logo

Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi - Bài văn mẫu

  “Vội vàng” được trích trong tập “Thơ Thơ” xuất bản 1938 và là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu. Âm hưởng chủ đạo bao trùm trong bài thơ chính là tình yêu cuộc sống, yêu tuổi trẻ và khát vọng sống gấp, sống vội để không hoài phí những năm tháng tuổi trẻ. Tư tưởng ấy thẫm đẫm trong từng câu thơ và đã được đặt ra ngay ở đoạn 1 của bài thơ này.

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

……………..

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

     Ngay ở những dòng thơ đầu tiên cái tôi trữ tình của Xuân Diệu đã thể hiện khát vọng “lạ đời”:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

     Đó chính là khát vọng, mong muốn được “tắt nắng” để màu đừng nhạt, đừng phai; “buộc gió” để hương thơm của vạn vật cỏ cây hoa lá còn mãi với con người. Khát vọng tưởng như lạ đời này suy cùng chính là khát khao yêu say với cuộc sống của Xuân Diệu. Mọi hành động, mong muốn ngược đời của ông chỉ với mục đích giữ lại được tất cả những vẻ đẹp cuả trần thế, của tạo hoá. Những câu thơ 5 chữ, ngắt nhịp 2/3 càng thể hiện mong muốn và khát khao cháy bỏng ấy của con người. Cái tôi trữ tình của hồn thơ tình Xuân Diệu đã dõng dạc thể hiện bản ngã của mình trong thơ ca mà trước đó chưa có bất kỳ một nhà thơ nào làm được.

Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi

      Để lý giải cho những khát vọng của mình  Xuân Diệu đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên với đầy đủ âm thanh, màu sắc, đường nét… mà nét nào cũng đậm, tràn trề nhựa sống. Chưa bao giờ có một mùa xuân đẹp và hấp dẫn con người đến thế: 

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

     Với cặp mắt của một thi nhân tháng giêng- mùa xuân -tuổi trẻ đẹp dịu dàng như một thiếu nữ, tràn trề nhựa sống, thanh sắc. Từng cảnh sắc đều đẹp với một vẻ đẹp mặn nồng “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ phất”, ‘khúc tình si”, ánh nắng ban mai tinh khôi, thanh khiết. Tất cả đã đan quyện vào nhau để tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy cảnh sắc với vẻ đẹp khó lẫn. Điệp từ “này đây” xuất hiện liên tục, kết hợp với những câu thơ dài nhấn mạnh những vẻ đẹp trù phú của cảnh sắc thiên nhiên. Dường như nhà thơ đang say sưa, ngây ngất với vẻ đẹp ấy và tự hào khi phô diễn toàn bộ những nét đẹp của mùa xuân đến bạn đọc. Táo bạo nhất ở đoạn 1 chính là hình ảnh so sánh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, nhà thơ đã lấy cái vô hình để so sánh với cái có thật, có thể cảm nhận được. So sánh “tháng giêng" với đôi môi của người thiếu nữ ngọt ngào, đắm say. Cách so sánh vô cùng mới mẻ, táo bạo, trước đó và kể cả sau này hiếm có thi sĩ nào dám sử dụng. Dường như tất cả vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên đều được nhìn qua lăng kính của một kẻ si tình.

Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi

     Vì mùa xuân đẹp, giàu sức sống nên con người ta say mê để tận hưởng, sung sướng với vẻ đẹp ấy. Thế nhưng ngất ngây trong men say ấy thi sĩ vẫn không quên sống gấp, vội vàng: “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Chẳng cần đợi nắng, thấy hạ về mới hối tiếc mùa xuân mà ngay từ lúc này, ngay lúc xuân đương độ “chín” nhất cái tôi trữ tình đã vội vàng, muốn nắm giữ, muốn thâu tóm trọn vẹn vẻ đẹp của mùa xuân. Đó là mong ước được níu giữ thời gian, kéo dài những năm tháng của tuổi trẻ, tình yêu và là nguyên nhân khiến nhà thơ phải sống gấp, phải vội vàng.

    Như vậy tư tưởng “vội vàng” sống để tận hưởng, thâu tóm mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ thấm đẫm trong từng câu từng chữ của bài thơ và được thể hiện ngay ở đoạn 1. Dẫu cách chúng ta nhiều thế kỷ nhưng tư tưởng của nhà thơ vẫn vô cùng mới mẻ, có ý nghĩa. Chẳng phải tuổi trẻ, thời gian là thứ sẽ qua mau mà chẳng có gì níu kéo được. Thế nên hãy sống làm sao cho ý nghĩa, trọn vẹn để không hoài phí những gì đã qua.

---/---

Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích đoạn 1 Vội vàng học sinh giỏi. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 11/08/2022