logo

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ


Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ | Văn mẫu 11 hay nhất

       “Hai đứa trẻ”, mang tâm hồn của Thạch Lam gằm sâu vào trong đó, gửi gắm biết bao thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, về nhân sinh. Thạch Lam không hề đánh bóng hay tô hồng hiện thực, trái lại, nhà văn mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thật nhất về cuộc sống của người dân nơi phố huyện nghèo, nhưng ở đó ta vẫn không cảm thấy bi quan, mà đầy khát vọng hướng về tương lai. Hai đứa trẻ như một bài thơ văn xuôi, còn Thạch Lam như đi giữa lằn ranh của hiện thực và lãng mạn.

       Trước hết, Thạch Lam là một hồn văn lạ. Đó là tâm hồn thơ trong một nhà văn xuôi, có lẽ cũng vì thế mà đọc văn Thạch Lam đều cho người ta cảm giác dịu dàng như thứ hương hoàng lan dịu ngọt. Nhưng Thạch Lam không ru vỗ ta bằng những ánh trăng lừa dối, trong Hai đứa trẻ, trước hết nhà văn vẫn cho ta thấy những nét vẽ chân thực đến từng chi tiết về cuộc sống của một phố huyện nghèo bên ga xép bị bỏ quên. Bước vào trang văn ấy, cái choáng lấy tâm trí ta, vương vấn lấy hồn ta là không khí lắng động, trầm tịnh đến tịch mịch của không gian trong khoảng thời gian chiều tà ấy. “Tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng”, rồi những “mùi âm ẩm bốc lên, mùi của rác, lá nhãn, lá bưởi”...tất cả những chi tiết tuy nhỏ nhưng giàu sức gợi ấy, đã vẽ nên sơ khai phần nào bức tranh về một cuộc sống nghèo, tù đọng, ảm đạm nhàm chán nơi phố huyện. Những mảnh đời ở đây cũng tàn tạ, lặng thinh giống như chiếc ga xép bị bỏ quên. Những hoạt động thường nhật nhỏ nhẹ, thậm chí lặp lại nhàm chán tẻ nhạt tạo cảm giác ngột ngạt cho người đọc.

       Nhưng thay vào đó, Thạch Lam đã nghiêng lòng xuống trang đời ấy, để trân trọng nâng niu những mảnh tâm hồn đẹp đẽ giàu lòng trắc ẩn và khát khao mãnh liệt. Mà trung tâm của bức tranh ấy là nhân vật Liên. Liên là một cô bé nhạy cảm, tinh tế, tâm hồn trong sáng và giàu thiện lương. Đặt điểm nhìn qua nhân vật Liên, nhà văn cũng phần nào cho thấy điểm nhìn nghệ thuật, cũng như toát ra chất thơ cho câu chuyện đang kể. Những ngây thơ, trong sáng và tâm hồn trẻ thơ ấy của cô bé Liên như mạch nước mát len lỏi vào mảnh đời bất hạnh nơi đây làm dịu mát phố huyện hiu quạnh này. Đặc biệt, hình ảnh đoàn tàu đêm đã chở bao nhiêu ước mơ hi vọng của người dân phố huyện, cũng như Liên “họ mong một thế giới khác, tươi mới hơn”. Đoàn tàu đêm với những toa đồng và kền sáng lấp lánh, thật khác lạ biết bao so với thế giới của hai đứa trẻ, đoàn tàu ấy từ Hà Nội về, đoàn tàu như gọi lại bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu mãnh liệt tuổi ấu thơ khi còn đang ở Hà Nội, được đi chơi và uống những cốc nước xanh đỏ. Đoàn tàu chuyển động mạnh mẽ, hối hả, khác hẳn nhịp sống ảm đạm, chậm rãi, thậm chí tù đọng ở nơi đây. Quả thực, đoàn tàu là một thế giới khác, một thế giới khác không nhỏ bé như gánh hàng của mẹ con chị Tí, không tù đọng như phố huyện nơi đây, mà rộn ràng huyên nào. Một cuộc sống đáng sống hơn.

       Thạch Lam, bằng giọng văn nhỏ nhẹ của mình, giọng thủ thỉ tâm tình, mà vẫn như đang đối thoại với người đọc về những mảnh đời buồn tẻ ngoài kia. Qua những dòng văn “đẹp mà buồn” trong Hai đứa trẻ, nhà văn đã dấy lên trong ta niềm trăn trở khôn nguôi về những kiếp nhân sinh, về một câu hỏi muôn thuở rằng ta đang sống hay chỉ là tồn tại, chỉ đang lặp lại một cách tẻ nhạt, buồn chán.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021