logo

Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất (ngắn gọn)

Chắc hẳn làn điệu lý ngựa ô không còn xa lạ đối với nhiều người. Đây là một làn điệu dân ca quen thuộc của nước ta, không kém với làn điệu quan họ Bắc Ninh. Có lẽ bởi vì vậy, tác giả Phạm Ngọc Thạch đã lựa chọn làn điệu Lý ngựa ô để làm chủ đề sáng tác cho bài thơ Lí ngựa ô ở hai vùng đất. Để giúp các bạn hiểu hơn về bài thơ, Toploigiai đã mang tới bài viết sau đây, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất (ngắn gọn)

a. Mở bài:

- Giới thiệu bài thơ Lý ngựa ô ở hai vùng đất của tác giả Phạm Ngọc Thạch

b. Thân bài:

- Làn điệu lý ngựa ô bên anh: Từ đầu đến “... không nghe câu lý ngựa ô này”

+ vó ngựa: giặc ngoại xâm => anh lớn lên khi đất nước còn loạn lạc, trong thời kì chống giặc cứu nước

+ Em hát câu lý ngựa ô đã tiếp thêm sức mạnh cho anh tiếp tục chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

+ Anh tự hào về làn điệu lý ngựa ô được truyền từ thời cha ông đi trước => Từ niềm tự hào đó, nhân vật anh đã khéo léo thổ lộ tình cảm với người thương của mình

+ Quê hương anh đều yêu làn điệu lý ngựa ô: Quê anh có truyền thuyết Thánh Gióng gắn với hình ảnh ngựa sắt cùng Thánh Gióng ra trận bảo vệ tổ quốc; mỗi dịp tháng tu hội Gióng diễn ra, làn điệu lý ngựa ô lại được người dân quê anh cùng nhau ca vang khiến cho tất cả ai tham dự lễ hội đều như được cưỡi mây, rong ngựa sắt.

- Làn điệu lý ngựa ô ở bên em: Từ “Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say” đến “nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua”

+ quê em ở miền Trung, nơi móng ngựa “gõ mê say” để băng qua phá “rộng duềnh doàng lên dợn sóng” hay qua cả “truông rậm”

+ Khi đi đánh trận ở miền Trung quê em, anh phải trải qua biết bao khó khăn, băng sông, vượt núi => khi đó làn điệu lý ngựa ô em hát lại vang lên, tiếp cho anh sức mạnh tiếp tục chiến đấu, bảo vệ tổ quốc.

- Sự giao lưu, gặp gỡ của làn điệu lý ngựa ô:

+ Điệu lý ngựa ô ở mỗi miền mang một nét đặc trưng riêng, gắn với vẻ đẹp của mỗi vùng

+ Lời tỏ tình kín đáo của chàng trai dành cho cô gái qua làn điệu lý ngựa ô

c. Kết bài:

- Khái quát lại nội dung và giá trị của bài thơ Lí ngựa ô ở hai vùng đất

>>> Tham khảo: Lí ngựa ô ở hai vùng đất - Phạm Ngọc Cảnh (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)


Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất (ngắn gọn)

Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất (ngắn gọn)

“Khớp con ngựa ngựa ô
Khớp con ngựa ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vang, ớ ơ ờ ớ ơ…
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm
Cán roi anh bịt đồng thoà.
Là đưa, í a đưa nàng, đưa nàng…
Anh đưa nàng về dinh…”

Đây là những câu hát em thường được nghe qua chiếc đài radio của ông em khi còn nhỏ. Lớn lên, em tìm hiểu và biết được đây là lời bài hát của bài Lý Ngựa Ô, một bài hát nổi tiếng của dân ca Nam Bộ. Bài hát đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc vì nhịp điệu vui tươi, cùng với đó là hình ảnh những chú ngựa với nhiều sắc thái thật sinh động. Gần đây, em được biết thêm trong nền văn học Việt Nam cũng có một bài thơ viết về làn điệu lý ngựa ô có tên Lý ngựa ô ở hai vùng đất. Bài thơ thuộc thể loại thơ tự do của tác giả Phạm Ngọc Cảnh, nằm trong tập Đêm Quảng Trị. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ vô cùng đặc biệt đó là trong mạch văn hào sảng khí thế của người lính ra trận. Bài Lý ngựa ô ở hai vùng đất đã kể lại cuộc chiến tranh đã qua của nước ta, xen lẫn vào đó chính là tình yêu đôi lứa được thể hiện thông qua làn điệu dân gian quen thuộc. 

