logo

Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu

icon_facebook

Truyện ngắn Tình mẹ của tác giả Vũ Thị Thu là một tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng và tình yêu thương, sự hi sinh cao cả của người mẹ đã đánh thức tình cảm của người con, xóa đi sự mặc cảm, giúp người con nhận ra tình mẹ. Dưới đây là bài Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu do Toploigiai sưu tầm và biên soạn.


Dàn ý Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề:

+ Cách 1: Khái quát về sự cao cả, thiêng liêng của tình mẫu tử hoặc đề tài viết về tình mẫu tử.

+ Cách 2: Trích dẫn một nhận định, châm ngôn, ca dao, thơ,… về người mẹ.

- Giới thiệu tác phẩm: Khái quát nội dung của tác phẩm.

2. Thân bài

2.1 Giá trị nội dung

- Tóm tắt truyện: Cậu bé có người mẹ xinh đẹp nhưng trên mặt mẹ lại có vết sẹo lớn, cũng vì vậy mà cậu thấy xấu hổ về bề ngoài của mẹ. Trong một buổi họp phụ huynh, cậu tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa mẹ và cô giáo, cậu bé biết được vết sẹo trên mặt mẹ là do ngày xưa mẹ đã cứu mình khi nhà cậu bé bị cháy. Biết được sự thật ấy, cậu bé không còn cảm thấy xấu hổ nữa, cậu xúc động trước sự hi sinh mẹ dành cho mình vì vậy đã chạy đến ôm mẹ. Hình ảnh cậu nắm chặt tay mẹ không muốn rời ở cuối truyện thể hiện tình thương yêu và trân trọng của cậu bé dành cho mẹ.

- Nhân vật người mẹ: có phẩm chất tốt đẹp: dịu dàng, hòa nhã, dũng cảm, yêu thương con và giàu đức hi sinh:

+ Mọi người ấn tượng tốt với “sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt” => người mẹ xinh đẹp, có tính cách hòa nhã, dịu dàng.

+ Lòng yêu thương và giàu đức hi sinh của người mẹ: thể hiện ở nguyên nhân gây ra vết sẹo lớn.

• Không màng đến tính mạng lao vào đám cháy để cứu con.

• Khi thấy thanh xà nhà đang rơi xuống không ngần ngại lấy thân mình che cho con: từ “vội vàng” (hành động nhanh chóng, không kịp suy nghĩ) thể hiện bản năng bảo vệ con cái của cha mẹ=> Sự hi sinh to lớn, thậm chí cả tính mạng để bảo vệ con.

Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu (ảnh 1)

• Người mẹ không thấy xấu hổ, buồn bã về vết sẹo không thể chữa được, và cũng không hối tiếc vì ngày ấy đã cứu con mình.=> Tình yêu con thương con vô bờ.

- Nhân vật cậu bé: 

+ Lúc đầu: xấu hổ vì vẻ ngoài không hoàn hảo của mẹ.

+ Khi đã biết được nguyên nhân gây ra vết sẹo trên mặt mẹ: Xúc động, nhận ra hành động của mình là sai, 

+ Chi tiết “nắm chặt tay mẹ”: thể hiện tình cảm của cậu bé với mẹ mình: trân trọng, không muốn mẹ rời xa mình.

2.3 Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện ngắn gọn, đơn giản nhưng giàu ý nghĩa nhân văn.

- Truyện kể theo ngôi thứ ba giúp cho mạch kể được tự do, linh hoạt, dễ dàng đan xen giữa hiện tại và quá khứ.

- Nhân vật được khắc họa trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, hành động, cảm xúc.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.


Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Đó là những câu thơ giống như những lời hát ru của bài thơ Con cò của Chế Lan Viên. Mượn hình ảnh con cò cùng những chất liệu đến từ ca dao, dân ca, nhà thơ đã nói lên nỗi nhọc nhằn, vất vả nuôi con khôn lớn của người mẹ và từ đó ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng cao quý. Có thể thấy rằng, tình mẫu tử là một “mảnh đất” màu mỡ cho các tác giả, người ta có thể đọc hàng ngàn bài thơ, bài văn về tình mẹ nhưng không bao giờ chán, vì thế mà các tác phẩm về tình cảm cao quý ấy không ngừng ra đời, để làm phong phú thêm cho tác phẩm về tình mẫu tử và cũng là để nhắc nhở, ngợi ca về tình mẫu tử thiêng liêng cao quý. Truyện ngắn Tình mẹ của tác giả Vũ Thị Thu cũng vậy. Tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng và tình yêu thương, sự hi sinh cao cả của người mẹ đã đánh thức tình cảm của người con, xóa đi sự mặc cảm, giúp người con nhận ra tình mẹ.

Câu chuyện kể về một cậu bé có một người mẹ xinh đẹp nhưng mẹ “lại có một vết sẹo lớn che đi gần toàn bộ mặt bên phải”, chính vết sẹo ấy cũng chính là nguyên nhân khiến cậu xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ. Vào ngày họp phụ huynh, cũng là lần đầu bạn bè và giáo viên chủ nhiệm nhìn thấy mẹ của cậu bé. Mọi người đều rất ấn tượng với sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ dù trên mặt mẹ cậu có vết sẹo lớn. Thế nhưng cậu bé vẫn cảm thấy xấu hổ và trốn trong một góc tránh mặt mọi người. Tình cờ, cậu bé nghe được cuộc trò chuyện giữa mẹ và cô giáo, từ đây, cậu bé biết được tại sao trên mặt mẹ có vết sẹo lớn như vậy, điều mà cậu không bao giờ muốn hỏi mẹ. Khuôn mặt vốn dĩ rất đẹp ấy của mẹ có thêm vết sẹo lớn xấu xí bởi khi ngày cậu còn bé, nhà cậu không may bị cháy, mẹ đã không quản nguy hiểm mà lao vào ngọn lửa cứu cậu. Đến đây, cậu bé mới biết được tình cảm và sự hi sinh của mẹ dành cho cậu lớn đến chừng nào, cậu chạy đến ôm lấy mẹ. Kết thúc câu chuyện là hình ảnh cậu bé nắm chặt tay mẹ không muốn rời.

Cốt truyện ngắn gọn, dễ hiểu giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được thông điệp nhà văn muốn truyền tải. Truyện có dung lượng ngắn nhưng không vì thế mà nhân vật của truyện được xây dựng một cách hời hợt. Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé và người mẹ, cả hai đều được tác giả dụng công xây dựng. Trước hết là nhân vật người mẹ. Trong tác phẩm, người mẹ là một người phụ nữ có những phẩm chất tốt đẹp, bà cũng được miêu tả là rất xinh đẹp, mọi người trong buổi họp lớp đều ấn tượng với “vẻ đẹp tự nhiên” của mẹ. Người mẹ cũng là một người hòa nhã, dịu dàng. Bên cạnh đó, bà còn là một người phụ nữ tự tin, dù trên mặt có vết sẹo lớn nhưng bà không cảm thấy xấu hổ hay buồn bã về nó. Trên tất cả những vẻ bề ngoài xinh đẹp, tính cách dịu dàng, hiền hậu ấy của người mẹ là tình yêu thương con vô bờ bến và đức hi sinh cao cả. Tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và truyền cho ta sức mạnh phi thường, thứ ấy được bộc lộ rõ nhất trong những tình cảnh nguy hiểm. Người mẹ trong câu chuyện đã không màng đến tính mạng của mình để lao vào ngọn lửa cứu đứa con của mình, tình yêu thương con đã truyền cho người mẹ sự dũng cảm. Người mẹ ấy cũng không ngần ngại lấy thân mình che chắn cho con khi thấy một thanh xà nhà đang rơi xuống. Chính lòng yêu thương và tấm lòng giàu đức hi sinh ấy khiến người mẹ dù mất đi gương mặt xinh đẹp cũng không bao giờ oán trách đứa con, cũng không bao giờ hối tiếc vì ngày ấy đã lao vào ngọn lửa cứu con. Qua nhân vật người mẹ, tác giả ngợi ca tấm lòng yêu thương to lớn của những người mẹ dành cho con cái của mình, đồng thời thể hiện trân trọng của tác giả với sự hi sinh to lớn của mẹ dành cho con.

