logo

Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Tuyển chọn những bài văn hay Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu - Bài mẫu 1

Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (ảnh 1)

     Việt Bắc là một khúc tình ca nồng nàn và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của cảm hứng là tình yêu quê hương đất nước, là sức mạnh của nhân dân, là truyền thống đạo lí ân nghĩa thủy chung của dân tộc Việt Nam.

     Bao trùm bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Qua dòng hồi tưởng miên man của chủ thể trữ tình, cảnh vật và con người Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ. Nỗi nhớ hướng về nhiều đối tượng, nhưng có lẽ tập trung nhất là nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc, về người dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thủy chung trong nghĩa tình để lại ấn tượng không phai mờ trong tâm trí người ra đi:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

     Đoạn thơ này được coi là một trong những đoạn hay nhất bởi bút pháp nghệ thuật của Tố Hữu đã đạt tới trình độ cổ điển. Căn cứ vào nội dung và vị trí của đoạn thơ trong chuỗi lời đối đáp giữa người đi và kẻ ở, ta hiểu đây chính là lời của người ra đưa tiễn các cán bộ, chiến sĩ về xuôi.

     Câu thơ mở đầu: Ta về, mình có nhớ ta… giống như lời đưa đẩy trong đối đáp giao duyên của ca dao, dân ca. Mình về mình có nhớ chăng, Ta về ta nhớ hàm răng mình cười… là câu hỏi tu từ có tác dụng khơi gợi và liên kết các nỗi nhớ lại với nhau một cách khéo léo, nhuần nhị.

     Ở câu thơ thứ hai: Ta về ta nhớ những hoa cùng người, hình ảnh hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. Trong tâm tưởng của những người ra đi in đậm cảnh sắc tươi xanh, tràn đầy sức sống của vùng đất mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Nhớ hoa cũng chính là nhớ người và ngược lại.

     Trong bốn câu lục bát tiếp theo, tác giả đã vẽ nên bằng ngôn ngữ thơ ca một bộ tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc. Mỗi bức tranh đều có nét đẹp riêng. Ngòi bút tạo hình của nhà thơ đã đạt tới trình độ “thi trung hữu họa”. Bút pháp miêu tả nhất quán : câu lục được dành để tả cảnh, còn câu bát được dành để vẽ người. Trong nỗi nhớ của người ra đi, cảnh vật và con người Việt Bắc hòa quyện với nhau, tạo thành một chính thể thống nhất.

Bức tranh thứ nhất:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

     Màu hoa chuối đỏ tươi nổi bật trên sắc xanh của rừng núi. Nhà thơ đã khéo léo dùng sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm sáng lên cảnh rừng già, gợi lên cảm giác ấm áp. Những bông hoa chuối như những ngọn lửa làm giảm bớt vẻ u tịch của cảnh vật. Giữa khung cảnh ấy, hình ảnh con người tuy bé nhỏ nhưng vẫn sinh động, không bị chìm đi. Ánh nắng chiếu lấp lánh trên con dao người đi rừng giắt ngang lưng khiến con người trở thành điểm sáng di động và là trung tâm của bức tranh. Thiên nhiên không che lấp mà thực sự làm nền cho vẻ đẹp của con người lao động.

Bức tranh thứ hai:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

     Xuân về, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ làm choáng ngợp hồn người. Âm điệu của hai chữ trắng rừng thể hiện được cảm giác ngỡ ngàng, hạnh phúc của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp tràn đầy sức sống của đất trời Việt Bắc. Giữa một thiên nhiên tuyệt vời như thế, dáng vẻ con người dường như cũng khoan thai, thong thả hơn. Chuốt vốn là động từ nhưng khi được đặt trong câu thơ nó lại kiêm luôn chức năng của tính từ đặc tả sự óng chuốt của từng sợi giang dùng để đan nón. Con người ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân, đang tô điểm cho sắc xuân của đất trời thêm lộng lẫy.