Đầu tiên, những làn điệu Lý ngựa ô được hát ở bên anh trong phần đầu của bài thơ:

“Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu

gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi

đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi

Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu

Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy

bao câu hát ông cha mình gởi lại

sao em thương câu lý ngựa ô này

sao anh nghe đến lần nào cũng vậy

sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy

chỉ riêng mình em hát với anh đây.

 

Làng anh ở ven sông

sắp vào tháng tư

mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng

mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bổng

ai chẳng ngở mình đang đi trong mây

ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt

cả một vùng sông ai chẳng hát

sao không nghe câu lý ngựa ô này.”

Nó lẽ hình ảnh những con ngựa đã xuất hiện trong tâm trí nhân vật anh ngay từ khi còn nhỏ. “Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu”, ở đây nhà thơ Phạm Ngọc Thạch đã sử dụng nghệ thuật hoán dụ ngay câu đầu tiên của bài thơ với từ “vó ngựa” để chỉ giặc ngoại xâm. Qua đó, có thể thấy anh lớn lên khi đất nước còn loạn lạc, trong thời kì chống giặc cứu nước. Nhưng dù trong tình cảnh chiến tranh khói lửa, những người dân sinh ra ở nước Nam hào hùng vẫn không bao giờ ngừng yêu thương lẫn nhau và lan tỏa tình yêu đó để tiếp thêm sức mạnh cùng nhau bảo vệ nước nhà. Tình yêu tổ quốc, tình yêu con người đó đã được thể hiện qua những câu hát dân gian quen thuộc là làn điệu Lý ngựa ô em hát. Câu hát như tiếp thêm sức mạnh cho anh khi hành quân đánh giặc, như em vẫn luôn đợi anh về và cũng đại diện cho quê hương đang cần anh bảo vệ. Ở đoạn tiếp theo, tác giả sử dụng nghệ thuật điệp ngữ để làm tăng thêm tính tự hào của nhân vật anh về làn điệu Lý ngựa ô được truyền lại từ thời cha ông. Làn điệu lý ngựa ô là điều quý giá mà cha ông để lại, khiến cho anh hay em đều yêu thích nó và nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Từ niềm tự hào đó, nhân vật anh đã khéo léo thổ lộ tình cảm với người thương của mình, nhắc tới câu hát lý ngựa ô, anh nghĩ ngay tới em, và nghĩ tới khung cảnh được cùng em hát vang làn điệu này.

Không chỉ riêng mình anh, mà cả “làng anh”, quê hương của anh đều yêu làn điệu lý ngựa ô. Quê của nhân vật trữ tình “anh” được miêu tả nằm ở “ven sông”. Và đặc biệt đây là nơi gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, câu chuyện truyền thuyết có xuất hiện ngựa sắt, con vật đồng hành cùng Thánh Gióng đánh giặc. Mỗi năm, vào tháng tư, làng anh lại mở hội Gióng, mọi người khắp nơi tới để tham gia lễ hội và bày tỏ lòng thành kính biết ơn với Thánh Gióng nên “mùi hương” đã được thắp tỏa ra khắp nơi. Khi hội Gióng diễn ra là lúc truyền thuyết về Thánh Gióng lại được ôn lại và truyền bá đến với con cháu đời sau. Lúc đó, làn điệu Lý ngựa ô sẽ lại vang lên, như một làn điệu hành quân của Thánh Gióng khi xưa cùng với chú ngựa sắt của mình. Làng anh cùng hát làn điệu lý ngựa ô khiến cho bất kể ai tham gia hội Gióng cũng sẽ có cảm giác như mình đang được “đi trên mây” và “rong ngựa sắt” vậy. 

Đến với vùng đất thứ hai cũng yêu làn điệu Lý ngựa ô không kém chính là bên nhân vật em:

“Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng
qua truông rậm đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gỗc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua...”

