logo

Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

Bạn đang gặp khó khi làm bài Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!


Tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”

Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí ngắn gọn, hay nhất


I. YÊU CẦU ĐỀ:

Đề trên thuộc dạng “đề mở”, các em cần xác định được các yêu cầu sau đây trong bài viết của mình:

1. Về nội dung: Các em cần nắm được các luận điểm sau:

- Luận điểm 1: Tâm sự của nhà thơ về số phận bi kịch của một người con gái tài sắc mà bạc mệnh Tiểu Thanh (4 câu thơ đầu).

- Luận điểm 2: Tâm sự của Nguyễn Du không chỉ về Tiểu Thanh mà còn cho những người tài hoa nói chung và là tâm sự của chính mình (4 câu thơ sau).

2. Về thao tác nghị luận: Các em vận dụng được những thao tác tổng hợp: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận và kết hợp phương thức biểu cảm...

Về tư liệu dẫn chứng: chủ yếu là bản dịch thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” của Vũ Tam Tập (có đối chiếu với bản phiên âm).


II. DÀN Ý

1 Mở bài

* Cách 1: Nguyễn Du được biết đến như một đại thi hào của dân tộc, nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại. Ông không chỉ nổi tiếng với “Truyện Kiều” mà còn được ngưỡng mộ ở mảng thơ chữ Hán trong đó “Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí) là một trong những bài thơ nổi tiếng, được nhiều người ca ngợi. Bài thơ không chỉ thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du trước những con người tài hoa bạc mệnh mà còn bộc lộ những tâm sự thiết tha, sâu kín của tác giả.

* Cách 2: Sinh thời Nguyễn Du mang tâm sự bi kịch, u uất không thể giãi bày cùng ai của một con người suốt đời đi tìm tri kỉ giữa cõi đời đen bạc. Trong thơ, dường như Nguyễn Du ít khi trực tiếp bày tỏ tâm sự. Tuy nhiên độc giả vẫn thấy thấp thoáng trong tác phẩm của ông nỗi niềm riêng của bậc đại thi hào dân tộc. Với “Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí) - bài thơ chữ Hán tuyệt tác - Nguyễn Du không những thể hiện những tâm sự, trăn trở của mình trước những con người tài hoa bạc mệnh mà còn bộc lộ những tâm sự thiết tha, sâu kín của chính tác giả.

2. Thân bài

* Luận điểm 1: Tâm sự của nhà thơ về số phận bi kịch của một người con gái tài sắc mà bạc mệnh Tiểu Thanh (4 câu thơ đầu).

- Hai câu đầu bài thơ, Nguyễn Du đã bày tỏ nỗi xót thương của ông đối với Tiểu Thanh:

“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.”

->Cảnh đẹp ở Tây Hồ đã biến đổi rồi, cuộc đời của một người con gái tài sắc từng sống nơi ấy chẳng còn lại gì. Riêng chỉ có một mình ta là thương xót nàng, viếng nàng bên cửa sổ trước “mảnh giấy tàn” (ý nói những bài thơ còn lại sau khi bị đốt).

      Trong tâm trí, Nguyễn Du luôn trăn trở, nghĩ suy về định mệnh nghiệt ngã đối với những người phụ nữ vừa có sắc, vừa có tài trong xã hội. Câu chuyện về nàng Tiểu Thanh đã động chạm đến sự trăn trở thường trực đó ở trong ông; đồng thời khiến ông liên tưởng đến số phận của bản thân mình, gợi ông suy nghĩ về thân phận của những người có tài văn chương trong xã hội phong kiến.

- Hai câu thơ 3-4, Nguyễn Du tiếp tục suy tư về số phận nàng Tiểu Thanh:

“Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.”

      “Son phấn có thần” là nói sắc đẹp có thần, hay người đẹp có linh thiêng, nên chết rồi vẫn khiến người ta thương tiếc mãi. Văn chương không có số mệnh như người mà cũng bị đốt dở. Rõ ràng Nguyễn Du ngậm ngùi, xót xa cho số phận người đẹp và thương cho cái tài của nàng.

* Luận điểm 2: Tâm sự của Nguyễn Du không chỉ về Tiểu Thanh mà còn cho những người tài hoa nói chung và là tâm sự của chính mình (4 câu thơ sau).

- Hai câu thơ 5-6 là sự day dứt, băn khoăn của Nguyễn Du về sự bất công, nghiệt ngã của trời với những người tài sắc mà bất hạnh:

“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.”

