logo

Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá

Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác năm 1958 khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa Xã hội đang được đẩy mạnh ở miền Bắc, cả dân tộc sục sôi trong không khí mới của đất nước. Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá với các tác phẩm sáng tác trước đó của Huy Cận chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi kỳ diệu của cách mạng mang đến cho những hồn thơ lãng mạn như Huy Cận. Dưới đây là dàn ý và bài mẫu chi tiết cho bài liên hệ, mời bạn đọc cùng tham khảo!


Dàn ý Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Khái quát những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ và liên hệ với một số bài thơ trước cách mạng như Tràng Giang, Ngậm ngùi để thấy sự thay đổi tích cực trong hồn thơ Huy Cận.

2. Thân bài

- Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo, phong cách sáng tác của nhà thơ qua bài Đoàn thuyền đánh cá:

+ Khúc ca cuộc sống lao động mới.

+ Thể hiện niềm vui say với sự đổi thay của cuộc sống và con người, niềm say sưa với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.

+ Ngôn từ thơ chọn lọc, giàu sức gợi, sử dụng thành thục các biện pháp tu từ.

- Liên hệ mở rộng với tác phẩm Tràng Giang và Ngậm ngùi của Huy Cận

+ Đề tài phản ánh khác nhau, cảm hứng khác nhau.

+ Hồn thơ có sự chuyển biến u sầu ảo nạo đến rạo rực , say sưa, phấn khởi.

+ Hình ảnh thơ u tối, cô đơn, lẻ loi đến tươi sáng.

- Đánh giá chung những đặc điểm phong cách thơ Huy Cận

+ Từ buồn bã, u sầu, ảo não cho đến tươi vui nhưng vẫn là tình yêu, nặng lòng với non sông, Tổ quốc.

+ Khát khao cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho Tổ quốc

3. Kết bài

- Khái quát giá trị của bài thơ.


Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá với Tràng Giang, Ngậm ngùi

      Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 khi Huy Cận đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh. Tác phẩm vẫn cho thấy những nét đặc trưng trong phong cách thơ Huy Cận, nhưng có sự thay đổi rõ rệt từ hồn thơ ảo não, u sầu trước cách mạng cho tới niềm say mê, phấn khởi sau cách mạng. Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá với một số tác phẩm trước cách mạng như Tràng Giang, Ngậm ngùi chúng ta sẽ thấy rõ sự biến chuyển tích cực này.

      Trong chuyến đi thực tế vùng mỏ Quảng Ninh, có dịp được trực tiếp sống, lao động cùng các ngư dân trên biển đảo, Huy Cận cảm nhận được nhịp sống khẩn trương, hối hả của con người nơi đây. Trước sự thay đổi kỳ diệu của non sông, đất nước, nhất là hoà chung trong không khí phấn khởi, tưng bừng của dân tộc, Huy Cận đã sáng tác bài thơ này. Đoàn thuyền đánh cá khai thác hình ảnh đoàn tàu đánh cá ra khơi trong đêm tối và trở về khi khoang cá đầy, trời vừa kịp bình minh. Trong không khí lao động khẩn trương của đêm tối, con người như làm chủ cả vũ trụ, biển cả. Hình ảnh “ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”, “đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” cho thấy tư thế dũng mãnh của người lao động trong công cuộc khai phá và xây dựng cuộc sống mới, đồng thời cũng thể hiện tình yêu say sưa của tác giả với con người lao động và đất nước. Để thể hiện điều đó nhà thơ sử dụng những ngôn từ chọn lọc và đầy chất tạo hình, biện pháp ẩn dụ, nhân hóa “sóng đã cài then đêm sập cửa”, “mặt trời xuống biển như hòn lửa”... thơ vừa có chất cổ điển lại có chất hiện đại, thể hiện sự tài hoa trong phong cách sáng tác của Huy Cận.

Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá

      Trước cách mạng tháng 8 hồn thơ Huy Cận vô cùng ảo não, thê lương. Ông được xem là một nhà thơ của thiên sầu vạn cổ, ông nhìn thiên nhiên bằng tâm trạng đầy sầu não của một kẻ bất mãn với thế cuộc: Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu(Ngậm ngùi). Thiên nhiên và vũ trụ vẫn là đề tài xuất hiện nhiều trong thơ ông, chỉ có  điều trước cách mạng thiên nhiên và vũ trụ rợn ngợp còn con người thì hoàn toàn cô đơn, lẻ loi, bé nhỏ trước cái vũ trụ rộng lớn, mênh mông ấy: “Sóng gợn tràng giang… lạc mấy dòng” (Tràng Giang). Có thể nói trước cách mạng tháng 8 phong cách thơ định hình của Huy Cận luôn luôn buồn chán, sầu khổ, cái chán chường ăn sâu vào từng con chữ, ám ảnh từng giai điệu. Nỗi buồn ấy cũng là điểm chung của rất nhiều những nhà thơ cùng thời với ông.

      Đến với Đoàn thuyền đánh cá, cuộc sống mới đã mang đến cho hồn thơ của Huy Cận sức sống mới. Qua rồi cái thời kỳ đen tối của lịch sử, cảm hứng thời đại đã thổi bùng sức sống cho thơ ông. Vì vậy hồn thơ đã có sự chuyển biến từ u sầu ảo não cho đến rạo rực , say sưa, phấn khởi. Thiên nhiên và vũ trụ, con người vẫn là đề tài quen thuộc trong thơ ca nhưng bây giờ con người không cô đơn lẻ loi, bé nhỏ trước vũ trụ rộng lớn nữa mà con người làm chủ thiên nhiên và vũ trụ. Qua hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi, chạy đua với mặt trời, câu hát căng buồm với gió khơi ta thấy người lao động hoàn toàn làm chủ thiên nhiên và vũ trụ. Vũ trụ rộng lớn nhưng không lạc lõng với con người mà như làm bạn với con người, hoà vào niềm vui say lao động của con người trước thời đại mới.

      Sự chuyển biến của thời đại đã tạo nên sự chuyển biến của phong cách, nhà thơ tìm được vẻ đẹp thay thế cho nỗi cô đơn trước đó. Thiên nhiên giàu có nuôi dưỡng tâm hồn con người, mang đến cuộc sống ấm no cho con người. Bút pháp lãng mạn đã vẽ lên mặt biển đêm, những chú cá tươi ngon, tiếng hát lao động say sưa… tất cả đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống lao động và sự giàu có của thiên nhiên.

      Từ buồn bã, u sầu, ảo não cho đến tươi vui, từ đau khổ cho đến ngày mai tươi sáng, từ Tràng Giang, Ngậm ngùi cho đến Đoàn thuyền đánh cá tuy khác nhau trong cảm hứng khai thác nhưng vẫn là tình yêu, nặng lòng với non sông, Tổ quốc. Khát khao cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho Tổ quốc của nhà thơ Huy Cận.

------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ mở rộng bài Đoàn thuyền đánh cá. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 20/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023