logo

Phân tích bài thơ Sang Thu


Mở bài Phân tích bài thơ Sang Thu

          “Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời”, có lẽ bởi thế chăng mà mùa thu đã trở thành nguồn thi cảm cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, đã từng có chùm thơ thu của Tam nguyên yên đổ Nguyễn Khuyến, ta lại thêm xốn xang trước những rung cảm tinh tế của Xuân Diệu trong Đây mùa thu tới, nhỏ nhẹ và khiêm nhường, Hữu Thỉnh góp vào thế giới thơ thu một tiếng “Sang Thu”.


Thân bài Phân tích bài thơ Sang Thu

          Bao giờ cũng thế, tín hiệu luôn là thứ để ta nhận biết sự hiện của bất kì điều gì, nhưng điều khiến cho người đọc thấy thú vị và bất ngờ, đó là tín hiệu mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

         Nếu như trong “Đất nước”. hương cốm mới thơm mùi lúa non đã phả vào trang thơ của Nguyễn Đình Thi để gọi dậy hương vị về một thu Hà Nội nay đã xa, thì trong thơ Hữu Thỉnh mùa thu lại được gợi nên bằng hương ổi. Hương ổi vốn vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng những rung cảm tinh tế của tâm hồn nghệ sĩ, thế nhưng động từ “phả” trong câu thơ dưới đã tạo cho người đọc cảm giác mãnh liệt hơn về sự hòa quyện nồng nàn giữa hương ổi và gió se. Hương ổi quê hương mộc mạc, giản dị, như đang thì thầm trong gió rằng nàng thu đã ghé chơi, rằng nhân gian lại được một lần ngắm cảnh trời trong xanh biếc, nhưng phải chăng hương ổi trong thơ Hữu Thỉnh còn gợi về hương vị của tuổi thơ, của quê hương dấu yêu mang những êm đềm một thuở. Có lẽ vì thế mà Sang thu không phải là lần đầu hương ổi được nhắc đến trong thơ ông. Không chỉ cảm nhận bằng khứu giác, xúc giác, Hữu Thỉnh còn đề thơ vào lòng người khi dường như đang nghe cả nhịp bước chuyển mình tinh tế của mùa thu:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”.

 Phân tích bài thơ Sang Thu | Văn mẫu 9 hay nhất

          Từ láy “chùng chình” giúp người đọc hình dung thu đến như một nàng thiếu nữ duyên dáng đang  nghe thăm trần gian, đang mang phấn thông vàng của tình yêu đến muôn nơi, để gửi hương cho gió, để đề thơ vào cảnh vật. Cái chùng chình vốn vô hình, dịu nhẹ mà cũng ngập ngừng ấy, hồn thơ của Hữu Thỉnh đã kịp nắm bắt, nhưng vẫn còn băn khoăn lưỡng lự, “hình như” thu đã về mà vẫn chưa về hẳn, thu mới chỉ đang dạm ngõ chứ chưa bén duyên ở muôn nơi. Cái hình như vang lên nghe vừa mang sắc thái thảng thốt, ngỡ ngàng lại cũng nhẹ nhàng như một tiếng reo vui “đây mùa thu đã về” rồi.

          Nếu như ở khổ thơ trên, mùa thu được cảm nhận, được lắng nghe ở trong thế giới nội cảm của Hữu Thỉnh thì đến khổ thơ tiếp sau, đôi mắt của ông đã mở rộng điểm nhìn, quan sát cảnh vật ở một không gian bao quát, toàn cảnh hơn:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội và

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

       Thiên nhiên cũng như đang chuyển mình trên trang thơ của Hữu Thỉnh, chọn cảnh điểm tên, chỉ một vài nét phác họa thô sơ, Hữu như đang họa nên một bức tranh mùa thu trên trang hoa tờ hoa của mình vậy. Dòng sông qua cái nắng nồng mùa hạ, không còn chảy xiết một cách dữ dội đầy giận dữ mà êm đềm hơn, yên ả hơn, nhân hóa gọi con sông được lúc “dềnh dàng”, Hữu Thỉnh tưởng như đã bỏ một chút nét buồn của mùa thu cho con sông quê hương, bỏ một chút nét đợi nét chờ cho dòng chảy của xứ sở, khiến con sông hiện lên hiền hòa biết mấy. Nhưng ngược với chuyển động của dòng sông, những đàn chim lại nô nức bay về phương Nam tránh rét, nên những cánh chim thoáng nét lo âu “vội vã” trên khoảng trời của riêng mình. Song có lẽ, ấn tượng hơn cả với người đọc là hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Động từ “vắt” thật duyên, thật đẹp biết mấy, đã nhân hóa dòng sông giống như chiếc khăn voan mềm mại, duyên dáng, như người thiếu nữ thôn quê ngập ngừng e thẹn, mà cũng như bỏ ngỏ một chút nhớ chút thương cho mùa hè đã qua, một chút hẹn chút mong chờ mùa thu đang gõ cửa. Hình ảnh đám mây vắt nửa mình hay chính là thời khắc giao mùa không tên, nhưng Hữu Thỉnh một lần nữa đã hữu hình hóa những chuyển động vô hình, gần gũi hóa những rung cảm tinh tế xa xôi ấy trên trang viết của mình. Lắng nghe cả được bước đi của thời gian, cả thiên nhiên cảnh vật, không có một tâm hồn đan dệt bởi những sợi tơ tinh tế, Hữu Thỉnh sao có thể bén duyên với khoảnh khắc “sang thu” đẹp đến nao lòng như vậy.

       Để rồi, không chỉ cho người đọc cảm nhận thu sang bằng các giác quan, Hữu Thỉnh còn bỏ ngỏ những chiêm nghiệm sâu sắc của mình:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

         Hàng cây đứng tuổi phải chăng là ẩn dụ cho hình ảnh con người khi đã kinh qua nhiều sóng gió của cuộc đời, trưởng thành hơn, chững chạc hơn, vậy nên những khó khăn, hay những thử thách không khiến con người ta sợ hãi, bất ngờ nữa, mà trái lại đối diện với nó bằng một tâm thế bình thản, bằng sự chắt chiu dành dụm những bài học của trường đời. Cây sang thu, cây thay lá, hay cũng chính là hình ảnh khác của con người sang thu, sang một dốc cao hơn của cuộc đời, trầm mặc, bình lặng trước bão giông.


Kết bài Phân tích bài thơ Sang Thu

         Sang thu là tiếng thơ đẹp nhất của Hữu Thỉnh khi viết về mùa thu, tưởng như mùa thu đã mài mực để dệt nên biết bao nhiêu vần thơ hay, nhưng Sang thu vẫn mang một nét riêng bởi thời khắc chuyển giao mùa đầy tinh tế, bởi Hữu Thỉnh không chỉ cho người đọc cảm về mùa thu, mà còn gợi về cả một mùa thơ, mùa của cái đẹp, cái nhớ, cái đợi, cái chờ.

Các bài viết liên quan:

Tác giả - Tác phẩm: Sang thu (Hoàn cảnh sáng tác, Tóm tắt, Nội dung, Sơ đồ tư duy)

Soạn bài: Sang thu

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 01/05/2021