logo

Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27

Tắt đèn là một trong những tiểu thuyết hiện thực phê phán xuất sắc của nhà văn Ngô Tất Tố. Hình ảnh chị Dậu là linh hồn của tác phẩm xuất hiện hầu hết trên các chương của tiểu thuyết và đặc biệt ấn tượng ở chương cuối cùng, chương 27. Bằng một lối văn giàu cảm xúc, tác giả đã tái hiện thành công bức tranh hiện thực thối nát của xã hội, qua đó tố cáo chế độ xã hội, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Để hiểu thêm về chương cuối cùng này các em hãy cùng phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27 ngay nhé.


Dàn ý Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27

1, Mở bài

- Giới thiệu vị trí đoạn trích trong tác phẩm

- Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật tác phẩm: số phận bi đát, tiền đồ tối như mực của chị Dậu; tình tiết giàu kịch tính, khắc hoạ thành công nhân vật…

2, Thân bài

- Phân tích đánh giá nội dung

+ Đoạn trích giàu giá trị hiện thực: bộ mặt thối nát của bọn tay sai, cường hào, quan lại, những dục vọng tầm thường, đê hèn của con người; sống ký sinh đớn hèn của một bộ phận người trong xã hội…

+ Giá trị nhân đạo: số phận người phụ nữ như chị Dậu được tác giả nâng niu bằng một tình cảm trân trọng, ngợi ca

- Phân tích đánh giá nghệ thuật

+ Kết cấu chặt chẽ, tập trung.

+ Tính xung đột, bi kịch.

+ Khắc hoạ thành công nhân vật

+ Ngôn ngữ nhuần nhuyễn, đậm đà

3, Kết bài

- Đánh giá khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Khẳng định tài năng, tấm lòng của nhà văn.

Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27

Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27

      Chương 27, chương kết thúc tiểu thuyết Tắt đèn đã đặt con người vào thử thách giữa một bên là những cám dỗ, dục vọng của cuộc sống và một bên là hiện thực cuộc đời. Vượt qua được cám dỗ đó hình ảnh chị Dậu lại càng tỏa sáng hơn, cao đẹp hơn, là hiện thân cho vẻ đẹp chung thuỷ, vẹn tròn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thực dân. Có thể nói đây là một chương kết thúc tiểu thuyết có những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

      Toàn bộ chương 27 lấy bối cảnh không gian ở nhà cụ Cố. Một người đàn ông đã 80 tuổi, răng rụng hết nên không thể ăn những thứ cao lương, mỹ vị. Hàng ngày cụ vẫn dùng nước thịt ép nhưng theo lời dặn của đốc tờ thì uống thêm sữa người sẽ giúp bồi bổ cho sức khỏe của cụ. Và đó là lý do mà chị Dậu có mặt ở nhà của cụ Cố. Hàng ngày ngoài công việc chính là vắt sữa của mình để làm thức ăn cho cụ, chị Dậu kiêm nhiệm thêm một số việc vặt khác trong gia đình. Chuyện mở đầu bằng hình ảnh chị Dậu đang thổi lửa để nhóm bếp dưới con mắt thèm thuồng của anh bếp, bác tài… là những kẻ tay sai trong gia đình của cụ Cố.

Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27

      Với một không gian hẹp nhưng có tính chất điển hình trong xã hội, chương 27 đã phơi bày bộ mặt thật của xã hội thực dân nửa phong kiến. Thông qua một bức tranh thu nhỏ cận cảnh của tầng lớp thống trị đương thời... Đó là tên phụ bếp, tên lái xe, những kẻ tay sai của tầng lớp thống trị, cũng bị thâm nhiễm, tha hoá mang bản chất xấu xa, đua đòi. Những lời châm chọc, ong ve bên tai chị Dậu cho thấy bản chất đớn hèn, sống ký sinh đến bẩn thỉu của bộ phận tay sai trong xã hội. Và đặc biệt bức tranh hiện thực thối nát ấy được tô điểm bằng hình ảnh của cụ cố đã 80 tuổi nhưng đạo đức băng hoại, cố sống cố chết bằng cách uống sữa người để bồi bổ cơ thể. Thật đáng nực cười vì xung quanh cụ ấy biết bao những người nghèo khổ đến khoai sắn không có để ăn mà cụ thì phải uống bằng chính sữa của người vú nuôi để tẩm bổ cho mình. Ngòi bút châm biếm, đả kích của Ngô Tất Tố đã thể hiện nhẹ nhàng mà thâm thuý như vậy trên trang văn ở chương cuối của tác phẩm này.

      Thông qua bức tranh hiện thực cận cảnh đầy nghiệt ngã của xã hội thực dân nửa phong kiến. Ngô Tất Tố đã phơi bày tận cùng số phận bất hạnh của con người trong xã hội. Qua đó bộc lộ tư tưởng nhân đạo trên từng trang văn. Số phận người phụ nữ như chị Dậu - linh hồn của tiểu thuyết tắt đèn được tác giả nâng niu bằng một tình cảm trân trọng, ngợi ca. Ở những chương truyện trước chị Dậu gây ấn tượng với người đọc là một người phụ nữ yêu chồng, thương con hết mực, sẵn sàng vùng lên chống lại kẻ thù để bảo vệ chồng con. Đến chương 27 vẻ đẹp ấy lại được nhân lên gấp bội và hoàn thiện hơn. Người đọc không chỉ cảm mến bởi vẻ đẹp tảo tần, hy sinh, hết lòng vì chồng con, mà còn ở phẩm chất trong sạch, biết vượt qua những cám dỗ bủa vây quanh mình. Dù biết bao lời ong tiếng ve xung quanh, dù bị mua chuộc bởi nhiều thứ tốt đẹp nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ trọn vẹn đạo làm vợ, làm mẹ, quyết bảo vệ danh giá, phẩm chất của mình. Không những thế khi bị đẩy vào đường cùng, bị bạo hành, bóc lột bởi cường quyền người phụ nữ yếu đuối ấy đã dám đứng lên để chống lại cường hào, áp bức, sức sống tiềm tàng mãnh liệt chưa bao giờ tắt ở trong người phụ nữ nông dân ấy.

      Chương cuối này cũng thể hiện thành công trên phương diện nghệ thuật của tác phẩm. Một kết cấu truyện chặt chẽ, tập trung và nhất quán. Các tình tiết đan cài chặt chẽ, không có chi tiết thừa, không thiếu, tất cả đều ấn tượng và góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Tính xung đột và tính bi kịch được đẩy lên cao độ nhằm thu hút người đọc, làm tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện. Nhà văn tập trung khắc hoạ thành công các nhân vật trong chương cuối: một chị Dậu cần cù, tần tảo, giàu lòng tự trọng; một cụ cố dâm đãng, xấu xa, bẩn thỉu, một lũ tay sai đục nước thả câu… tất cả các nhân vật dù xuất hiện thoáng qua nhưng đều có những dấu ấn đậm nét.

      Vì thế có thể khẳng định chương 27 của tiểu thuyết tắt đèn là một trong những cái kết trọn vẹn cho tác phẩm này. Dù cuộc đời của chị Dậu vẫn chưa có hướng giải quyết nhưng chúng ta tin rằng cuộc đời chị sẽ sang một trang mới, chúng ta nhìn thấy bóng dáng chị đâu đó trong phong trào phá kho thác của giặc, trong những trận đánh du kích của bộ đội ta… cái kết thúc mở đã góp phần làm cho tiểu thuyết có sự lan toả mạnh đến với người đọc.

---------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích đánh giá nội dung nghệ thuật tác phẩm Tắt đèn chương 27. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 28/04/2023 - Cập nhật : 03/07/2023