logo

Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng

Bạn đang gặp khó khi làm bài văn Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!


Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng - Bài mẫu 1

Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng (ngắn gọn, hay nhất)

     “ Thơ là người thư kí trung thành của trái tim”, nghệ sĩ gửi gắm tiếng lòng mãnh liệt vào tác phẩm văn học. Bởi vậy, ta có dịp gặp gỡ trái tim thi sĩ Xuân Quỳnh với niềm khát yêu được thể hiện trong bài thơ “ Sóng”. Khổ thơ một và hai khổ thơ cuối giúp ta cảm nhận rõ nét tâm hồn người con gái trong tình yêu, đồng thời thấy sự vận động của cảm xúc trữ tình.

     Thơ ca bắt rễ từ cuộc đời, sau một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền, nguồn cảm hứng trào dâng trong lòng nhà thơ khi bắt gặp hình ảnh con sóng giữa đại dương. Bài thơ được trích trong tập “ Hoa dọc chiến hào” (1967). Khi cả nước hòa trong âm vang của cuộc kháng chiến trường kỳ, các cây bút dù viết về đề tài gì cũng mở đường cho tình yêu tổ quốc- cái ta. Thì tiếng thơ Xuân Quỳnh thuần túy nói về tình cảm lứa đôi, nên “ Sóng” trở thành bông hoa lạ giữa làng văn học lúc bấy giờ.

     Nhà thơ thành công khi sử dụng thể thơ năm chữ kết hợp với biện pháp ẩn dụ không hoàn toàn giữa nhân vật trữ tình “em” và hình tượng sóng, khi song hành lúc nhập làm một, tạo nên nhịp điệu hài hòa giữa tiếng sóng và tiếng lòng. Con sóng đại dương đồng hành cùng nhân vật “em” trên hành trình tự thức về tâm hồn mình khi yêu:

“ Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

     Giọng điệu nhẹ nhàng khi người con gái thấy nhịp sóng vỗ như những cung bậc trong lòng. Con sóng lúc nổi phong ba “ dữ dội”, “ồn ào” sôi trào, lúc êm đềm “ dịu êm” và bình lặng thì con sóng trong tâm hồn cô gái lúc sâu lắng, khi giông tố. Những tính từ biến con sóng vô tri thành chủ thể đầy tâm trạng. Liên từ tinh tế “ và”, không dựng bức tường ngăn cách những trạng huống tưởng như đối nghịch nhau mà dung hòa, gắn kết chúng tồn tại trong một bản thể. Con sóng của nhà thơ có lúc ồn ào nhưng luôn đổ về phía êm dịu bởi nó mang thiên tính nữ, là sự hiện diện của cái tôi Xuân Quỳnh.

     Sóng trong quy luật tự nhiên từ sông đổ ra bể:

“ Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

     Con sóng nhỏ mang trong mình khát vọng lớn lao, muốn vượt thoát khỏi “ sông”- không gian hạn hẹp để tiến ra biển- không gian dài rộng, khoáng đạt. Khám phá hành trình của sóng, nhà thơ phát hiện ra hành trình của con người đến với tình yêu. Động từ “ tìm ra tận” gợi tâm thế chủ động, bản lĩnh của cô gái sẵn sàng dấn thân tìm kiếm bến bờ hạnh phúc đích thực và được sống trọn vẹn là mình.

     Con sóng đại dương còn bên người con gái thấu cảm những thuộc tính của trái tim yêu. Đó là nơi chất chứa nỗi âu lo và niềm tin mạnh mẽ:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

     Với trái tim đa cảm, tâm hồn giàu trắc ẩn, Xuân Quỳnh nhạy cảm trước sự trôi chảy của thời gian, hữu hạn của đời người. Bên cạnh sự nồng nhiệt, khát yêu, thơ Xuân Quỳnh vẫn tránh khỏi những dự cảm, bất an về tình yêu chân thành:

“ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,

Ai biết lòng anh có đổi thay?”

