặc dù là đề tài cũ, nhưng bài thơ vẫn mới mẻ bởi "Việt Bắc" ra đời trong cuộc chia tay đặc biệt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến vào tháng 10/1954. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ không mang cảnh trạng của một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy nước mắt, mà là nỗi niềm chia ly trong tình cảm giữa cán bộ và nhân dân sâu đậm ân tình. Đoạn thơ mở đầu của bài thơ là sự thể hiện tinh tế và sâu sắc những rung động trong trái tim của người đi và người ở trong giờ phút phân li:

 Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Bốn câu thơ đầu là lời của người ở lại nói với người ra đi:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?

Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi mang âm hưởng ca dao, tình yêu: "Mình về mình có nhớ ta". "Mình về" là hoàn cảnh để người ở lại bộc lộ nỗi niềm. "Về" gợi đến sự chia li, đó là sự chia li của người ra đi và người ở lại. Về mặt kết cấu câu thơ thì "mình" đứng ở đầu câu, còn "ta" đứng ở cuối câu thơ. Nó gợi lên cái khoảng cách giữa "ta" và "mình". Nỗi niềm gợi lên qua câu hỏi ấy của người ở lại là nỗi nhớ, tình cảm của người ở lại hướng tới người ra đi. Đứng giữa câu thơ là một từ "nhớ", nó làm cho "mình" và "ta" dường như được xích lại gần nhau hơn. Cơ sở tạo nên nỗi nhớ ấy là: "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng". Câu thơ phảng phất âm hưởng của thơ Kiều, nhưng từ âm hưởng đó lại vang lên nỗi niềm tình cảm của những con người trong một thời kháng chiến. "Mười lăm năm ấy" gợi đến một quãng thời gian khó khăn, một thời đau thương, mất mát. Tuy vậy, dường như tất cả mất mát đau thương ấy chìm đi, đọng lại trong câu thơ chỉ còn là tình cảm "thiết tha mặn nồng". Đó chính là sự gắn bó thân thiết, tình cảm chia bùi sẻ ngọt trong "mười lăm năm ấy" giữa "ta" và "mình". Bởi vậy, hỏi nhưng cũng chính là để bộc lộ tình cảm và hỏi chính là thể hiện mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình.

Đến câu thơ thứ ba cũng là một câu hỏi. Câu hỏi: "Mình về mình có nhớ không" cũng có sự lặp lại gần giống câu thơ đầu. Tuy vậy, đối tượng hỏi không chỉ còn bó hẹp trong mối quan hệ giữa "ta - mình" và nỗi nhớ dường như không còn chỉ hướng tới "ta", mà nỗi nhớ đó đã hướng vào đối tượng rộng lớn hơn rất nhiều, đó chính là không gian "núi rừng" và "sông nguồn". Câu hỏi gợi về không gian có "núi", có "nguồn" ở núi rừng Việt Bắc. Đây chính là không gian quen thuộc gắn với người ở lại và cũng gắn bó với cả người ra đi. Không gian đó với người ra đi và người ở lại không còn là không gian vô hồn, vô cảm mà là không gian chứa đầy kỉ niệm, nó góp phần tạo nên tình cảm cho người ra đi.

Ở trong câu thơ xuất hiện nhiều lần hai động từ chỉ hành động "nhìn" và "nhớ". Một hành động tác động vào thị giác, một hành động tác động vào tâm tưởng; một hành động hướng tới hiện tại, một hành động hướng về quá khứ. Sự đan xen giữa các hành động đó mà người ở lại đưa ra là để muốn nhắc nhở người ra đi sống ở hiện tại đừng quên về quá khứ, sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược, đừng quên về những kỉ niệm của một thời đã qua. Đó chính là mong muốn của người ở lại nhắn nhủ tới người ra đi. Trước khi mong muốn người ra đi để nhớ thì người ở lại đã thể hiện nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ đó biểu đạt trực tiếp qua động từ "nhớ" xuất hiện nhiều lần ở khổ thơ, càng về cuối thì từ "nhớ" xuất hiện càng nhiều đã thể hiện cường độ nhớ ngày một tăng và nó đã tạo nên âm hưởng chủ đạo cho bài thơ. Đó là âm hưởng nhớ thương, ân tình tha thiết.