      “Nỗi hờn kim cổ” có nghĩa là mối hận có từ xưa đến nay, từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du. Tại sao những người tài hoa mà lại bạc mệnh như vậy? Ông vừa oán trách trời đất đã bất công với những người tài sắc vừa coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh: “Phong vận kì oan ngã tự cư”(Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Ở đây, từ “ngã” (chữ Hán) có nghĩa là “tôi”, “ta”, được dịch là “khách”. Đây cũng là nét riêng của thơ trung đại: bản thân nhà thơ có khi xuất hiện như một khách thể. Nguyễn Du đã gửi gắm vào đây tâm sự của mình: Nỗi oan lạ lùng của Tiểu Thanh cũng là nỗi oan của ta!

- Nguyễn Du tiếp tục thể hiện tâm sự của mình ở hai câu kết:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?”

      Con số “ba trăm năm” là tính từ đâu thì cho đến nay vẫn chưa có ai giải thích rõ, nhưng có thể hiểu đó là một thời gian rất lâu sau nữa. Bây giờ một mình ta đã khóc cho nàng, không hiểu sau này có ai đó trong thiên hạ khóc ta không? Câu thơ thể hiện cảm nhận cô đơn của Nguyễn Du trước cuộc đời, ông không thấy ai đồng cảm với mình, chỉ biết gửi hi vọng vào hậu thế, và hậu thế đã đáp ứng mong muốn cháy bỏng đó của nhà thơ:

+ Không cần đợi đến 300 trăm năm sau mà ngay trong thế kỉ XIX,Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển đã chia sẻ với thi hào dân tộc: “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy” (phần Tiểu dẫn).

+ Ngay trong những năm đánh Mĩ ác liệt,nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh thi hào dân tộc (1765-1965), Tố Hữu đã thay mặt các thế hệ mai sau gửi đến Nguyễn Du tấm lòng tri âm,tri ân sâu sắc,vừa chia sẻ với những tâm tư trăn trở của nhà thơ trong suốt cuộc đời,vừa đánh giá rất cao vị trí của Nguyễn Du và thơ văn Nguyễn Du trong lòng hậu thế và dân tộc. Đó là bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" mà Tố Hữu đã có những câu thơ tuyệt bút thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với "tiên sinh Tố Như":

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

3. Kết bài

      “Đọc Tiểu Thanh kí” (Độc Tiểu Thanh kí) thể hiện những tình cảm, những nỗi niềm tâm sự vượt không gian và thời gian của đại thi hào Nguyễn Du xuất phát từ cái gốc “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam ta. Với bài thơ này, một lần nữa chúng ta cảm nhận sâu sắc tài năng lỗi lạc, tấm lòng nhân ái bao la của tác giả cũng như những tâm sự sâu kín của nhà thơ. Xét trên nhiều phương diện “Đọc Tiểu Thanh kí” xứng đáng là một kiệt tác, một trong những bài thơ chữ Hán tiêu biểu nhất của Nguyễn Du.


Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí - Bài mẫu 1

Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí ngắn gọn, hay nhất (ảnh 2)

      Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du sáng tác nhân đọc bài ký về nàng Tiểu Thanh. Sơ lược về cuộc đời nàng Tiểu Thanh như sau:

      "Nàng Tiểu Thanh tức Phùng Văn Cơ (1594 - 1612) mồ côi từ nhỏ, được một bà sư nuôi và cho đi học, là người có nhan sắc và thông tuệ. Năm 16 tuổi, nàng lấy lẽ một công tử cũng họ Phùng, con nhà quyền quý nhưng ngốc nghếch. Người vợ cả độc ác, hay ghen ghét, bắt nàng ở riêng. Nàng cô đơn chỉ biết gửi lòng vào thơ từ, rồi sinh bệnh. Trước khi chết, nàng thuê họa sĩ đến vẽ hình. Nàng bắt họa sĩ vẽ đi vẽ lại cho đến khi được một bức họa lộng lẫy, có thần thái, rất sinh động. Khi nàng chết (18 tuổi) người chồng tìm được quyển thơ của nàng sáng tác và mấy bức chân dung đó. Người vợ cả biết chuyện đòi đưa ra. Người chồng giấu giữ lại bức vẽ có thần thái rồi trao mấy bức vẽ nháp cùng quyển thơ cho vợ. Bà vợ cả đốt hết. Về sau, do tình cờ, một người họ hàng nhà chồng tìm thấy mấy tờ giấy nàng gói quà cho con gái người giúp việc, đó lại chính là bản nháp thơ của nàng, bèn đưa khắc in và đặt tên tập thơ là Phần dư."

