logo

Phân tích bài thơ Tỏ lòng học sinh giỏi

Tuyển tập Phân tích bài thơ Tỏ lòng học sinh giỏi cực hay, chi tiết, đầy đủ nhất dành cho các bạn học sinh giỏi và thầy cô giáo chuyên văn.


Phân tích bài thơ Tỏ lòng học sinh giỏi - Bài mẫu 1

      Âm vang của thời đại Đông A với những chiến công hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm với ba lần chiến thắng chống quân Nguyên Mông đã in đậm trên nhiều trang viết của các tác giả đương thời. Phạm Ngũ Lão- một danh tướng nhà Trần cũng gửi lại cảm xúc của mình qua bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng). Dù chỉ vỏn vẹn hai mươi tám chữ nhưng tác phẩm "Tỏ lòng" đã thể hiện rõ hình tượng người tráng sĩ đời Trần với tư thế hùng dũng, hiên ngang và tấm lòng tận trung báo quốc.

 “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu 

  Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

      Phạm Ngũ Lão (1255- 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên), là con rể của Trần Hưng Đạo. Tuy là một võ tướng nhưng ông cũng thích đọc sách, ngâm thơ và từng được ngợi ca là văn võ toàn tài. Tác phẩm của ông còn lại không nhiều. Tuy nhiên, “Tỏ lòng” đã trở thành một dấu ấn trong lòng bạn đọc khi  khắc họa thành công vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao. Cùng với đó là vẻ đẹp của thời đại Đông A với sức mạnh và khí thế  hào hùng.

      Mở đầu bài thơ con người đã được phác họa bằng những câu thơ mang tinh thần dân tộc tự cường với sức khái quát cao:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

      Câu khai đề của bài thơ đã tạo nên một tư thế rất đẹp của con người. “Hoành sóc” có nghĩa là cầm ngang ngọn giáo. Bản dịch của tác giả Bùi Nam Nguyên dù đã cố gắng thể hiện dụng ý của Phạm Ngũ Lão nhưng hai chữ “Múa giáo” lại nghiêng về về phô trương, biểu diễn, không thể hiện được hết tư thế, tầm vóc của người anh hùng vệ quốc. Thế “hoành” của ngọn giáo khiến tầm vóc của con người như vươn lên ngang tầm với sông núi. Hình ảnh người tráng sĩ toát lên vẻ bình thản, hiên ngang, tràn đầy uy nghiêm và hùng tráng. Không những thế, trong mối quan hệ giữa con người- thời gian còn làm nổi bật về sự bền bỉ, vững chãi của người anh hùng. Bởi lẽ, người tráng sĩ ấy không chỉ đứng đó trong thoáng chốc mà đã trải qua “mấy thu” rồi. Câu thơ đã tao nên một con người với tư thế hùng vĩ giữa đất trời, ngang tầm với vũ trụ. Không những thế, cả đoàn quân nhà Trần cũng mang theo tư thế ấy khi bước vào trận chiến lịch sử.

      Nếu câu thơ đầu làm toát lên thần thái, tư thế của người anh hùng thì câu thơ tiếp đã hòa nhập tư thế, thần thái ấy thành sức mạnh của cả một đội quân bừng bừng khí thế:

“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”

      Tư thế sẵn sàng xung trận đã hình thành tứ thơ thật đẹp. Nếu cách hiểu: khí thế của đội quân lất át sao Ngưu  hơi trừu tượng nhưng  làm nổi bật được sức mạnh vô địch của đoàn quân nhà Trần thì cách hiểu: ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu lại đem đến cho người đọc cảm nhận cụ thể hơn về lực lượng hùng hậu của đội quân ấy. “Tam quân” không chỉ là đội hình tiền quân, trung quân, hậu quân trong bài binh bố trận mà đã được tác giả hình tượng hóa từ hình ảnh đội quân nhà Trần. Đội quân mang trong mình hào khí Đông A đã ba lần quét sạch quân Nguyên Mông  khỏi bờ cõi tạo nên một dấu son chói lọi trong lịch sử. Từ đó thêm phần khẳng định chân lý muôn đời như Trương Hán Siêu đã thể hiện trong “Phú sông Bạch Đằng”:

“Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

      Hai câu đầu bài thơ của bài đã trở thành một bức “phông nền” hoàn hảo để người tráng sĩ bộc bạch tấm lòng của mình trong hai câu thơ cuối:

 “Nam thính vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

      Đây chính là điều canh cánh trong lòng của người danh tướng, gắn với bổn phận làm trai của thời phong kiến. Bao đời nay, “công danh trái” ( nợ công danh) với khao khát lập công (tạo dựng sự nghiệp) ; lập danh( để lại tiếng  thơm muôn đời)  từng là điều ám ảnh khôn nguôi với những kẻ sĩ thời xưa. Phải chăng, một anh hùng như Phạm Ngũ Lão cũng không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “công hầu danh tướng” ấy? Giả sử có như vậy cũng là lẽ thường tình, nhất là trong thời đại giá trị con người được tạo nên từ những chiến công- thời thế tạo anh hùng. Câu thơ bộc lộ niềm khao khát lớn, một điều băn khoăn chưa trả được nợ với đời của chàng trai làng Phù Ủng năm nào. Nỗi niềm ấy càng được khắc sâu trong “nỗi thẹn” trong sự đối sánh với tấm gương Vũ Hầu Gia Cát Lượng thuở xưa- bậc mưu thần, danh tướng nổi tiếng thời Tam Quốc, người đã xả thân vì cơ nghiệp nhà Thục, vì chúa Lưu Bị. Tất cả đã rõ, tâm niệm của Phạm Ngũ Lão nào khác người xưa khi ông mong muốn làm nên công sự phò tá cho vua, thực hiện lý tưởng trí quân trạch dân cao cả của bề tôi trung thành tận tụy. Nỗi thẹn của người anh hùng không hề bình thường chút nào mà đó là nỗi thẹn của một nhân cách lớn. Băn khoăn ấy không dành riêng cho bản thân mà toàn tâm toàn ý hướng về sự nghiệp lớn muôn trời, vì sự bình yên của sơn hà, xã tắc, giống như Nguyễn Công Trứ đã từng viết:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

      Với bút pháp nghệ thuật xây dựng hình tượng người tráng sĩ mang hào khí đời Trần và ngôn ngữ thơ ngắn gọn, súc tích, “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã góp một làn gió thổi bừng những trang lịch sử chói lọi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc.

      Thời gian đã phủ một lớp bụi vô hình vào lịch sự, người tráng sĩ khắc trên vai chữ “sát Thát” năm nào nay cũng chỉ còn vang bóng và ngay cả tác giả cũng đã trở thành người  thiên cổ. Thế nhưng, “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão sẽ luôn là một tác phẩm ghi dấu trong trái tim người đọc. Đồng thời bồi dưỡng nhân cách sống có lí tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lí tưởng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay!


Phân tích bài thơ Tỏ lòng học sinh giỏi - Bài mẫu 2

      Phạm Ngũ Lão là một võ tướng có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược. Ông thích đọc sách, làm thơ, tuy chỉ để lại hai tác phẩm nhưng vẫn được ngợi ca là văn võ song toàn. “ Tỏ lòng” là một trong hai tác phẩm đó đã khắc họa vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần sục sôi trong “ Hào khí Đông A” cùng chí làm trai và nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão.

      Trong tác phẩm “ Tỏ lòng”, vẻ đẹp con người là vẻ đẹp người tráng sĩ thời Trần với tấm vóc kì vĩ sánh ngang cùng tầm vóc vũ trụ đã trải qua mấy thu:

“ Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”

( Múa giáo non sông trải mấy thu.)

