logo

Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ) ngắn nhất

Bích câu kì ngộ là truyện thơ Nôm của Việt Nam viết về sự tích một người thư sinh nghèo Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở Bích câu. Dưới đây là bài viết Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ) nói về tâm trạng tương tư, lưu luyến đến ngơ ngẩn của Tú Uyên khi gặp được người trong mộng ở chùa Ngọc Hồ.


Dàn ý phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ)

a, Mở bài

Khái quát về tác giả và đôi nét về nhan đề tác phẩm.

b, Thân bài

- Tâm trạng của chàng Tú Uyên đem lòng thương nhớ, tương tư nàng thiếu nữ bất kể ngày lẫn đêm.

- Nỗi nhớ người trong mộng không chỉ được thể hiện ở suy tư của chàng thư sinh mà còn được bộc lộ, thể hiện bằng cử chỉ.

- Nỗi nhớ đó dù đã được bộc lộ nhưng vẫn “ngổn ngang” không ngơi.

c, Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

- Cảm nghĩ của em về tấm chân tình của chàng thư sinh nghèo Tú Uyên.

Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ)

Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ)

      “Bích câu kì ngộ” là câu chuyện thơ Nôm nổi tiếng với thể thơ lục bát uyển chuyển, nói về chuyện tình yêu giữa chàng Tú Uyên và nàng tiên nữ Giáng Kiều. Trong đó nổi bật là đoạn trích “Nỗi niềm tương tư” kể về khởi nguồn thứ tình yêu đầy mộng mị đó, đoạn trích diễn tả tâm trạng tương tư của tú Uyên sau khi gặp được người đẹp ở chùa Ngọc Hồ.

      Tú Uyên là một thư sinh nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Có dịp chàng đến chơi Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp quá mà quyết định làm nhà ở đấy ngày đêm đèn sách học hành. Một hôm nhân dịp trời Xuân lay động, Tú Uyên đi chơi hội chùa Ngọc Hồ. Chàng nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề câu thơ. Ngay lúc chàng định họa lại thì bỗng dưng xuất hiện một người thiếu nữ đẹp tuyệt trần trước cửa tam quan, chàng cứ thế mà đi theo bóng người thiếu nữ cho đến Quảng Văn thì không thấy tung tích thiếu nữ đó đâu nữa. Khi trở về nhà, chàng đem lòng thương nhớ, tương tư bất kể ngày lẫn đêm:

Lần trăng ngơ ngẩn ra về,

Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa nên.

Nỗi nàng canh cánh nào quên, 

Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là!

Bướm kia vương lấy sầu hoa,

Đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênh!

Ta có thể thấy được nét si tình ở chàng Tú Uyên, chỉ vì một giây trông thấy, mà giường như chàng đã cả một đời nhớ thương. Chàng si mê nàng đến nỗi “ngơ ngẩn”, đến nỗi đèn thông cháy đã cạn mà chàng vẫn thao thức chưa ngủ được “giấc hòe chưa nên”. Chàng nghĩ về người con gái xinh đẹp đó phải chăng là tiên nữ, biết bao giờ mới được gặp lại. Nỗi nhớ người trong mộng không chỉ được thể hiện ở suy tư của chàng thư sinh mà còn được bộc lộ, thể hiện bằng cử chỉ:

Có khi gảy khúc đàn tranh,

Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân.

Cầu hoàng tay lựa nên vần,

Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào!

Có khi chuốc chén rượu đào, 

Tiệc mời chưa cạn, ngọc giao đã đầy.

Hơi men không nhấp mà say,

Như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình.

Có khi ngồi suốt năm canh,

Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kình nện sương.

Lặng nghe những tiếng đoạn trường,

Lửa tình dễ đốt, sông Tương khôn hàn.

Có đêm ngắm bóng trăn tàn,

Tiếng chiêm hót sớm, trận nhàn bay khuya.

Từ “có” lặp đi lặp lại 4 lần thể hiện những hành động của Tú Uyên khi không thể không nghĩ về người thiếu nữ đó. Chàng nhớ nàng chỉ nghĩ thôi chưa đủ, phải “gảy nên khúc đàn tranh” mong nàng nghe được tấm chân tình này, giống như cô gái Văn Quân khi nghe được tiếng đàn “Cầu hoàng” của Tương Như nên phải lòng đi theo. Phải mượn men say của “chén rượu đào” để thổ lộ tâm tư thầm kín hay chính là “mượn rượu để tỏ tình”. Tú uyên mong được uống với nàng chén “ngọc giao” để kết duyên đôi lứa. Lúc này chàng say nhưng lại không phải say rượu, cơn say này được ví như “mùi nhớ” hay chính là say ân tình với nàng tiên nữ. Chàng còn phải “ngồi suốt năm canh” để nghe những “tiếng đoạn trường”, vì không biết bao giờ mới có thể gặp được người thương nên chàng nhớ mong, đau đớn như đứt từng khúc ruột. Bởi vậy mới thấy tình cảm của Tú Uyên dành cho người thiếu nữ đó nhiều đến nỗi nào, chỉ cần một ánh mắt mà đã làm con người chàng đắm say như “lửa tình dễ đốt”. Đặc biệt, tác giả dựa vào tuyền thuyết hai người vợ Nga Hoàn và Nữ Anh cùng khóc thảm thiết trên sông Tương Giang khi Vua Thuần mất để dùng từ “sông Tương” ví với nước mắt, nước mắt ở đây là nước mắt của Tú Uyên khi để lạc mất người mình hằng mong nhớ, lạc mất đi cả cuộc đời. Chàng còn ngồi “ngắm bóng trăng tàn”, hy vọng về một chút tin tức của nàng.

Nỗi nhớ đó dù đã được bộc lộ nhưng vẫn “ngổn ngang” không ngơi:

Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,

Nỗi riêng, riêng biết, dã đề với ai!

Vui xuân chung cảnh một trời,

Sầu xuân riêng nặng một người tương tư

Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ)

Dù đã mượn “khúc đàn tranh”, mượn “chén rượu đào” nhưng tình nồng đâu biết “đã đề với ai? Dù cảnh Xuân có vui nhưng không gặp được nàng thì vơi Tú Uyên vẫn chỉ có một “Sầu xuân riêng nặng một người tương tư. Tình cảm của Tú Uyên dạt dào, mãnh liệt và thủy chung giống như Xuân Diệu đã từng viết trong bài thơ “Tình thứ nhất”:

“Thôi thôi nhé, hoa đã sầu dưới đất

Cười trên cành sao được nữa em ơi!

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Đem cho em là đã mất đi rồi!”

      Với lời thơ kết hợp giữa tự sự và trữ tình, đoạn trích “Nỗi niềm tương tư” cho ta thấy được nỗi niềm tương tư và khát vọng tình yêu đôi lứa cháy bỏng của chàng thư sinh Tú Uyên. Có phải chăng một tình yêu cuồng nhiệt, hết lòng hết dạ là đáp số chung cho những ai đang chìm đắm trong mộng tình, có phải chăng từng lời thơ như muốn nói hộ tấm chân tình đó!

--------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn bài dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Nỗi niềm tương tư (Bích câu kì ngộ). Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 22/02/2023 - Cập nhật : 15/08/2023