Bốn câu thơ đầu chỉ với hai câu hỏi, nhưng chủ yếu là để giãi bày tình cảm và để mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình, bởi giữa hai đối tượng đó có sự gắn bó khăng khít trong một thời kháng chiến và một vùng kháng chiến. Để rồi từ đó, người ra đi đáp lại người ở lại bằng bốn câu thơ:

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Người ở lại đặt ra câu hỏi nhưng người ra đi không trực tiếp trả lời câu hỏi đó mà thay vào đó người ra đi thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn trong buổi chia tay. Ấn tượng ban đầu đã tác động đến người ra đi: "Tiếng ai tha thiết bên cồn". "Ai" là đại từ không xác định. "Ai" có thể là nhân vật đang xuất hiện trước mắt người ra đi, quen thuộc với người ra đi - một con người cụ thể xuất hiện "bên cồn" trong buổi chia li. "Ai" có thể là bất cứ người dân Việt Bắc đã cùng sống, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với người ra đi. Dù hiểu theo cách nào thì ấn tượng tác động đến người ra đi là âm thanh tiếng nói tha thiết - đó chính là âm thanh rất đỗi ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng. Và âm thanh đó dường như gọi về biết bao kỉ niệm, biết bao buổi trò chuyện tâm tình và âm thanh đó gọi về mối tình keo sơn gắn bó thân thiết giữa người ở lại với người ra đi. Chính âm thanh đó đã khiến cho người ra đi "Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi".

Câu thơ ngắt nhịp 4/4 với hai vế tiểu đối trong tương quan đối lập giữa bên trong và bên ngoài. "Trong dạ" thì "bâng khuâng" còn hành động bên ngoài biểu hiện sự "bồn chồn" thấp thỏm của người ra đi, nhưng lại có sự tương đồng trong cảm xúc và hành động. Chính vì cảm xúc "bâng khuâng" thì mới có hành động "bồn chồn" đó được.
Trong cảm nhận của người ra đi, một hình ảnh bình dị, quen thuộc thường xuất hiện trong cuộc sống đời thường đó là hình ảnh "áo chàm". Hơn thế nữa chiếc "áo chàm" gợi đến sắc màu bền bỉ khó phai. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói "áo chàm đưa buổi phân li" là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh "áo chàm" dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mờ của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Và ấn tượng đậm nét nhất với người ra đi chính là hành động "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...".

Trước tiên là hành động "cầm tay nhau" là hành động quen thuộc và rất đẹp của những ai khi chia li, nó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết và đồng thời thể hiện sự lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Họ cầm tay nhau trong tâm trạng nghẹn ngào, vì thế không nói lên lời. Dấu ba chấm xuất hiện cuối dòng thơ như nốt nặng không lời, nhưng chính nó lại quý giá hơn rất nhiều những lời nói thường ngày bởi cái cầm tay đã nói lên tất cả những lưu luyến, bịn rịn. Câu thơ kết lại đoạn thơ có nhịp thơ thay đổi khác thường. Sự thay đổi của nhịp thơ không chỉ tạo nên sự ngập ngừng cho giọng điệu của câu thơ mà còn tạo nên cái ngập ngừng của tình cảm. Và đồng thời sự khác lạ trong nhịp thơ ấy đã diễn tả sự khác lạ trong diễn biến tình cảm của kẻ ở người đi.

Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu

Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu - Mẫu số 2

Những ngày tháng chiến đấu chống thực dân Pháp đầy gian khổ của nhân dân ta cuối cùng cũng dành được thắng lợi vô cùng vẻ vang, huy hoàng. Để làm nên thành công đó không thể không nhắc đến đóng góp của thơ văn cổ vũ cách mạng nêu lên tinh thần đấu tranh, khí thế hừng hực của nhân dân ta. Tố Hữu chính là một nhà thơ lớn, có những tác phẩm vô cùng nổi bật ở giai đoạn này. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông nói về tình cảm khăng khít, gắn bó sâu nặng giữa quân và dân ta là bài thơ Việt Bắc. Mở đầu là 8 câu thơ nói về không gian chia tay của người đi - kẻ ở.

Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng thể hiện lẽ sống, lí tưởng, tình cảm của con người Việt Nam hiện đại. Thơ ông mang đậm chất trữ tình chính trị sâu sắc: hướng đến cái chung về lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người Cách mạng và của cả dân tộc, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính toàn dân. Bên cạnh đó, ông còn là nhà thơ khéo léo trong việc kết hợp các biện pháp nghệ thuật: Giọng thơ mang tính chất tâm tình, đằm thắm, chân thành; vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc, sử dụng cách nói quen thuộc với dân tộc. Đặc biệt ông phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt, từ láy, thanh điệu, vần thơ,…

Tập thơ Việt Bắc là một trong những sáng tác vô cùng nổi tiếng của ông. Bài thơ là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những con người kháng chiến; ca ngợi Đảng và Bác Hồ, tình quân - dân, tiền tuyến - hậu phương, miền xuôi - ngược, cán bộ - quần chúng, nhân dân với lãnh tụ, thiên nhiên, đất nước con người,…

Mở đầu đoạn trích là khung cảnh chia tay của người ở lại và người chiến sĩ ra đi, trở về miền xuôi:

“Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”

Người ở lại mở lời bắt đầu cho cuộc đối thoại giữa người đi - kẻ ở trong khung cảnh chia tay. Bao nhiêu suy tư, trăn trở của người ở lại được gửi gắm vào những câu hỏi dành cho người ra đi: liệu rằng người ra đi có nhớ về khoảng thời gian mười lăm năm gắn bó thiết tha, mặn nồng đã qua hay không? Có nhớ về con người, thiên nhiên, căn cứ đầu não cách mạng của nơi này hay không? Chỉ với bốn câu thơ nhưng người dân Việt Bắc đã tái hiện toàn bộ những gì hai bên đã có với nhau: đó là thời gian dài đằng đẵng, là những kỉ niệm đã có cùng nhau. Tố Hữu vô cùng khéo léo khi vận dụng cách xưng hô “mình - ta” vốn được dùng trong lối đối đáp xưa vào bài thơ của mình cùng với câu hỏi tu từ, điệp từ “nhớ” càng gây ấn tượng với bạn đọc về nét giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng chân thành của con người nơi đây.

Trước tình cảm, sự trân thành của người dân Việt Bắc, người ra đi bịn rịn không nói nên lời:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Những tính từ “tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn” đã diễn tả vô cùng chính xác, chân thực tình cảm của người ra đi trước giờ phút chia tay đầy quyến luyến. Có thể thấy, bốn câu thơ là vùng đất trù phú của các biện pháp nghệ thuật. Bên cạnh việc sử dụng tính từ, Tố Hữu đã sử dụng vô cùng thành công trong việc sử dụng biện pháp nghệ thuật hoán dụ: mượn hình ảnh áo chàm - vật dụng quen thuộc với người nông dân để chỉ những con người lao động chất phác của mảnh đất này. Vào khoảnh khắc chia tay đầy xúc động ấy, người đi kẻ ở bịn rịn, quyến luyến không nói nên lời. Tất cả tình cảm được thể hiện qua cái cầm tay, bởi khoảng thời gian mười lăm năm gắn bó đã đủ làm họ hiểu nhau, chỉ cần nhìn vào mắt nhau cũng có thể thấu hiểu tâm tư tình cảm của người còn lại. Phép im lặng (dấu “…”) cuối câu làm cho không gian của buổi chia tay như trùng xuống, tĩnh lặng và cũng để cả hai nhớ về thời gian bên nhau.

Đoạn trích nói riêng và bài thơ nói chung không chỉ là những kỉ niệm trong mười lăm năm gắn bó của người chiến sĩ với nhân dân Việt Bắc mà còn là tình cảm gắn bó keo sơn, trước sau như một của người đi kẻ ở. Bên cạnh đó tác giả còn thể nêu cao tầm quan trọng của chiến khu Việt Bắc đối với cách mạng và độc lập của nước nhà. Tất cả nhưng tâm tư, tình cảm này được tác giả thể hiện chân thực nhất qua thể thơ lục bát và cách xưng hộ “mình - ta” vốn quen thuộc trong dân gian và các câu hỏi tu từ, liệt kê, hoán dụ… vô cùng tinh tế và đặc sắc đã góp phần không nhỏ vào việc làm nên thành công cho tác phẩm.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Có lẽ vì thế mà quê hương cách mạng Việt Bắc đã không ngần ngại chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu viết nên thi phẩm cùng tên. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.