                    ( “ Tự hát”)

     Tác giả nhận thấy những giới hạn nhất định cuộc đời tuy dài vẫn có điểm kết thúc, biển tuy rộng vẫn có bờ, tình yêu mong manh có thể thay đổi như áng phù vân nổi trôi, khó nắm bắt. Trái tim phong phú như bản đàn đa cung bậc nên trái tim còn mang niềm tin trong sáng, trọn vẹn. Cặp quan hệ từ “ tuy, vẫn” mang tính khẳng định nét lo lắng chỉ thoáng qua còn sự tin tưởng ở lại làm điểm tựa tâm hồn. Hình ảnh ngàn con sóng vẫn xô bờ, những đám mây mỏng manh vẫn xuyên qua năm tháng khơi dậy niềm tin tình yêu chân chính là hành trang đưa con người đến đích cuộc đời mình. Đó chính là sự nhận thức sâu sắc về quy luật, chân lý đời sống nên nó trong sáng, thiết tha và cháy bỏng.

     Sóng cũng như “em” còn mang khát vọng hướng tới tình yêu vĩnh cửu:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

     “ Tan ra” là khao khát được hóa thân thành muôn vàn con sóng để tồn tại giữa cái vô hạn của không gian, cái vĩnh hằng của thời gian “ ngàn năm”, khát vọng muốn nối dài sự hữu hạn của kiếp người, vĩnh viễn hóa tình yêu cao đẹp. Khao khát gợi tâm hồn cao thượng, vị tha, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ hạnh phúc nguyên vẹn. Đoạn thơ khép lại bài thơ “ Sóng” mang nhịp điệu thổn thức của trái tim yêu tha thiết, mãnh liệt.

     Con sóng được khám phá suốt một quá trình từ sông ra biển, từ cạn hẹp đến rộng lớn, từ bé nhỏ tới cao rộng. Nếu khổ một sóng tìm bản thân mình với những trạng thái, xúc cảm thì hai khổ cuối sóng đã tìm thấy lẽ sống tình yêu- sự dâng hiến, suy tư và khát vọng. Giọng điệu linh hoạt từ mạnh mẽ đến sâu lắng, suy tư và nồng nàn, sôi nổi. Hình tượng sóng em không còn sóng đôi mà hòa nhập trong đoạn thơ cuối. Ba khổ thơ giúp ta cảm nhận rõ nét sự vận động của nhân vật trữ tình, cũng như trái tim yêu đa cảm của nữ sĩ. “ Sóng” còn đọng lại trong lòng bạn đọc nhịp vỗ của tình yêu mang vừa màu sắc cổ điển vừa hiện đại.


Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng - Bài mẫu 2

Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Tình yêu luôn là thứ tình cảm đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất, lãng mạn nhất trong nhân sinh hữu hạn của mỗi con người. Sự đời vật đổi sao dời, đổi thay là điều không thể tránh, chỉ có những tình cảm rung động ấy là sẽ theo ta suốt cuộc đời, lưu lại nơi trái tim ta những vì sao lấp lánh. Có lẽ cũng bởi thế mà tình yêu luôn khơi gợi trong lòng thi nhân những cảm xúc mãnh liệt, để từ đó làm nên những vần thơ sống mãi với thời gian. Ta chắc hẳn đã từng bắt gặp một Hàn Mặc Tử với tình yêu đầy thổn thức, xót xa trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, một Nguyễn Bính với tình yêu giản dị, “Chân quê”. Và đến với Xuân Quỳnh, ta như lạc vào thế giới tâm hồn của người phụ nữ tràn đầy cảm xúc trong những khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Một trong những thi phẩm đặc sắc của chị chính là bài thơ “sóng”.

     Đại thi hào Nga Puskin từng nói : “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Thơ Xuân Quỳnh chính là tiếng lòng của một người phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn tha thiết trong khát vọng tình yêu và khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Bài thơ “Sóng” là bông hoa được Xuân Quỳnh “hái” dọc chiến hào vào năm 1967. Đây cũng là bài thơ tình duy nhất được in trong tập thơ. Mượn hình ảnh sóng trong khổ thơ đầu và hai khổ thơ cuối, nữ sĩ đã diễn tả những cảm xúc đối lập trong tình yêu, từ đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và quan niệm tình yêu của mình
Mở đầu đoạn thơ là những trạng thái cảm xúc đầy mâu thuẫn, đối lập trong tình yêu:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