Phân tích truyện ngắn Tình mẹ của Vũ Thị Thu (ảnh 2)

Bên cạnh nhân vật người mẹ, nhân vật cậu bé cũng là nhân vật đáng để nói đến, và qua nhân vật, tác giả cũng gửi đến những thông điệp riêng với bạn đọc. Cậu bé đang ở độ tuổi tiêu học, việc cậu bé cảm thấy xấu hổ vì bề ngoài của mẹ mình là điều có thể chấp nhận được với tâm lý chưa ổn định của trẻ em. Ở một cách nhìn khác, việc cậu bé xấu hổ khi mọi người nhìn thấy vết sẹo trên mặt mẹ cũng có thể là một cách thể hiện tình yêu thương của mình với mẹ, cậu lo sợ mọi người sẽ bàn tán về mẹ, nói những lời có thể khiến mẹ tổn thương nên cậu không muốn mọi người gặp mẹ. Được sống trong tình yêu thương vô bờ của người mẹ nên cậu bé là cũng là một đứa trẻ hiểu chuyện. Lúc đầu khi chưa biết tại sao mẹ lại có vết sẹo lớn ấy, cậu cảm thấy xấu hổ và đằng sau sự xấu hổ ấy có lẽ là nỗi sợ bị trêu trọc, bị cô lập đến từ bạn bè. Nhưng sau khi biết được câu chuyện đằng sau vết sẹo ấy, biết được tình yêu mẹ dành cho mình lớn đến nhường nào, cậu bé đã rất xúc động. Chi tiết cậu bé “chạy nhanh về phía mẹ, nước mắt lưng tròng” cho thấy sự hối lỗi của cậu bé. Đặc biệt chi tiết cậu “nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó như không muốn rời” đã thể hiện sự trân trọng, không muốn rời xa của cậu bé trước sự hi sinh của mẹ. Qua nhân vật cậu bé, tác giả mong muốn chúng ta hãy yêu thương, trân trọng mẹ của mình, không nên xấu hổ vì những khiếm khuyết của mẹ bởi có những hi sinh thầm lặng của mẹ mà chúng ta có khi cả đời cũng không bao giờ biết được.

Câu chuyện có cốt truyện rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu khiến ai cũng có thể hiểu được nội dung, tư tưởng của tác phẩm, kể cả các bạn nhỏ. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng lại giàu ý nghĩa nhân văn. Truyện kể theo ngôi thứ ba giúp cho mạch kể được tự do, linh hoạt, dễ dàng đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đồng thời cũng tăng tính khách quan cho câu chuyện. Nhân vật được khắc họa trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, hành động, cảm xúc. Nhờ những yếu tố nghệ thuật ấy mà thông điệp của tác phẩm được truyền tại trọn vẹn đến độc giả. Tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, khẳng định sức mạnh to lớn của tình mẹ, đồng thời là lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng hãy biết yêu thương, trân trọng người mẹ của chúng ta.

Với truyện ngắn Tình mẹ, tác giả Vũ Thị Thu đã làm phong phú thêm cho văn chương viết về tình mẫu tử. Tác phẩm một lần nữa lại khẳng định tấm lòng vĩ đại của những người mẹ, tình yêu thương vô bờ của mẹ dành cho con cái và những hi sinh của họ trong hành trình nuôi nấng những đứa con. Bên cạnh khẳng định là sự ca ngợi của nhà văn về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, đó là tình yêu thương vĩ đại nhất trên đời như có người đã từng nói: “Có một tình yêu thương cao cả và vĩ đại nhất trên đời – không phai nhạt theo tháng năm – đó là tình yêu của người mẹ dành cho con”.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2024 - Cập nhật : 07/05/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads