logo

Phân tích bài thơ Vội vàng ngắn gọn


Mở bài Phân tích bài thơ Vội vàng

         “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông và thưởng thức”. Thạch Lam đã cho một nhận định vô cùng sâu sắc và chính xác, điều này sẽ làm nên một nhà văn thực thụ hay không. Và Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình là một trong những cây đại thụ viết nên tên tuổi của mình với các tập thơ tình ngọt ngào, mới mẻ của riêng ông. Bài thơ “vội vàng” chính là một tác phẩm tuyệt hảo thể hiện sâu đậm về quan niệm tình yêu của nhà thơ.


Thân bài Phân tích bài thơ Vội vàng

       Phong trào Thơ mới không ít những nhà thơ nổi trội, tạo được dấu ấn của riêng họ. Giai đoạn 1930-1945 để nói về cây bút lừng lẫy trong thơ mới thì có lẽ cái tên Xuân Diệu luôn được đứng đầu danh sách. Thổi vào lòng độc giả những thổn thức, nguồn sống, yêu thương dạt dào, mọi thứ trở nên mới mẻ, thu hút kì lạ chính là thơ của Xuân Diệu.  

Phân tích bài thơ Vội vàng | Văn mẫu 11 hay nhất

       Mở đầu bài thơ với những dòng vô cùng ấn tượng, lạ thường mà chỉ có ông mới có thể sáng tạo như vậy:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

         Nỗi lòng của nhà thơ được bộc bạch rất đời thường mà cũng rất lạ thường bằng việc mở đầu phá cách ,  “tôi muốn” một sự chủ động rõ ràng. Nếu những người nam tử khi xưa khác muốn lên non xuống bể, dựng xây nước nhà, lập công danh thì tác giả chỉ ước được tắt nắng, buộc gió. Xuân Diệu mong được tắt nắng để nó luôn giữ mãi sự rực rỡ, màu sắc tươi đẹp đó, muốn buộc gió để hương sắc đất trời mãi vương vấn, thoang thoảng nơi đây. Nghe có vẻ vui tai , kì dị về những ước muốn nhà thơ thể hiện trong thơ nhưng nó thật sự là một mong muốn chính đáng, muốn đoạt quyền tạo hóa. Ước muốn giữ mãi những điều tươi đẹp, níu giữ màu cùng hương sắc là ước mơ làm đẹp cho đời, cho người. Một tâm hồn thi sĩ đầy nhân văn, tràn trề nhựa sống được thể hiện tràn đầy qua hai câu thơ trên.

        Xuân Diệu đi đến với cái đẹp nơi trần thế bằng một tình yêu căng tràn, tươi trẻ nên ông đã tìm thấy một thiên đường ngay trên mặt đất với bao dư vị cảm xúc:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi"

       Cuộc sống muôn hình vạn trạng hiện lên trong từng dòng thơ của Xuân Diệu mới hấp dẫn, đặc biệt làm sao, một bữa tiệc trần gian bày sẵn, gọi mời. Sự lặp lại đầu câu hai chữ “này đây” là một sự nhắc lại tinh tế, vừa phải đủ để vẽ nên đậm nhạt cho toàn bộ không gian và thời gian trong vần thơ, nhấn mạnh thời điểm hiện tại ngay lúc này đây. Với bao điều lí thú nơi cuộc sống trần thế không khỏi hấp dẫn người ta mà nhà thơ muốn được ôm trọn nó vào lòng. Một bức tranh với ong bướm lượn lờ, dập dìu, xanh mát rì rào của đồng nội, phất phơ cành lá, thanh âm khúc ca tình si và ánh sáng bình minh lấp lánh, chớp chớp đôi hàng mi. Mọi thứ, vạn vật tạo nên một khung cảnh hữu tình, đẹp đến lạ khiến tác giả chỉ muốn ở mãi trong bức tranh tuôn trào nhựa sống, tràn đầy sắc xuân như vậy. Xuyên qua lăng kính của nhà thơ thì chim muông, thiên nhiên ai cũng đều có đôi, có cặp, gắn kết cùng nhau trong một trần thế ấm áp, tình yêu chớm nở. Xuân Diệu luôn dành một tình cảm sâu sắc, bền chặt nơi trần thế, do vậy đã có lần ông thổ lộ: “Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần/ Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”.

