logo

Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương

icon_facebook

Giữa muôn vàn tác phẩm viết về đề tài chiến tranh đầy xúc động thì bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương nổi bật hơn cả khi viết về sự hi sinh thầm lặng của những nữ dân quân thời chiến. Cùng Toploigiai theo dõi bài viết Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương để làm rõ hơn điều này nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả

+ Nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

+ Phong cách nghệ thuật thơ: Viết về đề tài chiến tranh, thơ của Vũ Quần Phương lại thể hiện khát vọng hòa bình và những suy tư về chiến tranh ở những khoảng lặng của chiến trường.

- Khái quát nội dung của tác phẩm: Bài thơ là cái nhìn đầy lãng mạn của nhà thơ đối với người nữ dân quân đồng thời còn là người mẹ dịu hiền, chan chứa tình yêu thương đối với đứa con yêu dấu của mình.

2. Thân bài

2.1 Nội dun

* Khổ thơ thứ nhất:

Trực chiến về, mẹ hát ru con
Lối ngõ thôn thơm mùi ổi chín
Sau cơn mưa khí trời ngọt lịm
Đêm xanh ngời khi ngôi sao lê

- Trực chiến về, mẹ hát ru con => Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, họ vừa là những người dân quân vừa là những người mẹ => Sự dũng cảm, mạnh mẽ và sự dịu dàng

- 3 câu thơ sau: Khung cảnh làng quê Việt Nam yên bình.

* Khổ thơ thứ 2:

Hai đầu kèo võng lại ru êm
Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế,
Cánh cò trắng bay ra trận địa
Nghe tiếng ru cò lại bay về.

- 2 câu đầu: Tình thương yêu của người mẹ dành cho con: người con được che chở, bảo vệ trong vòng tay của mẹ

- 2 câu sau: thể hiện sự hòa quyện, gắn kết giữa tình yêu đất nước và tình cảm gia gia đình
Hình ảnh ẩn dụ “cánh cò”: tượng trưng cho hình ảnh người mẹ: 

* Khổ thơ thứ ba

Cò lại vào trong giấc con mơ
Xanh biếc tuổi thơ-con cò bay vồi vội
Nước chảy ngoài kia, bờ đê gió thổi
Xóm mạc êm đềm trong đêm ca dao.

- Hình ảnh cánh cò gần gũi giản dị như tình yêu của mẹ, hình ảnh cánh có gắn liền với tuổi thơ của con, làm cho tuổi thơ của con yên bình và tươi đẹp, đó cũng là những gì người mẹ đã, đang và sẽ làm cho con.

- Người mẹ mọng muốn người con được lớn lên trong khung cảnh bình yên và đẹp đẽ, được nhìn những dòng sông xanh biếc mang nước đến ruộng đồng, được cảm nhận làn gió mát rượi thổi trên những bờ đê, được sống trong làng quê thanh bình, êm đềm và lớn lên cùng những câu hát ca dao.

* Khổ thơ thứ tư 

Trăng đã ngời trên ngọn phi lao
Cát lại trắng như nghìn năm mộng ước
Mẹ hát ru con trong lòng đêm đất nước
Một cánh cò bay suốt canh khuya…

- Niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước

- Người mẹ đưa mộng ước vào trong câu hát, mong đất nước sớm ngày độc lập.

- Câu thơ “Một cánh cò bay suốt canh khuya…” => hình ảnh cánh cò vừa tượng trưng cho người mẹ tần tảo vất vả vừa tượng trưng cho đất nước. Để có được độc lập, đất nước cũng sẽ phải trải qua những khó khăn, mất mát, đau thương.

* Khổ thơ thứ 5

Đêm êm lành- con cứ ngủ ngoan đi
Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột
Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt
Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa.

=> Lời hứa của mẹ: sẽ cho con cuộc sống bình yên, niềm tin vào sức mạnh của nhân dân sẽ chiến thắng kẻ địch đem về độc lập, tự do cho dân tộc, tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

=> Người mẹ gửi gắm mong ước về ngày độc lập của đất nước vào những lời hát ru với hi vọng truyền cho con lòng yêu nước và niềm tin vào sức mạnh của dân tộc.

Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương

* Câu thơ cuối: “Con cò bay lả- bay la...”

- Giống như một lời hát ru.

- Âm hưởng thơ vang vọng.

2.2 Nghệ thuật

- Thể thơ: 7 chữ

- Ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường, bình dị. Những vần thơ của ông cứ tự nhiên, chân thành và đời thường như ngôn ngữ trong cuộc sống thường nhật.

- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc với con người nhất. Đó là hình ảnh của lối ngõ, bụi tre, cánh cò,…

- Giọng điệu bài thơ: tâm tình, tha thiết

- Phép tu từ: ẩn dụ, so sánh,…

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Khẳng định lại tài năng của tác giả.


Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương

Vũ Quần Phương là một trong những cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, suốt thời gian cầm bút ông đã tạo nên dấu ấn riêng của mình. Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Vũ Quần Phương vẫn luôn thể hiện chất riêng của bản thân mình, thơ ông hướng đến khát vọng hòa bình, tự do và thể hiện những suy tư về chiến tranh ở những khoảng lặng của chiến trường chứ không phải ở sự khốc liệt, bi thương trong chiến tranh. Vũ Quần Phương lấy người lao động, lấy cảnh vật, lấy hơi thở đời sống để bộc lộ cái tôi trữ tình, cái cảm xúc cá nhân, chân thành, giản dị, dễ hiểu, là thước đo những giá trị đạo đức, cổ vũ, truyền tải ý niệm về tinh thần lạc quan, trân trọng cuộc sống, bài học ý nghĩa cho đời. Bài thơ Sau giờ trực chiến là một bài thơ như vậy, bài thơ mang đến cảm giác bình yên và thể hiện cái nhìn đầy lãng mạn của nhà thơ đối với người nữ dân quân đồng thời còn là người mẹ dịu hiền, chan chứa tình yêu thương đối với đứa con yêu dấu của mình.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh người mẹ trở về sau những giây phút trực chiến căng thẳng và đầy nguy hiểm: 

“Trực chiến về, mẹ hát ru con  
Lối ngõ thôn thơm mùi ổi chín  
Sau cơn mưa khí trời ngọt lịm  
Đêm xanh ngời khi ngôi sao lên”

Câu thơ “Trực chiến về, mẹ hát ru con” gợi lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh: vừa mạnh mẽ, gan góc khi cầm súng bảo vệ quê hương, vừa dịu dàng, yêu thương trong vai trò làm mẹ. Ba câu thơ tiếp theo khắc họa khung cảnh làng quê Việt Nam thanh bình khi bước vào mùa thu với mùi ổi chín, khí trời ngọt lịm, và bầu trời sao lấp lánh sau cơn mưa. Qua những câu thơ, tác giả thể hiện sự yêu thương, trân trọng những người phụ nữ giàu tình yêu gia đình và giàu lòng yêu nước, đồng thời thể hiện sự trân trọng những khung cảnh bình yên, trong trẻo giữa cuộc chiến khốc liệt.

Sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ vẽ nên một bức tranh yên bình, ấm áp về tình mẹ con. Ở đó người mẹ dịu hiền đang kéo võng ru đứa con bé bỏng vào những giấc ngủ ngoan:

“Hai đầu kèo võng lại ru êm  
Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế,  
Cánh cò trắng bay ra trận địa  
Nghe tiếng ru cò lại bay về.”  

Câu thơ “Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế” gợi tả sự che chở, bảo bọc của người mẹ dành cho đứa con nhỏ. Hình ảnh “cánh cò trắng” bắt đầu xuất hiện từ đây và sẽ xuyên suốt đến hết bài thơ. Hành trình của “cánh cò trắng” là ẩn dụ cho hành trình của người mẹ. Đó là những ngày tháng vất vả, hiểm nguy ngoài trận địa, mẹ chiến đấu vì đất nước mà cũng là vì người con yêu dấu. Cũng vì muốn được ôm con trong vòng tay, được hát ru con ngủ mà mẹ được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu.

“Cánh cò trắng” không chỉ bay ra trần địa rồi lại bay về bên tiếng ru quanh nôi, cánh cò ấy còn đi vào trong những giấc mơ của người con và nuôi dưỡng tâm hồn con:  

“Cò lại vào trong giấc con mơ  
Xanh biếc tuổi thơ-con cò bay vội vội  
Nước chảy ngoài kia, bờ đê gió thổi  
Xóm mạc êm đềm trong đêm ca dao.”  