      Bản dịch “ hoành sóc” là “ múa giáo” không lột tả hết vẻ đẹp trong phiên âm “ hoành sóc”. Bởi lẽ, “ múa giáo” diễn tả hành động còn “ hoành sóc” là thể hiện trạng thái tĩnh hiên ngang, lâu dài, bền vững như một bức tượng đồng. “ Hoành sóc” được đặt cạnh “ giang sơn”, “ kháp kỉ thu”, dường như nhà thơ đang đo ngọn giáo bằng chiều dài đất nước, bằng chiều rộng của mấy ngàn thu. Hình ảnh tráng sĩ lồng trong hình ảnh của cả dân tộc, kì vĩ, lớn lao, tăng thêm khí thế hùng tráng của hào khí Đông A:

“ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

( Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

      Trong câu thơ, từ “ tam quân” có thể hiểu như hổ báo hùng dũng nuốt trôi trâu, mạnh mẽ, mang dáng dấp của chúa sơn lâm đứng đầu muôn loài hoặc “ tam quân” cũng có thể hiểu như sao ngưu kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ. Quân đội nhà Trần lớn mạnh, hiên ngang tựa vì sao trên bầu trời đêm. Tuy trải qua bốn nghìn năm lịch sử gian lao nhưng vẫn cứ hùng dũng tiến về phía trước, toả ra ánh sáng lấp lánh. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, câu thơ cũng thể hiện một sức mạnh hào hùng, một khí thế mạnh mẽ được tạo nên từ sự đồng lòng, đồng chí của toàn quân nhà Trần.

      Quân đội hùng mạnh, xã tắc vững bền khiến Phạm Ngũ Lão trăn trở về chí làm trai và nỗi thẹn nợ công danh:

“ Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

( Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.)

      Trong xã hội phong kiến xưa, theo quan niệm Nho gia, đã làm trai là phải có chí. Chí làm trai ấy là tung hoành bốn phương, là lập sự nghiệp, là lưu tiếng thơm cho gia đình, dòng tộc, quốc gia xã tắc. Để làm được điều đó, buộc người nam nhi chỉ có thể hoặc là dùi mài kinh sử, nấu sử sôi kinh để làm quan văn hoặc là luyện võ đánh trận, tham gia chiến sự để làm quan võ. Do đó, không thực hiện được chí làm trai chính là đã nợ công danh. Nó gắn bó mật thiết với chí làm trai, đã làm trai thì phải trả nợ công danh, công danh như là nghĩa vụ:

“ Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.”

                                    Nguyễn Công Trứ 

      Chưa trả hết nợ công danh, người quân tử “ thẹn” khi “ nghe chuyện Vũ Hầu”. “ Thẹn” vì chưa lập công báo quốc, vì chưa có tài năng như Gia Cát Lượng để phò vua giúp dân. Nỗi “ thẹn” ấy chính là biểu hiện cao đẹp cho lí tưởng sống, cho hoài bão lớn lao của người con trai đời Trần làm sáng bừng hào khí một thời.

      Bài thơ “ Tỏ lòng” được viết bằng chữ Hán theo thể tứ tuyệt Đường luật, tuy cả bài tóm gọn trong hai mươi tám chữ nhưng với hình ảnh cô đọng, hàm súc, giọng điệu hùng tráng, phép liên tưởng, so sánh giàu sức gợi…đã gợi lên vẻ đẹp sục sôi của hào khí Đông A cùng chí khí nam nhi của người quân tử. Đây cũng chính là một nét vẽ tinh tế mà sâu sắc về lòng yêu nước nơi trái tim Phạm Ngũ Lão.


Phân tích bài thơ Tỏ lòng học sinh giỏi - Bài mẫu 3

Mở bài Giới thiệu bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

      Tỏ lòng là một bài thơ hay của tướng quân, nhà thơ Phạm Ngũ Lão. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ nhưng ý nghĩa của nó lại vượt qua phạm vi chiều dài bốn câu thơ ấy. Bài thơ như một lời tâm sự chân thành của một vị tướng quân tài giỏi vào sinh ra tử cùng thời đại mình.

Thân bài Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

      Mở đầu bài thơ Phạm Ngũ Lão thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của một người dân đối với triều đại mình:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu “

“Múa giáo non sông trải mấy thu”

      “Hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo, “kháp kỉ thu” là trải qua biết bao nhiêu mùa thu. Ở đây nhà thơ muốn thể hiện hào khí của thời đại mình. Một thời đại yên ổn hòa bình, nhân dân no đủ nhưng đồng thời cũng phải đối đầu với quân giặc hung hãn nhất. Đó chính là giặc Nguyên Mông. Bảo vệ đất nước là công cuộc trải dài biết bao nhiêu thế kỉ. Người quân tử cầm ngang ngọn giáo để canh giữ cho cả một chiều rộng của đất nước Việt. Ở đây bản dịch không sát nghĩa với ý thơ, “múa giáo” không thể hiện được sự oai hùng, uy nghi của việc cầm giáo để bảo vệ đất nước. “Mấy thu” không thể diễn tả hết ý nghĩa của “kỉ thu”. Sự nghiệp bảo vệ đất nước là lâu dài, “kỉ thu” vẫn mang nghĩa lâu dài và lớn hơn “mấy thu”.

      Nếu câu thơ đầu nhà thơ nhắc đến trách nhiệm của bản thân nói riêng và nam tử thời Trần nói chung và phần nào thể hiện hào khí Đông A thì câu thơ thứ hai lại càng thể hiện rõ hào khí Đông A biểu hiện qua sức mạnh quân đội nhà Trần: “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”

      Quân đội nhà Trần được chia làm ba thứ quân, mỗi người lính đều mang trong mình một ý chí chiến đấu bất khuất, anh hùng. Chính vì thế mà trăm người như một. Khi có sự đồng lòng, sức mạnh của ba quân không chỉ dừng lại ở sức mạnh thể chất mà nó còn là sức mạnh tinh thần, sức mạnh ý chí. Ba quân nhà Trần tựa như hổ báo, ý chí át cả sao Ngưu trên trời. Người Việt tuy nhỏ bé nhưng ý chí thì lúc nào cũng cao ngút trời. Bởi chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh để bảo vệ giang sơn của ông cha, bảo vệ nhân dân thoát khỏi những ách đô hộ áp bức.

      Trước sức mạnh quân dân nhà Trần, trước trách nhiệm của một người nam tử với đất nước, nhà thơ suy nghĩ về phận nam nhi trên đời: “Nam nhi vị liễu công danh trái”

“Công danh nam tử còn vương nợ”

      Một nhà thơ ngông nghênh ngất ngưởng, thích làm những gì mình thích là Nguyễn Công Trứ cũng đã từng bày tỏ quan niệm về phận nam nhi trên đời: “Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

      Nếu như Nguyễn Công Trứ cho rằng làm trai là phải đi nam về bắc, đánh tây dẹp đông để có thể tung hoành ngang dọc khắp chốn đất nước thì Phạm Ngũ Lão cũng cho rằng chí làm trai phải có công với đất nước. Không chọn cách nói ẩn ý, Phạm Ngũ Lão trình bày rõ ràng mục tiêu, trách nhiệm của phận nam nhi. Công danh giống như một cái nợ của phận nam nhi trong thiên hạ.

      Không chỉ vậy, nhà thơ còn thể hiện nỗi thẹn của mình khi so sánh với một vị tướng tài ba như Vũ Hầu: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

      Vũ Hầu là Gia Cát Lượng người có công rất lớn bởi những kế sách uyên thâm của mình giúp tướng, giúp vua trị vì đất nước, chống giặc ngoại xâm. Bản thân nhà thơ tuy đã có nhiều công danh với đất nước. Nhưng khi so sánh với Vũ Hầu, nhà thơ lại cảm thấy thẹn vì chưa làm được những việc lớn lao như thế cho vua, cho nước. Ta có thể thấy ở Phạm Ngũ Lão một tấm lòng hết mình vì đất nước nhưng vẫn khiêm tốn.

Kết luận Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

      Như vậy qua đây ta có thể thấy bài thơ Tỏ lòng là một bài thơ vừa thể hiện được hào khí Đông A hào hùng của một thời đại lại vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của một vị nhà thơ – tướng quân dốc hết sức lực và tài năng của mình dành cho đất nước. Có thể nói Phạm ngũ Lão càng khiêm tốn bao nhiêu, thẹn bao nhiêu thì người dân càng yêu mến ông bấy nhiêu.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2021 - Cập nhật : 08/05/2021