      Câu chuyện về cuộc đời nàng Tiểu Thanh đã gợi cảm hứng cho Nguyễn Du sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh ký để nói lên nỗi lòng mình. Đây là một bài thơ tâm trạng, một tâm trạng u uất trong một hoàn cảnh rất tế nhị nên tác giả thể hiện tâm tư cũng rất kín đáo.

      Ngẫm kỹ trong lời văn và trong ý tứ của bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, ta thấy Nguyễn Du không viếng nàng Tiểu Thanh mà chỉ viếng một tờ giấy. Ông cũng không đồng cảm chung chung với tất cả những gì liên quan đến cuộc đời nàng Tiểu Thanh mà chỉ đồng cảm với một phần đời của nàng thôi.

      Tác giả quan niệm nàng Tiểu Thanh có hai phần đời: Phần nhan sắc được thể hiện qua bức tranh và phần văn chương được thể hiện qua tập thơ. Khi nàng chết đi, phần nhan sắc vẫn được người chồng yêu dấu, giữ gìn, còn phần văn chương của nàng hẩm hiu, đã bị đốt bỏ. Cái phần văn chương đó của nàng sở dĩ còn được người đời biết đến là nhờ tờ giấy nháp đã bỏ đi. Do đó, nhà thơ chỉ cảm thương cho phần đời văn chương của nàng mà cũng là cảm thương cho cái mệnh của văn chương nói chung trong đó có thơ ông. Bài thơ này ông sáng tác trên cái nền của cảm xúc đó.

      Bài thơ mở đầu bằng việc tác giả chỉ viếng một tờ giấy, đó là tờ giấy nháp thơ được dùng để gói quà còn sót lại. Tờ giấy đó là hiện thân cho phần đời thơ của nàng đã bị người chồng rẻ rúng nên tác giả mới viếng nó:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Trước cửa sổ, ta chỉ viếng một tờ giấy.)

      Trong phần thực: tác giả nêu lên một hiện thực đau lòng là vẻ đẹp son phấn bên ngoài lại được người chồng nâng niu, quý mến cho đến cả sau khi chết. Còn văn chương, biểu hiện của tài năng, trí tuệ và tình cảm là những phẩm chất cao quý thì lại chịu phận hẩm hiu, bị rẻ rúng, phải nhờ vào tờ giấy nháp dùng để gói quà còn sót lại (phần dư) mà đến được với đời. Chúng ta hãy chú ý đến tình tiết tế nhị này trong câu chuyện về cuộc đời nàng Tiểu Thanh:

      Nhan sắc : Bản chính - giữ lại, bản nháp - đốt bỏ.

      Văn chương: Bản chính - đốt bỏ, bản nháp - giữ lại.

      Và liên hệ với hai câu thơ trong phần thực:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

(Nhan sắc có thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết.

Văn chương mệnh hẩm nên phải nhờ vào phần còn sót lại.)

      Đó là nghịch cảnh trớ trêu cho đời thơ của nàng Tiểu Thanh. Và đọc tiếp mấy câu sau, ta thấy đó cũng lại là nghịch cảnh trớ trêu với cả đời thơ của Nguyễn Du nữa.Phần luận: tác giả luận về nguồn gốc khó hiểu của những oán hận, oan trái xưa nay ở đời, và chính ông cũng đang mắc phải nỗi oan kỳ lạ như thế. Biết rằng những nỗi oan như thế rất khó làm sáng tỏ nên ông buộc phải chấp nhận sống cùng oan trái:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

(Cái hận xưa nay khó hỏi trời cho rõ được,

Ta đành phải sống trong nỗi oan phong vận lạ kỳ.)

      Phong vận là vận gió, vận nhất thời hay cũng có thể gọi là thời vận. Đó là cái vận do thời thế mang lại. Phong vận nằm trong câu văn này cho phép ta tin chắc rằng: Nỗi oan kỳ lạ mà ông buộc phải sống trong đó là nỗi oan trong đời văn chương của ông, nỗi oan này do thời thế mang lại.

      Trong phần kết, ông viết:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

      Nguyễn Du cho rằng: Khi thời vận đổi thay, thì có thể người đời sẽ hiểu được ông. Và ông dự đoán khoảng thời gian đó là: Tam bách dư niên hậu tức hơn ba trăm năm sau. Hơn ba trăm năm là một khoảng thời vận theo quan niệm lúc đó của ông.

      Vậy tại sao ông lại quan niệm một khoảng thời vận là hơn ba trăm năm? Ta thấy ý nghĩ này nung nấu tâm can tác giả kể từ câu mở đầu bài thơ:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư.

(Vườn hoa bên Hồ Tây đã trở nên hoang phế.)

      Bài thơ khiến ta liên tưởng đến những biến cố của thời cuộc đang diễn ra trước mắt nhà thơ. Một triều đại từng một thời lừng lẫy đã vĩnh viễn đi khuất; những gì huy hoàng của triều đại đó, triều đại đã tồn tại hơn ba trăm năm với kinh đô đóng bên Hồ Tây (triều Lê), đã trở nên hoang phế. Triều đại tiếp theo (Quang Trung) cũng đã nhanh chóng ra đi. Và Nguyễn Du đoán rằng: Triều đại hiện thời (Nguyễn Gia Long) tồn tại lâu lắm cũng không thể quá cái thời hạn hơn ba trăm năm kia được.

      Xét trong mạch tâm tư của Nguyễn Du thì quan niệm về khoảng thời vận của ông không phải lúc nào cũng như vậy. Trước đó mấy chục năm, trong bài Vị Hoàng doanh, ông viết:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc.

(Xưa nay chưa thấy nước ngàn năm. )

      Nước theo quan niệm của người phong kiến là triều đại của một dòng họ nào đó chứ không phải là một vùng trên bản đồ địa lý như quan niệm hiện nay. Nguyễn Du viết bài Vị Hoàng doanh khi ông thấy doanh trại của quân đội Tây Sơn đóng bên sông Vị Hoàng. Khi đó, quân Tây Sơn đang mạnh, nên chắc là ông lấy thực tế ở Trung Quốc mà suy. Ở Trung Quốc, triều đại tồn tại lâu nhất là nhà Chu cũng mới 901 năm (1122 - 221 trước công nguyên).

      Còn khi viết bài Độc Tiểu Thanh ký, triều đại Tây Sơn hùng mạnh năm nào đã không còn. Có lẽ Nguyễn Du đã lấy theo thực tế ở Việt Nam mà suy. Ở Việt Nam ta, từ khi giành được độc lập cho đến khi đó, vương triều tồn tại lâu nhất là triều Lê cũng chỉ 360 năm (1428 - 1788).

      Lúc này, mệnh văn chương của ông đang gặp hồi hẩm. Nhưng ông tin rằng: Văn đạo của ông, tư tưởng của ông là đúng. Bây giờ người ta chưa hiểu ông, nhưng khi thời vận đổi thay, có thể sẽ có người hiểu ông, ông hy vọng vào điều đó. Ông tự nhận lấy sự cô độc của một người đi trước thời đại nên chưa được người đời hiểu đúng mình và tin chắc rằng: Sự đổi thay tất yếu sẽ xảy ra, vận hạn mới sẽ tới, khi đó sẽ có người hiểu đúng ông. Có lẽ vì thế mà nhà thơ tạo ra hai câu cuối thất niêm so với toàn bài chứ như tài chữ nghĩa của ông mà với ý đó, viết lại hai câu cuối cho đúng niêm luật chắc không đến nỗi quá khó. Hai câu này nói lên ước mong của nhà thơ ở một vận hội mới nên chúng không còn đơn giản xuôi theo niêm luật cũ nữa. Hình như nhà thơ dùng cả sự bố trí niêm luật để góp phần thể hiện ý tưởng.

      Đến đây, ta thấy cả hai bài thơ Điệp tử thư trung và Độc Tiểu Thanh ký đã được viết trong cùng một trạng thái tâm lý là nỗi niềm u uất, đau khổ cho mệnh văn chương. Cả hai bài thơ đã thể hiện cùng một mạch tư duy với sự kiên định về quan điểm sáng tác nhưng mức độ có khác nhau: Nếu như ở bài Điệp tử thư trung, tác giả bế tắc chưa tìm ra lối thoát cho văn chương, thà cam chịu chết nhiều lần cho sách để giữ lấy văn đạo thì đến bài Độc Tiểu Thanh ký, có vẻ như tác giả đã tìm thấy lối ra khi ông nói đến cái thời hạn tam bách dư niên hậu đó.

      Tâm sự của Nguyễn Du trong hai bài thơ Điệp tử thư trung và Độc Tiểu Thanh ký là những tư liệu quý giúp chúng ta tìm hiểu về giai đoạn đầu hành thế của tác phẩm Đoạn trường tân thanh.


Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí - Bài mẫu 2

      Không phải đến Nguyễn Du cảm hứng về thân phận con người mới xuất hiện trong văn học Việt Nam nhưng một điều chắc chắn là chỉ đến nhà thơ, cuộc đời, số phận con người mới trở thành cảm hứng chủ đạo, thành chủ đề xuyên suốt các trang viết và gợi trong tác giả nhiều tâm sự sâu sẩc. Và dù là câu chuyện dài như Truyện Kiều hay chỉ với bài thơ ngắn như Độc Tiểu Thanh kí, chúng ta đều có thể cảm nhận được những nỗi niềm tâm sự dó.

      Độc Tiểu Thanh kí được gợi hứng từ cuộc đời và số phận của một người con gái Trung Quốc tên là Tiểu Thanh. Tiểu Thanh vốn là cô gái nhan sắc và có tài thi ca, âm nhạc, sống khoảng đầu đời Minh. Nàng làm lẽ một nhà quyền quí. Nhưng thật không may, người vợ cả vốn hay ghen đã bắt nàng phải ra núi Cô Sơn ở. Vì đau buồn, nàng mất khi mới mười tám tuổi. Những bài thơ nàng viết phần lớn bị người vợ cả đôt hết. Người đời sau sưu tầm được một sô bài còn sót lại, đặt tên là Phần dư. Cảm thương cho số phận Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã viết bài thơ như một tiếng khóc lớn dành cho nàng:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

      Tiếng khóc Nguyễn Du khởi phát từ nhất chỉ thư, nghĩa là mảnh giấy. Mảnh giấy này là vật chứng lưu kí bao tâm sự của một con người. Mảnh giấy tàn trước cửa sổ ám chỉ số phận chóng tàn, mong manh, khái quát về số phận, giá trị tinh thần bị huỷ hoại, quên lãng, vùi dập, đương nhiên, trong đó có Tiểu Thanh. Người nghệ sĩ đa mang không khóc thương cho những cái trọn vẹn, đầy đặn mà lại xúc động trước cái mong manh, dở dang gắn liền với số phận của con người, bạc mệnh. Điều đặc biệt là không có ai khóc cùng Nguyễn Du. Chữ độc đứng đầu dòng thơ nhấn mạnh tâm thế của tác giả - đó là tâm thế xót thương trong nỗi cô đơn. Chỉ riêng một mình nhà thơ thấm thìa về cuộc đời, thân phận mong manh của con người. Suy cho rộng, Tiểu Thanh chính là cái cớ để Nguyễn Du thể hiện triết lí của mình về “tài mệnh tương đố”. Nói như vậy cũng có nghĩa Nguyễn Du không chỉ khóc thương riêng người con gái họ Phùng mà còn khóc cho biết bao thân phận phụ nữ khác:

Đau đớn thay phận dàn bà

Lời rằng bạc mệnh củng là lời chung

                                                                  (Truyện Kiều)

      Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh hướng tới hai giá trị cụ thể:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh ụy phần dư.

      Chi phấn (son phấn) và văn chương là những thứ biểu trưng cho vẻ đẹp hình sắc và cái đẹp tâm hồn. Điều này không khó lí giải bởi lẽ ai cũng biết Tiểu Thanh là người con gái có nhan sắc và hết sức tài hoa. Son phấn có thần nên vẫn phải ôm hận kể cả saụ khi chết, văn chương không có thân mệnh cụ thể nhưng phải chịu sự hành hạ, phải rnang luỵ. Cái đẹp nói chung đều phải chịu sự chà đạp. Nỗi đau thể xác và bi kịch tinh thần được đồng nhất trong số phận oan nghiệt của một cuộc đời. Lời thơ dong đầy nỗi niềm tiếc thương, xót xa, đau đớn. Nhan sắc ấy, tài năng ây có lẽ đâu lại phải chịu đựng sự chà đạp phũ phàng nhường vậy? Nguyễn Du đã khóc cho bao nhiêu người côn gái như Tiểu Thanh, đã nhỏ lệ cho hao nhiêu số phận cay đắng như nàng? Thật khó để kể cho hết. Nhưng có thể hiểu rằng, trước bất kì sự lụi tàn, đau đớn của một nhan sắc, một tài hoa - nghệ sĩ nào, nước mắt nhà thơ cũng tuôn rơi đầy xót thương và hết sức chân thành. Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh cũng chính là tiếng khóc nhà thơ dành cho những số kiếp “tài hoa bạc mệnh” như nàng. Tâm sự đó được nhà thơ tiếp tục triển khai trong những dòng tiếp theo:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