     Những cặp tính từ đối lập “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ” đã khắc họa một quy luật bất biến: dù cho tình yêu của người phụ nữ có ồn ào, dữ dội đến đâu thì cuối cùng vẫn sẽ đổ về phía dịu êm, lặng lẽ. Đôi mắt nữ sĩ đã chạm tới phần thẳm sâu trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu để rồi tìm ra quy luật muôn đời bất biến. Điệp từ “và” xuất hiện hai lần ở giữa câu thơ đã gợi ra mối quan hệ gắn kết lẫn nhau, song hành cùng nhau của hai trạng thái tình yêu. Bản tính của sóng cũng chính là tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, đầy mãnh liệt nhưng cũng rất dịu dàng e lệ.
Hình ảnh những con sóng từ lâu vốn đã trở nên quen thuộc trong thơ ca. Ca dao khi xưa từng viết : Chiều chiều bước xuống ghe buôn Sóng bao nhiêu gợn dạ em buồn bấy nhiêu
Thế nhưng, khác với những con sóng trong ca dao xưa thường gợi về nỗi nhớ nhung sầu muộn, sóng trong thơ Xuân Quỳnh lại tràn đầy sức sống, chủ động tìm kiếm cội nguồn của mình, cội nguồn của tình yêu: Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể

Mượn quy luật muôn đời của thiên nhiên, nhà thơ đã thể hiện khát vọng lớn lao, khát vọng được khám phá, được hiểu biết khi những con sóng bình yên, lặng lẽ không thể dung nạp được cái khát khao, mãnh liệt nữa rồi. Đó cũng chính là sự chủ động đầy bản lĩnh của người con gái trong thời đại mới. Quan niệm đó thật mới mẻ, táo bạo, không giống như người phụ nữ trong thời kỳ trung đại :

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

                                (Bánh trôi nước – Hồ Quỳnh Hương)

     Hình tượng sóng còn gợi về những dự cảm mong manh trước tình yêu, hạnh phúc.

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn qua đi

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

     Kết cấu câu “tuy- vẫn” đã diễn tả quy luật tất yếu của tự nhiên. Cuộc đời là vô cùng, vô tận nhưng sự sống con người lại chỉ là hữu hạn, nhỏ bé. Ý thức được điều đó, chính Xuân Quỳnh cũng thoáng chút lo âu trước sự trôi chảy của cuộc đời. Khổ thơ cũng ngầm ẩn chứa sự đối lập giữa cuộc đời mỏng manh tựa sương khói với không gian, thời gian rộng lớn, vô tận. Ẩn sâu trong những trăn trở, lo âu ấy lại là niềm tin vào tình yêu, khát khao được sống trọn vẹn, được cháy hết mình với tình yêu của mình.
Xuôi theo mạch nguồn cảm xúc ấy, ta bỗng thấy khát khao được hòa nhập, dâng hiến của người phụ nữ:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa bể lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

     Hai chữ “làm sao” như cứa sâu vào lòng người nỗi niềm trăn trở của thi sĩ. Xuân Quỳnh khao khát được hòa mình thành trăm nghìn con sóng trên biển xanh rộng lớn. Đó là khát khao được yêu và dâng hiến hết mình cho tình yêu, cũng là khát vọng thẳm sâu như đại dương của người phụ nữ. “Biển lớn tình yêu” trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ là tình yêu rộng lớn, bao dung mà còn là tình yêu giữa con người với con người, tình yêu với ngọn núi dòng sông, với Tổ quốc tươi đẹp. Chị muốn “tan ra” không phải để biến mất mà để hòa nhập, góp một phần sức nhỏ nhoi, hữu han của mình cho cuộc đời. Nếu như ở khổ thơ đầu tiên, sóng là hình tượng để em gửi gắm những suy tư thì giờ đây, sóng và em đã trở thành một, chan chứa tình yêu với cuộc đời.

     Ba khổ thơ trên là tiêu biểu cho bài thơ “Sóng”, góp phần đưa bài thơ trở thành một trong những thi phẩm tiêu biểu của Xuân Quỳnh nói riêng và thi đàn Việt Nam nói chung. Bằng hình tượng sóng đầy độc đáo, bài thơ đã thể hiện một quan niệm tình yêu đầy độc đáo, mới mẻ. Qua đó làm bật lên phong cách nghệ thuật rất riêng của nhà thơ.
Thời gian không ngừng thay đổi, những thành quách lâu đài rồi cũng sẽ lụi tàn. Thế nhưng “Sóng” cùng với Xuân Quỳnh vẫn sẽ luôn sống mãi trong lòng bạn đọc yêu thơ hôm nay và mai sau.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích khổ thơ 1, 2 và 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021