Bức tranh thứ bạ:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

     Có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất tả cảnh mùa hè trong thơ ca Việt Nam. Bởi nó xôn xao tiếng nói của cả màu sắc lẫn âm thanh. Tiếng ve ngân vang như tiếng đàn trong rừng phách nở hoa vàng thắm. Âm thanh vang rền của tiếng ve làm cho màu vàng của rừng phách như rung lên thành tiếng và ngược lại, màu vàng của rừng phách dường như cũng “nhuộm vàng” cả tiếng ve. Chữ kêu, chữ đổ thể hiện thật tài tình không khí rạo rực và màu sắc nồng nàn rất đặc trưng của mùa hạ. Hình ảnh cô gái hái măng một mình khơi dậy trong lòng người ra đi một nỗi nhớ ngọt ngào, sâu lắng.

     Bức tranh mùa thu êm dịu, trong sáng được vẽ nên bằng những đường nét mảnh mai, tinh tế, thắm đượm cảm xúc trữ tình, gợi ra cả một trường liên tưởng mênh mông cho người đọc:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

     Anh trăng thu mát dịu tỏa chiếu khắp núi rừng, tạo nên khung cảnh thanh bình, yên ả. Tiếng hát ân tình thủy chung của một cô gái nào đó cất lên nghe thật tha thiết, cứ ngân nga vang vọng mãi trong tình yêu và nỗi nhớ của người đi. Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, trong sự thay đổi của các mùa. Thiên nhiên luôn gắn liền với bóng dáng con người cần lao. Cuộc sống kháng chiến sản xuất và đánh giặc gian khổ, hiểm nguy song không thiếu những nét thanh bình, êm ả.

     Đoạn trích trên là bức tranh vừa hiện thực vừa trữ tình về chiến khu Việt Bắc. Tình cảm chân thật, thắm thiết của nhà thơ Tố Hữu đối với thiên nhiên và con người nơi đây chính là động lực thúc đẩy thi hứng và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.


Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu - Bài mẫu 2

Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (ảnh 2)

     Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng lão thành nổi tiếng của dân tộc Việt Nam. Ông để lại nhiều bài thơ hay, gây được tiếng vang lớn trong nền thi ca nước nhà. Mỗi tác phẩm của ông đều là một công cụ chiến đấu hướng tới kẻ thù độc ác

     Trong mỗi tác phẩm của mình hình ảnh quê hương dân tộc được tác giả thể hiện một cách vô cùng độc đáo, sâu sắc. Trong những tác phẩm của mình tác giả thường gắn liền với những diễn biến, sự kiện lịch sử tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ cho người đọc dù đã qua nhiều thập kỷ.

     Bài thơ “Việt Bắc” là một bài thơ hay tiêu biểu cho phong cách thơ của Tố Hữu. Nó thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết nồng nàn, khi chia xa kẻ ở người đi lưu luyến không rời. Trong bài thơ khổ sáu là khổ thơ ấn tượng bởi nó là nỗi nhớ của tác giả dành riêng cho núi rừng thiên nhiên vùng Tây Bắc.

     Trong bức tranh thiên nhiên đó có hình ảnh con người lao động miệt mài, hăng say, thể hiện tình cảm chung thủy của người dân đồng bào nơi đây với anh em chiến sĩ cách mạng.

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

     Trong hai câu đầu tiên tác giả sử dụng những từ ngữ vô cùng thân thuộc thể hiện tình cảm gắn bó giữa Ta-và Mình, giữa quân và dân. Trong lối xưng hô này cho người đọc cảm giác thân thiết gần gũi như người trong cùng một gia đình vậy.

     Câu thơ như lời hát trao duyên giữa các liền anh, liền chị trong những câu dân ca quan họ Bắc Ninh rằng “người ơi người ở đừng về”

     Trong khổ thơ này bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hiện lên vô cùng tươi đẹp, tác giả đã phác họa lên bức tranh bốn mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông, một bức tranh tứ bình vô cùng sinh động. Trong đó, hình ảnh thiên nhiên và con người như đan xen, hòa quyện vào nhau tạo thành một tác phẩm tuyệt vời.