      Cổ kim hận sự là nỗi hờn về sự bất công của số phận. Nhà thơ nhận thức về qui luật tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng, người có tài hoa, trí tuệ thì số phặn long đong. Đó là nỗi bất công ngự trị từ xưa đến nay, là bi kịch đã được khái quát hoá, được đồng nhất. Mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy từ cuộc đời của một người con gái, nhà thơ muốn hỏi cho rõ nguyên nhân gây nên bi kịch nói chung của thời đại chứ không riêng của dân tộc, thân phận cụ thể nào. Đến đây, có thể cảm nhận rất rõ rằng tiếng khóc của Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí không chỉ hướng tới cuộc đời, số phận cụ thể là nàng Tiểu Thanh mà còn hướng tới tất cả những người tài hoa, phong nhã, không phân biệt nam hay nữ (những kẻ phong vận), tất nhiên trong đó có ông. Tiếng khóc ấy không chỉ chan chứa yêu thương mà còn rất chân thành, xúc động bởi lẽ tác giả đã tự đặt mình vào thế giới của những kẻ phong vận kia. Điều đó chứng tỏ người nghệ sĩ của chúng ta ý thức rất rõ về bản thân mình, ông nhận mình cũng là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh: Tráng niên ngã diệc, vỉ tài tử. Không phải Nguyễn Du tự ngạo nhưng quả thật đúng như vậy. Số phận của Nguyễn Du, Tiểu Thanh đều bất hạnh như nhau. Tự nhận là người cùng hội cùng thuyền cũng có nghĩa là nhà thơ thừa nhận sự tri âm, đồng điệu giữa bản thân mình vầ người thiên cổ đã đạt đến mức độ tuyệt đối. Đó là sự tri âm, đồng điệu giữa những con người tài hoa, bạc mệnh. Vậy nên tiếng khóc của Nguyễn Du không phải là tiếng khóc của đấng tu mi nam tử đoái thương cho số phận người đàn bà mà là tiếng khóc của người trong cuộc, của người Cùng một lứa bên trời lận đận (Long Thành cầm giả ca). Chưa ai trả lời cho Nguyễn Du được nguyên nhân của bi kịch đồ để rồi khóc người thiên cổ, nhà thơ lại đoái thương cho chính bản thân mình:

Bất tri tam bảch dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

      Từ hiện tại, Nguyễn Du khóc thương cho quá khứ, cho người trong quá khứ. Và bất chợt nhà thơ tự hỏi ba trăm năm sau sẽ ai khóc thương mình. Thương người, ngẫm bi kịch của người, khóc cho người rồi thương chính bản thân mình, điều đó cho thây nhà thơ đã tự đặt mình vào số phận chung của những tấn bi kịch. Tiểu Thanh mệnh bạc nhưng ba trăm năm sau cũng có người cùng hội cùng thuyền là Nguyễn Du thương xót. Nỗi đau của nàng đã được xoa dịu một chút nơi chín suôi. Nhưng liệu rằng điều đó có lặp lại với ông? Ba trăm năm chỉ là con số ước lệ. Tri âm, tri kỉ đâu cần đến ba trăm năm mới xuất hiện? Đọc thơ văn

      Nguyễn Du, cảm nhận sâu sắc tấm lòng vị tha, đa mang của nhà thơ trước cuộc đời, trước con người, bất cứ ai chẳng đồng điệu, chẳng muốn tri âm với ông. Câu hỏi của Nguyễn Du hướng tới tương lai chứ không cho hiện tại, có thể vì ông không tìm thấy sự đồng cảm trong hiện tại. Đó là nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời cũng là một triết lí về thuyết tài mệnh tương đố. Ông thương cho người xưa, thương cho chính mình và thương cho cả người sau phải khóc mình. Sẽ còn có những trái tim đa cảm như Nguỵễn Du, sẽ còn những giọt nước mắt khóc cho những số phận cay đắng của người nghệ sĩ tài hoa mà mệnh bạc.

      Qua nỗi niềm cảm thương Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã thể hiện những tâm sự thầm kín nhất trong cõi lòng mình. Thương người rồi lại thương mình, thương người rồi mới thương ta (Lâm Thị Mỹ Dạ), đó chính là chiều sâu trong tư tưởng nhân văn của con người có trái tim vĩ đại - Nguyễn Du - nhà đại hào của dân tộc Việt Nam

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021