logo

Phân tích bài thơ Nhàn


Mục lục nội dung

Phân tích bài thơ Nhàn

Phân tích bài thơ Nhàn | Văn mẫu 10 hay nhất

        Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam từ Lê – Mạc xưng hùng đến Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, một mặt ông vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống, một mặt ông luôn bảo vệ và gìn giữ những giá trị đạo lí bằng thái độ thâm trầm của bậc đại nho. Nói đến quan niệm vượt ra cái tầm thường của cuộc sống bon chen vì danh lợi ta phải kể đến bài thơ “Nhàn” tiêu biểu của ông.

         Để thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh giữa thế cuộc đảo điên thì lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ mình trong sạch. Một cuộc sống nhàn không ảm đạm mà đầy thú vị :

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào”

         Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn bình dị trong cái bận rộn giống như một lão nông thực thụ. Dù là lão nông với mai, cuốc, cần câu nhưng câu thơ hiện lên cho thấy đó là cách chọn lựa thú hưởng nhàn tao nhã với “ngư, tiều, canh, mục” đối lập với cuộc sống xô bồ bon chen đầy biến động ngoài kia. Dáng vẻ thơ thẩn được phác hoạ trong câu thơ thật độc đáo tô điểm cho cái thơ thẩn khác đời của nhà thơ. Đối với nhà thơ, cuộc sống diễn ra rất tự do, vô tư, an nhiên và bình lặng. Ẩn sau mỗi câu chữ là một thái độ sống mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, một lẽ sống rất “đời”. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn cách trở về với cuộc sống của một nông tri điền bình dị:

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người kiếm chốn lao xao"

         Hai câu thực là một cách phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với những ai giữa cuộc đời. Đặt ra sự đối lập một bên là dại của ta với khôn của người. Rõ ràng, đây chính là thái độ sống bình tĩnh, bình tâm của chính tác giả. Bởi vì người đời lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn. Cách nói này đã đưa nhà thơ vươn tầm để đứng trên tất cả, vươn lên tầm cao mà tránh xa cuộc đời phàm trần bụi bặm. Nhưng không giống lối nói ngược của Khuất Nguyên thuở xưa « Người đời tỉnh cả, một mình ta say » đầy u uất, Trạng Trình đã cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay bằng tư thế của một bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn - dại:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao"

          Đến đây trái tim và tấm lòng đã rộng mở để hoà hợp với tự nhiên. Chọn ở lại và đến với thiên nhiên không chút do dự, u sầu hay phiền não. Các từ ngữ “măng trúc” , “giá”, “sen” càng khẳng định những giá trị đến từ thiên nhiên. Thiên nhiên bây giờ vừa hữu hình, vừa vô hình. Chính nó đã gột rửa cho tâm hồn con người thanh sạch, xóa bỏ bụi trần để trở về với thuần hậu nguyên thủy của nông thôn ngày trước. Khi danh lợi như sức hút của nam châm, khi đồng tiền là thứ có thể đổi trắng thay đen thì người ta chọn một lẽ sống đáng trân quý:

"Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao"

        Đến đây ta càng thấy cái tôi của nhà thơ được bộc lộ rõ nét. Đó là lẽ ghét thương, ông cho rằng danh hoa phú quý là những giá trị vật chất tầm thường rồi sẽ phai nhạt theo thời gian, chỉ có lẽ đời với cốt cách thanh sạch còn sống mãi. Khi xã hội bon chen, sát phạt, luồn cúi lẫn nhau, khi con người vì danh lợi mà buông xuôi không giữ được mình thì tác giả chọn lẽ sống “nhàn” để bảo vệ mình, để giữ trọn vẹn sự thanh sạch, cao quý. Đó là thái độ sống tích cực, sống có ý nghĩa. Song, đối lập với giá trị cao quý là sự tầm thường trong suy nghĩ và lối sống:

"Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến, khó thì lui"

(Thói đời)

        Rõ ràng, danh lợi chỉ là những giá trị nhất thời còn cốt cách mới là mãi mãi. Có lẽ vậy mà tác giả đã lui về ở ẩn để thỏa lối sống nhàn, tránh xa những mưu toan tính toán, tranh giành thiệt hơn. Ông vẫn cống hiến hết mình vì đất nước, quê hương nhưng chưa bao giờ màng đến công danh phú quý hay vì thế mà đánh mất mình. Quả đúng, ta hãy chọn cách sống bình thường nhưng không tầm thường.

       Bài thơ đã bộc lộ một triết lí sống, quan điểm sống mang đậm dấu ấn và cái tôi tác giả. Bởi thế mà nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thế hệ hôm nay là mầm non của tương lai hãy sống có mục đích, có định hướng, sống đẹp và có ý hơn trong cuộc đời, hãy sống bình thường nhưng không tầm thường.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021