Phân tích Việt Bắc 8 câu đầu - Mẫu số 3

Nhắc đến Tố Hữu người đọc nhớ ngay đến là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông là một người luôn gắn bó với quê hương, đất nước và cách mạng Việt Nam. Những bài thơ của ông chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bài thơ “Việt Bắc” chính là một trong những bài thơ tiêu biểu cho khuynh hướng ấy. Xuyên suốt bài thơ chính là tâm trạng bâng khuâng lưu luyến không nỡ rời xa giữa người cán bộ cách mạng về xuôi với những người đồng bào ở lại, những kỉ niệm và tình quân dân núi rừng Việt Bắc. Tiêu biểu và cũng chính là đặc sắc nhất chính là tám câu thơ đầu:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…"

Với lối đối đáp, cách xưng hô “mình-ta” gợi sự gần gũi thân thuộc, gắn bó thủy chung, nghĩa tình và sắt son. Người ở lại hỏi người cách mạng về xuôi, liệu khi họ về đến đất thủ đô Hà Nội có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi và sung túc thì những người cán bộ về xuôi có nhớ đến những người đồng bào nơi đây. Nhớ đến “ mười lăm năm” gắn bó cùng nhau, để cùng làm cách mạng. Nhớ đến những kỉ niệm trên chặng đường hành quân đầy gian lao và thử thách. Có thể nói đây như một lời khẳng định của những người ở lại dù cho những người cán bộ cách mạng có về đến đất thủ đô Hà Thành thì những kỉ niệm về tình nghĩa quân dân, về những chặng đường hành quân gian khổ với thiên nhiên và núi rừng Việt Bắc, nó sẽ trở thành một quá khứ, một bản trường ca về cách mạng mà họ sẽ không bao giờ quên. Nhớ về “miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”. Sống trong gian khổ nhưng họ vẫn nuôi ý chí quyết tâm vượt qua gian khổ hay “miếng cơm chấm muối chăn sui đắp cùng” về tình nghĩa họ luôn yêu thương, đoàn kết và gắn bó với nhau suốt mười lăm năm gian khổ.

Những dong tâm tư cảm xúc của những người ở lại tiếp tục được tuôn trào với câu hỏi tu từ đầy ý nghĩa

“Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Lại một lần nữa những người ở lại hỏi người ra đi. Khi họ về với Hà Nội nhộn nhịp phồn hoa liệu họ còn nhớ đến thiên nhiên Việt Bắc và con người Việt Bắc. Nhớ đến cái nôi cách mạng đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng. Cây và sông đã trở thành điểm gợi để những người cán bộ cách mạng về xuôi nhớ về thiên nhiên, núi rừng nơi đây cũng như nhớ về nguồn cội của cuộc kháng chiến. Điệp từ “nhớ” được lặp đi lặp lại tô đậm cảm xúc toàn khổ thơ. Đó là một nỗi nhớ thương da diết sâu nặng, đó là một nỗi nhớ như nhớ người yêu “bổi hổi bồi hồi”. Điệp từ “nhớ” đi cùng điệp từ “mình” và “nhìn” giúp cho câu thơ trở nên có vần nhịp điệu và sâu lắng hơn. Núi rừng Việt Bắc không chỉ đẹp và hùng vĩ mà còn là nơi cung cấp lương thực cho cán bộ cách mạng trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ. Đồng thời câu thơ còn là lời khẳng định gắn bó thủy chung son sắt với truyền thống trở về cội nguồn của tổ tong. Câu thơ đưa chúng ta hồi tưởng câu thành ngữ “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta không thể nào quên. Nó sẽ vẫn được giữ gìn và phát huy mãi mãi từ đời này sang đời khác.

