Thỏ thay răng là một câu chuyện ngụ ngôn trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Thỏ muốn thay răng để trông mình hung dữ hơn cho các loài khác phải run sợ. Theo dõi bài viết dưới đây sẽ phân tích câu chuyện rõ hơn nhé!
Phân tích đặc điểm nhân vật Thỏ trong truyện Thỏ thay răng
Trong câu chuyện Con hổ có lá gan chuột nhắt, chúng ta thấy con chuột dù có trở thành mèo, thành chó hay thậm chí là hổ thì nó vẫn luôn sợ hãi khi đứng trước mèo, câu chuyện nêu lên bài rằng bản chất rất khó để thay đổi dù ngoại hình có thay đổi hoàn toàn. Truyện ngụ ngôn Thỏ thay răng cũng mang đến bài học tương tự. Thông qua nhân vật Thỏ, câu chuyện mang đến bài học sâu sắc về bản chất con người: Vẻ bề ngoài không thể làm thay đổi đươc bản chất bên trong, thay đổi tâm tính mới là then chốt để giải quyết vấn đề.
Thỏ là nhân vật chính của câu chuyện, chú sống trong một khu rừng cùng các loài vật khác. Thỏ được miêu tả là rất nhát gan, chú luôn có một nỗi sợ, đó là Cáo. Cứ hễ thấy bóng dáng Cáo là chú lại quay đầu bỏ chạy. Thỏ rất đau đầu về vấn đề này, chú cứ suy nghĩ mãi về cách giúp mình không sợ Cáo nữa. Sau thời gian dài suy nghĩ, Thỏ đã được tìm một cách mà chú tự cho là rất hay, Thỏ quyết định thay một bộ răng to trông thật hung dữ. Chú đến tìm bác sĩ Hạc để nhờ bác thay một hàm răng mới. Hiểu được hoàn cảnh của Thỏ, bác sĩ Hạc đã thay cho chú một hàm răng giống như của Sư Tử. Nhìn thấy bộ răng mới, Thỏ vô cùng sung sướng, sau đó xông xáo đi khắp nơi tìm Cáo. Với hàm răng giống như Sư Tử, chú Thỏ nghĩ rằng giờ đây mình sẽ phải chạy trốn Cáo nữa mà chính Cáo mới là kẻ sẽ phải sợ hãi bỏ chạy khi nhìn thấy Thỏ. Ấy thế mà, khi gặp Cáo, kẻ “sợ quá co giò chạy biến” vẫn là Thỏ. Trong sự sợ hãi tột cùng, Thỏ lại đến chỗ bác sĩ Hạc để xin bác thay cho một hàm răng to hơn nhưng bác sĩ Hạc cho rằng làm vậy “thì cũng chẳng có tác dụng gì đâu”, cuối cùng bác nói Thỏ, chỉ khi bỏ trái tim thỏ đi và thay bằng trái tim sư tử thì Thỏ mới hết sợ Cáo.
Có thể thấy Thỏ trong câu chuyện không chỉ nhát gan mà còn có phần ngây thơ khi tin rằng thay đổi ngoại hình có thể khiến mình không sợ Cáo nữa. Dù vậy, ở Thỏ vẫn có những điểm sáng như chú nhìn nhận được khuyết điểm của mình, chủ thừa nhận nó và mong muốn bản thân trở nên tốt hơn, chỉ là do Thỏ chưa hiểu rõ vấn đề mà dẫn đến sai lầm trong cách thay đổi bản thân. Việc thay răng không khiến thỏ bớt đi nỗi sợ hãi khi đối diện với Cáo vì nỗi sợ đó không xuất phát từ bộ răng mà xuất phát từ trái tim của Thỏ. Trái tim đó ẩn dụ cho bản tính nhát gan của chú. Bác sĩ Hạc khuyên Thỏ thay trái tim nhút nhát của mình bằng trái tim dũng mãnh của Sư Tử là muốn khuyên Thỏ muốn trở nên can đảm hơn hãy thay đổi bản tính và rèn luyện lòng dũng cảm của mình, dù rằng đây là một chuyện không hề dễ dàng.
Truyện ngụ ngôn Thỏ thay răng đã đem đến cho bạn đọc bài học và bản tính con người. Giống như người xưa có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, tính cách của mỗi con người rất khó để thay đổi, sự thay đổi ngoại hình không giúp chúng ta thay đổi hoàn toàn bản chất bên trong. Muốn chiến thắng nỗi sợ hãi và những khiếm khuyết của bản thân cần thừa nhận sư hiện hữu của chúng rồi từ đó cần có những cách thức thay đổi tích cực, đúng đắn từ bên trong chúng ta.
Cũng giống như các truyện ngụ ngôn khác, truyện Thỏ thay răng là câu chuyện ẩn ý chứa đựng đạo lý, bài học nhân sinh của người xưa để lại. Nó không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn đưa ra những quan niệm đạo đức và quan điểm sống tích cực cho người đọc.