logo

Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu, của tuổi trẻ. Vần thơ của ông luôn thấm đẫm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, trân trọng tuổi trẻ. Dưới đây là bài văn mẫu Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu, mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo. 


Lập dàn ý Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu

 

Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu

 

Mở bài:

Giới thiệu về tác giả Xuân Diệu.

Giới thiệu khái quát nội dung bài thơ “ Vội Vàng”.

Giới thiệu nội dung của đoạn 3 thể hiện “ Tuyên ngôn sống” của tác giả Xuân Diệu.

Thân bài:

Khát vọng sống vội vàng, tận hưởng của nhà thơ. 

- Câu cảm thán “ mau đi thôi” thể hiện sự tận hưởng thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống của tác giả.

Phân tích cụm từ “ ta muốn ôm”.

- Các từ “ riết” “say” “thâu” tác giả sử dụng một loạt các động từ mạnh theo lối tăng tiến

- Mục đích tận hưởng của nhà thơ 

+ Cho chếch choáng

+ Cho đã đầy

+ Cho no nê

- Các tính từ thể hiện sự thỏa mãn, sung sướng của thi sĩ khi tận hưởng. 

Câu thơ cuối thể hiện khát vọng tận hưởng cuộc sống 

Giọng thơ cương quyết, điệp từ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh nối tiếp....

Kết bài:

Khái quát lại vấn đề. 

>>> Tham khảo: Cảm nhận của anh chị về 13 câu thơ đầu của bài thơ Vội vàng

 


Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu.

Phân tích đoạn 3 "Tuyên ngôn sống " của Xuân Diệu.

 

       Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình Việt Nam, là nhà thơ lớn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Xuân Diệu là một cái tên quen thuộc được biết đến với những bài thơ về mùa xuân, tuổi trẻ ( trước cách mạng tháng Tám) hay những bài thơ về Tổ Quốc, về nhân dân, về Đảng, về Bác Hồ, về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, về sự nghiệp xây dựng đất nước (sau cách mạng tháng Tám). Nổi bật trong những bài thơ viết về mùa xuân, tuổi trẻ của Xuân Diệu là bài Vội vàng."Vội vàng" là bài thơ rút ra từ tập "Thơ thơ", là thi phẩm kết tinh vẻ đẹp thơ Xuân Diệu trước cách mạng. Bài thơ là lời giục giã sống hết mình, sống mãnh liệt, trân trọng và tận hưởng những phút giây của cuộc đời. Đặc biệt hơn đó là phải sống hết mình với những năm tháng tuổi trẻ bởi vì thanh xuân sẽ không quay lại lần hai. 

     Bài thơ được chia thành 3 đoạn trong đó đoạn thơ số 3 đã thể hiện “ Tuyên ngôn sống” của thi sĩ Xuân Diệu. Đoạn thơ đã nói lên khát vọng sống vội vàng và tận hưởng của nhà thơ, qua đó đã thể hiện “ Tuyên ngôn sống của tác giả. 

 

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,


Ta muốn ôm


Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;


Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,


Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,


Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều


Và non nước, và cây, và cỏ rạng,


Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng


Cho no nê thanh sắc của thời tươi;


- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

 

      Ngay từ câu đầu tiên của đoạn thơ tác giả sử dụng cụm từ “ mau đi thôi” như một lời thúc giục mạnh mẽ, phải nhanh nhanh đi thôi.  Với nhịp thơ dồn dập, cách ngắt nhịp độc đáo câu thơ như một lời giục giã tới mọi người, phải nhanh lên, vội vàng để sống hết mình với thanh xuân, tuổi trẻ trước khi tuổi trẻ qua đi. 

      Trong thơ của Xuân Diệu từ lâu cũng đã vang lên lời thúc giục này: 

 

“ Mau với chứ vội vàng lên với chứ

 

Em em ơi tình non sắp già rồi”

 

      Câu thơ đã giúp cho người đọc ý thức được sự chảy trôi của thời gian. Tuổi thanh xuân chỉ đến một lần trong đời, nếu chúng ta không biết tận hưởng thì nó sẽ qua đi trong tiếc nuối và chẳng bao giờ ta quay lại được nữa. 

 

Ta muốn ôm


Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;


Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,


Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,


Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều


Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

 

      “ Ta muốn ôm “ câu thơ tuy chỉ có ba từ nhưng nó đã nói lên khát vọng sống mãnh liệt của tác giả. Tác giả như muốn dang rộng vòng tay để ôm lấy mọi thứ, muốn giữ lại mọi thứ để nó không trôi đi, không lạc đi mất. 

      Cái tôi của Xuân Diệu cũng thật kiêu hãnh, nếu như mở đầu là “ tôi muốn” thì giờ đây là “ ta muốn” tác giả thật tự tin làm sao. Tất cả cũng chỉ vì tác giả trân trọng cuộc sống, trân trọng tuổi trẻ này nên mới muốn như vậy. Cái ôm này như muốn níu hết lại mọi thứ, ôm trọn tuổi xuân, ôm trọn cuộc sống này. Qua câu thơ này ta cũng cảm nhận được lòng trân quý của ông đối với cuộc sống, đối với tuổi xuân. 