Có thể thấy, nếu như quê anh gắn với truyền thuyết Thánh Gióng ở miền Bắc Bộ thì quê em lại ở miền Trung, nơi móng ngựa “gõ mê say” để băng qua phá “rộng duềnh doàng lên dợn sóng” hay qua cả “truông rậm”. Đây là hai vùng địa hình đặc trưng của dải đất miền Trung nước ta, phá chính là vùng nước mặn có dải đất và cát ngăn với biển, được nối thông ra ngoài biển bằng một dòng nước hẹp. Còn truông chính là chỉ vùng đất hoang, có cây cối rậm rạp. Có lẽ đây không chỉ là quê hương em, mà còn là nơi hai nhân vật trữ tình gặp nhau, nơi nhân vật anh phải đi đánh giặc. Anh phải trải qua biết bao khó khăn, bắc võng ngủ ở truông hoang sơ, buộc ngựa ở gốc lim, trải qua muôn trùng cách trở bởi miền Trung có “sông suối dày” như “tơ nhện”, “núi choài ra biển”. Những lúc như vậy, làn điệu lý ngựa ô thân quen theo anh từ thuở tấm bé lại được em ca vang lên, như để tiếp thêm sức mạnh cho anh mạnh mẽ hơn để bảo vệ tổ quốc.

Rồi làn điệu lý ngựa ô ở hai vùng đất bên anh và bên em được gặp gỡ và giao lưu với nhau:

“Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa
tiếng hí chào xa khơi...
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thể ẩn vào trong?”

Tuy cùng làn điệu lý ngựa ô, nhưng câu hát ở mỗi vùng lại được thêm vào đó những đặc trưng riêng của quê hương mình. Ở bên anh câu hát lý ngựa ô gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng. Ở nơi em, lại gắn với truông dài phá rộng của miền Trung. Hay miền Nam, lý ngựa ô lại có âm điệu “như giục như mời”, những câu hát gắn với hình ảnh ngựa bay qua vựa lúa bát ngát, ngựa chạy ở nơi sông Cửu Long “sông xòe chín cửa” để vươn ra biển lớn, cất tiếng hí vang “chào xa khơi”. Ẩn chứa trong sự hòa hợp, giao lưu của các làn điệu lý ngựa ô của các vùng miền lại là lời tỏ tình của chàng trai miền Bắc dành cho người thương của mình. Chàng giới thiệu với em làn điệu giao duyên của vùng quê quan họ Bắc Ninh nổi tiếng xứ Bắc, hay còn gọi là “câu hát xui nhau nên vợ nên chồng” như một lời tỏ tình chân thành và tinh tế. Rồi chàng ẩn ý muốn hỏi nàng, vậy những câu hát lý ngựa ô theo suốt những con đường đánh giặc bao đời nay, có chứa đựng được tình cảm nam nữ như những câu hát quan họ hay không? Đây như một lời mong mỏi của chàng trai, với ước muốn người yêu có thể làm hậu phương vững chắc cho mình đánh giặc, đợi mình khải hoàn trở về.

Qua bài thơ Lý ngựa ô ở hai vùng đất, người đọc chúng ta như được thả trôi tâm hồn vào với những làn điệu lý ngựa ô, một làn điệu dân ca nổi tiếng không kém với làn điệu quan họ. Bài thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của dân ca lý ngựa ô ở dọc ba miền của đất nước, từ bắc vào nam, ở bất kì nơi đâu, điệu lý ngựa ô cũng thật đẹp và chứa đựng những đặc trưng riêng của vùng miền đó. Từ điệu hò lý ngựa ô, các nhân vật trữ tình đã bộc lộ được tình cảm của mình dành cho nhau cũng như tình yêu với đất nước. Truyền thống yêu nước và yêu thương lẫn nhau đã khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi một người dân Việt Nam, giống như làn điệu lý ngựa ô đã in sâu vào văn hóa bao đời nay của đất nước ta.

--------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất (ngắn gọn). Hi vọng qua bài viết các bạn sẽ học tốt hơn. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 29/11/2022 - Cập nhật : 28/08/2023