logo

Phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc hoan ca, mang âm hưởng rộn rã, phấn khởi của con người trong công việc lao động thường nhật. Bài thơ có rất nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người lao động. Tiêu biểu hơn cả đó chính là hình ảnh con thuyền trong bài thơ. Dưới đây chúng  tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc bài phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá.


1. Dàn ý phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá.

a, Mở bài

Giới thiệu chung về tác giả và bài thơ đoàn thuyền đánh cá

b, Thân bài

- Phân tích hình ảnh đoàn thuyền ra khơi: Chi tiết mặt trời lặn trên mặt biển đỏ rực như hòn than, đây cũng là thời điểm ngư dân bắt tay vào công việc thường ngày.

- Phân tích vẻ đẹp biển cả trong đêm ra khơi: Bằng bút pháp lãng mạn nhà thơ như vẽ nên khung cảnh vừa thực, vừa ảo. Vẻ đẹp của biển cả đã tạo nên sức mạnh và niềm vui cho người dân lao động, giúp cho ngư dân có niềm tin chinh phục thiên nhiên và hơn nữa là làm chủ cuộc đời.

- Phân tích công việc và tinh thần lao động của ngư dân: Những người ngư dân đi đánh cá cũng như đi đánh trận, họ thăm dò bãi cá, tìm thế trận để giăng lưới sao cho trúng luồng cá và thu được nhiều “chiến lợi phẩm”. Cuộc sống của những ngư dân vùng biển đã bao đời gắn liền với biển cả, họ quen thuộc với biển, quen thuộc bao loài cá như là bạn đồng hành của mình trong cuộc sống.

- Phân tích hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về: Hình ảnh bóng dáng người ngư dân in trên nền trời hồng rạng đông, những người ngư dân choãi chân, nghiêng mình và dồn hết sức mạnh vào đôi cánh tay kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu.

c, Kết bài

Khẳng định giá trị của bài thơ và chủ đề bài thơ: Bài thơ là một cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên và kết quả cuối cùng là con người đã chiến thắng. Đây là một khúc tráng ca, ngợi ca con người trong lao động.

Phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá

2. Phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá.

Huy Cận quê ở Hà Tĩnh, ông là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thơ ông đã có sự thay đổi khi nhìn con người giữa cuộc đời, con người trong các mối quan hệ xã hội. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” in trong tập Trời mỗi ngày sáng, được Huy Cận viết vào nửa cuối năm 1958 sau chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh. Bài thơ hòa trong khí hào hứng, phấn chấn khi miền Bắc được giải phóng và bắt đầu đi vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá được tái hiện với những hoạt động ở các thời điểm khác nhau, đây cũng chính là điểm sáng nghệ thuật của bài thơ.

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” vừa là một bức tranh đẹp, vừa là một khúc ca hào hùng về những người ngư dân đánh cá trên biển cả bao la của Tổ quốc. Những con người đó hiện lên thật hào hứng, phấn khởi, say mê với công việc của mình trong tư thế thực sự làm chủ biển khơi, làm chủ cuộc đời mới. Mở đầu bài thơ là hình ảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ, huy hoàng, vừa hùng vĩ đầy sức sống.

Nếu ở hai khổ đầu bài thơ là tình cảm náo nức say mê của con người trước cảnh đoàn thuyền giăng buồm ra biển khơi thì ở bốn khổ thơ tiếp theo tác giả Huy Cận tập trung thể hiện một khúc ca thi vị và hào hùng, mạnh mẽ với hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ngập ánh trăng vàng soi.

"Thuyền ta lái gió với buồm trăng,

Lướt giữa mây cao với biến bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng."

Nhà thơ Huy Cận đã nhập thân vào những người lao động đánh cá để cùng bày tỏ nỗi niềm suy nghĩ và nội tâm của mình. Chỉ với hai từ "Thuyền ta" đã bao hàm cả niềm tự hào của nhà thơ về sự gắn bó thân thiết với con thuyền, cảm giác được làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Hình ảnh con thuyền mà nhà thơ miêu tả có những nét hết sức kỳ vĩ, lớn lao, thơ mộng và thi vị, con thuyền ấy được lái bằng sức gió, lấy ánh trăng làm buồm. Tưởng tượng đoàn thuyền ra khơi vào một đêm trăng sáng, trên bầu trời cao có ánh trăng sáng tỏ phủ xuống đoàn thuyền một màu nhàn nhạt tươi mát như dát vàng, lấp lánh, điều này khiến nhà thơ có cảm nhận cánh buồm của đoàn thuyền được dệt nên từ ánh trăng. Gió chính là động lực để khiến buồm căng đẩy thuyền ra khơi và còn đóng vai trò là người cầm lái cho con thuyền. Con thuyền ấy không còn lướt trên mặt biển mà đang lướt giữa "mây cao với biển bằng", với động từ "lướt" khiến ta hình dung đến tốc độ đi của con thuyền, với động từ “lướt” ta thấy đây có thể là một nhịp đi khá thanh thản, nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Trước khi ra biển khơi mênh mông con thuyền trở nên nhỏ bé, mong manh nhưng chỉ bằng vài dòng thơ tác giả đã đưa con thuyền lên tầm vóc mới. Con thuyền hiện lên nổi bật giữa thiên nhiên, mượn sức của mẹ thiên nhiên mà tiến ra khơi xa trong phong thái hiên ngang, hùng dũng. Đoàn thuyền ra giữa biển khơi "dò bụng biển" cho thấy con người đang tìm kiếm và khai thác nguồn tài nguyên vô tận của thiên nhiên, đoàn thuyền và con người làm chủ thiên nhiên hùng vĩ. Lúc này đây biển cả không còn bao la, mênh mông, đáng sợ nữa mà trở thành nơi cung cấp nguồn sống cho con người. Trong đêm trăng thơ mộng ấy, đoàn thuyền "Dàn đan thế trận lưới vây giăng". Trong mắt nhìn của Huy Cận thì công cuộc lao động ấy không đơn giản là những công việc tay chân bình thường mà là cả một cuộc chiến, đòi hỏi cân sức cân sức, cân tài chiến đấu với thiên nhiên để thu được những thành quả tốt đẹp nhất.

"Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long."

Tác giả đã ngợi ca sự giàu có của biển cả bằng cách liệt kê tên của các loài cá khác nhau: “Cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song lấp lánh đuốc đen hồng”. Đây là những loài cá quý hiếm ở vùng biển nước ta, những loài cá này mang lại giá trị kinh tế lớn cho ngành thuỷ sản ở Việt Nam.

Biển nước ta không chỉ giàu mà còn rất đẹp. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, trăng bắt đầu lên, chúng ta có thể hình dung giữa không gian bao la sóng nước, ánh sáng dịu dàng, mờ ảo, lúc ấy biển mang màu sắc thật nên thơ. Biển hiện lên lấp lánh, dịu dàng, thanh thoát. Vẻ đẹp đó hòa cùng với màu sắc  “đen hồng”, “vàng chóe”… của muôn loài cá trên biển đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, ánh sáng, lung linh huyền ảo.

Những con cá song được miêu tả như những ngọn đuốc đen hồng đang lao đi trong luồng nước dưới ánh trăng lấp lánh, đây quả là hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Hình ảnh, “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” lại có thể coi là hình ảnh đẹp nhất. Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như thể quẫy ánh trăng. Hình ảnh “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long” là một hình ảnh nhân hoá đẹp. Màn đêm được miêu tả như một sinh vật của đại dương. Tiếng thở của biển đêm cũng chính là ánh sao lùa sóng nước trong đêm tối. Bằng một tâm hồn hết sức tinh tế và có cái nhìn sâu sắc tác giả đã cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên, vũ trụ. 

"Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào."

Huy Cận đã sử dụng liên tục đại từ nhân xưng "ta" cho thấy ông đã thực sự hòa mình vào những người ngư dân, trở thành một phần của đoàn người đang hối hả say mê lao động trên biển cả. Cảnh lao động ấy giống như một bài ca đầy nhịp nhàng, đắm say. Trước hình ảnh đó, thiên nhiên cũng như đang hòa nhịp ngân vang "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao", câu thơ tượng như ánh trăng chiếu xuống mặt biển dập dềnh sóng nước, sóng vỗ vào mạn thuyền để xua cá vào lưới. Đây là một hình ảnh giàu chất thơ, đầy thi vị và cũng giàu nhạc tính. Ở hai câu thơ tiếp theo "Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi lớn đời ta tự buổi nào", thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với tài nguyên biển, tác giả ví biển cả như lòng mẹ bao la yêu thương con người như những đứa con, chắt chiu từng chút tinh hoa quý giá để nuôi dưỡng con người.

"Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng"

Chi tiết lưới xếp buồm lên đón nắng hồng tạo sự nhịp nhàng giữa hình ảnh con người lao động với sự vận hành của vũ trụ. Đoạn thơ là bức phác hoạ tư thế khỏe khoắn của người dân chài. Sao mờ, đêm tàn cũng là lúc những ngư dân kéo lưới kịp trời sáng. Cảnh kéo lưới, bắt cá của những ngư dân được miêu tả vừa chân thực, vừa đầy chất thơ với không khí khẩn trương, gấp gáp. Từ “bạc”, “vàng” vừa gợi màu sắc đẹp, vừa gợi lên sự quý giá, giàu có của biển ban tặng con người.

Qua việc miêu tả cảnh đánh cá trên biển của người dân chài vùng biển Quảng Ninh, đoạn thơ cũng ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước và sự giàu có, phong phú của tài nguyên biển; ngợi ca khí thế lao động miệt mài, hăng say và yêu đời của những người lao động đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước.

Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên là một hình ảnh duy mỹ và thi vị. Thông qua cái nhìn lãng mạn, lạc quan đầy vui tươi của tác giả Huy Cận, ta như được tác giả vẽ ra trước mắt khung cảnh lao động hăng say, hùng tráng của người dân miền biển. Con người lao động hiện lên mạnh mẽ, oai hùng dường như đã hòa chung một nhịp với thiên nhiên tươi đẹp và được thiên nhiên bao dung, chở che. Những ngư dân lao động vùng biển ấy đã thật sự làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

>>> Tham khảo: Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Đoàn thuyền đánh cá?

----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu dàn ý và mẫu Phân tích hình ảnh con thuyền trong bài Đoàn thuyền đánh cá. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt. 

icon-date
Xuất bản : 14/11/2022 - Cập nhật : 30/06/2023