      Ở những câu thơ tiếp theo, tác giả đã liệt kê ra các đối tượng muốn ốm “ cả sự sống”, “ riết”, “ say”, “ thâu”, tác giả muốn ôm lấy cả sự sống xanh mơn mởn kia muốn níu lại những gì tươi đẹp nhất của tuổi trẻ. Muốn xiết chặt mây đưa và gió lượn, muốn say cánh bướm và tình yêu, muốn thâu trong một cái hôn chiều. Tấm lòng khát khao, rạo rực của người nghệ sĩ như “muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, dành trọn hết tất cả những gì xanh tươi, trẻ trung trong vũ trụ, muốn được bay bổng cùng với “mây đưa, gió lượn”, muốn được đã đầy say đắm trong tình yêu và mật ngọt của tuổi trẻ. Tất cả những điều tuyệt vời ấy Xuân Diệu chỉ muốn gộp, muốn “thâu” hết lại trong một “cái hôn nhiều” đắm say, mơ màng và sâu sắc.

      Lòng của tác giả chỉ muốn tận hưởng càng nhiều hơn nữa, tận hưởng những gì tinh túy nhất của trời đất, những gì đẹp nhất của tuổi xuân. Xuân Diệu có hơi tham lam khi ông muốn ôm, muốn níu lại tất cả những gì đẹp nhất của tuổi trẻ. Xuân Diệu trong thơ cứ muốn tận hưởng mãi và không có điểm dừng. Tấm lòng khát khao, rạo rực của người nghệ sĩ như “muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, dành trọn hết tất cả những gì xanh tươi, trẻ trung trong vũ trụ, muốn được bay bổng cùng với “mây đưa, gió lượn”, muốn được đã đầy say đắm trong tình yêu và mật ngọt của tuổi trẻ. Tất cả những điều tuyệt vời ấy Xuân Diệu chỉ muốn gộp, muốn “thâu” hết lại trong một “cái hôn nhiều” đắm say, mơ màng và sâu sắc.

 

      Các động từ mạnh được dùng theo lối tăng tiến, kết cấu ngữ pháp trùng điệp thể hiện tính cao trào và mãnh liệt của cảm xúc. Qua từng câu thơ cảm xúc của tác giả cũng được nâng theo lên, càng ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. 

 

" Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng


Cho no nê thanh sắc của thời tươi;"

 

      Ở hai câu thơ này tác giả đã nói đến ta phải tận hưởng như thế nào. Cho “ chếch choáng”, “ đã đầy”, “ no nê”. Một loạt các tính từ được sử dụng để thể hiện cảm giác thỏa mãn, sung sướng của tác giả khi  tận hưởng. Không gian đầy cỏ cây, hương thơm, ánh sáng tất cả đều được thi sĩ cảm nhận bằng hết tấm lòng của mình. Dành thời gian để cảm nhận, tận hưởng tuổi trẻ, khát vọng sống với tuổi trẻ càng được thể hiện mạnh mẽ hơn. 

      Câu thơ cuối bài “Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!” là một câu thơ giàu xúc cảm và rất tình tứ, thể hiện được cái lãng mạn vừa phóng khoáng vừa ngông cuồng, cũng như tình yêu mãnh liệt của Xuân Diệu đối với mùa xuân. Đối với ông chỉ cảm nhận, mắt thấy tai nghe còn chưa đủ, mà người còn muốn được cắn thử, nếm thử cái hương sắc tuyệt vời của mùa xuân, được tận hưởng một cách trọn vẹn nhất thì mới nguôi ngoai những nỗi tiếc nuối, hoang mang trong lòng, mới lấy lại được sự cân bằng trong những cảm xúc bâng khuâng vì sợ tuổi xuân trôi đi mất.

 

      Bằng giọng thơ cuống quýt, vội vàng, nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc ngữ pháp, các động từ mạnh nối tiếp, các tính từ chỉ xuân sắc tính tứ cùng cộng hưởng với nhau để thúc giục vội vàng, phải tận hưởng và cảm nhận thứ gọi là tuổi xuân vì tuổi xuân chẳng bao giờ quay lại lần hai. Đời người thì hữu hạn, còn thiên nhiên cỏ cây đất trời và thời gian thì cứ tuần hoàn lặp đi lặp lại. Vậy nên ta phải biết tận hưởng cuộc sống và trân trọng cuộc sống này. 

 

      Vội vàng của Xuân Diệu là một bài thơ rất hay, rất mới. Thi sĩ đã thể hiện một cách rất tinh tế, độc đáo với lối thơ tự do tác giả đã truyền đến cho người đọc một cảm xúc mới. Chúng ta phải biết trân trọng tuổi xuân, trân trọng cuộc sống tươi đẹp này, để tuổi xuân trôi đi mà không bị lãng phí. Qua đoạn thơ trên, tác giả cũng đã nêu lên “ Tuyên ngôn sống” của mình phải sống hết mình với tuổi trẻ, trân trọng cuộc sống tươi đẹp này và phải “ vội vàng” lên vì thời gian chẳng chờ đợi ai cả nếu chúng ta không biết tận hưởng thì mọi thứ trôi đi thật lãng phí. 

-----------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã mang đến cho các bạn bài văn mẫu Phân tích đoạn 3 “ Tuyên ngôn sống” của Xuân Diệu. Hi vọng bài viết này giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Mời các bạn đến với bài tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 07/02/2023 - Cập nhật : 03/07/2023