logo

Phân tích Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam (ngắn gọn)

Tranh Đông Hồ là một loại tranh có truyền thống lâu đời của nước ta, trở thành một dấu ấn đặc sắc đối với nền văn hóa dân tộc. Trải qua mấy trăm năm lịch sử, giá trị của tranh dân gian Đông Hồ vẫn còn vẹn nguyên cho tới ngày nay. Để giúp các bạn hiểu hơn về tranh Đông Hồ, Toploigiai đã mang tới bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Phân tích Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam (ngắn gọn)

a. Mở bài:

- Giới thiệu văn bản Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam

b. Thân bài:

- Ý nghĩa của phần sapo: tóm tắt những thông tin hay nhất về tranh Đông 

- Tranh Đông Hồ có Đề tài dân đã, hình tượng sinh động, ngộ nghĩnh: lấy cảm hứng từ những hình ảnh dân dã, gắn liền với làng quê Việt Nam như những vật nuôi trâu bò, lợn, gà,...Hình tượng sinh động và ngộ nghĩnh như bức tranh nổi tiếng Lợn đàn, Bé ôm gà,...=> Qua đó, mỗi bức tranh Đông Hồ sẽ mang tới một ý nghĩa khác nhau

- Chất liệu và màu sắc của tranh Đông Hồ: Chất liệu tự nhiên, sắc màu bình dị, ấm áp => Giấy để in tranh Đông Hồ được làm từ vỏ sò biển, trải qua việc nghiền nát và trộn với hồ; màu được làm ra từ các bộ phận của cây

- Tranh Đông Hồ được chế tác khéo léo, công phu: Để in được tranh Đông Hồ phải trải qua rất nhiều bước, đòi hỏi sự khéo léo, tập trung cao độ trong từng công đoạn của nghệ nhân 

- Tranh Đông Hồ còn nổi tiếng với tên gọi khác là tranh Tết: Vì đây là loại tranh thường xuất hiện mỗi khi tết đến, xuân về, như một truyền thống văn hóa lâu đời của nhiều gia đình, nhiều vùng của nước ta => Làng Đông Hồ rộn ràng chuẩn bị tranh Tết từ tháng 7, tháng hằng năm và bắt đầu mở chợ bán tranh vào tháng Chạp.

- Việc lưu giữ và phục chế tranh Đông Hồ ngày nay: Những nghệ nhân luôn cố gắng bảo vệ và giữ gìn nét truyền thống quý báu của văn hóa dân tộc. Lưu giữ và phục chế những bản khắc tranh cổ đã góp phần bảo vệ nghề làm tranh Đông Hồ

c. Kết bài:

- Khái quát lại giá trị của văn bản đối với Tranh Đông Hồ, một nét tinh hoa của văn hóa nước ta.

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam


Phân tích Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam (ngắn gọn)

Phân tích Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam (ngắn gọn)

Tranh Đông Hồ hay còn gọi là Tranh dân gian Đông Hồ là một loại hình văn hóa vật thể lâu đời của nước ta. Sở dĩ gọi là tranh Đông Hồ vì nó xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thời kì tranh Đông Hồ phát triển nhất chính là vào thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, tuy đến nay, nó không còn phát triển như ngày xưa và cũng dần ít người làm tranh Đông Hồ, nhưng đây vẫn là một nét văn hóa đặc sắc, không thể xóa nhòa trong nền văn hóa nước ta. Có lẽ, tranh Đông Hồ vẫn còn giữ được vẹn nguyên giá trị cho tới giờ chính là nhờ vào ý nghĩa nhân văn của mỗi bức tranh và sự tỉ mỉ trong từng công đoạn để làm ra nó. Có rất nhiều tác phẩm về tranh Đông Hồ đã được viết, như góp phần để truyền bá và gìn giữ nét tinh hoa trong văn hóa dân gian. Trong số đó, gây chú ý là Văn bản “Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam” đã cung cấp cho người đọc chúng ta những thông tin thú vị xoay quanh tranh Đông Hồ. Văn bản đã được tổng hợp, trích dẫn từ hai tác phẩm khác đó là Tranh dân gian Đông Hồ - Đông Hồ Folk Paintings của An Chương, NXB Mỹ thuật, 2010, trang 13-22 và Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa văn hóa dân gian Việt Nam của Khánh An. Nhờ văn bản, chúng ta sẽ hiểu hơn về tranh Đông Hồ và nâng cao tinh thần cùng nhau bảo vệ một phần của nền văn hóa dân tộc.