Nếu như bốn câu thơ đầu là câu hỏi tu từ cùng những lời giãi bày của người ở lại thì sang đến hai câu thơ tiếp theo chính là những dòng cảm xúc bang khuâng, lưu luyến của một khung cảnh chia tay đầy nhớ thương của người ra đi

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”

Các từ láy “bang khuâng”, “bồn chồn” gợi lên một tâm trạng chia tay đầy thương nhớ tha thiết, lưu luyến, bịn rịn. Còn đối với từ láy “tha thiết” đưa người đọc hình dung đến một khung cảnh chia tay đầy ắp nỗi nhớ tha thiết. Nỗi buồn khắc khoải, giờ phút chia tay đã đến những người cách mạng về xuôi sắp phải rời xa mảnh đất và con người Việt Bắc. Dường như mọi cảnh vật và thiên nhiên nơi đây muốn níu giữ lại thời gian, không muốn những người cách mạng rời xa Việt Bắc. Chưa xa đã nhớ, người cách mạng mới chuẩn bị về Hà Nội thôi nhưng những người dân đồng bào nơi đây và thiên nhiên nơi đây, có thể tưởng tượng về một bầu không khí trống vắng khi không có những người chiến sĩ cách mạng. Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng có thể hiểu đó là tiếng của những người đồng bào nơi đây hoặc đó cũng chính là tiếng những người chiến sĩ cách mạng về xuôi. Mọi không gian, mọi cảnh vật đều như muốn níu giữ những cán bộ cách mạng. Để rồi mang trong họ là tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn, lưu luyến đến từng bước đi. Đọc đến đây ta như trở về với khung cảnh chia tay nhớ thương lưu luyến ấy. Không chỉ những người ở lại và những người ra đi mới nhớ thương, lưu luyến, bồn chồn mà chính những tâm trạng ấy đã lan tỏa vào tận đến trái tim mỗi độc giả. Khiến người đọc cũng cảm thấy nhớ thương bịn rin vô cùng.

Ở mỗi một cuộc chia tay, đều có những món quà, nhựng kỉ vật đi kèm và ở khung cảnh chia tay giữa những người cán bộ cách mạng về xuôi và những con người thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc này cũng vậy cũng có những kỉ vật, những món quà của thiên nhiên và con người Việt Bắc.

“Áo chảm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói già hôm nay”

“Áo chàm” đã trở thành món quà, kỉ vật của mười lăm năm gắn bó tình nghĩa thủy chung. “Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ để nói lên khung cảnh chia tay này. Áo chàm vốn là một trong những trang phục truyền thống của những con người nơi đây. Giờ nó đã trở thành những kỉ vật không thể nào quên giữa kẻ ở và người đi. Khung cảnh chia tay càng trở nên buồn hơn bao giờ hết khi họ không thể nói nên lời chỉ biết cầm tay nhau. Đây là một chi tiết vô cùng đặc sắc trong 8 câu thơ trên. Bởi đến những giờ phút chia tay nỗi nhớ, nỗi buồn, những kỉ niệm tình quân dân, những kỉ niệm với thiên nhiên nơi đây. Tình cảm quân dân gắn bó nghĩa tình chung thủy, song tất cả trở thành hành động “cầm tay nhau”, cầm tay nhau mà không nói nên lời kết hợp đọc đáo với dấu chấm lửng ở cuối câu thơ như muốn thể hiện nhiều điều muốn nói, nhiều tâm sự hơn nữa nhưng chỉ có người ở lại và người ra đi mới có thể hiểu được. hay đây cũng chính là một câu thơ khơi dậy những suy nghĩ về khung cảnh chia tay trong lòng người đọc.

Đoạn thơ không chỉ thể hiện thành công nội dung mà còn đọc đáo ở nghệ thuật. Đậm đà tính dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu, thể thơ lục bát, cách đối đáp xưng hô mình –ta. Ngôn từ hình ảnh giản dị mộc mạc, giàu sức gợi góp phần xây dựng nên một khung cảnh chia tay vô cùng đặc biệt với nỗi nhớ thương tha thiết, lưu luyến mà không một bài thơ nào có.

Khép lại khổ thơ trên trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về một quá khứ hào hùng, về một bản hùng ca, về lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là tình cảm gắn bó thủy chung son sắt. là tâm trạng bâng khuâng lưu luyến và khung cảnh chia tay đầy ắp nỗi nhớ về tình cảm gắn bó quân dân và thiên nhiên nơi đây. Bài thơ sẽ luôn động lại trong trái tim và trí óc của mỗi chúng ta cho đến tận hôm nay và mai sau.

icon-date
Xuất bản : 11/02/2022 - Cập nhật : 16/02/2022