logo

Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ


Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ - Bài mẫu 1

Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ | Văn mẫu 11 hay nhất (ảnh 2)

        Văn Thạch Lam, giống như thứ hương hoàng lan dịu ngọt, thơm mát, len lỏi trong tâm hồn người đọc để cho người ta hay về “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. “Hai đứa trẻ” là một tác phẩm gợi cho ta cảm giác ấy, đặc biệt nhân vật chính của truyện - cô bé Liên đã để lại nhiều nhớ thương trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, một cô bé với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn và khát khao mãnh liệt.

        Trước hết, Liên là một cô bé với tâm hồn nhạy, cảm tinh tế. Cái nhạy cảm tinh tế ấy xen vào mạch truyện, qua từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, Thạch Lam đều phác họa cho người đọc cảm nhận được nó. Mở đầu truyện, là hình ảnh không gian buổi chiều buồn, cái buồn như gieo vào biết bao vấn vương trong đôi mắt Liên, chị cảm thấy “bóng tối ngập đầy dần” và “cái buồn của buổi chiều quê cứ thấm dần” trong đôi mắt ngây thơ, trong sáng của Liên. Lòng cô bỗng buồn man mác, cái man mác nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy, như muốn nói hộ biết bao điều về sự tinh tế, nhạy cảm của Liên. Đó là “nỗi buồn không tên” hay nỗi buồn khi cuộc sống cứ ngày nay qua ngày khách chồng chéo lặp lại một cách nhàm chán, tẻ nhạt như vậy. Tiếp tục mạch kể, Thạch Lam khéo léo lồng vào những chi tiết để ta cảm nhận rõ hơn tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của cô bé. Khi phiên chợ tàn, chị cảm nhận thấy đâu đây “mùi riêng của đất, của quê hương này, một mùi âm ẩm bốc lên”. Nếu không có sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn mới lớn, cũng là sự nhảy cảm của một trái tim gắn bó với nơi đây, làm sao Liên có thể cảm nhận được hương vị vô hình ấy. Đêm đêm, Liên và An lặng ngắm bầu trời, lặng ngắm những vì sao và ngước nhìn con vịt theo sau ông thần Nông. Cái sự dịu dàng, trong trẻo, rất đỗi thơ ngây ấy của Liên tựa hồ như mạch nước mát lành làm dịu đi cái tối tăm, tù đọng, chật hẹp của không gian phố huyện. Thạch Lam như ghé xuống trang đời, để đón từng giọt, từng mảnh tâm hồn long lanh, nhẹ dịu, trong trẻo của Liên vào trang sách, làm tan chảy trái tim người đọc biết nhường nào. Đó cũng chính là chất thơ trong tâm hồn Liên, chất thơ đầy tính nghệ thuật.

        Không chỉ vậy, Liên còn là cô bé với tâm hồn giàu lòng trắc ẩn, yêu thương. Dẫu chỉ là một cô bé, nhưng Liên luôn biết yêu thương những người nghèo khổ, đồng cảm và trân trọng họ. Trước hết, dõi theo mạch truyện có thể thấy, Liên chuyển về phố huyện nghèo này là sau khi bố mất việc trên Hà Nội. Vậy nhưng cô hòa nhập rất nhanh, không hề khó chịu hay than trách mà luôn chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời phụ mẹ bán hàng.  Bà cụ Thi điên đến mua rượu, dẫu sợ nhưng vẫn rót cho cụ cút rượu đầy. Tấm lòng thơm thảo của Liên, đến cụ Thi điên dẫu ngờ nghệch nhưng vẫn nhận ra. Liên cũng hay hỏi thăm và trò chuyện với chị Tí, cũng luôn rất lễ phép, ân cần. Liên thơm thảo, và giàu lòng trắc ẩn, đó là một trái tim nhân hậu giàu yêu thương mà Thạch Lam trân trọng, nâng niu hết mực.

       Nhưng có lẽ, cái Thạch Lam muốn nói nhiều hơn, nhiều nhất, ấy là tâm hồn Liên giàu khát khao, mãnh liệt về một cuộc sống khác, tươi mới, huyên náo hơn.  Cuộc sống phố huyện là sự bằng phẳng của một ao đời bằng lặng, ngày qua ngày trôi đi trong sự lặp lại, chán chường, trong nỗi buồn quẩn quanh về gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng, sống trong sự ngột ngạt, quẩn đọng ấy, tâm hồn Liên vẫn khao khát, mãnh liệt biết bao. Chuyến tàu đêm chính là chi tiết đắt giá trong toàn bộ câu chuyện này. Chuyến tàu ấy từ Hà Nội về, như gợi lại bao nhiêu miền kí ức tươi đẹp, lấp lánh đã qua, chuyến tàu của quá khứ, nhưng mang chở hi vọng của Liên về tương lai. Nó đẹp, lấp lánh, hào nhoáng, sôi động, náo nhiệt, với những “toa đồng và kền sáng lấp lánh”. Chuyến tàu như  mang một thế giới khác đi qua, tươi mới hơn, giàu sức sống hơn phố huyện nghèo tù đọng, nhàm tẻ nơi đây. Điều ấy đã chứng tỏ Liên dẫu sống trong bóng tối, nhưng tâm hồn luôn hướng về ánh sáng, không bao giờ thôi khát khao, hi vọng.