     Tác giả Tố Hữu vô cùng tinh tế khi dẫn dắt người đọc đi vào bức tranh thiên nhiên và con người ở vùng núi Tây Bắc. Trong bức tranh bốn mùa này tác giả Tố Hữu đã chọn mùa Đông để mở ra mọi chuyện.

     Trong câu thơ này dù không có từ nào nhắc nhắc trực tiếp về thời gian nhưng bằng những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, khiến cho người đọc cảm nhận thấy hình ảnh mùa đông hiện lên thật sinh động

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

     Hình ảnh những bông hoa chuối màu đỏ, hiện lên thật tươi tắn, làm lay động lòng người, khác hẳn với những bài thơ miêu tả về mùa động của những tác giả khác thường cảm thấy se lạnh, buồn hiu hắt ảm đạm nỗi cô đơn, thì trong tác phẩm của mình hình ảnh mùa đông của Tố Hữu vô cùng tinh tế ấm áp lòng người.

     Hình ảnh hoa chuối đỏ tươi tượng trưng cho mùa đông. Màu đỏ cũng là màu của sự nhiệt huyết, của tuổi trẻ và sự hy vọng chính vì vậy khi tác giả vẽ lên bức tranh mùa đông con người không cảm thấy buồn mà ngược lại khiến cho người đọc cảm thấy vô cùng ấm áp.

     Trong bức tranh thiên nhiên này con người hiện lên vô cùng sinh động tươi mới với việc của mình. Những người dân vùng cao khi đi rừng làm nương làm rẫy hay đi lấy măng rừng, đốn củi đều có gài con dao ở gài ở thắt lưng để phòng lúc nguy hiểm gặp thú rừng hoặc tiện cho việc phát nương làm rẫy.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

     Trong hai câu thơ này tác giả chỉ đích danh mua xuân một danh xưng chỉ thời gian. Hình ảnh những bông hoa mơ nở trắng rừng gợi lên một cảnh sắc vô cùng tươi đẹp. Màu hoa mơ trắng trong như tấm lòng của những con người vùng đồng bào Tây Bắc.

     Trong bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp này hình ảnh con người được tác giả vẽ lên rất chăm chỉ, người con gái cần mẫn chuốt những sợi giang dan nón, thể hiện sự nhiệt huyết trong công việc của mình. Cô gái không chỉ làm cho xong việc mà làm với tinh thần thái độ cao nhất muốn tạo ra những sản phẩm đẹp nhất.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

     Trong bức tranh mùa hè xôn xao tiếng ve, hoa phượng và tiếng ve là hai biểu tượng của mùa hè mà chúng ta thường thấy. Trong bức tranh mùa hè này tác giả Tố Hữu tinh tế phác họa lên bức tranh mùa hè tươi tắn âm thanh cuộc sống.

     Trong mỗi bức tranh thiên nhiên của mình tác giả để có con người đi kèm. Hình ảnh người con gái hái măng một mình tuy một mình nhưng không cô đơn. Cô gái làm việc vô cùng hăng say, trong niềm hân hoan yêu đời, tràn ngập niềm tin vào tương lai mới của quê hương, của dân tộc nên cô gái cảm thấy tâm hồn mình vô cùng thư thái vừa hái măng vừa nghe tiếng ve kêu.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

     Trong hai câu thơ này, hình ảnh mùa thu được tác giả Tố Hữu thể hiện vô cùng tinh tế thể hiện sự ân tình, thủy chung, gắn bó giữa thiên nhiên và con người. Giữa quân và dân trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

     Bài thơ Việt Bắc là sự thành công xuất sắc của tác giả Tố Hữu trong nghệ thuật so sánh, ẩn dụ lối nói ước lệ tượng trưng. Trong đó, khổ thơ thứ sáu miêu tả về bức tranh tứ bình là sự độc đáo của tác giả khi miêu tả về con người và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc.


Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu - Bài mẫu 3

    Tố Hữu là một trong những cây bút tài năng trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã đóng góp vào nền thơ ca nước nhà rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Việt Bắc là một trong những sáng tác được coi là đỉnh cao trong thơ Tố Hữu. Bao trùm lên toàn bài thơ là nỗi nhớ, sự lưu luyến giữa chiến sĩ cán bộ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và nhân dân Việt Bắc. Bên cạnh đó, hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ cùng con người chăm chỉ, đôn hậu nơi đây cũng được khắc họa thật đẹp trong bài thơ, đặc biệt là trong khổ thơ thứ sáu:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

   Mở đầu đoạn thơ lại là một câu hỏi tu từ khéo léo thể hiện nỗi nhớ của người đi, kẻ ở:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

     Câu thơ với thể thơ lục bát cùng cách xưng hô “ta-mình” nghe mới thật thân thương làm sao. Nhịp thơ nhịp nhàng, ngôn ngữ dung dị làm người đọc liên tưởng tới lối đối đáp thân tình trong ca dao, dân ca Việt Nam xưa “Ta về mình có nhớ ta – Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Không biết kẻ ở có nhớ người đi không, nhưng người đi thì sẽ nhớ “những hoa cùng người”. Nhà thơ đã khéo léo nhắc tới “hoa” bởi “hoa” là đặc trưng của vùng núi Việt Bắc tươi đẹp, với mỗi mùa trong năm lại là một mùa hoa để nhớ để thương. Cả câu thơ mang ý nghĩa nỗi nhớ khôn nguôi, sự tiếc nuối  khi phải rời xa của người về xuôi với cả thiên nhiên và con người  Việt Bắc.

     Nhà thơ tiếp tục đưa người đọc đến với vẻ đẹp của Việt Bắc suốt bốn mùa và mở đầu là một mùa đông không hề lạnh giá mà vẫn đầy sức sống:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”

     Những tưởng mùa đông nơi rừng thiêng nước độc u ám và lãnh lẽo lắm, nhưng với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thì khác, vẫn rất đẹp đẽ vô cùng. Với cách diễn tả màu “xanh” của “rừng” đối lập với màu “đỏ tươi” của “hoa chuối”, bài thơ đã đưa chúng ta đến với một bức tranh bạt ngàn một màu xanh bất tận của rừng già. Nổi bật trên cái nền xanh ngút ngàn ấy là những bông “hoa chuối đỏ tươi” điểm tô thêm sức sống căng tràn của thiên nhiên nơi đây. Và thấp thoáng trong bức tranh nên thơ ấy lại là hình ảnh con người đang hăng say lao động. Với cách miêu tả nắng chiếu làm ánh lên trên chiếc dao gài bên thắt lưng cùng việc dung động từ “ánh”, câu thơ càng làm toát lên được vẻ đẹp siêng năng của những người lao động nơi đây.

     Tiếp tục với bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc, nhà thơ như một người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng ta đến với vùng đất thơ mộng ấy vào mùa xuân đầy sắc trắng của hoa mơ:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

     Mùa xuân Việt Bắc dường như cũng đẹp không kém gì mùa đông.  Hình ảnh “mơ nở trắng rừng” cho người đọc cảm giác như thiên nhiên bừng tỉnh sau mùa đông để khoác lên mình một sắc trắng ngút ngàn, như một cô gái khoác lên mình chiếc áo mới tinh khôi vậy. Bên cạnh cái đẹp trong màu trắng hoa mơ của rừng núi lại tiếp tục là con người đang cần mẫn từng ngày “đan nón chuốt từng sợi giang”. Động từ “chuốt” giữa câu thơ đã nhấn mạnh được sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận trong công việc của người dân Việt Bắc. Bức tranh thiên nhiên và con người hiện lên thật sống động khiến cho người đọc hình dung như mình đang đứng trên chính mảnh ngập đầy sắc trắng của rừng mơ, bên những ngôi nhà sàn người dân đang say mê làm việc, chuốt từng sợi giang nhanh thoăn thoắt.  Làm sao mà người đi không nhớ cho được một vùng đất tuyệt vời đến thế.