Vì được viết theo thể loại báo chí nên văn bản có phần sapo ở ngay đầu, phần này đã tóm tắt những thông tin hay nhất về tranh Đông Hồ như nó “hấp dẫn người xem ở màu sắc, bố cục, khuôn hình với các chất liệu hoàn toàn tự nhiên” hay nó “gần gũi, ấm áp nhưng cũng rất độc đáo”, đây chính là vẻ đẹp đặc trưng của tranh Đông Hồ. Và câu cuối phần sapo chính là lời khẳng định cho giá trị của tranh dân gian Đông Hồ “một di sản quý giá cần được gìn giữ, phát huy”. Từ một phần giới thiệu ngắn gọn như vậy đã khiến cho người đọc chúng ta thêm tò mò và muốn ngay lập tức có thể biết thêm những thông tin khác về tranh Đông Hồ. Dưới phần sapo, chính là 5 phần, ứng với 5 mục từ 1-5 của văn bản, tiêu đề của mỗi mục chính ứng với một đặc điểm của tranh Đông Hồ.

Đầu tiên, văn bản đã giới thiệu cho chúng ta về đề tài của tranh Đông Hồ. Đặc điểm chung nhất của đề tài tranh Đông Hồ được đề cập trong tiêu đề mục 1 chính là “dân đã, hình tượng sinh động, ngộ nghĩnh”. Vậy cụ thể, tranh Đông Hồ có đề tài thế nào mà lại được nhắc tới như vậy? Đề tài của tranh Đông Hồ lấy cảm hứng từ những hình ảnh dân dã, gắn liền với làng quê Việt Nam như những vật nuôi trâu bò, lợn, gà,...Từ đó biến tấu thành những hình tượng sinh động và ngộ nghĩnh như bức tranh nổi tiếng Lợn đàn, Bé ôm gà,...rồi Đám cưới chuột. Qua đó, mỗi bức tranh Đông Hồ sẽ mang tới một ý nghĩa khác nhau, nhưng cơ bản sẽ được chia ra thành những bức tranh mang ý nghĩa tốt đẹp, chứa đựng ước vọng của nhân dân, như bức tranh Gà đại cát, từ tên bức tranh đã là biểu tượng cho sự tốt lành, niềm vui lớn và hình ảnh chú gà trống sinh tốt mã, sinh động trong bức tranh đã diễn tả được đúng với đề tài của mình. Còn một phần sẽ là những bức tranh mang ý nghĩa hài hước, nhưng ẩn chứa trong đó là những mặt trái của xã hội khi xưa như bức tranh về Đám cưới chuột. 

Đến với phần tiếp theo của văn bản, người đọc chúng ta sẽ được tìm hiểu về chất liệu, cũng như màu sắc chính được sử dụng để làm ra tranh Đông Hồ. Ở phần này, đặc điểm chính về chất liệu và màu sắc được đề cập ở tiêu đề mục hai nhỏ là “ Chất liệu tự nhiên, sắc màu bình dị, ấm áp”. Chất liệu của tranh Đông Hồ hoàn toàn từ thiên nhiên, có lẽ đây cũng chính là đặc điểm góp phần thể hiện tính dân gian của tranh Đông Hồ, đúng với niên đại mấy trăm năm nay của nó. Giấy để in tranh Đông Hồ được làm từ vỏ sò biển, trải qua việc nghiền nát và trộn với hồ, hồ là một chất kết dính được nấu lên từ các loại gạo hoặc sắn. Những nguyên liệu để làm giấy tranh Đông Hồ quả thật vô cùng tự nhiên. Màu sắc để in lên loại giấy này cũng đặc biệt không kém. Màu sắc chính của bộ khắc gỗ để in tranh Đông Hồ gồm bốn màu chính là màu đen, xanh, vàng, đỏ. Để tạo ra những màu sắc này, những nghệ nhân của làng Đông Hồ cũng sử dụng những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Màu đen sẽ được làm từ than của cây xoan hoặc lá tre; màu xanh được làm ra từ gỉ của đồng hoặc lá chàm; hoa hòe có màu vàng nên cũng được chọn để làm màu in tranh Đông Hồ; còn màu đỏ, màu rực rỡ nhất được làm ra từ sỏi son và gỗ vang. Chất liệu và màu sắc để làm ra tranh dân gian Đông Hồ thật gần gũi với thiên nhiên, có nguồn gốc từ những sự vật quen thuộc, dễ dàng thấy ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam.