       Nhân vật Liên giống như bức tâm tình Thạch Lam muốn tỏ bày cùng người đọc, rằng biết đâu, trong một tương lai xa, hình ảnh bà cụ Thi hơi điên, hay chị Tí chính là tương lai của Liên. Từ đó vang lên một hồi chuông khẩn thiết rằng, hãy để những mầm xanh được sống, được tỏa sáng dưới ánh dương. Đồng thời, qua đó ta cũng thấy được tấm lòng nhân đạo, trắc ẩn của Thạch Lam khi đã lắng nghe, trân trọng hạt ngọc trong tâm hồn cô bé Liên và tỏa sáng vẻ đẹp ấy bằng ngòi bút tài hoa của mình.


Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ - Bài mẫu 2

Phân tích nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ | Văn mẫu 11 hay nhất

        Thạch Lam là một tâm hồn văn xuôi đậm chất thơ, chất thơ ấy đằm trong từng dòng văn xuôi ông viết, và trong cả cách ông nghiêng lòng xuống trang  sách để lắng nghe tiếng lòng của nhân vật. Nếu như Nam Cao thiên về phân tích lí giải diễn biến tâm lí nhân vật, thì Thạch Lam lại có khả ưu trong việc lắng nghe những trạng thái cảm xúc mong manh mơ hồ, mà nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ là nhân vật được nhà văn cảm nhận rất chân thực.

       Bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà đã phủ một lớp màu buồn xen lẫn chất thơ của chốn làng quê yên ả, thanh bình. Buổi chiều, tự bao giờ đã gọi về trong lòng người những nỗi buồn không tên. Nhân vật Liên trong phần mở đầu truyện đã được Thạch Lam gọi tên nỗi buồn ấy, nỗi buồn không hiểu, buồn man mác, bâng khuâng khi nhìn thấy cảnh vật đang dần đi vào thế nghỉ ngơi. Và ngày nào, chiều nào trong ánh mắt thơ ngây của cô bé ấy cũng ngập đầy dần bóng tối của làng quê, của không gian quanh quẩn tù đọng nơi đây. Điều đó một phần cho thấy tâm hồn nhạy cảm của cô bé Liên, một phần cũng phải chăng Thạch Lam muốn nói về nỗi buồn ở tuổi mới lớn của cô bé, một tâm hồn vốn dĩ cần những khoảng trời tự do và thế giới tươi sáng, nhưng nay lại phải quanh quẩn nơi ao tù nước đọng. Tiếp tục những dòng chảy ấy của xúc cảm, Thạch Lam cho người đọc nhận ra những nét thẳm sâu mà tế vi trong tâm hồn cô bé ấy. Phiên chợ buổi chiều tàn, mùi rác rưởi vỏ bưởi, vỏ nhãn làm dấy lên trong tâm hồn Liên một mùi quen thuộc quá, ấy là mùi riêng của đất của quê hương này. Hương vị đấy rõ ràng là hương vị của sự yêu thương gắn bó nhường nào mới có thể cảm nhận và đồng điệu được với hương vị vô hình chỉ thuộc về tâm thức ấy. Phải tinh tế bao nhiêu Thạch Lam mới lắng nghe được rung động tâm hồn khẽ khàng mà trìu mến đấy của Liên. Và cô bé Liên, tưởng như đã yêu nơi này biết bao mà giành trọn cả tâm hồn để thấu cảm nó.

        Bên cạnh một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế thì Liên cũng là đứa trẻ mang tâm hồn trẻ thơ tươi mới, đầy những chất thơ. Khi một chút hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ cô cũng cảm lấy, khi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao hồi tưởng lại câu chuyện về con vịt và ông thần ông, ta ngỡ ngàng nhận ra đứa bé ấy dù  mang nét nhạy cảm, tinh tế của cô gái mới lên, cũng vẫn ươm mầm trong nó đẹp nhất là tâm hồn trẻ thơ.

        Nhưng có lẽ, bức phông nền giúp Thạch Lam cũng như người đọc nhận ra được mạch nguồn sâu thẳm trong tâm hồn cô bé là khi chuyến tàu đêm đi qua. Chuyến tàu với đồng và kền sáng lấp lánh, chuyến tàu như mang một thế giới khác đi qua, chuyến tàu gọi về trong nó cả quá khứ tươi đẹp ở Hà Nội và  chở đi những ấp ủ hi vọng về tương lai. Tâm hồn Liên trở nên rạo rực, thiết tha hơn hẳn khi chuyến tàu đêm - sự chuyển động mạnh mẽ duy nhất trong ngày lướt qua. Ánh mắt của cô bé nhìn đoàn tàu, khác hẳn với đôi mắt mà buổi chiều đằm trong ấy, mạch cảm xúc đi từ nỗi buồn vu vơ không hiểu, đến những xúc cảm khát khao tha thiết, mãnh liệt. Nó cháy lên trong ánh mắt, trong nụ cười, trong sự háo hức và sự chờ đợi. Đó cũng là khoảnh khắc đẹp nhất mà người đọc nhớ về Liên.

      Thạch Lam không chỉ trân trọng vẻ đẹp tâm hồn nguyên sơ của nhân vật Liên, mà còn dùng tất cả sự dịu dàng và tài hoa của ngòi bút để đọc vị những cảm xúc trẻ thơ trong tâm hồn của cô bé Liên.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021