Khổ thơ thể hiện mong ước của người mẹ dành cho con. Người mẹ hi vọng chiến tranh sẽ không lấy đi tuổi thơ bình yên và đẹp đẽ của con. Mong muốn con được lớn lên trong bình yên và hạnh phúc, có được tuổi thơ “xanh biếc”. Nhìn ở một góc độ khác, có lẽ đây cũng chính là tuổi thơ mà người mẹ đã từng mơ ước. Cò “lại” đi vào giấc mơ con, cánh cò ấy phải chăng cũng đã từng đi vào những giấc mơ của người mẹ? Một tuổi thơ được ngắm nhìn những cánh cò bay trên bầu trời, được rong chơi trên những con đê gió thổi mát rượi và có được nghe những câu hát ca dao trong những đêm yên bình của lòng xóm hẳn là tuổi thơ mà rất nhiều đứa trẻ khi ấy mong ước. Người mẹ nhờ những lời hát ru, nhờ cánh cò trắng để gửi cho con những tình cảm yêu thương nhất, những mong muốn tốt đẹp nhất đến cho con.

Nếu những khổ thơ trên mang âm hưởng nhẹ nhàng, du dương thì đến khổ thơ thứ tư, người đọc lại cảm nhận được âm hưởng sử thi:

“Trăng đã ngời trên ngọn phi lao  
Cát lại trắng như nghìn năm mộng ước  
Mẹ hát ru con trong lòng đêm đất nước  
Một cánh cò bay suốt canh khuya…” 

Hình ảnh “trăng đã lên” kết hợp với phép so sánh giàu liên tưởng “Cát lại trắng như nghìn năm mộng ước” đã thể hiện khát vọng mãnh liệt về tương lai tươi sáng, hòa bình của đất nước. Cánh cò ở trong khổ thơ này không chỉ tượng tương cho người mẹ tần tảo, kiên cường mà còn tượng trưng cho ý chí, nghị lực của người dân Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập.

Nếu khổ thơ trên là khát vọng về một tương lai tươi sáng của dân tộc thì ở khổ thơ cuối là niềm tin vào viễn cảnh tốt đẹp ấy:

“Đêm êm lành - con cứ ngủ ngoan đi  
Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột  
Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt  
Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa.”

Những câu thơ giống như lời tâm tình, lời dặn dò và cũng giống như lời hứa của người mẹ dành cho người con của mình. Người mẹ vừa gửi gắm tình yêu thương vô bờ bến của mình, vừa là lời hứa sẽ bảo vệ cho con, con sẽ luôn được bao bọc trong vòng tay của mẹ, vì vậy con không cần lo lắng điều gì, chỉ “cứ ngủ ngoan” và “cứ mơ theo cánh cò trắng muốt”. Câu thơ “Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa” gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Giấc mơ gần có thể là mong muốn con được ngủ yên và giấc mơ xa là mong ước về ngày độc lập, hòa bình của đất nước. Sự gắn kết, liền mạch này ấy cho thấy sự hòa quyện những tình cảm gia đình và tình yêu đất nước, thấy được sự hòa quyện giữa tình cảm chung và tình cảm riêng tư cá nhân. Bên cạnh đó, khổ thơ còn thể hiện niềm tin, sự khẳng định về tương lai tươi sáng của đất nước. Câu thơ “Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột” đã cho thấy tâm thế sẵn sàng của người mẹ và cũng là của rất nhiều người dân Việt Nam, họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước và cũng chính là bảo vệ những người thân yêu của mình.

Kết thúc bài thơ là câu thơ sáu chữ “Con cò bay lả- bay la...” mang đậm âm hưởng ca dao, dân ca khiến cho bài thơ có sức vang vọng và làm tăng tính nhạc cho bài thơ. Bài thơ được viết bằng thể thơ bảy chữ, với nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, tạo cảm giác như một bài hát ru. Ngôn ngữ thơ giản dị, đậm chất đời thường. Nhà thơ cũng sử dụng những hình ảnh gần gũi như “lối ngõ”, “bờ đê”, “cánh cò”,… nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Những yếu tố nghệ thuật ấy đã giúp nhà thơ truyền đạt nội dung và tư tưởng của bài thơ đến với đọc giả một cách dễ hiểu và trọn vẹn nhất.

Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương đã thể hiện một cách nhìn rất riêng của nhà thơ về chiến tranh, trong đó ông trân trọng những khoảnh khắc yên bình giữa chiến trường. Bài thơ cũng thể hiện lòng yêu nước,sự biết ơn và trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ vừa là những dân quân kiên cường, quả cảm, vừa là những người mẹ tần tảo, giàu tình yêu thương.

icon-date
Xuất bản : 04/12/2024 - Cập nhật : 04/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads