logo

Phân tích Tự Tình 3 siêu ngắn gọn

      Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng, đến ngôn ngữ, hình tượng. Để hiểu hơn về Hồ Xuân Hương cũng như thân phận những người phụ nữ nhỏ bé xã hội cũ, hãy cùng Toploigiai đến với bài phân tích tự tình 3 sau đây.

      Xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng làm cho cuộc sống người dân vô cùng lầm than, cơ cực. Đặc biệt là thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ. Không ít nhà thơ, nhà văn đã phản ánh rõ điều đó, ta có thể cảm nhận rõ qua một số tác phẩm văn học như “ Truyện Kiều “ (Nguyễn Du), “ Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn ),… Đó là những lời cảm thông của người đàn ông nói về người phụ nữ, vậy người phụ nữ nói về thân phận của chính họ như thế nào, ta cùng tìm hiểu bài “Tự tình III” của Hồ Xuân Hương.

      Hồ Xuân Hương là thiên tài kì nữ nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Thơ Hồ Xuân hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài,cảm hứng ngôn từ và hình tượng. Bà được mệnh danh là bà chúa thơ nôm. Tác phẩm tự tình 3 là bài thơ nổi tiếng nói lên “tiếng lòng” người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn.

      Hai câu đề mở đầu bài thơ cho ta cảm nhận rõ được là một chiếc bách đầy tâm trạng. Chiếc bách chính là hình ảnh của chiếc thuyền với tâm trạng buồn về phận nổi lênh đênh

   " Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

     Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh."

      Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương cho ta thấy rõ về hình ảnh một chiếc bách - chiếc thuyền cô đơn bấp bênh giữa dòng nước. Tác giả đã vô cùng tinh tế khi sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ hình ảnh “chiếc bách” với thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ. Nếu giữa dòng sông mênh mông ấy là hình ảnh chiếc bách nhỏ lênh đênh không biết trôi về đâu, thì giữa dòng đời rộng lớn, hình ảnh người con gái góa trẻ cũng không biết sẽ trôi về đâu. Không chỉ thế, tâm trạng của người phụ nữ còn được Hồ Xuân Hương miêu tả qua một vài từ ngữ như: “ngao ngán”. 

      Nỗi khổ cực, bất hạnh của người phụ nữ càng thể hiện rõ hơn qua hai câu thực. Thể hiện nỗi truân chuyên của người phụ nữ góa trẻ

  " Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh."

      Đọc câu thơ lên ta có thể thấy tình và nghĩa vẫn còn vô cùng dạt dào, sâu đậm. Vậy mà sóng gió vẫn cứ ập tới, đe dọa liên tiếp vỗ vào mạn thuyền. Hai câu thơ này đều mang tâm trạng buồn rầu, ngao ngán cho thân phận người phụ nữ. Cây muốn yên mà gió chẳng lặng. Cuộc sống người phụ nữ xã hội xưa mấy khi được hạnh phúc. Hạnh phúc tưởng chừng trong tầm tay nhưng cũng lại vỡ tan. Điều đó càng làm cho người đọc thấy được khao khát, khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ xã hội xưa. 

Phân tích Tự Tình 3 siêu ngắn

      Nếu bốn câu thơ trên thể hiện tâm trạng buồn tủi của người phụ nữ góa trẻ thì hai câu luận cho ta thấy tâm trạng buông xuôi của người phụ nữ

"Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh."

      Trong câu thơ trên, ta thấy cho dù là ai cũng đều có thể cầm lái để đưa thuyền vào đậu bến. Dù cho dong lèo có cầm lái trôi xuôi theo thác ghềnh cũng không còn quan tâm nữa. Hồ Xuân Hương sử dụng động từ “mặc” càng làm tăng thêm sự ngao ngán, buông xuôi của người phụ nữ góa trẻ. Cuộc đời của người phụ nữ trong bài thơ hiện giờ giống như một chiếc thuyền lênh đênh ngoài biển khơi, cho dù có là ai cầm lái , đi đâu hay về đâu thì cũng không bận tâm nữa rồi. Chỉ với hai câu thơ ngắn, đã nói lên sự bất lực của người phụ nữ thời xưa. Dù có khao khát hạnh phúc thì cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh, vận mệnh. Không thể thay đổi được sự thật phũ phàng của xã hội là biển khơi, đẩy đưa thuyền đi theo ghềnh thác cũng đành phải theo mà không thể chống cự.

      Cuối cùng, hai câu kết của bài thơ vẫn chỉ là tâm trạng buông xuôi, cam lòng của người góa phụ trẻ. Nhưng đó cũng là tiếng lòng khao khát muốn được hạnh phúc, muốn vùng vẫy

 "Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh."

      Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả sử dụng rất nhiều động từ thể hiện sự chấp nhận, buông xuôi của người phụ nữ trẻ như “cam lòng”, “ôm nỗi”. Tác giả tự hỏi rằng ai sẽ đến với mình? Thế nhưng để đến với mình thì ai sẽ là người cam lòng để có thể bên mình. Mặc dù người phụ nữ hiểu rằng, bước sang một chiếc thuyền khác thì cuộc đời cũng vẫn “tấp tênh”, cũng không có gì khởi sắc. Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa đã nhỏ bé, bị áp bức, bị xã hội hà khắc thì thân phận người góa phụ trẻ còn thê lương hơn. Người góa phụ trẻ không có lựa chọn, ai muốn đẩy thuyền trôi đâu thì đẩy. Chỉ biết cam lòng, ôm nỗi đau vào lòng. Thấu hiểu nỗi đau đớn, oan ức, bất công của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã lấy thi ca để nói lên tiếng lòng. Bà chính là đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ, đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và lên án sự bất công, hà khắc của xã hội.

      Một phần không thể thiếu để để khắc họa rõ nét hơn về người phụ nữ, Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm đã sử dụng vô cùng tinh tế một số biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, các động từ thể hiện sự ngao ngán, kết hợp với thể thơ thất ngôn bát cú càng lột tả chân thực xã hội phong kiến bất công, hà khắc với người phụ nữ. Thân phận người góa phụ rẻ rúng, bèo dạt lênh đênh.

      Tóm lại,  tác phẩm “Tự Tình III” của bà được coi là bài thơ bộc lộ những cảnh éo le, buồn tủi, cay đắng của người phụ nữ. Đồng thời cũng nói lên khát vọng mong cầu hạnh phúc của người phụ nữ xã hội xưa “tiếng lòng” người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn. Qua đây, chúng ta càng thấu hiểu hơn và cảm thông hơn cho những người phụ nữ xã hội cũ. Và càng cảm phục ý chí, tài năng, tâm hồn của “Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương.

---------------------------------------

     Trên đây là bài phân tích Tự Tình 3 của tác giả Hồ Xuân Hương, hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn !

icon-date
Xuất bản : 30/12/2022 - Cập nhật : 28/08/2023