logo

Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa

- Phát hiện thứ nhất của nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đầy thơ mộng. Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã tới một vùng biển từng là chiến trường cũ mà anh từng tham gia chiến đấu. Anh đã dự tính bố cục, phục kích mấy buổi sáng. Giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra một vẻ đẹp trời cho trên mặt biển sớm mờ sương, một cảnh đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ bắt gặp được một lần. Nó đẹp. như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào hầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum, đang hướng mặt vào bờ.

- Tất cả bức tranh đó từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích. Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời của hóa công, người nghệ sĩ trở nên bối rối và trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chưa hết, trong giây lát, người nghệ sĩ còn khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Không cần lựa chọn xê dịch gì nữa, anh bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim với cảm giác hạnh phúc tràn ngập tâm hồn. Đây chính là sự nhạy cảm của trái tim người người nghệ sĩ. Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa biển trời mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mĩ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa, lãng mạn của cuộc đời. Anh yên tâm ngày mai có thể lên tàu trở về.

Xem thêm:

>>> Phân tích phát hiện thứ 2 của nghệ sĩ Phùng


Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng - Mẫu số 1

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. Ở giai đoạn trước, ngòi bút của ông theo khuynh hướng sử thi, đậm tính chiến đấu và thiên hướng trữ tình lãng mạn, thời kì sau chuyển sang cảm hứng thế sự cùng những vấn đề triết lí nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau. Tác phẩm kể về chuyến đi thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, qua đó thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về vấn đề nghệ thuật và cuộc sống. Phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng làm nổi bật tư tưởng của nhà văn.

Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng tìm đến vùng ven biển miền Trung (Trung Trung bộ), nơi vốn là chiến trường cũ của anh, để chụp những tấm ảnh phục vụ cho chủ đề thuyền và biển của bộ lịch năm sau. Về lại mảnh đất một thời gắn bó trong cuộc sống đời thường, người nghệ sĩ đi tìm vẻ đẹp bí ẩn của cuộc sống của người dân làng chài. Sau bao ngày săn ảnh, Phùng đã chớp được một cảnh kì diệu về chiếc thuyền ngoài xa đang thu lưới trong biển sớm mờ sương: “mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa… đang hướng mặt vào bờ”. Với Phùng đây là khoảnh khắc kì diệu trong đời cầm máy của mình. Bởi từ khung cảnh sông nước đến con người ngư phủ, từ đường nét, màu sắc, ánh sáng tất cả đều hài hòa tuyệt đẹp. Trong con mắt Phùng, cảnh tượng đó giống như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ.

Đứng trước một bức tranh tuyệt tác của hóa công, người nghệ sĩ nhiếp ảnh trở nên “bối rối”, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Điều đó cho thấy vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa đã tác động mãnh liệt đến tâm hồn của người nghệ sĩ khơi dậy những cảm xúc thăng hoa kì diệu. Trong khoảnh khắc đó, Phùng cảm giác đã khám phá ra được cái chân lí của sự hoàn thiện, khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn khiến cho Phùng nghĩ đến lời đúc kết của ai đó “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.

Qua phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về cái đẹp toàn bích, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ khám phá được phần nào hiện thực cuộc sống sau chiến tranh cũng như hành trình săn tìm nghệ thuật của người nghệ sĩ mà còn cho chúng ta thấy những chân lí cuộc đời. Đằng sau cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật là vẻ đẹp của tâm hồn, của con người. Bức họa kia càng thêm sống động thực sự có linh hồn khi con người là chủ thể của bức tranh lại là những con người bình dị vùng ven biển miền Trung. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tác động mãnh liệt đến tâm hồn Phùng, điều này chứng tỏ tâm hồn của người nghệ sĩ rất dễ nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên con người. Đồng thời qua phát hiện thứ nhất này nhà văn muốn khẳng định, những tác phẩm nghệ thuật vô giá không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của một hành trình đi tìm cái đẹp, quá trình lao động miệt mài của người nghệ sĩ chân chính. Khi bắt gặp cảnh đẹp người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình trong sáng vô ngần, từ đây nhà văn muốn nhấn mạnh khả năng nhân đạo hóa con người của nghệ thuật chân chính: cái đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Nói như Đốt-tôi-ép-xki: ”Cái đẹp cứu vớt con người”. Còn nhà văn Thạch Lam khẳng định: “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố cáo, thay đổi thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn".

Phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng rất độc đáo, qua đó truyền tải những bức thông điệp của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: ”Sáng tác văn học là quá trình đi tìm hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn người”. Thông điệp phát đi từ hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” qua phát hiện của nghệ sĩ Phùng là sự bổ sung hết sức thuyết phục cho thông điệp đó.


Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng - Mẫu số 2

Nói về Nguyễn Minh Châu và những sáng tác của ông Tô Hoài đã có những lời thật đúng đắn rằng “Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý”. Quả thực đúng vậy, đọc nhiều những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là các tác phẩm thời kỳ hậu chiến, từ những năm 80 trở đi, khi nhà văn từ giã đề tài chiến tranh để đi sâu vào vấn đề đạo đức thế sự, và số phận con người trong xã hội thời kỳ đổi mới, ta thấy trong những câu chuyện bình thường, luôn ẩn hiện nhiều tầng triết lý. Đặc biệt là lối kể, lối viết đi sâu vào nội tâm, cũng như những câu chuyện riêng của từng nhân vật, đã mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm ấn tượng. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất trong đời sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Thông qua bước chân và phát hiện đặc sắc của nhiếp ảnh gia Phùng, tác giả đã mang đến cho người đọc những triết lý nhân sinh sâu sắc về cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống, mối tương quan giữa cuộc đời và nghệ thuật, đồng thời cũng bộc lộ nhưng niềm trăn trở của ông về số phận của con người trong xã hội những năm tháng sau chiến tranh.

Nhân vật Phùng trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu vốn từng là một người lính tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau khi hòa bình lập lại Phùng đảm nhận vị trí một nhiếp ảnh trong một tòa soạn báo. Để có được một bức ảnh về miền biển in trong cuốn lịch cuối năm mà trưởng phòng giao phó, Phùng đã tìm về một vùng biển miền Trung, nơi đã từng là chiến trường cũ, đồng thời cũng là dịp để anh ghé thăm Đẩu - người đồng đội cũ của mình. Sau suốt nhiều ngày chờ đợi, săn tìm, nhưng Phùng vẫn chưa có cho mình một bức ảnh thật ưng ý, bởi lẽ anh là một người yêu nghệ thuật và luôn có những yêu cầu rất cao về thẩm mỹ, chính vì vậy Phùng không cho phép mình sơ sài, hời hợt. Phùng phải chờ đợi suốt hơn tuần liền mà cuộn phim trong máy vẫn chẳng xê dịch mấy. Nhưng may mắn thay, dường như ông thời biết được tấm lòng của người nghệ sĩ nên đã để anh chứng kiến được một khung cảnh hoàn mỹ, cái mà Phùng ví như cảnh “đắt” trời cho, cả đời người nghệ sĩ khéo cũng chưa thấy được một lần. Đây cũng chính là phát hiện đầu tiên của Phùng trong chuyến đi công tác.

Buổi sớm định mệnh hôm ấy, khi Phùng đang loay hoay núp sau chiếc xe tăng cũ để trú cơn mưa phùn lất phất, thì từ đằng xa bỗng có một con thuyền lưới cá dần dần cập bến trong ánh sương lẫn ban mai mờ mờ tựa như một “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy được Nguyễn Minh Châu phác lại bằng những nét vẽ thật giản đơn và cổ điển “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ…”. Người nghệ sĩ với tấm lòng tôn thờ sự hoàn mỹ trong nghệ thuật đã không thể kiềm lòng mà nhận định rằng khung cảnh trước mắt anh quả thực là một vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích”. Phùng đứng trước phát hiện bất ngờ này hoàn toàn trở nên bối rối, tựa như một chàng trai khi đối diện với tình đầu, “trái tim như có gì đó bóp thắt vào”, một cảm giác mà trước đây Phùng chưa thấy bao giờ. Tất cả đều bộc lộ niềm sung sướng, hạnh phúc đến tột cùng của người nghệ sĩ khi may mắn bắt gặp được cảnh tượng quý giá nhất trong đời cầm máy.

Ngay trước phát hiện tuyệt vời về cảnh “đắt” trời cho lúc buổi sương sớm, Phùng đã tưởng như mình vừa khám phá được một định nghĩa mới của cái đẹp rằng “bản thân cái đẹp là đạo đức”, thậm chí đầu óc Phùng lúc này chỉ toàn những xúc cảm tuyệt vời khi tưởng như mình vừa phát hiện ra chân lý của sự toàn thiện, tuyệt mỹ, khám phá ra cái “khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Phải nói rằng trước cảnh đẹp trời ban, trái tim Phùng dường như vừa được khai mở và có một vầng sáng vĩ đại soi chiếu, khiến tâm hồn của người nghệ sĩ trở nên rộng mở và thăng hoa đến tột cùng của xúc cảm. Không chần chừ lâu, Phùng lập tức đưa máy lên bấm “liên thanh” hết ba phần tư cuốn phim mà chẳng cần “xê dịch” gì nữa, dường như anh đã thu vào chiếc máy ảnh của mình tất cả cái “khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn mình, do cái đẹp ngoại cảnh mang lại”.

Có thể nói rằng đối với nghệ sĩ Phùng, cũng như đối với tất cả những người yêu nghệ thuật, hết lòng vì cái đẹp, thì việc bắt được một cảnh “đắt” trời cho như vậy là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng. Cảnh một chiếc thuyền lưới cá, cũ, nhỏ và đơn sơ, cùng với những ngư dân từ từ cập bến có thể nói là một cảnh tượng khá quen thuộc và bình thường ở miền biển. Tuy nhiên chính những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn ấy, khi kết hợp với nhau, lại trở thành bức tranh mỹ cảnh hiếm có trong đôi mắt đa cảm của người nghệ sĩ. Phát hiện đầu tiên của Phùng trong chuyến công tác dài ngày có nhiều ẩn ý, đầu tiên là quan niệm về cái đẹp trong vũ trụ của Nguyễn Minh Châu hầu như đều xuất phát từ những sự vật, sự việc thực bình thường, mà người nghệ sĩ chân chính phải dùng tấm lòng chân thành, tinh tế và nhạy cảm để phát hiện và ghi nhận.

Như vậy, qua phát hiện của nhân vật Phùng, ta đã thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và cuộc sống mà chiếc thuyền chính là hiện thân. Nghệ thuật phải về gần với cuộc sống, ngược lại cuộc sống là chất liệu, nguồn cung cấp cái đẹp cho nghệ thuật, để rồi nghệ thuật quay trở lại làm đẹp cho cuộc đời.

Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng hay nhất

Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng - Mẫu số 3

Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã cho thấy một ngòi bút tài năng với quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Bằng lối văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, ông đã gửi gắm vào các hình tượng nhân vật của mình những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, cuộc đời. Tác phẩm thành công và tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu phải kể đến Chiếc thuyền ngoài xa, một truyện ngắn được sáng tác vào năm 1983, viết về số phận con người giữa cuộc sống những ngày sau cách mạng. Trong tác phẩm, phát hiện độc đáo của nghệ sĩ Phùng được xem là chi tiết tiêu biểu để tác giả gửi gắm tư tưởng mình một cách sâu sắc và đầy đủ nhất.

Phùng là một người lính trở về từ cuộc chiến “vào sinh ra tử” của đất nước. Sau cách mạng, anh làm nghề nhiếp ảnh. Nhiệm vụ của Phùng được trưởng phòng giao phó là tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật về thuyền và biển để hoàn thiện đủ cho bộ lịch năm sau. Theo yêu cầu đó, Phùng đã bắt tay vào công việc, trở lại chiến trường cũ miền Trung Trung Bộ, anh bắt đầu hành trình tìm kiếm một tấm ảnh nghệ thuật đắt giá. Cũng từ đây, Phùng có những phát hiện mới mẻ về nghệ thuật và cuộc đời. 

Phát hiện đầu tiên của Phùng là một bức tranh đẹp từ cuộc sống tựa "bức họa cổ thời tàu". Dưới cặp mặt tinh tế và nhạy cảm của người nghệ sĩ, Phùng đã phát hiện một vẻ đẹp tận thiện, tận mỹ, đó là cảnh biển với "Mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum, đang hướng mặt vào bờ". Đó là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một khung cảnh “đắt trời cho” mà khi Phùng thấy được như vỡ òa trong hạnh phúc. 

Khung cảnh không chỉ tác động đến thị giác mà còn tác động đến lý trí và tâm hồn Phùng. Sợ lỡ mất giây phút diệu kỳ ấy, Phùng đã vội đưa chiếc máy ảnh của mình lên bấm liên hồi để thu lấy tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất của bức tranh cuộc sống. Khung cảnh đẹp đẽ được phát hiện sau bấy lâu tìm kiếm đã làm trái tim Phùng thực sự rung động và hạnh phúc. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa không gian mờ sương của biển cả khiến lòng người nghệ sĩ trở nên trong trẻo, tinh khôi, trong giây phút đó, Phùng cảm nhận được sự trong ngần của chính tâm hồn mình, anh nhận ra rằng "cái đẹp chính là đạo đức". Có thể thấy qua phát hiện đầu tiên của Phùng, tác giả đã gửi gắm một thông điệp về nghệ thuật sâu sắc: Để làm nên một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải cất công tìm tòi, khám phá, bỏ công sức và quá trình lâu dài, bền bỉ. Tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải là một tác phẩm có tác động đến tư tưởng, tình cảm và tâm hồn con người, khiến cho "con người gần người hơn".

Phát hiện của Phùng đều gắn liền với hình ảnh chiếc thuyền chài vùng biển. Ở khoảng cách xa, trong màn sương sớm, chiếc thuyền hiện lên thật đẹp, đó là vẻ đẹp của nghệ thuật. Khi tiến lại gần, một hiện thực trần trụi được hiện ra, đó là thực tế của cuộc sống. Nghệ thuật không thể che giấu những thô ráp, nghiệt ngã của cuộc sống, nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống. Để có được điều ấy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dành tâm sức tìm kiếm, sáng tạo, phải đặt cả trí tuệ và tâm hồn mình vào mỗi tác phẩm. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trở thành chi tiết đầy ý nghĩa trong hai phát hiện độc đáo của Phùng.

Có thể nói, phát hiện của Phùng là yếu tố quyết định và làm nên tầng giá trị tư tưởng cho truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Bằng vốn sống phong phú cùng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Minh Châu làm nên thành công của tác phẩm.


Phân tích về phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng - Mẫu số 4

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn quân đội, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn. Từ sau 1975, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. Ông được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến của thi sĩ.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác năm 1983, in lần đầu trong tập “Bến quê” 1985, sau đó được tác giả lấy làm tên chung cho tuyển tập truyện ngắn in năm 1987. Dưới đây là phát hiện đầu tiên của người nghệ sĩ Phùng được Nguyễn Minh Châu bộc lộ rõ nét.

Đến với phát hiện thứ nhất, câu chuyện được kể qua lời của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh được phân công chụp lại một bức ảnh về thuyền và biển cho bộ lịch tết. Anh về một làng chài ven biển - nơi anh từng chiến đấu trước đây. Sau nhiều ngày chờ đợi, Phùng đã chụp được “một cảnh đắt trời cho”, cảnh một chiếc thuyền ngoài xa trong biển sớm mờ sương: “Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đừng nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp…”.

Đoạn văn vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thể hiện sự nhạy cảm trước cái đẹp của một con người tài hoa, am hiểu sâu sắc về hội họa. Câu đầu là ước lệ, là cảm nhận chung về “bức tranh mực Tàu” có cận cảnh là “những mắt lưới”, viễn cảnh là “chiếc thuyền ngoài xa”. Tiếp theo là hình ảnh vụ thể với mũi thuyền trôi trong bầu sương mù, có bóng người lẫn trẻ con, có những tấm lưới… Cảnh huyền ảo bởi “bầu sương mù trắng như sữa”, tinh khiết với “màu hồng hồng” của ánh mặt trời, vừa tĩnh tại với bóng người “im phăng phắc”, vừa sống động với “mũi thuyền” đang hướng vào bờ. Các từ láy “lòe nhòe”, “hồng hồng”, “phăng phắc”, “khum khum” khiến cho khung cảnh thêm huyền ảo như hư như thực. Các so sánh “trắng như sữa”, “im phăng phắc như tượng” tô đậm chất tạo hình của bức tranh. Tất cả tạo nên cái đẹp tuyệt đỉnh mà tạo hóa ban tặng.

Đứng trước cái đẹp tuyệt đỉnh của thiên nhiên, người nghệ sĩ thấy lòng mình rung động mãnh liệt “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Phùng như nghiệm ra rằng “bản thân cái đẹp là đạo đức”, nó giúp ta “khám phá thấy cái toàn thiện, toàn mỹ”, có tác dụng thanh lọc tâm hồn để con người trở nên cao khiết, thánh thiện. Phùng “bấm liên thanh hết một phần tư cuốn phim” để vĩnh cửu hóa cảnh tuyệt vời đó.

Hạnh phúc của nghệ sĩ Phùng là hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Để có được niềm hạnh phúc ấy, người nghệ sĩ phải kiên trì, phải vượt khó, phải đam mê hết mình vì nghệ thuật. Và cái đẹp kì diệu có khi lại đến với người nghệ sĩ vào lúc không ngờ nhất. Đó là cái đẹp tự nhiên, hòa hợp kỳ lạ giữa cảnh vật và con người, đơn giản và hoàn mỹ.

---/---

Với các bài văn mẫu Phân tích phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 21/04/2022 - Cập nhật : 20/11/2022