       Bài thơ chưa dừng lại ở đó, sự ngọt ngào còn thể hiện thật đắc ở câu thơ: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” Một câu thơ với sự sáng tạo đậm chất Xuân Diệu, một chút gì đó táo bạo, dịu dàng mà tinh tế vô cùng. Nhà thơ đã cảm nhận cái vô hình “tháng Giêng” thành cái hữu hình “ngon như cặp môi gần”, thời gian chỉ có thể là Xuân Diệu mới cảm nhận khác biệt bằng vị giác mà thôi. Nhà thơ xem tháng Giêng như một người phụ nữ dịu dàng, quyến rũ, ngọt ngào. Cái đẹp trong mắt người xưa là một chuẩn mực, ông ví người con gái với thiên nhiên hoa núi, mây, trời, còn khí phách người anh hùng là mai, trúc, tùng, điểu. Nhưng Xuân Diệu lại khác, cái đẹp trong mắt ông luôn mới mẻ, hiện đại mang hơi thở phương Tây. Một con người luôn đi tìm và yêu say đắm cái đẹp như Xuân Diệu đây thì chẳng gì ngăn cản ông được và vì thế mà ông lo sợ:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

       Vẻ đẹp không phải sẽ trường tồn mãi theo gian sao? Bằng sự nhạy bén, tinh tế của mình ông sợ cái đẹp mất đi nên ông nhận thấy sự trôi qua của thời gian sẽ khiến con người ta không thể níu kéo lại được. Thời gian tuyến tính một đi không trở lại, xuân qua hạ đến, thu sang, đông tàn rồi lại về xuân, nhưng không mau tận hưởng sẽ phí hoài thời gian, thanh xuân. “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi. Tình non sắp già rồi” (Xuân Diệu).

        Và ông lại trở nên lo sợ, nhìn mọi thứ đều nhuốm màu chia ly trong niềm vui sướng tận hưởng cái đẹp của tạo hóa:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Chẳng bao giờ, ôi!Chẳng bao giờ nữa…”

        Nhà thơ sợ tuổi trẻ vội đi nhanh như cũng sự tàn phai của thời gian vậy. Bằng hết mọi giác quan, có sự chuyển đổi cảm giác, mùi vị của nó chính là sự chia phôi đã được tác giả sử dụng để cảm nhận ở những câu thơ này. Nếu những dòng đầu rạo rực, tươi mới sức sống, niềm yêu thương dạt dào thì ở những dòng cuối là nỗi niềm bâng khuâng, buồn man mác, ngậm ngùi không muốn tiễn biệt, chia xa trần thế tươi đẹp này.

       Khi tiếc nuối thì người ta sẽ tìm đến sự khát khao mãnh liệt muốn ôm trọn, hưởng trọn hết cái tuyệt vời của đất trời, dù chỉ là còn vài phút, vài giây ngắn ngủi.

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”

       Sự lặp lại “ta muốn ôm” đi cùng động từ “ôm”, “riết”, “thâu” có thể xem là sự nhấn mạnh chủ động, niềm khao khát da diết của nhân vật tôi khi đứng giữa đất trời tươi đẹp, rộng lớn. Câu thơ kết cuối là một sự táo bạo “muốn cắn” cho thấy tột cùng của sự say mê muốn chiếm hữu nốt cái đẹp, tinh túy của thiên nhiên, cháy hết mình để không phải nuối tiếc ngày sau.


Kết bài Phân tích bài thơ Vội vàng

       Một tác phẩm ấn tượng, thể hiện sâu sắc những cảm nhận, chất thơ, phong cách của Xuân Diệu chưa bao giờ phủ nhận tầm quan trọng của “Vội vàng”. Nhà thơ luôn yêu và tìm đến cái đẹp, hòa nhập vào thiên nhiên đất trời. Nền văn học Việt Nam luôn có một phần đóng góp vô giá của Xuân Diệu.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021