     Nếu mùa đông hiện lên với màu đỏ tươi của hoa chuối nổi bật trên nền xanh bất tận của núi rừng, mùa xuân khoác lên mình sắc trắng hoa mơ thì mùa hè Việt Bắc cũng góp vào bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp một màu vàng rực rỡ:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.”

     Tố Hữu thật khéo léo và tinh tế khi đưa vào trang thơ của mình tiếng “ve kêu” cùng sắc “vàng” của “rừng phách”. Mùa hè nơi đây không chỉ có màu sắc mà còn có cả âm thanh thật sống động. Tiếng ve kêu giữa mùa hè dường như tạo nên một bản nhạc tuyệt vời của rừng già. Động từ “đổ” trong câu thơ khiến cho người đọc có cảm giác như tiếng ve kêu tới đâu, rừng phách đổ vàng đến đó, một sắc vàng ngút ngàn rực rỡ. Cảnh vật nên thơ là vậy, con người hiện lên trong bức tranh thơ Tố Hữu cũng hữu tình không kém. Giữa rừng phách đổ vàng đầy lôi cuốn ấy, hình ảnh cô em gái hái măng một mình lại tiếp tục thể hiện sự chăm chỉ, gần gũi của con người Việt Bắc, khiến cho bức tranh thiên nhiên càng trở nên đầy sức sống hơn.

     Bốn mùa có xuân hạ thu đông, sẽ thật là thiếu xót nếu như bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thiếu đi sự yên bình, sâu lắng của mùa thu:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

     Nếu Việt Bắc bước vào trang thơ với hình ảnh núi rừng vào ban ngày của mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, thì mùa thu lại mang một nét riêng vào ban đêm. Hình ảnh trăng đã từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca kim cổ thì nay lại được bước vào thơ Tố Hữu khi miêu tả mùa thu Việt Bắc. Hình ảnh “trăng rọi hòa bình” mang đến cho núi rừng một không gian êm đềm, bình yên. Từ “rọi” khiến cho người đọc có cảm giác dường như ánh trăng sáng lung linh len lỏi qua từng tán lá cây , chiếu xuống bên dưới thật êm ả. Giữa bức tranh tĩnh lặng ấy lại vọng từ phía xa nào đó “tiếng hát ân tình thủy chung”. Đại từ “ai” trong câu thơ còn chỉ ai khác nữa nếu không phải là con người chân thành, đôn hậu của núi rừng nơi đây. Cụm tính từ “ân tình thủy chung” trong câu thơ nói về tiếng hát nhưng cũng chính là nói về đồng bào Việt Bắc – những con người hiền lành, chất phác, chăm chỉ và một lòng thủy chung với bộ đội , với cách mạng Việt Nam. Bức tranh thu với tiếng hát của con người vừa tình mà lại động, khiến cho người đọc có một cảm giác ấm áp vô cùng.

     Bao trùm lên toàn bộ khổ thơ là một bức tranh tứ bình với bốn mùa xuân hạ thu đông. Việt Bắc hiện lên thật đẹp đẽ với cả thiên nhiên và con người qua cách viết một câu tả cảnh lại một câu tả người trong mỗi cặp thơ lục bát. Với thể thơ lục bát có nhịp thơ nhịp nhàng, lối đối đáp quen thuộc như ca dao dân ca, ngôn ngữ dung dị, hình ảnh đặc trưng, đoạn thơ đã khẳng định được tài năng bậc thầy trong thơ Tố Hữu.

     Gấp trang sách lại mà hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và con người bình dị, nghĩa tình của Việt Bắc vẫn hiện lên trong tâm trí người đọc. Qua đó, đoạn thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, tình cảm chứa chan của nhân vật trữ tình  với mảnh đất Việt Bắc thân thương. Bài thơ nói chung cũng như đoạn thơ nói riêng sẽ mãi là một khúc ca thời chiến đẹp đẽ trong nền thơ ca Việt Nam.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021