Tranh Đông Hồ có thể để lại dấu ấn mấy trăm năm qua không chỉ nhờ vào đề tài hay chất liệu, màu sắc mà còn nhờ vào cả công sức chế tác to lớn của các nghệ nhân in tranh Đông Hồ. Tranh Đông Hồ được chế tác “khéo léo, công phu”. Để in được tranh Đông Hồ phải trải qua rất nhiều bước, đòi hỏi sự khéo léo, tập trung cao độ trong từng công đoạn của nghệ nhân. Bước đầu tiên là vẽ mẫu, đây là bước các nghệ nhân có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện trí tượng tượng phong phú của mình. Sau khi vẽ mẫu sẽ đến bước cán lại các nét và từng bảng màu để rồi đưa vào bảng khắc gỗ. Chỉ mới hai bước đầu tiên đã thấy được sự tỉ mỉ trong từng bước của các nghệ nhân để làm ra tranh Đông Hồ. Bước tiếp theo sẽ là in tranh, đây là bước quan trọng nhất của việc chế tác tranh Đông Hồ, phải trải qua lần lượt từng bước nhỏ như đặt giấy thành xấp, sử dụng ván in tranh. Và bước cuối cùng để làm ra tranh Đông Hồ chính là sử dụng sơ mướp để “xoa đều lưng mặt giấy để mực màu thấm đều mặt giấy” và bóc giấy ra khỏi ván in. Điều cần lưu ý nữa là tranh bao nhiêu màu, nghệ nhân sẽ phải in bấy nhiêu lần. Công đoạn chế tác tranh Đông Hồ thật khiến cho người đọc cảm thấy nể phục sự tài hoa, tỉ mỉ của nghệ nhân làm tranh Đông Hồ và tinh thần truyền thống dân gian được thể hiện qua mỗi bức tranh.

Một điều đặc trưng khác không thể không nhắc đến về tranh Đông Hồ, đó là tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết. Vì đây là loại tranh thường xuất hiện mỗi khi tết đến, xuân về, như một truyền thống văn hóa lâu đời của nhiều gia đình, nhiều vùng của nước ta. Ở làng Đông Hồ, vào tháng 7, tháng  hằng năm, người dân lại “Rộn ràng tranh Tết”. Đây là thời gian chuẩn bị tranh cho dịp Tết. Ở khắp mọi nơi ở làng Đông Hồ đều được tận dụng để phơi giấy. Cho đến tháng Chạp, sẽ là lúc chợ tranh “đông vui, sầm uất” diễn ra. Trong thời gian đó, mọi người sẽ buôn tranh hoặc trao đổi tranh với đặc sản nơi khác. Và tranh khi mua về sẽ được dán lên tường, hết năm sẽ thay tranh mới, có lẽ đây đã trở thành một thông lệ đối với người chơi tranh Đông Hồ. Qua thông tin ở mục 4 của văn bản, người đọc chúng ta như được lạc vào trong không khí nhộn nhịp, hăng say lao động của người dân làng Đông Hồ khi chuẩn bị tranh cho dịp Tết, không khí đó thật hạnh phúc và háo hức làm sao.

Sau khi biết được về những đặc trưng riêng, làm nên giá trị của tranh Đông Hồ cho tới ngày nay, nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc, vậy việc “Lưu giữ và phục chế” tranh Đông Hồ sẽ như thế nào? Câu trả lời đã được đề cập đến ở mục 5, cũng là phần cuối của văn bản. Tại sao lại phải lưu giữ và phục chế tranh Đông Hồ? Lí do là tranh Đông Hồ phát triển cực thịnh vào “cuối thế kỉ XIX đến những năm 40 của thế kỉ XX”, nhưng ngày nay do xã hội ngày càng thay đổi nên tranh Đông Hồ có nguy cơ bị thất truyền. May thay, chúng ta vẫn còn những nghệ nhân luôn cố gắng bảo vệ và giữ gìn nét truyền thống quý báu của văn hóa dân tộc. Không chỉ có vậy, việc lưu giữ và phục chế những bản khắc tranh cổ đã góp phần bảo vệ nghề làm tranh Đông Hồ. Đây là sự cố gắng đáng được tuyên dương và noi gương, không chỉ để tiếp tục bảo tồn được nghề làm tranh Đông Hồ mà còn góp phần thúc đẩy việc bảo tồn những nghề truyền thống khác đang bị mai một của nước ta.

Qua văn bản Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam, người đọc chúng ta đã được tiếp thu những kiến thức thú vị và ý nghĩa về tranh Đông Hồ, loại tranh truyền thống nổi tiếng của nước ta. Văn bản đã chứng minh được tranh Đông Hồ chính là một nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam. Từ đó góp phần gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ, nâng cao ý thức của tất cả mọi người về trách nhiệm bảo vệ những nét văn hóa dân gian bao đời nay của nước ta. 

--------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài Phân tích Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam (ngắn gọn). Hi vọng qua bài viết, các bạn sẽ học tập tốt hơn. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 28/11/2022 - Cập nhật : 28/08/2023